Câu chuyện vận chuyển máu cứu người bằng máy bay không người lái ở Rwanda

Ngọc Diệp| 02/05/2022 15:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Vận chuyển máu để cấp cứu bệnh nhân bằng máy bay không người lái (drone) đã được quốc gia Đông Phi Rwanda triển khai từ cuối năm 2016. Đến nay dịch vụ này đã bao phủ 80% quốc gia, giúp cứu sống nhiều người và giảm thiểu lượng máu bị lãng phí do quá hạn sử dụng.

"Đặt cược" của Rwanda

Cách đây 6 năm, Rwanda gặp vấn đề trong việc vận chuyển máu. Hơn 12 triệu người sinh sống tại quốc gia Đông Phi nhỏ bé này có thể gặp phải các vấn đề như tai nạn xe hơi, băng huyết sau sinh, trẻ em thiếu máu cần được truyền máu gấp. Bạn không thể đoán trước được những tình huống khẩn cấp đó. Và khi chúng xảy ra, thời gian chờ đợi sản phẩm máu để truyền cho bệnh nhân quá lớn có thể đe dọa mạng sống của họ.

Đây không phải là một vấn đề lớn nếu bạn sống trong một thành phố. Tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, 80% dân số tập trung xung quanh các trung tâm đô thị với các bệnh viện và ngân hàng máu. Tại các quốc gia châu Phi như Libya, Djibouti và Gabon, khoảng 80 - 90% dân số cũng sinh sống ở các thành phố. Nhưng tại Rwanda thì ngược lại, 83% người dân Rwanda sống ở các vùng nông thôn. Vì vậy, khi các bệnh viện ở xa cần máu, máu sẽ được vận chuyển đến bằng đường bộ thông qua ô tô, xe máy hay xe tải. Trong khi đó, đường sá ở Rwand có nhiều đồi dốc và trong năm có đến 2 mùa mưa, do đó việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều bệnh viện ở khu vực nông thôn thường dự trữ lượng máu lớn hơn mức họ cần. Nhưng những thách thức lớn liên quan tới máu mà ai cũng biết đó là thời hạn sử dụng của nó rất ngắn, cần rất nhiều yêu cầu bảo quản, lưu trữ khác nhau và rất khó để biết trước nhu cầu về số lượng các nhóm máu trước khi có một người thực sự cần tới chúng.

Vào năm 2016, chính phủ Rwanda và Bộ Y tế nước này đã là những đối tác đầu tiên dám "đặt cược" vào tiềm năng của công nghệ máy bay không người lái, ký hợp đồng thương mại với Zipline, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ), để vận chuyển phần lớn lượng máu theo nhu cầu của các bệnh viện.

Máy bay không người lái tự hành của Zipline sẽ vận chuyển máu từ một trung tâm phân phối đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe (CSSK). Hiện nay, Zipline có hai trung tâm phân phối máu ở Rwanda; mỗi trung tâm có thể thực hiện tới 500 lần giao mỗi ngày. Dịch vụ vận chuyển máu bằng máy bay không người lái đã giúp cải thiện thời gian chuyển máu và giảm lãng phí. 

Trong bài viết được đăng tải trên Tạp chí Lancet Global Health, Marie Paul Nisingizwe tại Đại học British Columbia (UBC), đã phân tích gần 13.000 đơn hàng bằng máy bay không người lái từ năm 2017 - 2019 và nhận thấy rằng một nửa số đơn đặt hàng mất khoảng 41 phút hoặc ít hơn để đến địa điểm giao. Nếu vận chuyển bằng đường bộ, thời gian trung bình sẽ ít nhất là 2 giờ.

"Thật ngạc nhiên khi thấy rằng máy bay không người lái giao hàng thực sự khả thi ở các quốc gia châu Phi", Nisingizwe nói.

Khi một người bệnh cần truyền máu khẩn cấp, bác sĩ hay y tá tại bệnh viện sẽ gửi tin nhắn thông qua WhatsApp tới Zipline, thông báo nhu cầu dùng máu của họ. Lập tức phía công ty sẽ khẩn trương thực hiện yêu cầu. Họ lấy máu trong kho và quét mã số đơn vị máu đó vào hệ thống để Bộ Y tế Rwanda biết rõ đơn vị máu đó được chuyển đi đâu. 

Sau đó họ đặt máu lên chiếc máy bay không người lái của Zipline. Và khi Zip chuẩn bị khởi hành, chỉ trong khoảng nửa giây, họ tăng tốc của nó từ 0 lên 100km/h. Kể từ lúc rời bệ phóng, Zip hoạt động hoàn toàn tự động.

Câu chuyện vận chuyển máu bằng máy bay không người lái ở Rwanda - Ảnh 1.

Trong suốt hành trình từ lúc Zip rời khỏi trung tâm phân phối máu, cho tới khi nó ở cách xa trung tâm tới 50km, những người ở Công ty Zipline vẫn có thể theo dõi chiếc drone ở thời điểm nó giao máu tới bệnh viện theo thời gian thực. Trong khi di chuyển, nó liên tục gửi dữ liệu trong hành trình về trung tâm xử lý thông qua mạng điện thoại di động.

Do các bác sĩ có thể nhận được các đơn vị máu cần thiết ngay lập tức nên họ cũng sẽ tích trữ máu ít hơn tại bệnh viện nên không có đơn vị máu nào bị bỏ phí vì quá hạn sử dụng như trước đây.

Đến nay, sau gần 6 năm triển khai, dịch vụ này đã bao phủ 80% đất nước, giúp cứu sống nhiều người và giảm thiểu lượng máu bị lãng phí do quá hạn sử dụng.

Rwanda tiên phong trong lĩnh vực y tế số ở châu Phi

Rwanda nổi tiếng là chú trọng vào các đổi mới công nghệ y tế. Hệ thống CSSK toàn dân của Rwanda đã tiếp cận hơn 90% dân số. Năm 2009, chính phủ đã thí điểm một chương trình dựa trên điện thoại, được gọi là RapidSMS, để theo dõi và giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Đến năm 2013, RapidSMS đã kết nối 15.000 ngôi làng với mạng lưới bác sĩ, bệnh viện và xe cứu thương rộng lớn của quốc gia.

Michael Law, nhà nghiên cứu chính sách y tế tại UBC, cho biết: "Họ có một trong những hệ thống dữ liệu điện tử hoàn chỉnh nhất, cho phép Bộ Y tế Rwanda theo dõi bao nhiêu người đi khám bệnh, bao nhiêu người mắc bệnh sốt rét hoặc HIV và bao nhiêu người sinh con tại các cơ sở y tế. Đó là mỏ vàng cho các nhà nghiên cứu như Nisingizwe, những người muốn đánh giá mức độ cải thiện mà các sáng kiến mang lại".

Trước khi bắt đầu phân tích của mình, Nisingizwe đã đến Rwanda để tìm hiểu về dịch vụ hậu cần truyền thống để vận chuyển máu ở đó. Khi các nhân viên y tế tại các bệnh viện nông thôn cần máu, họ sẽ điền vào các mẫu đơn, tài xế sẽ đưa đến Trung tâm máu quốc gia và sau đó nhận sản phẩm máu và vận chuyển trở lại bệnh viện. Dữ liệu nghiên cứu của Nisingizwe cho thấy thời gian giao hàng phụ thuộc vào khoảng cách, nhưng hệ thống máy bay không người lái của Zipline luôn mang lại hiệu quả hơn.

Máy bay không người lái cũng giúp giảm lượng máu quá hạn sử dụng, trong 12 tháng, nó đã giảm số lượng máu lãng phí khoảng 67% với tổng cộng 140 lần hết hạn trong giai đoạn 2017 - 2019.

Sau khi phân phối máu ở Rwanda, Zipline cũng đã hợp tác với chính phủ Ghana, ở Tây Phi, để cung cấp máu, thuốc và vắc-xin bằng máy bay không người lái.

Nhờ giao hàng bằng máy bay không người lái, các cơ sở y tế nông thôn hiện có thể đặt hàng các sản phẩm máu hiếm hơn, bao gồm tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh và các chất đông lạnh - các protein đặc biệt được phân lập từ huyết tương.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất đối với hoạt động của các máy bay không người lái là thời tiết, do đó các nhà điều hành chuyến bay cần phải kiểm tra thời tiết và xác nhận tuyến đường tốt nhất cho mọi chuyến bay. Một thách thức khác liên quan tới vấn đề kỹ thuật, cụ thể là pin. Trừ khi pin rẻ hơn và có dung lượng lớn hơn, chúng sẽ hạn chế tải trọng và phạm vi hoạt động của máy bay không người lái./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện vận chuyển máu cứu người bằng máy bay không người lái ở Rwanda
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO