Cách đại dịch COVID-19 thay đổi cuộc sống: Góc nhìn từ xã hội Mỹ

Nguyễn Uyên| 30/08/2021 07:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 đang ngày càng trầm trọng với những đợt dịch đỉnh điểm ở Trung Quốc, Mỹ, gần đây là Ấn Độ và mới đây là khu vực Đông Nam Á. Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng phạm vi toàn cầu với mức độ nghiêm trọng và tính tức thì. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để phòng tránh dịch bệnh lây lan và do đó cuộc sống của chúng ta cũng thay đổi theo những cách mà trước đây không ai có thể hình dung.

Những thay đổi này bao trùm mọi mặt từ công việc, thói quen ăn uống, chăm sóc con cái, những lo lắng và thậm chí cả ý thức về thời gian. Tuy nhiên cũng vẫn là con người chúng ta thay đổi để thích nghi với cuộc sống, dần tạo thành những thói quen tốt và loại bỏ những tác động tiêu cực từ những thay đổi bất thường để làm chủ cuộc sống. Cơn bão đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng những lựa chọn hiện tại sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai. Vì thế, lan tỏa sự đồng cảm và hiểu biết về bản chất những thay đổi sẽ khiến tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn để xây dựng và làm lại thế giới của mình sau đại dịch.

Xu hướng làm việc tại nhà WFH 

Hội chứng “kiệt sức” với Zoom (Zoom burnout), “trục lợi” với khẩu trang y tế và Yoga ảo, nhưng có lẽ không có hiện tượng COVID-19 nào có tác động lâu dài hơn là xu hướng làm việc tại nhà WFH (Work From Home). Đại dịch đã khiến các công ty trên toàn thế giới phải đóng cửa văn phòng của họ, đôi khi là chỉ thông báo trước một ngày. Vào tháng 6 năm ngoái, 42% lực lượng lao động Mỹ, phần lớn thuộc hàng ngũ nhân viên và chuyên gia, phải làm việc tại nhà, nhiều người đã chọn cách đóng cửa căn hộ của họ và di chuyển về những khu vực có mức chi phí ở rẻ hơn nhưng yên tĩnh hơn để làm việc từ xa.  

Trong một thời gian, việc phong tỏa giống như một thời gian nghỉ ngơi sau những căng thẳng hàng ngày. Nạn kẹt xe đã biến mất ở các thành phố như Los Angeles, San Jose và Bengaluru. Các công ty đã tiết kiệm được hàng triệu USD chi phí cho các tiện ích và chi phí vận hành, và bắt đầu coi các văn phòng giá cao của họ là không cần thiết, vì doanh nghiệp dường như vẫn ổn nếu không có chúng.

Bây giờ, có vẻ như cuộc sống văn phòng có thể không bao giờ như cũ nữa. Đối với hàng triệu người, làm việc tại nhà đã trở thành “dấu hiệu” của việc làm đẳng cấp cao hơn. Thật vậy, khoảng cách đẳng cấp đã hiện rõ ràng trên đường phố giữa những người có thể thực hiện công việc của họ từ xa và những công nhân vận tải, y tế hoặc bán lẻ được trả lương thấp hơn, những người không có lựa chọn WFH. Với việc các văn phòng đóng cửa, một số lượng lớn nhân viên căng tin và nhà hàng ăn trưa, nhân viên vệ sinh và những người khác hoàn toàn mất việc. Nhà kinh tế học Nicholas Bloom của Stanford cho biết: Đó là một “Quả bom hẹn giờ cho sự bất bình đẳng”. 

Cách đại dịch COVID-19 thay đổi cuộc sống: Góc nhìn từ xã hội Mỹ - Ảnh 1.

Làm việc từ xa đã trở thành xu hướng trong đại dịch COVID-19.

Mặc dù có sự chênh lệch nghiêm trọng như vậy, nhưng hầu hết các nhân viên làm việc từ xa đều cho rằng khi đại dịch kết thúc, họ sẽ muốn được lựa chọn nơi làm việc, trong đó nhiều người thích sự kết hợp linh hoạt giữa văn phòng và nhà. Đó là một sự thay đổi sâu sắc, mà các công ty sẽ cần phải vượt qua trong nhiều năm. Điều này sẽ đem lại cả lợi ích cũng như những thách thức so với cách thức làm việc truyền thống. Về phía các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hàng triệu USD tiền điện nước và tiền thuê văn phòng; gia tăng năng suất vì không cần dành nhiều thời gian cho các cuộc họp không cần thiết, cũng như thời gian di chuyển trên các lộ trình dài để đến được nơi làm việc. 

Nhưng WFH là thách thức đối với những người mới bắt đầu sự nghiệp, vì họ phải vật lộn để đạt được hiệu quả trong khi làm việc tại nhà. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc trực tiếp là rất quan trọng để tạo ra những ý tưởng mới. Gmail, Google News và Street View đều được phát triển thông qua các cuộc trò chuyện trong các bữa trưa miễn phí dành cho người sành ăn tại trụ sở Google. Tuy nhiên ở mức độ tổng thể, trong bối cảnh đại dịch, điều chỉnh theo thời đại WFH vẫn là xu hướng dễ dàng đối với các doanh nghiệp.  

Cảm giác “méo mó” về thời gian 

Thời gian đã chơi trò lừa trong đại dịch, khiến cho không ai ngạc nhiên, khi không nhớ ngày đó là ngày nào, hoặc khi mô tả cuộc sống hàng ngày và đã viện dẫn ra “Ngày Chuột chũi” (Groundhog Day - nhằm nói nói về việc bị mắc kẹt trong dòng thời gian. Đây thực sự là câu hỏi dành cho tất cả mọi người. Khi biết mình bị rơi vào hoàn cảnh cứ sống lặp đi lặp lại một ngày, đó cũng có nghĩa là “có thể bất cứ đâu mình muốn”, nghĩa là có thể làm tất cả những gì mình thích. Vậy “Bạn sẽ ở đâu?”, hay Bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh ấy. Thông điệp ở đây là Bạn hãy đứng lên và làm điều gì đó để bản thân cảm thấy hạnh phúc ngay trong ngày hôm nay, và cả những ngày về sau nữa).

Kết quả nghiên cứu của Ruth Ogden, một trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học Liverpool John Moores, cũng đưa ra những kết quả tương tự trong đợt phong tỏa lần thứ hai ở Anh vào mùa đông năm nay, khoảng 40% số người được hỏi cho rằng thời gian trôi qua chậm hơn bình thường. 40% khác cảm thấy thời gian đang di chuyển nhanh hơn. (Và 20%, có lẽ là những người lao động thiết yếu, không cảm thấy có thay đổi gì). Sự khác biệt phụ thuộc vào một vài yếu tố. Đối với những người bận rộn, hài lòng với các giao tiếp xã hội của họ và không bị căng thẳng, thời gian trôi qua nhanh chóng. Đối với những người cô đơn, buồn chán và trải qua lo lắng và trầm cảm, thời gian di chuyển chậm.

Đối với những người có thể làm việc tại nhà trong thời gian xảy ra đại dịch, hiệu ứng mất phương hướng về thời gian được kết hợp bởi sự sụp đổ ranh giới giữa nơi làm việc và nhà, và ngày làm việc trở nên khó xác định hơn: Khi nào một ngày làm việc bắt đầu và kết thúc khi bạn không bao giờ thực sự có thể rời khỏi văn phòng ảo trong đại dịch?

Tất nhiên, công nghệ đã bắt đầu làm xói mòn bức tường giữa nơi làm việc và gia đình từ nhiều thập kỷ trước – đã phân chia nhân viên thành những “phân khúc” thích xác định ranh giới và “tích hợp” linh hoạt - nhưng các chuyên gia, như Nancy Rothbard, giáo sư quản lý tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, cho rằng đại dịch đã làm gia tăng xu hướng đó. Các nghiên cứu cho thấy những người làm việc từ xa đang làm việc nhiều hơn. Một nhóm của Trường Kinh doanh Harvard, sử dụng siêu dữ liệu cuộc họp và email của khoảng 3,1 triệu nhân viên trên khắp thế giới, nhận thấy ngày làm việc trong đại dịch dài hơn trung bình 48,5 phút. Microsoft còn nhận thấy có một phân khúc nhân viên thường làm việc vào ban đêm, qua bữa trưa và vào cuối tuần. 

Dù chúng ta đã trải qua nó, nhưng liệu có những tác động lâu dài không? Các chuyên gia kỳ vọng với việc ngày làm việc linh hoạt và trôi chảy hơn so với trước đây và điều đó - ít nhất là trong một thời gian – có thể giúp mọi người dành thời gian để đánh giá và suy nghĩ về thời gian họ có và cách họ sử dụng nó. Simon Grondin, giáo sư tâm lý học tại Đại học Laval và là tác giả cuốn sách “Nhận thức về thời gian: Câu hỏi đã được trả lời” cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng đó là một năm là khá quan trọng. Nhưng khi nhiều tháng trôi qua, trớ trêu thay, sự nhạy cảm với sự quý giá của thời gian sẽ biến mất”.

Cách thức tập thể dục 

Giấy vệ sinh không phải là thứ khó kiếm duy nhất trong những ngày đầu đại dịch. Đối với những người tập gym, tình trạng thiếu tạ và thời gian chờ đợi kéo dài để giao xe đạp và máy chạy bộ Peloton đã trở thành biểu tượng của việc COVID-19 đã thay đổi văn hóa tập luyện một cách đáng kể như thế nào.  

Việc phong tỏa thành phố đã dẫn đến việc đóng cửa các chuỗi trung tâm thể hình và các studio barre và yoga. Ở một số nơi, ngay cả việc tập thể dục ngoài trời cũng bị hạn chế. Giống như gần như tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống thời đại dịch, tập thể dục đột nhiên trở thành một hoạt động tại nhà và các vận động viên nghiệp dư tranh nhau biến tầng hầm, nhà để xe hoặc góc của căn hộ thành không gian tập luyện cá nhân.  

Sự thay đổi này là một tin xấu đối với các phòng tập thể dục truyền thống, với những người cung cấp dịch vụ thể dục trực tiếp đang vật lộn để tồn tại. Spin studio Flywheel, là một minh chứng, đã nộp đơn phá sản vào tháng 9/2020. 

Cách đại dịch COVID-19 thay đổi cuộc sống: Góc nhìn từ xã hội Mỹ - Ảnh 3.

COVID-19 cũng thay đổi cách mọi người tiếp cận với các hình thức tập thể dục. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, đại dịch là một lợi thế to lớn dành cho các nhà sản xuất thiết bị tập luyện tại nhà. Doanh số bán hàng của Peloton đã tăng gấp đôi trong năm tài chính gần đây nhất lên 1,8 tỷ USD, do người tiêu dùng yêu thích thiết bị kết nối và ứng dụng theo yêu cầu của công ty. Công ty đã kết thúc quý mới nhất với 1,67 triệu người đăng ký các lớp qua kết nối thiết bị và 625.000 người đăng ký ứng dụng, tăng lần lượt 134% và 472% so với năm trước. Hydrow, công ty bán một máy chèo thuyền trị giá 2.200 đô la, cho biết doanh số bán hàng của họ đã tăng 500% vào năm 2020 so với năm trước đó; công ty đã huy động được một vòng tài trợ mới trị giá 25 triệu đô la vào tháng 6 để mở rộng phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Và nhà bán lẻ quần áo tập luyện Lululemon đã trả 500 triệu đô la để mua lại Mirror, nhà sản xuất màn hình treo tường cung cấp các bài tập theo yêu cầu, đặt cược rằng xu hướng tập thể dục tại nhà sẽ vẫn hot ngay cả khi COVID-19 giảm bớt. 

Thế giới đang háo hức chờ đại dịch suy giảm và cuộc sống trở lại “bình thường”. Nhưng xu hướng tập thể dục tại nhà có thể tồn tại lâu hơn những ngày hạn chế tại nơi cư trú và giãn cách xã hội. Một cuộc khảo sát của The New Consumer and Coefficient Capital, được công bố vào tháng 12/2020, cho thấy 76% người đã chuyển sang tập thể dục ở nhà trong COVID-19 và 66% nói rằng họ thích nó hơn. Công nghệ có thể tạo lại một số tình bạn thân thiết mà các lớp tập thể dục và các phòng tập vẫn sử dụng để duy trì lớp học - và sự tiện lợi khi tập luyện tại nhà có nghĩa là có ít lý do hơn để không còn duy trì.

Xây dựng lòng biết ơn đối với người lao động thiết yếu 

Trong một thế giới phải phụ thuộc vào nhân viên nhà hàng và người giao hàng để sống sót sau vùng cách ly, một nghiên cứu mới từ Đại học California tại San Francisco đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc đáng ngạc nhiên về cuộc sống của những người lao động vô danh này. Hóa ra những đầu bếp dây chuyền, không phải nhân viên y tế, có thể đối mặt với nguy cơ tử vong cao nhất trong đại dịch. Đầu bếp dây chuyền, công nhân kho hàng, tài xế xe buýt, nhân viên trông coi, nhân viên cửa hàng, và bất kỳ ai làm những loại công việc như vậy - thường sống trong những ngôi nhà chật chội và thiếu thốn. 

Các cơ hội phát triển, như tiếp cận thị trường vốn, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, thường nằm ngoài tầm với. Nhiều công việc trong số này đang trên đà được thay thế bằng tự động hóa trong những năm tới; khi toàn bộ nền kinh tế bị suy thoái vì đại dịch, tương lai sau COVID của họ sẽ trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, nhiều người nhận thấy giá trị của những lao động thiết yếu này và do đó xã hội đã hình thành nét văn hóa xây dựng lòng biết ơn đối với họ.  

Thực tiễn mới về việc thừa nhận nhân viên trực tiếp - chẳng hạn các dấu hiệu cảm ơn tài xế giao hàng - là một khởi đầu tuyệt vời. Nhưng để họ trở về trạng thái ẩn danh là một sai lầm mà xã hội không thể mắc phải. Cần khởi động lại hệ thống, trong đó công việc quan trọng là đào tạo lại công việc hoặc “nâng cao kỹ năng” để chuẩn bị lực lượng lao động cho một tương lai được số hóa và tự động hóa - cũng mới chỉ là một phần. Lòng biết ơn có nghĩa là một cái nhìn tỉnh táo về những rào cản thực sự mà người lao động cơ bản thường gặp phải; các cuộc trò chuyện về tiền lương, cải cách nhập cư, chăm sóc trẻ em, tín dụng hợp lý, bảo hiểm thất nghiệp… Đã đến lúc đảm bảo cho những nhân viên thiết yếu - vì rằng, chúng ta sẽ làm gì nếu không có họ?

Tình trạng thiếu hụt do đại dịch gây ra 

Đối với người tiêu dùng Mỹ, năm qua được đánh dấu bởi sự thiếu hụt này đến sự thiếu hụt khác. Vào tháng 3, khi các lệnh phong tỏa của chính phủ lan rộng khắp cả nước, người tiêu dùng lo sợ về tình trạng bị quỵt tiền, và trong cơn hoảng loạn do đại dịch gây ra, họ đã tích trữ các nhu yếu phẩm, đặc biệt là giấy vệ sinh. Đồng thời, khi mọi người được yêu cầu khử trùng tất cả các bề mặt trước khi chạm vào chúng, khăn lau Clorox đã trở thành mặt hàng hot nhất và mới trở lại bình thường vào giữa năm nay. 

Sau sự hỗn loạn ban đầu, khi mọi người nhận ra rằng các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng lớn sẽ không thiếu các mặt hàng thiết yếu, họ tập trung vào cách để vượt qua quãng thời gian. Vào tháng 5, các cửa hàng bán xe đạp ở Mỹ đã cạn kiệt các thương hiệu cấp thấp; theo Hiệp hội Công nghiệp Thể dục & Thể thao, năm 2020 nhiều hơn 14% người Mỹ đi xe đạp đường trường ít nhất một lần so với năm trước. 

Khi mùa hè đến vào tháng 6/2020, đồ nội thất ngoài trời trở nên khan hiếm. Tháng sau, những người mua sắm phải đối mặt với một vấn đề khác: Tiền xu trở nên khan hiếm và nhiều cửa hàng yêu cầu thanh toán chính xác hoặc thanh toán điện tử. Sau khi mùa hè kết thúc, người tiêu dùng phải đối phó với ảnh hưởng của các đơn đặt hàng bị hủy vào tháng 3 bởi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất quần áo lo ngại về việc không thể dỡ hàng trong tháng sau. Các cửa hàng thiếu mọi thứ, từ Crocs đến quần áo nhãn hiệu Under Armour.

Những phiền toái chưa dừng lại ở đó, vào tháng 8, nhiều cửa hàng đã hết than nướng thịt. Đến tháng 10, cơn sốt phòng tập thể dục tại nhà đến mức lượng đơn đặt hàng tồn đọng của Peloton lên đến mức báo động, khiến nhà sản xuất xe đạp mua lại một nhà sản xuất để tăng sản lượng. Vào tháng 11, các nhà hàng và chủ nhà đã mua hết tất cả các lò sưởi trong sân. Và một tháng sau, khi sự bùng nổ của các môn thể thao ngoài trời, ván trượt và giày trượt tuyết bay khỏi kệ.

Vào tháng 2/2021, tháng thứ 12 của đại dịch, sự thiếu hụt một sản phẩm mà người tiêu dùng không mua trực tiếp nhưng lại là thành phần quan trọng trong phần lớn những gì có trong cuộc sống: nguồn cung không đáp ứng đủ chip silicon. Sự thiếu hụt cùng với nhiều tác động khác đã khiến các nhà máy sản xuất ô tô của Mỹ phải đóng cửa và các lô hàng điện tử tiêu dùng bị trì hoãn - Chứng tỏ tác động của đại dịch này có thể kéo dài như thế nào ngay cả khi virus đã được kiềm chế.  

Mối lo lắng mới của các bậc làm cha mẹ 

Trong nhiều thập kỷ, những thách thức đối với các bậc cha mẹ đang đi làm rất đơn giản: Làm thế nào để tôi tìm được dịch vụ trông giữ trẻ hợp lý? Làm cách nào để đưa đón con tôi đến và từ trường về? Đâu là sự cân bằng hợp lý giữa thời gian tôi dành cho công việc và cuộc sống ở nhà?  

Nhưng một năm sau đại dịch Covid-19, công việc của các bậc cha mẹ đã không còn rõ ràng. Số lượng cân nhắc đã tăng lên bao gồm việc cân nhắc xem dịch vụ giữ trẻ ban ngày có phải là một rủi ro về sức khỏe hay không, và làm thế nào để bố trí làm việc tại nhà trong khi trẻ học trực tuyến. Đối với những phụ huynh vẫn phải đi làm, tình hình còn phức tạp hơn. Hằng số duy nhất ngày nay về vai trò làm cha mẹ - và đặc biệt là việc làm mẹ, khi các bà mẹ phải gánh vác những gánh nặng đại dịch này một cách không cân xứng - đó là điều khó hơn bao giờ hết.

Một số công ty đã nới lỏng các chính sách của họ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bậc cha mẹ đi làm, hoặc bổ sung các quyền lợi, chẳng hạn như trông trẻ dự phòng miễn phí hoặc đào tạo lại kỹ năng để nhân viên làm việc trực tiếp có thể làm ở nhà vì nghĩa vụ chăm sóc con cái. Mặc dù, gói hỗ trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD và là gói cứu trợ liên quan COVID-19 lớn nhất của Mỹ, có đề xuất hỗ trợ 40 triệu USD cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và mở rộng tín thuế trẻ em lên 3.000 USD cho mỗi trẻ em, với mức cao hơn cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, các bậc cha mẹ đang đi làm, và đặc biệt là các bà mẹ bị buộc phải rời khỏi lực lượng lao động, sẽ cảm thấy tác động của đại dịch đối với gia đình và sự nghiệp của họ trong nhiều tháng tới - và có thể trong nhiều năm.  

Thay đổi thói quen ăn uống 

Khi virus quét toàn cầu vào mùa xuân năm ngoái, một trong những xu hướng đáng chú ý là mức độ phản ứng của thế giới đối với thực phẩm gần giống nhau. Từ Colombia đến Bulgaria, các nhà hàng và khách sạn đóng cửa - đã làm mất đi những món đặc sản giá cao - và nhiều người dự trữ đậu và các mặt hàng chủ lực khác. Những người trước đây phụ thuộc vào mua đồ ăn mang đi và các nhà hàng, đã bắt đầu nấu ăn ở nhà và mua các loại thực phẩm phổ biến với giá cả phải chăng. 

Một số thay đổi thói quen được thúc đẩy bởi nỗi lo thiếu lương thực và dự trữ do Covid-19. Một năm sau, những nỗi sợ hãi đó phần lớn đã tan biến; ở hầu hết các nơi, sự chậm trễ về mặt hậu cần đối với việc vận chuyển thực phẩm được chứng minh là tồn tại trong thời gian ngắn. Nhưng cách chúng ta ăn đã thay đổi và thói quen này có khả năng kéo dài. 

Thay đổi đầu tiên là do tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng sâu sắc trên toàn thế giới, vì những tác động kinh tế của đại dịch đã làm gia tăng sự khoảng cách vốn đã tồn tại giữa những người có thể và không thể tiếp cận và mua được thực phẩm bổ dưỡng. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính rằng tác động kinh tế của đại dịch đã làm tăng thêm từ 83 triệu đến 132 triệu người bị suy dinh dưỡng trên thế giới chỉ trong năm 2020.  

Trong khi đó, đối với những người có đủ khả năng chi trả, do không còn thực phẩm đã qua chế biến - và bắt đầu thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Từ Thái Lan đến Nga đến El Salvador, các báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA chỉ ra rằng nhu cầu về thực phẩm lành mạnh đã tăng vọt - đặc biệt là những thực phẩm tăng cường hệ thống miễn dịch - được thúc đẩy bởi sự đột ngột chuyển sang nấu ăn tại nhà và hy vọng rằng thức ăn ngon sẽ tránh được bệnh tật. Ở các nước giàu hơn, điều này bao gồm nhu cầu về thực phẩm hữu cơ tăng mạnh. Nhưng ở nhiều hộ gia đình, điều đó được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế của đại dịch: Lập kế hoạch bữa ăn thân thiện với ngân sách có nghĩa là ít món ăn mua sẵn.

Và cuối cùng, có một xu hướng mà những gã khổng lồ thực phẩm có thể tìm thấy ở đây để duy trì hoạt động: Mua hàng tạp hóa trực tuyến - và giao hàng - đang gia tăng mạnh hơn bao giờ hết. 

Làm sáng tỏ sự bất bình đẳng 

Đại dịch COVID-19 đã có tác động tàn phá đến đời sống con người và nền kinh tế trong năm qua. Nhưng tác động đó không đồng đều và không công bằng, vì căn bệnh này tàn phá một số cộng đồng nhiều hơn những cộng đồng khác, làm hao mòn hoặc thậm chí thúc đẩy vận may của một số nhóm người trong xã hội. Phụ nữ, dân tộc thiểu số và người nghèo đã phải chịu đựng một cách không cân xứng, khi đại dịch bộc lộ và làm trầm trọng thêm những khoảng cách tồn tại từ trước về sức khỏe, an ninh kinh tế và phúc lợi, đưa tình trạng bất bình đẳng trở nên rõ nét hơn.

Tác động không đồng đều này có thể thấy rõ nhất ở tỷ lệ tử vong khác nhau ở các cộng đồng khác nhau. Trong khi 1,2 trong số 1.000 người da trắng ở Hoa Kỳ đã thiệt mạng vì căn bệnh này, con số tử vong lên tới 1,5 trên mỗi 1.000 người gốc Tây Ban Nha, và 1,7 trên 1.000 người da đen và người Mỹ bản địa. Những chênh lệch đó phản ánh khoảng cách trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như thực tế là người da màu có nhiều khả năng ít có việc làm hơn và ít có khả năng nghỉ ốm hơn. 

Ngoài ra còn có sự chênh lệch về chủng tộc và giới tính trong việc mất việc làm, do ngày càng nhiều phụ nữ và người da màu làm việc trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch. Công việc dịch vụ thường là lựa chọn tốt nhất hoặc duy nhất cho những người lao động chưa được tiếp cận với giáo dục bậc cao hoặc những người có nhiệm vụ chăm sóc trẻ em hoặc người cao tuổi. Và đại dịch cho thấy những công việc đó không an toàn như thế nào so với những vị trí làm công ăn lương. 

Khoảng 60% công việc bị loại bỏ sau khi COVID-19 xảy ra là do phụ nữ đảm nhiệm. Nhiều phụ nữ cũng phải ở nhà và từ bỏ công việc để chăm sóc những đứa trẻ bị đóng cửa trường học, gây thiệt hại cho nền kinh tế ước tính khoảng 341 tỷ đô la. 

Tỷ lệ thất nghiệp của công nhân da đen đã tăng hơn gấp đôi từ tháng 1 đến tháng 6 năm ngoái, tăng lên 15% so với mức cao nhất chỉ 9% đối với công nhân da trắng. Theo Cục Thống kê Lao động, đến cuối năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp ở người da đen vẫn ở mức 10%, so với mức dưới 6% của người da trắng. Một phần là do chỉ 20% công nhân da đen có thể làm việc tại nhà, so với 30% công nhân da trắng và 37% công nhân châu Á, theo Viện Chính sách Kinh tế.

Điều đó đã dẫn đến nhiều tác động kinh tế tiếp theo. 20% số hộ gia đình da đen báo cáo không có đủ lương thực trong tháng Hai, so với 18% hộ gia đình gốc La tinh và 8% hộ gia đình da trắng. Trong một cuộc khảo sát khác về những người chậm trả tiền thuê nhà tính đến tháng 2, 29% người thuê nhà da đen, 22% người thuê nhà La tinh và 13% người thuê nhà da trắng cho biết họ không còn ở chỗ cũ. 

Việc đóng cửa trường học do đại dịch cũng đã giáng một đòn mạnh hơn vào những người da màu, mặc dù tất cả học sinh đều bị tổn hại do giảm giờ học và không được học trực tiếp. Theo một phân tích của McKinsey, dựa trên các bài đánh giá được thực hiện ở 25 bang vào năm ngoái, học sinh chỉ học được 67% môn toán và 87% bài đọc trong một năm học bình thường. Nhưng tại các trường có đa số học sinh da màu, điểm số môn toán là 59% so với bình thường và 77% đối với môn đọc. Những điểm dữ liệu đó, giống như rất nhiều điểm khác, nhấn mạnh cách COVID-19 cho thấy sự bất bình đẳng trong xã hội. 

Học từ xa 

Việc chuyển hướng sang học tập từ xa đã là một thảm họa đối với cách học truyền thống, những học sinh dễ bị tổn thương nhất, cũng như sự nghiệp và sức khỏe tinh thần của các bậc cha mẹ. Nhưng cũng có bằng chứng cho thấy việc ở nhà mang lại lợi ích cho nhiều trẻ em, đặt ra câu hỏi về cách chúng ta giáo dục và chăm sóc chúng trong thời gian bình thường. 

Cách đại dịch COVID-19 thay đổi cuộc sống: Góc nhìn từ xã hội Mỹ - Ảnh 4.

Ảnh: wsws.org

Cả trước và sau đại dịch, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng học từ xa trực tuyến không thể thay thế trải nghiệm trong lớp học. Việc thiếu tương tác cá nhân và tham gia xã hội dường như làm giảm khả năng lưu giữ kiến thức, khiến trẻ nhỏ có khả năng thích nghi thấp nhất. 

Giống như nhiều khía cạnh của đại dịch, gánh nặng này đổ dồn nhiều nhất lên người nghèo, thành viên của các nhóm thiểu số và phụ nữ. 21% các sinh viên Hoa Kỳ, chủ yếu đến từ các gia đình có thu nhập thấp, thiếu máy tính hoặc thậm chí là kết nối Internet để đi học từ xa, trong khi những người có nhiều nguồn lực hơn có thể chuyển sang các giải pháp như dạy kèm riêng hoặc theo nhóm nhỏ. Các nhà kinh tế học Yale ước tính rằng học sinh lớp 9 trong các cộng đồng nghèo nhất của Hoa Kỳ có thể mất 25% cơ hội kiếm tiền trong tương lai, do đóng cửa trường học một năm; trong khi đó cơ hội của những học sinh trong 20% hàng đầu sẽ bị mất mát không đáng kể.

Với cùng một thiếu hụt nguồn lực và sự hỗ trợ của công đồng, học sinh da màu có thể mất tiến độ học tập cao gấp đôi so với  học sinh da trắng trong thời gian ngừng học tập. Trẻ em có những thách thức về sức khỏe tâm thần và các nhu cầu đặc biệt khác, phần lớn đã bị tước đoạt khỏi sự hỗ trợ có cấu trúc và thực hành do hệ thống trường học cung cấp. Và hơn nửa triệu bà mẹ đang đi làm đã rời bỏ lực lượng lao động hoàn toàn vì nhiệm vụ chăm sóc con cái - cao hơn nhiều so với số lượng các ông bố có cùng lựa chọn. 

Tuy nhiên, việc đi học trong đại dịch có thể không có lợi, và không chỉ dành cho trẻ em của những người khá giả. Trong những thập kỷ gần đây, mức độ lo lắng, trầm cảm và tự tử đã gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù người ta chú ý nhiều đến vai trò của truyền thông xã hội trong những xu hướng này, nhưng sự gia tăng đột biến đã có trước khi xuất hiện Instagram và thay vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng thủ phạm chính là cuộc sống ngày càng đông đúc và bận rộn của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo một phân tích năm 2018 của Đại học Vanderbilt về số ca nhập viện của trẻ em, có một chỉ số đáng lo ngại: Suy nghĩ tự tử và cố gắng tự tử trong giới trẻ gia tăng khi đến trường.

Điều đó có thể giúp giải thích tại sao các cuộc khảo sát do một tổ chức phi chính phủ NGO thực hiện ngay từ khi trường học ngừng hoạt động, cho thấy rằng không có sự ràng buộc với trường học truyền thống, sức khỏe tâm lý, ý thức độc lập và trách nhiệm cá nhân dường như tăng lên, và hầu hết trẻ em mong muốn được trở lại trường vì nỗi nhớ bạn bè, và cha mẹ cho biết con họ hạnh phúc mà không đến trường học. Tuy nhiên, một nghiên cứu đang thực hiện của Oxford cho thấy mức độ cô đơn ngày càng cao trong cùng thời gian và dữ liệu từ những lần phong toả là rất khan hiếm, vì vậy tác động đầy đủ đến trẻ em vẫn chưa rõ ràng. 

Nhưng nếu mặt tích cực của phương trình này đúng, nó có thể là nguồn cung cấp năng lượng mới cho một phong trào lâu dài, dưới các biểu ngữ như “không đi học” và “nuôi dạy con cái tự do”, nhằm mang lại cho trẻ em nhiều thời gian hơn để vui chơi không giám sát và tự định hướng học tập. Những người ủng hộ nói rằng cách tiếp cận như vậy giúp trẻ phát triển khả năng tự lập và sáng tạo cao hơn - các đặc tính mà bản thân đại dịch đã cho thấy đó là yếu tố quan trọng để thành công trong cuộc đời.

Một mối quan hệ mới với thiên nhiên 

Năm 2020, đã đánh dấu một năm mà coronavirus đã hủy hoại du lịch quốc tế và đưa ra các thuật ngữ như “cách ly” và “giãn cách xã hội” - hàng triệu người Mỹ đã tìm đến các hoạt động ngoài trời - Mọi người đổ xô đến các công viên và các khu vực công cộng. Mặc dù về mặt con số, số lượt thăm quan đã giảm 28% trên toàn quốc, theo Dịch vụ Công viên Quốc gia, sự sụt giảm đó chủ yếu là kết quả của việc đóng cửa và hạn chế liên quan đến đại dịch. Tổng số không phản ánh sự gia tăng số lượng khách tới các công viên vẫn mở cửa. 

Nhiều quan chức địa phương - từ những người ở Pennsylvania đến Tây Bắc Thái Bình Dương - cho biết lượng khách đến thăm công viên tăng lên đáng kể, theo một báo cáo gần đây từ Trust for Public Land, một nhóm bảo tồn môi trường phi lợi nhuận. Số lượt tham quan Công viên Quốc gia Grand Teton đạt mức gần kỷ lục vào tháng 8 năm 2020. Ngay cả lượt thăm Công viên Quốc gia Yellowstone cũng tăng 2% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm trước, mặc dù Công viên không hoạt động hết công suất. 

Mối quan hệ mới với thiên nhiên trong thời kỳ khủng hoảng không phải là một hiện tượng mới. Xu hướng này phù hợp với cách đất nước phản ứng với đại dịch nghiêm trọng. Năm 1920, dưới tác động nguy hiểm tính mạng của bệnh cúm Tây Ban Nha đang giảm ở Mỹ, người Mỹ đã tràn đến Yellowstone. Khi đó, Vườn quốc gia này ghi nhận một sự gia tăng 42% khách đến bằng đường sắt và một sự gia tăng 21% khách đến bằng ô tô năm so với cùng kỳ năm trước. 

Các nghiên cứu trong những năm qua đã chỉ ra những lợi thế của việc dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời. Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí y khoa The Lancet, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc tiếp cận với không gian xanh “có liên quan đến hoạt động thể chất nhiều hơn, sức khỏe tinh thần tốt hơn, ngủ ngon hơn, mức độ căng thẳng thấp hơn, cải thiện nhận thức và phục hồi điều trị nhanh hơn”.  

Nói cách khác, công viên có một số liên quan đến sức khỏe tốt. Như Shawn Benge, Phó giám đốc Dịch vụ Công viên Quốc gia: “Những vùng đất được bảo vệ này “tạo cơ hội gần gũi với gia đình” để mọi người cải thiện sức khỏe “thể chất và tâm lý” của họ”.

Phơi bầy vết thương trong bình đẳng giới 

Chỉ mất chưa đầy một năm để xóa bỏ kết quả của hơn ba thập kỷ tiến bộ phụ nữ tại nước Mỹ. Hơn 2,3 triệu phụ nữ đã rời khỏi lực lượng lao động kể từ tháng 2/2020, đưa mức độ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trở lại năm 1988. Và phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ da màu, những người vốn đã dễ bị tổn thương nhất về kinh tế - đã gánh chịu gánh nặng của đại dịch - mất việc làm, chiếm hơn 53% số việc làm của Hoa Kỳ bị giảm trong năm qua. Giờ đây, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã công nhận cuộc khủng hoảng việc làm đang diễn ra đối với phụ nữ là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. 

COVID-19, dẫn đến việc đóng cửa các trường học và các cơ sở chăm sóc ban ngày và các kinh doanh hướng dịch vụ đều chủ yếu dựa vào lực lượng lao động nữ, là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc khủng hoảng này. Nhưng những nguyên nhân cơ bản của nó - bao gồm cả việc thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng hoặc chế độ nghỉ phép có lương cho các bậc cha mẹ đi làm; những thất bại dai dẳng của người sử dụng lao động trong việc thu hẹp khoảng cách giới và chủng tộc trong cách thức trả lương cho người lao động; và việc nam giới nói chung không muốn gánh vác gánh nặng như nhau trong những việc chăm sóc không được trả công và lao động giúp việc trong gia đình - đã tích tụ lâu hơn nữa. Misty Heggeness, một nhà kinh tế của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, cho biết: “Đưa mọi người trở lại ngôi nhà đã phơi bày vết thương của bất bình đẳng giới”. 

Việc chữa lành vết thương đó sẽ đòi hỏi những thay đổi chính sách sâu rộng, một trong số đó có gói kích thích do Biden đề xuất. Nhưng nó cũng đòi hỏi những người sử dụng lao động phải nỗ lực không ngừng để thay đổi cách họ tuyển dụng, thăng chức, trả lương - và thuê lại - phụ nữ, bây giờ và một khi đại dịch đã qua đi.

Khủng hoảng sức khỏe tâm thần 

Có một câu trong mọi hoàn cảnh, đã nắm bắt khoảnh khắc bi kịch của mỗi chúng ta: “Đau buồn là gì, nếu không phải là tình yêu bền bỉ?”. Đó không phải là khái niệm mang tính bước ngoặt, mà đây là bản chất của đau buồn - cảm giác mất mát vì những thứ chúng ta yêu thích. Nhưng đoạn đối thoại đơn giản đó từ chương trình Disney WandaVision thực sự hiểu được những gì chúng ta đã cảm thấy trong suốt quá trình của đại dịch này. Và điều đó có ý nghĩa rộng lớn đối với một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và những gì các ngành công nghiệp có thể làm để giải quyết nó. 

Sự thay đổi lớn nhất trong năm qua là sự phát triển của ngành công nghiệp telehealth tập trung vào sức khỏe tâm thần. Vào cuối năm 2020, khoảng 9 tháng sau khi đại dịch bắt đầu, việc sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần ảo và dựa trên giao lưu (text-based mental health services) đã tăng vọt. 

Cách đại dịch COVID-19 thay đổi cuộc sống: Góc nhìn từ xã hội Mỹ - Ảnh 5.

Các công ty khởi nghiệp như Ginger đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về tỷ lệ sử dụng so với thời kỳ trước COVID - dao động từ 150% đến 300% tùy thuộc vào loại hình thăm khám tâm thần ảo. Một nghiên cứu được thực hiện bởi think tank Rand Corporation cho thấy 54% những người đang tìm cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế ảo, khi việc đến bệnh viện trực tiếp có thể không an toàn, đang tìm kiếm các dịch vụ tâm thần hơn là điều trị sức khỏe thể chất.

Đó chỉ là một số ví dụ nhỏ. Các doanh nghiệp khác, chẳng hạn như chi nhánh phần mềm Red Hat của IBM, đã gấp rút bổ nhiệm các giám đốc nhân sự và triển khai các biện pháp để giải quyết sự lo lắng và trầm cảm của nhân viên trong thời kỳ này. 

Sức khỏe tâm thần thường được đặt lên hàng đầu trong các bệnh lý mặc dù nó có tính toàn năng. Đại dịch đã khiến nó trở nên tồi tệ, tạo cơ hội cho các công ty đổi mới có chỗ đứng. Và trong khi doanh nghiệp đó, và nhu cầu về nó, có thể đang phát triển dưới bóng ma của đại dịch, các cộng đồng chưa được phục vụ và những người không có hiểu biết hoặc đặc quyền về kết nối Internet vẫn đang bị bỏ lại phía sau. Để một không gian ảo dành cho chăm sóc sức khỏe tâm thần thực sự bền vững, nó không chỉ dựa vào việc xóa bỏ sự kỳ thị mà còn là những rào cản mang tính cấu trúc ngăn cản mọi người nhận được sự chăm sóc mà họ cần./.

Tài liệu tham khảo:

1. https://fortune.com

2. https://www.vvfc.vn

3. https://health.clevelandclinic.org/

4. https://www.aarp.org/health/healthy-living/info-2020/coronavirus-lifestyle-effects.html

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cách đại dịch COVID-19 thay đổi cuộc sống: Góc nhìn từ xã hội Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO