Cảnh giác với tin giả về chiến sự ở Ucraina

Hoàng Tuấn| 28/02/2022 08:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Tin tức về chiến sự ở Ucraina đang chiếm lĩnh hầu hết thông tin trên mạng internet. Tuy nhiên, đã xuất hiện rất nhiều video, ảnh và tin tức giả về các sự kiện này.

Đầu tiên là tin tức về đảo Rắn. Ngày 26/02 nhiều tài khoản Facebook ở Việt Nam chia sẻ nội dung ghi là "đoạn băng ghi âm" đối đáp giữa lính biên phòng Ucraina trên đảo Zmiiny (còn gọi là đảo Rắn) với chiến hạm Nga với nội dung: "Đây là chiến hạm Nga. Đề nghị quý vị buông vũ khí và đầu hàng để tránh đổ máu và thương vong không cần thiết. Nếu không, chúng tôi sẽ khai hỏa!". "Tàu chiến Nga, biến mẹ mày đi!". Kèm với đó là thông tin về 13 binh sỹ trên đảo Rắn ở Ucraina đã bị quân đội Nga tiêu diệt do không chịu đầu hàng. 

Cảnh giác với tin giả về chiến sự ở Ucraina - Ảnh 1.

Tin fake về đảo Rắn.

Sau đó một tài khoản Facbook là Phan Việt Hùng đã đăng tải clip và ảnh chụp "các quân nhân Ukraina bảo vệ đảo Rắn(82 người), những người được phía Ucraina tuyên bố là "đã hy sinh toàn bộ" và sẽ được truy tặng danh hiệu Anh hùng, đang sửa soạn lên tàu Shaktyor để về Sevastopol, sau đó sẽ được thả về nhà".

Với nội dung clip do Facebooker Phan Việt Hùng chia sẻ, thì không có chuyện lính biên phòng Nga bị tiêu diệt, mà tất cả đầu hàng và đã được đưa lên tàu Shaktyor để về Sevastopol, "sau đó sẽ được thả về nhà".

Cảnh giác với tin giả về chiến sự ở Ucraina - Ảnh 2.

Các binh sỹ đảo Rắn nhận lương thực để lên tàu về Sevastopol (ảnh cắt từ clip).

Thứ hai là tin tức về sự hy sinh của một nữ phi công người Ucraina. Ngày 27/2 trên Facebook xuất hiện chia sẻ về sự hy sinh của một nữ phi công tiêm kích của Ucraina tên là Natasha Perokova hy sinh trong ngày 26/2/2022.

Sau khi các status về nữ phi công xinh đẹp này được người sử dụng FB Việt Nam chia sẻ, Fabooker Phan Việt Hùng cũng khẳng định tin này là fake. Fabooker này đã tìm kiếm trên Google tên Natasha Perokova ( Наташа Перокова) bằng 2 thứ tiếng Nga và Ucraina nhưng không tìm thấy ai có tên như vậy, bởi, theo lý giải của Facebooker này thì, nếu có một nữ phi công như thế: báo chí Ucraina đã "đưa tin đậm, thâm chí đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng". Fabooker này đã dùng đủ các từ khóa, vào tất cả các mạng tìm kiếm khác cũng không có kết quả có ai có tên, họ như vậy. Người này, đã đi tìm bằng cách khác, đó là tìm qua ảnh.

Cảnh giác với tin giả về chiến sự ở Ucraina - Ảnh 3.

Fabooker Phan Việt Hùng viết về tin giả "nữ phi công Natasha Perokova" trên trang cá nhân của mình.

Cuối cùng, đã tìm ra: "Đó là bức ảnh do nhiếp ảnh gia Ukraina là Igor Dovzhenko chụp, nằm trong seri "Nữ quân nhân" (Женщина-воин) chụp hàng chục nữ quân nhân Ukraina xinh đẹp trẻ trung, chụp cá nhân có, chụp nhóm có. Seri này đã được Dovzhenko đăng tải lên mạng chia sẻ hình ảnh Pinterest vào năm 2018. Bức ảnh mà chúng ta thấy, chỉ có một comment duy nhất của tài khoản Oleksii khen là Đẹp !. Các bức ảnh nữ quân nhân đều không ghi họ tên của người được chụp". 

Cuối cùng Facebooker này kết luận: "Không có một nữ phi công tiêm kích nào của Ukraina tên là Natasha Perokova hy sinh trong ngày 26/2/2022".

Cũng trên trang của mình, Facebooker Phan Việt Hùng đã khẳng định bức ảnh Tổng thống Zelensky của Ukraina mặc quân phục ra chiến hào cũng những thông tin như: "Zelensky khoác chiến bào ra chiến hào cùng binh sĩ và mời Putin ra tiền tuyến đàm phán"; "Từ chối di tản"; "Đây có thể là lần cuối cùng mọi người thấy tôi còn sống"… không phải là ảnh mới chụp mà ảnh chụp từ tháng 4/2021, đã được kênh truyền hình Thởi nay( Настоящее время) đăng ngày 20/4/2021, cho biết Zelensky đề nghị Putin gặp nhau tại Donbass, tại bất cứ điểm giao tranh nào. Còn ảnh đăng kèm bình luận nói Zelensky sẽ không di tản, được báo Sự thật của Ukraina đăng ngày 6/12/2021, cho biết ông Zelensky chúc mừng quân đội Ukraina nhân 30 năm thành lập và có chuyến công du đến tỉnh Lugansk và Donetsk.

Chiến sự tại Ucraina đã khiến cho tin giả về sự kiện này phát triển tràn lan. Gizmodo, một website về khoa học-công nghệ, đưa ra lời khuyên: người đọc không nên tin vào tất cả những nội dung về chiến sự Nga – Ucraina được chia sẻ trên mạng xã hội lúc này, và Gizmodo công bố ít nhất 10 video hoặc hình ảnh là tin giả.

1. Một số tài khoản Twitter đã chia sẻ video có tiêu đề "Ukraine phóng tên lửa phòng không trong đêm". Tuy nhiên, đây lại là hình ảnh trong trò chơi điện tử War Thunder.

2. Một video đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội cùng chú thích "Đám cháy bùng phát do các cuộc không kích của Nga đã gây ra phản ứng dây chuyền tại nhà máy điện Luhansk của Ukraine". Nhưng thật ra đây là video có từ năm 2015, ghi lại đám cháy tại Thiên Tân, Trung Quốc. 

Một người có tên Dan Van Duren đã quay video này và tải lên YouTube. Video này không tồn tại trên nền tảng này nữa nhưng các bản sao của nó lại xuất hiện trên nhiều trang tin. 

3. Gizmodo khuyến nghị công chúng không nên tin ngay vào tất cả những hình ảnh máy bay bị bắn hạ đang lan truyền trên mạng xã hội. 

Lần gần đây nhất hình ảnh dưới đây được đăng tải là vào tháng 1/2022 trên một blog tiếng Nga, dưới dạng ảnh chụp màn hình. Có thể hình ảnh này có từ năm 2017 và không liên quan tình hình hiện nay tại Ukraine. 

Cảnh giác với tin giả về chiến sự ở Ucraina - Ảnh 4.

Vụ nổ ở Beirut (Libano) năm 2020 được ghi thành nổ ở Ucraina.

4. Một video khác được cho là ghi hình tại Ukraine ngày 24/2 thực chất là video của vụ nổ tại Beirut, Lebanon, năm 2020, khiến ít nhất 218 người thiệt mạng. 

5. Video cùng dòng chú thích ngắn "Điều này thật điên khùng" với hashtag dành cho Ukraine và Nga được cho là ghi lại hình ảnh ngày đầu Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, máy bay trong video là chiếc F-16 của quân đội Mỹ. Đến nay, Mỹ chưa đưa ra cam kết hỗ trợ quân sự đối với Ukraine.

6. Video chứa những hình ảnh được cho là cảnh tượng chiến tranh tại Ukraine này có trong trò chơi điện tử mang tên Arma 3. Tuy nhiên, một tài khoản Twitter lại cho rằng video này cho thấy máy bay chiến đấu của Nga đã tránh được các tên lửa sau khi thả bom.

7. Video cùng thông tin "đoàn lính dù của quân đội Nga" đang đổ bộ xuống Ukraine được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Trên thực tế, video này ghi lại cuộc tập trận của Nga vào năm 2018.

Cảnh giác với tin giả về chiến sự ở Ucraina - Ảnh 5.

Video về Nga tập trận năm 2018 được ghi thành "lính Nga nhảy dù ở Ucraina 2022".

8. Một video với nội dung "tên lửa hành trình do quân đội Nga phóng nhằm vào Ukraine" thực chất là video ghi lại vụ tấn công tên lửa nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Iraq từ tháng trước. 

9. Hình ảnh dưới đây cũng bị lan truyền cùng thông tin không đúng sự thật rằng người đàn ông trong ảnh đang vẫy cờ Nga tại một tòa nhà của chính quyền tại thành phố Kharkiv, Ukraine, vào ngày 24/2 vừa qua. Trên thực tế, bức ảnh này có từ năm 2014. 

Cảnh giác với tin giả về chiến sự ở Ucraina - Ảnh 6.

Bức ảnh từ năm 2014 nhưng lại được cho là người đàn ông trong ảnh đang vẫy cờ Nga tại một tòa nhà của chính quyền tại thành phố Kharkiv, Ukraine, vào ngày 24/2.

10. Trên Twitter đã xuất hiện video cùng thông tin cho biết nhiều máy bay của Nga bay trên bầu trời thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, theo công cụ kiểm chứng thông tin First Draft, đây là những hình ảnh trong một triển lãm hàng không từ năm 2020. 

Theo thông tin trên YouTube, video gốc được tải lên nền tảng này vào ngày 4/5/2020, ghi lại một chuyến bay tại thủ đô Moskva của Nga một vài năm trước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với tin giả về chiến sự ở Ucraina
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO