Các mạng xã hội tích cực ngăn chặn thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19

Ánh Dương| 04/12/2020 15:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Những thông tin về vắc-xin COVID-19 đang bắt đầu lan truyền thường xuyên hơn cùng rất nhiều thông tin sai, thông tin giả trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, các nền tảng mạng xã hội đã lên kế hoạch nhằm loại bỏ những tuyên bố sai sự thật liên quan đến vắc-xin cho loại vi-rút này.

Trang mạng xã hội Facebook ngày 3/12 đã tuyên bố sẽ gỡ bỏ các nội dung đăng tải thông tin về vắc-xin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà các chuyên gia y tế đã khẳng định là sai lệch. Đây là động thái kiên quyết tiếp theo của hãng công nghệ khổng lồ này nhằm chống các thông tin giả tràn lan trên mạng trong bối cảnh nhiều loại vắc-xin COVID-19 sắp kết thúc thử nghiệm lâm sàng và chuẩn bị được tung ra thị trường.

Các mạng xã hội tích cực ngăn chặn thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: University of Maryland)

Theo đó, Facebook đã lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn các loại thông tin giả mạo liên quan đến vắc-xin ngừa COVID-19 nếu các thông tin đó không được các tổ chức y tế tên tuổi công nhận hoặc mâu thuẫn với thông tin của các cơ quan y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hay Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Theo Neowin, chính sách mới sẽ áp dụng cho cả Facebook và Instagram. Bất kỳ tin tức giả mạo nào liên quan đến vắc-xin COVID-19 như thành phần, hiệu suất và tác dụng phụ của chúng sẽ bị xóa khỏi nền tảng ngay lập tức. Các chuyên gia y tế công cộng đã xác minh những tuyên bố này sẽ được sử dụng như nguồn gốc của sự thật. "Với thông tin giả mạo gần đây cho rằng, vắc-xin COVID-19 sẽ sớm được phân bổ ra trên khắp thế giới, chúng tôi sẽ bắt đầu xóa bỏ những tuyên bố sai lệch bị các chuyên gia y tế bác bỏ công khai trên Facebook và Instagram", người phát ngôn của Facebook cho biết.

Facebook dự định sẽ hướng người dùng tới Trung tâm Thông tin COVID-19 của hãng để họ được cập nhật những thông tin đúng và đã được kiểm chứng.

Trước đó, để ngăn chặn thông tin sai lệch liên quan đến vắc-xin ngừa COVID-19, Facebook đã làm cho người dùng khó tìm kiếm thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19 hơn bằng cách "hạ cấp" (downranking) mức độ thông tin và nhờ vậy, những thông tin đó sẽ ít hiển thị hơn trên trang dữ liệu tin của người dùng (newsfeeds).

Năm ngoái, Facebook đã cấm mọi hình thức quảng cáo về vắc-xin trong nỗ lực ngăn chặn sự lan truyền nội dung sai lệch. Không chỉ riêng Facebook, Twitter cũng đang trở nên quyết liệt hơn trong việc thông báo cho người dùng khi nội dung có thông tin tương tự về vắc-xin COVID-19.

Các mạng xã hội tích cực ngăn chặn thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19 - Ảnh 2.

YouTube cũng tham gia tích cực vào việc cấm video đưa thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19.

Không đứng ngoài cuộc chiến đó, YouTube cũng tham gia tích cực vào việc cấm video đưa thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19.

Theo đó, YouTube cam kết sẽ gỡ bỏ các video có nội dung gây hiểu lầm về việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 hoặc những nội dung thông tin mâu thuẫn với quan điểm của các cơ quan y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là một phần nỗ lực mới của nền tảng này nhằm đối phó với các thông tin sai lệch về COVID-19.

Tuy nhiên, những hạn chế trên sẽ không áp dụng cho các nhận xét hoặc bài đăng không được trả phí.

Trước đó, YouTube đã cấm các tuyên bố "không có căn cứ về mặt y tế" liên quan đến COVID-19 đăng trên YouTube. Nhưng hiện nay, YouTube đã mở rộng chính sách này sang các nội dung liên quan đến vắc-xin.

"Vắc-xin COVID-19 có thể sắp ra mắt, do đó, chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi có các chính sách phù hợp để có thể xóa thông tin sai lệch có liên quan", theo thông báo của YouTube.

Từ tháng 3 đến tháng 10, Facebook và Instagram đã xóa 12 triệu mẩu thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19. Chỉ riêng trong tháng 4, họ đã đặt nhãn cảnh báo trên khoảng 50 triệu nội dung, và hạn chế được 95% người xem nhấp đọc nội dung sai lệch. Từ tháng 3 đến tháng 10, Facebook đã dán nhãn cảnh báo trên tổng cộng 167 triệu mẩu nội dung.

Còn đối với YouTube, nền tảng này cũng cho biết đã loại bỏ nhiều nội dung không đúng về dịch COVID-19, trong đó có hơn 200.000 video gây hiểu lầm hoặc chứa thông tin nguy hiểm về đại dịch này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các mạng xã hội tích cực ngăn chặn thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO