Cần có văn hóa dữ liệu để chuyển đổi số thành công

Bảo Bình| 14/04/2022 05:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Khối lượng dữ liệu mà các cá nhân và doanh nghiệp (DN) tạo ra có xu hướng tăng lên nhanh chóng theo thời gian, kéo theo đó là những thách thức làm thế nào để dữ liệu tạo ra giá trị thực? Đó là lý do ngày càng nhiều DN ưu tiên xây dựng nền văn hóa dữ liệu ...

Chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành một chiến dịch mạnh mẽ trên toàn cầu trong hai năm qua, một phần là do đại dịch COVID-19. Mặc dù thực tế CĐS đã nằm trong chương trình nghị sự của nhiều tổ chức và là thành phần trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của DN, nhưng không thể phủ nhận đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình CĐS.

Cùng với sự thay đổi này, nhu cầu nắm bắt, đọc hiểu dữ liệu tốt hơn cũng gia tăng trong các tổ chức. Tuy nhiên, các DN vẫn gặp nhiều trở ngại khi giới thiệu những công nghệ mới hay những ý tưởng mới, trở ngại đó nằm ở vấn đề nhận thức và đào tạo kiến thức dữ liệu cho nhân viên, nhận thức về những lợi ích mà khả năng hiểu biết dữ liệu có thể mang lại. 

Theo Craig Stewart, Giám đốc công nghệ của hãng Snaplogic, vấn đề nằm ở chỗ nếu nhân viên không được trang bị kiến thức phù hợp, nghĩa là các DN đơn giản đã không chuẩn bị tốt để gặt hái những phần thưởng đầy đủ mà các chiến lược công nghệ có thể mang lại, do đó đã cản trở các lợi ích lâu dài.

Văn hóa dữ liệu là gì?

Văn hóa dữ liệu là các hành vi và niềm tin tập thể của những người coi trọng, thực hành và khuyến khích việc sử dụng dữ liệu để cải thiện việc ra quyết định. Kết quả là, dữ liệu được đan kết vào hoạt động, tư duy và bản sắc của một tổ chức. Văn hóa dữ liệu trang bị cho mọi người trong tổ chức những hiểu biết sâu sắc mà họ cần để thực sự hướng về dữ liệu, giải quyết những thách thức kinh doanh phức tạp nhất dựa trên dữ liệu.

Nghiên cứu của IDC được thông tin trong bài viết "How data culture fuels business value in data-driven organizations" (2021) cho thấy các tổ chức nhận ra giá trị đầy đủ của dữ liệu khi họ có văn hóa dữ liệu. Khảo sát của IDC cho thấy 83% các CEO muốn xây dựng một tổ chức theo hướng dữ liệu; 87% các CXO (giám đốc trải nghiệm khách hàng) ưu tiên việc trở thành một DN thông minh; 74% yêu cầu quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu.

"Văn hóa dữ liệu" đóng một vai trò thiết yếu đưa công cuộc CĐS thành công trong DN. Cụ thể, văn hóa dữ liệu là khi mọi người trong một tổ chức hiểu được giá trị tiềm năng của dữ liệu, vai trò của họ trong việc sử dụng dữ liệu cũng như cách thức hành động và ra quyết định theo hướng dữ liệu, tất cả đều giúp đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu chung của DN. Hãng nghiên cứu McKinsey dự đoán rằng vào năm 2025, hầu hết nhân viên sẽ tận dụng dữ liệu để hỗ trợ công việc của họ, vì vậy, điều quan trọng là họ phải có hiểu biết vững chắc về cách tạo ra giá trị từ dữ liệu.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo DN không phải bỗng nhiên thức dậy vào một buổi sáng và nhận thấy rằng DN của họ có một nền văn hóa dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ. Văn hóa dữ liệu là một công việc và là một quá trình xây dựng, phát triển liên tục. Có thể bạn đã nghe thuật ngữ “data-driven” (dựa trên dữ liệu hay được dữ liệu thúc đẩy) được sử dụng phổ biến khi các nhóm lãnh đạo lập kế hoạch và ra quyết định. Để đạt được thành quả lao động này, họ cần đảm bảo rằng văn hóa dữ liệu của DN phải mạnh.

Làm thế nào để cải thiện văn hóa dữ liệu?

Ban đầu, cách tiếp cận theo hướng dữ liệu có thể khó thực hiện trong toàn DN, một số nhân viên có thể cảm thấy khó khăn trong việc hiểu dữ liệu có thể có giá trị thực như thế nào. Vì vậy, điều cần thiết là phải phá bỏ những rào cản này và giới thiệu một nền văn hóa dữ liệu mạnh mẽ. DN có thể thực hiện theo một số bước sau để giúp họ đạt được nền văn hóa dữ liệu tích cực.

Như thường lệ, bước đầu tiên nên làm là hỗ trợ nhân viên, đảm bảo họ cảm thấy thoải mái và tích cực trong việc áp dụng các phương pháp làm việc mới. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đảm bảo họ được hỗ trợ và đào tạo phù hợp để thành công.

Điều bắt buộc là tất cả nhân viên phải hiểu dữ liệu có thể hỗ trợ công việc của họ như thế nào và dữ liệu có thể được áp dụng cho tất cả các ngành kinh doanh - từ việc cải thiện các quy trình nhân sự cho đến tối ưu hóa các quy trình tài chính và kế toán như hệ thống tài khoản phải trả và báo cáo của các bên liên quan.

Vì một số nhân viên có thể không nhận thấy dữ liệu có thể giúp họ như thế nào, hãy chỉ cho họ những phương pháp đầu tiên có thể áp dụng để tiếp cận dữ liệu, những thông tin chi tiết có thể thu thập được và cách dữ liệu đó có thể giúp họ thực hiện công việc một cách hiệu quả và thông minh hơn, trong khi giúp giảm khối lượng công việc của họ. Điều đó sẽ khuyến khích họ tìm hiểu và áp dụng phương pháp mới.

Xây dựng văn hóa dữ liệu để chuyển đổi số thành công - Ảnh 1.

Hãng nghiên cứu McKinsey dự đoán vào năm 2025, hầu hết nhân viên sẽ tận dụng dữ liệu để hỗ trợ công việc của họ, vì vậy điều quan trọng là họ phải có hiểu biết vững chắc về cách tạo ra giá trị từ dữ liệu.

Việc thực hiện cẩn thận một chiến lược sẽ vạch rõ chính xác chiến lược đó có ảnh hưởng như thế nào, và đặc biệt quan trọng hơn là chiến lược đó sẽ mang lại lợi ích cho các nhóm trong toàn DN, đó là điều cần thiết để đảm bảo rằng DN đạt được quy trình và sau đó là đạt được kết quả. Chiến lược cũng cần đặt ra các mục tiêu tổng thể của quá trình CĐS và cách nền văn hóa dữ liệu của công ty thúc đẩy, hỗ trợ CĐS.

Chiến lược là điều quan trọng đầu tiên, công nghệ đứng thứ hai

Khi đã có chiến lược và nhân viên cảm thấy họ làm việc hiệu quả hơn nhờ dữ liệu, DN có thể bắt đầu triển khai các công cụ giúp phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vững chắc. Điều này có thể bao gồm:

Low-code/no-code: Theo định nghĩa, low-code, hay no-code, là một hướng phát triển phần mềm theo cách tiếp cận trực quan. Theo đó, những nền tảng low-code cho phép người sử dụng viết ít code còn no-code thì không cần phải viết thêm dòng code nào. 

Nền tảng low-code/no-code cho phép tự động hóa dữ liệu, làm giảm độ phức tạp và chuyên môn cần thiết khi mọi người tham gia vào các dự án công nghệ và dữ liệu. Các nhân viên - dù có trình độ kiến thức CNTT như thế nào - đều có thể nhanh chóng và dễ dàng thúc đẩy giá trị DN, mang lại cho họ tốc độ, sự linh hoạt và nhanh nhẹn hơn khi truy cập vào các thông tin họ cần.

Quản lý dữ liệu: Nếu dữ liệu quan trọng của DN bị che dấu và những người cần dữ liệu đó gặp khó khăn khi tiếp cận, thì giá trị của dữ liệu đó sẽ bị hạn chế. Giới thiệu một nền tảng cho phép tích hợp, lưu trữ thích hợp, phân tích và lập danh mục dữ liệu là chìa khóa cho vấn đề này.

Lập danh mục: Khi có một lượng lớn dữ liệu, DN có thể sẽ khó theo dõi và kiểm soát. Lưu, quản lý và truy xuất dữ liệu của tổ chức là điều rất cần thiết và điều đó chỉ có thể triển khai bằng một nền tảng có thể cung cấp cái nhìn tổng thể về bối cảnh dữ liệu, từ đó DN mới có thể theo dõi những gì đang diễn ra.

Ứng dụng công nghệ AI: ngày càng nhiều DN, tổ chức có nhu cầu đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào môi trường làm việc. Công nghệ khai thác AI sẽ mang lại cho DN lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh. Việc sử dụng AI để tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại cũng có thể giúp tăng năng suất CNTT và cho phép nhân viên nhanh chóng kết nối các ứng dụng và dữ liệu với nhau để trao đổi các thông tin chi tiết mới.

Công nghệ có tiềm năng thổi luồng sinh khí mới vào một DN, biến đổi và cách mạng hóa cách thức hoạt động của DN. Tạo ra một nền văn hóa dữ liệu thực sự sẽ là trọng tâm giúp mang lại thành công cho cơ sở hạ tầng số mới. Tuy nhiên, để thực hiện đúng, cần có một chiến lược rõ ràng và tất cả mọi người trong tổ chức đều cần tham gia./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần có văn hóa dữ liệu để chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO