CaMau-G - Cầu nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp

M.P| 07/07/2022 06:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau một thời gian vận hành chạy thử nghiệm tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường, ngày 01/7/2022 ứng dụng CaMau-G, ứng dụng chính quyền điện tử (CQĐT) Cà Mau đã được đưa vào vận hành chính thức.

CaMau-G - kênh kết nối giữa chính quyền và người dân

CaMau-G là ứng dụng phản ánh hiện trường, tích hợp các ứng dụng sẵn có, giúp mọi người tiếp cận được các thông tin, chỉ đạo, điều hành kể cả những thông tin khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh... một cách nhanh chóng ngay sau khi thông tin được phát hành trên hệ thống.

Thông qua CaMau-G, người dân, doanh nghiệp (DN) và khách du lịch có thể gửi thông tin phản ánh, kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) khi nhận thấy những vấn đề bất cập trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh như: tình hình dịch bệnh, thời tiết, thiên tai, an ninh - trật tự, y tế - sức khỏe và các ý kiến đóng góp cho chính quyền địa phương các cấp... Qua đó, cơ quan QLNN sẽ nhận được các thông tin phản ánh, kiến nghị tức thời từ người dân để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Tổ chức, cá nhân gửi phản ánh hiện trường phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tính trung thực, chính xác của thông tin phản ánh. Tên của tổ chức, cá nhân sẽ được giữ bí mật, nếu cần thiết để phục vụ xử lý hiện trường thì phải có sự đồng ý của người phản ánh.

Trong khi đó, các cơ quan, đơn vị Nhà nước thông qua ứng dụng này có thể tiếp nhận nhanh chóng thông tin phản ánh của người dân, DN để kịp thời đưa ra phương án xử lý, từ đó giúp phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Ngoài ra, ứng dụng phản ánh hiện trường cũng cung cấp số liệu xử lý phản ánh, số lượng phản ánh theo thời gian thực phục vụ cho công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh.

CaMau-G – Cầu nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh là cơ quan tiếp nhận và phân phối, phản hồi kết quả xử lý phản ánh hiện trường; đồng thời, lưu trữ tất cả các phản ánh hiện trường của tổ chức, cá nhân và kết quả xử lý thông tin của cơ quan, đơn vị tại Cổng Thông tin tương tác để cung cấp cho cơ quan QLNN khi có yêu cầu.

Để thực hiện phản ánh hiện trường, tổ chức, cá nhân có điện thoại di động thông minh chỉ cần tải ứng dụng CaMau-G về máy. Sau đó, vào mục phản ánh trên giao diện, điền đầy đủ thông tin về tên, số điện thoại và gửi những thông tin cần phản ảnh. Thời gian tiếp nhận phản ánh hiện trường 24/24 giờ, 07 ngày/tuần.

Trong ngày làm việc, thời gian tiếp nhận và phân phối xử lý phản ánh hiện trường không quá 02 giờ; đối với ngày nghỉ không quá 12 giờ. Trường hợp các phản ánh hiện trường có tính khẩn cấp, Cổng TTĐT tỉnh sẽ chủ động liên hệ ngay đến lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm xử lý để có biện pháp xử lý khẩn cấp, kịp thời.

Về thời gian phản hồi phản ánh trong ngày làm việc không quá 04 giờ, đối với ngày nghỉ là không quá 24 giờ. Trường hợp các phản ánh hiện trường có tính khẩn cấp, người được phân công xử lý chủ động có biện pháp xử lý khẩn cấp, kịp thời. Trường hợp xét thấy không đúng thẩm quyền xử lý thì chuyển trả cho Cổng TTĐT tỉnh để phân phối lại cho các cơ quan, đơn vị khác trong thời gian không quá 01 giờ đối với ngày làm việc; không quá 12 giờ đối với ngày nghỉ.

Trong ngày làm việc, thời gian phản hồi kết quả xử lý hiện trường không quá 02 giờ; đối với ngày nghỉ không quá 12 giờ.

Trước khi đưa vào vận hành chính thức, ứng dụng CaMau-G đã vận hành chạy thử nghiệm tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường và nhận được nhiều sự phản hồi và tương tác từ phía người dân.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Quốc Chính: "Ứng dụng phản ánh hiện trường được xem là phương thức hữu hiệu kết nối thông tin trực tuyến giữa chính quyền với tổ chức, cá nhân giúp thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan xử lý, tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng DN. Từ đó, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tạo nền tảng xây dựng CQĐT, chính quyền số trong thời gian tới".

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, Sở TT&TT tỉnh cũng đã chủ trì phối hợp với Cổng TTĐT tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh hiện trường theo đúng thời gian quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận tiện cho người dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa ứng dụng đến gần hơn với người dân 

Chuyển đổi số (CĐS) bắt đầu từ người dân, tất cả các giải pháp công nghệ số đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là tiện ích của người dân. Sự tiếp cận, ứng dụng các tiện ích của người dân đóng vai trò quyết định trong tiến trình CĐS thành công, vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để cho nhân dân thấy việc áp dụng công nghệ là dễ dàng và hiệu quả.

Để kịp thời triển khai ứng dụng CaMau-G làm đại diện cho hệ thống phần mềm CQĐT của tỉnh, Sở TT&TT tỉnh đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn báo chí; Cổng TTĐT tỉnh; UBND các huyện và TP. Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau bằng ứng dụng.

Theo đó, Sở TT&TT đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường hàm lượng thông tin cũng như dung lượng, thời lượng trong các bản tin, chương trình thời sự, các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, hướng dẫn mọi người biết và sử dụng các nền tảng công nghệ số như ứng dụng CaMau-G trong việc phản ánh hiện trường; sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; cung cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh; dữ liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức;...

Đồng thời, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cũng cần nhanh chóng triển khai và sử dụng ứng dụng CaMau-G trong hoạt động quản lý điều hành. Đẩy mạnh khai thác chức năng phản ánh, kiến nghị; tra cứu, sử dụng dữ liệu về thống kê, tình hình kinh tế - xã hội, quan trắc môi trường, hệ thống thư viện điện tử, quản lý cán bộ,...; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh và những tin tức nổi bật tại ứng dụng CaMau-G được tích hợp từ Cổng TTĐT của tỉnh.

Cùng với đó, UBND các huyện và thành phố Cà Mau triển khai và sử dụng ứng dụng CaMau-G trên địa bàn quản lý; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến và sử dụng ứng dụng CaMau-G tại cơ quan đơn vị, địa phương cơ sở và trong nhân dân.

Trước đó, tháng 4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ký ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về CĐS tỉnh Cà Mau trên các phương tiện truyền thông năm 2022.

Trong đó, Kế hoạch đặt ra yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số trong các ngành; đẩy mạnh hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch... thông qua các nền tảng số để cho nhân dân thấy việc áp dụng công nghệ là dễ dàng, thiết thực và hữu ích trong đời sống./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CaMau-G - Cầu nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO