Các yếu tố thành công của thành phố thông minh

Hòa Đoàn, Phạm Thu Trang| 17/10/2018 19:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội thảo quốc tế về đô thị thông minh lần thứ tư ở thủ đô Washington DC đã tập hợp các chuyên gia địa phương, quốc gia và toàn cầu để thảo luận về áp dụng công nghệ thành phố thông minh.

Thành phố thông minh là một khái niệm tương đối mới kết hợp trí tuệ con người, tập thể và nhân tạo để tăng hiệu quả hoạt động, chia sẻ thông tin và nâng cao chất lượng dịch vụ của chính phủ và phúc lợi của công dân. Các thiết bị IoT đang trở thành một phần thiết yếu của cơ sở hạ tầng của một thành phố thông minh. Công nghệ này giúp thu thập dữ liệu và giải quyết những thách thức mới và hiện tại, bao gồm tắc nghẽn giao thông, sử dụng năng lượng, lập kế hoạch thành phố và an toàn.

Tại hội nghị năm nay, nhiều xu hướng đã được thảo luận, nổi bật nhất là công nghệ 5G, Quan hệ đối tác công tư (PPP) và sự hợp tác mới giữa các thành phố.

Mạng 5G và đô thị thông minh

Điều dễ dàng nhận thấy trong tuần lễ hội thảo thành phố năm nay là vấn đề kết nối và tầm quan trọng của mạng tốc độ cao được quan tâm hàng đầu. Ngày nay, phần lớn các thành phố sử dụng mạng 4G, 3G và không dây di động hiện có, tuy nhiên số lượng kết nối còn hạn chế, khả năng truyền dữ liệu và tốc độ dữ liệu chưa cao. Để thực hiện dự án thành phố thông minh cần phải sử dụng mạng 5G.

Peter Murray, Giám đốc điều hành tại Dense Networks và điều phối viên tại phiên kết nối thế hệ tiếp theo, yêu cầu khán giả đoán khu vực nào ở Mỹ sử dụng mạng 5G nhiều nhất? Đó là ở Minneapolis. Sân vận động Ngân hàng Hoa Kỳ, nơi Super Bowl LII được tổ chức vào tháng 2 năm 2018 đã nâng cao khả năng kết nối của thành phố vượt xa bất kỳ thành phố nào khác.

Các thành phố thông minh phát triển dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Một chiếc xe tự lái sử dụng 5G có tốc độ nhanh gấp 4 lần khi sử dụng 4G. Tốc độ của mạng 4G hiện tại đủ để cập nhật trạng thái hoặc chia sẻ ảnh, nhưng không có khả năng cung cấp kết nối tốc độ cao để giúp các phương tiện tránh được các tai nạn.

Các phương tiện tự lái chỉ là một ví dụ về hiệu quả mà công nghệ 5G có thể mang lại. Thực tại ảo (VR) và trí thông minh nhân tạo (AI) ở các thành phố thông minh đang chờ bước đột phá lớn tiếp theo, nhưng nếu không có mạng hỗ trợ, điều này sẽ không thể thành hiện thực. 5G loại bỏ những vấn đề về độ trễ và băng thông. AT & T và Verizon đã bắt đầu triển khai 5G ở các thành phố khác nhau trên toàn quốc, đặt nền tảng cho cơ sở hạ tầng được kết nối trong tương lai.

Số tiền đầu tư tư nhân có thể tác động lớn đến các dự án thành phố thông minh. Mối quan hệ đối tác công tư là bước đầu tiên trong việc xây dựng một hệ sinh thái thích ứng với một thành phố thông minh và được kết nối. Theo ông Frank Johnson, Giám đốc kỹ thuật số và CIO cho Văn phòng Thông tin và Công nghệ thành phố Baltimore, xây dựng và tập hợp các công nghệ cần thiết để phát triển một thành phố kết nối tương đối dễ dàng . Để đạt được sự nhất trí và phối hợp hiệu quả giữa người dân và nhà đầu tư về các dự án thành phố thông minh đòi hỏi nhiều tài nguyên và thời gian nhất.

Quan hệ đối tác công-tư (PPP)

Với sự phát triển của các thành phố thông minh và hứa hẹn một tương lai tự chủ hơn, điều quan trọng là phải xem xét số tiền cần thiết để thực hiện các kế hoạch thành phố thông minh. Để các thành phố thông minh thành công, các thiết bị IoT sẽ cần được triển khai để kết nối thành phố. Điều này yêu cầu sư tham gia của chính quyền địa phương và các công ty viễn thông tư nhân. Ngoài ra, các thành phố thông minh cần có các chính sách quản lý mới tốn rất nhiều thời gian và đầu tư.

Thật không may, chính quyền địa phương không thể triển khai dự án ở khắp mọi nơi, biến cơ sở hạ tầng hiện có thành thiết bị hoặc cảm biến IoT và thực hiện hiệu quả các chính sách mới. Chính quyền tiểu bang và địa phương chậm trễ trong khi công nghệ không bao giờ ngừng di chuyển. Các tổ chức công có thể tận dụng tốc độ, kinh phí và sự sáng tạo của khu vực tư nhân để duy trì sự phát triển.

Atlanta, Georgia là một ví dụ điển hình. AT&T đang hợp tác với Georgia Power và Thành phố Atlanta để tạo ra một chương trình 5 tầng sẽ vẽ ra một lộ trình cho các thành phố khác cải thiện các chức năng như giao thông, chiếu sáng, an toàn và bền vững. Ngoài ra, GE và Georgia Power đã hợp tác với thành phố để triển khai các giải pháp chiếu sáng LED nhằm cải thiện an toàn công cộng.

Cả khu vực công và tư đều có thể hưởng lợi từ lượng dữ liệu được thu thập thông qua các chương trình thành phố thông minh như chương trình ở Atlanta. Dữ liệu thời gian thực an toàn và đáng tin cậy sẽ cải thiện cuộc sống của người dân trong khi giải quyết các nhu cầu hiện tại và tương lai của thành phố.

Nếu không có sự hợp tác giữa lĩnh vực công của thành phố Atlanta với lĩnh vực tư nhân  như AT&T/Georgia Power, những thay đổi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ không thể thành thực hiện. PPP không phải là các chương trình ngắn hạn. Theo Jose Joseph, nhiều thành phần cần thiết để xây dựng một thành phố thông minh vẫn chưa được phát minh. Trong hầu hết các trường hợp, các thành phố thông minh cần hơn 10 năm để phát triển. Các thành phố đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác lâu dài.

Chính quyền thành phố ngày càng bị áp lực đưa ra kế hoạch cho việc tạo ra các thành phố thông minh. Khu vực công không thể chịu được nếu có rủi ro xảy ra, đó là lý do tại sao khu vực tư nhân là một yếu tố quan trọng trong thành công của một thành phố thông minh. Một trong những rủi ro lớn nhất mà các thành phố thông minh mang lại là đưa tất cả tiền đầu tư và công sức vào một khu vực. Thất bại là cần thiết cho thành công của các dự án thành phố thông minh, nhưng sẽ không hợp lý khi lấy tiền thuế của người dân để chi trả cho những trải nghiệm này. Mặt khác, khu vực tư nhân có thể gánh chịu thất bại, một điều cần thiết cho thành phố tương lai.

Cộng tác

Cuối cùng, hội nghị thảo luận tầm quan trọng của sự hợp tác giữa tất cả các thành phố thông minh. Cuộc cạnh tranh thành phố nào có thể áp dụng 5G sớm nhất chỉ góp phần cản trở chúng ta tiến về phía trước. Theo Forbes, danh sách các thành phố tiên phong trong công nghệ 5G và thảo luận thành phố nào sẽ là "người chiến thắng" HQ2 của Amazon, người Mỹ không ngại cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất để tiến về phía trước là sự cộng tác giữa các thành phố, tiểu bang, quốc gia và châu lục. Theo Jose Escobar, Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh của Verizon Smart Communities, “Chúng tôi phải lập kế hoạch và làm việc cùng nhau để đối phó với các thách thức phải đổi mặt và tìm ra giải pháp cho các vấn đề đó? ”

Theo Frank Johnson, giám đốc thông tin của thành phố Baltimore, vào năm 2050, 68% dân số thế giới sống ở thành thị, chính quyền địa phương và tiểu bang cần hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác công nghệ, tổ chức từ thiện và trường đại học để thể hiện những thành phố thông minh hơn, sáng tạo và bền vững. Cần phải chia sẻ thông tin và cộng tác hỗ trợ.

Nếu chúng ta tiếp tục thấy hành trình hướng tới các thành phố thông minh như một cuộc chạy đua vũ trang, xã hội sẽ không phát triển, thậm chí việc áp đặt mô hình của các thành phố khác còn làm chậm tiến trình này.

Mỗi thành phố sẽ phải làm việc theo tốc độ riêng và giải quyết các vấn đề tồn tại trước đó. Vấn đề giao thông có thể không gặp phải ở thành phố mà phần lớn người dân sử dụng các phương tiện công cộng. Bằng cách cung cấp một mạng lưới hỗ trợ cho các khu vực công và tư nhân như chia sẻ dữ liệu và kinh nghiệm, sự đổi mới sẽ nhanh hơn và các nỗ lực nghiên cứu và phát triển tập thể sẽ mang lại các giải pháp mới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các yếu tố thành công của thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO