Cao Bằng: Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp cuối năm

Diệu Linh| 18/12/2017 18:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Những tháng cuối năm 2017, công tác quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc triển khai thực hiện theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bằng những giải pháp tối ưu, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh phở.

Những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Trung Thu vừa qua, toàn tỉnh đã tổ chức 97 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, phường, thị trấn đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên đại bàn toàn tỉnh. Trong đó, 3 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh, 13 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện và 81 đoàn kiểm tra tuyến xã.

Theo số liệu thống kê, các đoàn thanh, kiểm tra các cấp đã tiến hành thanh, kiểm tra tổng số 955 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Các cơ sở có vi phạm đều được nhắc nhở, buộc phải xử lý 76 cơ sở, trong đó, cảnh cáo 10 cơ sở, phạt hơn 29 triệu đồng đối với 19 cơ sở. Đáng lưu ý, có 38 cơ sở bị tiêu hủy 25 mặt hàng, chủ yếu là nhóm thực phẩm bao gói sẵn như: vịt đã qua sơ chế, xúc xích không rõ nguồn gốc; 9 cơ sở bắt buộc phải khắc phục về nhãn.

Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh.

Những nội dung vi phạm chủ yếu là về điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm thực phẩm… Trong đó, lỗi vi phạm nhiều nhất là về điều kiện vệ sinh cơ sở và điều kiện thiết bị dụng cụ do đa số các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh đều mang tính chất nhỏ lẻ, thủ công. Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn đã tiến hành lấy 125  mẫu  sản phẩm xét nghiệm, trong đó có 9 mẫu không đạt.

Qua nhiều phương tiện truyền thông, người tiêu dùng ngày càng có kiến thức tốt hơn trong việc lựa chọn, bảo quản, sử dụng thực phẩm, vì vậy, số lượng hàng thủ công, gia công trên thị trường ít hơn. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng đã nhận thức được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, do đó đã lựa chọn những sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng để bày bán. Tuy nhiên, quá trình thanh kiểm tra tại các cơ sở cho thấy, vẫn còn tình trạng cơ sở thiếu phương tiện bảo quản hàng hóa, tủ bảo quản hàng hóa không có kính bảo vệ chống côn trùng và chống bụi, hàng hóa không có giá kê cao theo quy định, hàng hóa còn xếp đặt lộn xộn, lao động không mặc áo bảo hộ khi làm việc, ý thức vệ sinh còn kém.

Từ các đợt kiểm tra nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm đã kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, giúp người dân an tâm sử dụng thực phẩm an toàn. Ngoài việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, các đoàn đã tuyên truyền, phổ biến một số quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO