CĐS đã thúc đẩy các doanh nghiệp “vượt dịch” COVID-19

NK| 19/01/2022 08:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia công nghệ, nếu như trước đây, mỗi cuộc cách mạng phải mất trung bình từ 10 - 20 năm mới diễn ra, nhưng COVID-19 đã làm rút ngắn thời gian xuống 1-2 năm. Để rồi, những doanh nghiệp (DN) đã tận dụng, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) để gắn kết với người tiêu dùng đang hưởng lợi.

"Ma trận" ảnh hưởng của COVID-19 với nền kinh tế

Theo kết quả điều tra khảo sát do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện gần đây trên gần 3.000 DN, cho thấy có tới 93,9% DN cho biết tác động của dịch ở mức độ "hoàn toàn tiêu cực" và "phần lớn là tiêu cực", tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020. Trong đó, khoảng 60% DN cho biết tác động của COVID-19 "phần lớn là tiêu cực" và 34% DN nhận định COVID-19 tác động "hoàn toàn tiêu cực" (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). Chỉ có khoảng 4% cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội cho DN để phát triển.

Về lao động, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 DN thì có xấp xỉ 9 DN chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Nói về ma trận của các ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra đối với các quốc gia, ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc Tư vấn FPT Digital cho biết, đó là việc gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tạo ra các tổn thất to lớn đến doanh thu, khó khăn trong việc huy động vốn lưu động của DN. Qua đó dẫn đến việc thiếu hiệu quả trong vận hành của các DN Việt, doanh thu giảm và các chi tiêu công cũng đã bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Kết quả cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, họ mất đi tinh thần và có ảnh hưởng rất lớn đến tài chính của các hộ gia đình.

"Kết quả, gần 20% DN thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó 84% DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong đợt dịch lần thứ tư. Trong năm 2021, so với năm ngoái thì gần 20% đã tạm phải dừng kinh doanh, 34% DN gặp khó khăn chủ động về nguồn vốn để duy trì hoạt động của mình.", ông Cường cho biết thêm.

"Thời điểm vàng" để các DN chuyển đổi

Để DN duy trì hoạt động vận hành trong thời kỳ bình thường, theo ông Cường, các công ty cần: Đảm bảo SXKD và năng suất chất lượng như trước; Sẵn sàng thích ứng với thay đổi khó lường; An toàn phòng chống dịch. 

Ông Cường đã dẫn chứng trường hợp một công ty sản xuất và phân phối thực phẩm đã hoạt động trên thị trường Việt Nam 20 năm, đã thích ứng khi làm việc từ xa thông qua các giải pháp công nghệ. Đầu tiên là các giải pháp ứng dụng hệ thống quản lý nhân sự FPT.iHRP giúp quản lý nhân sự, chấm công, tính lương thưởng từ xa hiệu quả, không bị gián đoạn, cũng như đẩy mạnh quy trình xử lý thông tin và tổng hợp dữ liệu tự động trên nền tảng hạ tầng điện toán đám mây. Đồng thời triển khai nền tảng làm việc từ xa cho nhân viên của mình, nhưng không quên tương tác và liên kết với DN, khách hàng thông qua nền tảng blockchain".

Kết quả mang lại cho DN này là doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 16%. 95% thao tác trong DN được tự động hoá và quản lý minh bạch tức thì với 50 công ty trực thuộc tập đoàn này", ông Cường nói.

Từ đó, theo ông Cường, khủng hoảng là thời điểm vàng để các DN chuyển mình. Lý giải cho điều này, ông Cường cho rằng, các DN đang có nhiều điểm thuận lợi, đầu tiên là sự ủng hộ của nhà nước, khi mà Việt Nam đã có chiến lược rất rõ ràng cho CĐS cũng đang đưa ra các hỗ trợ cách thức cho doanh nghiệp trong CĐS cho mình.

Điểm thứ 2 là hạn chế của phương thức làm việc truyền thống, các kênh truyền thống ngày xưa đang đang không còn phù hợp với tình hình hiện nay, điều này buộc các DN phải chuyển đổi. Yếu tố cuối cùng là sự sẵn sàng và phổ biến của công nghệ, khi mà Việt Nam đang nằm trong top 20 quốc gia sử dụng Internet cao nhất thế giới.

Ông Lưu Danh Đức, Giám đốc Ban CNTT Công ty CP Tập đoàn Sovico cho biết, thảm họa COVID-19 gây ra hậu quả nghiêm trọng với các DN. Hầu hết ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là hàng không và nghỉ dưỡng. 

"Đây cũng là hai ngành quan trọng của Sovico. Do đó, chúng tôi cũng phải có những hành động để giảm thiểu những tác hại và chuẩn bị cho bình thường mới", ông Đức nói.

Cũng giống như các DN khác, Sovico cũng thực hiện nhiều biện pháp như giảm chi phí, duy trì nguồn lực tinh nhuệ, các hoạt động bảo trì, triển khai văn phòng không giấy, ERP… Song song với đó, công ty cũng tập trung tạo ra các doanh thu mới, chủ yếu chuyển đổi một số dịch vụ lên nền tảng số, tạo trải nghiệm mới cho khách hàng, ví dụ hàng không không chở khách thì trở hàng hóa, không đón khách trong nước thì chuyển sang đón khách cách ly. Hay Đào tạo cho nhân viên các kỹ năng kiến thức để tạo những công việc, hoạt động duy trì nguồn lực chuẩn bị cho bình thường mới.

Không chỉ thực hiện các biện pháp duy trì và thực hiện chiến lược vượt dịch COVID-19, ngành gỗ và nội thất Việt Nam còn duy trì xuất khẩu, vượt qua đối thủ trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn nhất vào Mỹ. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, Tổng giám đốc công ty aKa Furniture cho biết, ngành gỗ cũng từng có những thời điểm lo ngại về đứt gãy thị trường trong tháng 3, tháng 4/2020, nhưng đã có những thích ứng nhanh chóng. Tuy nhiên, do thế giới đang chuyển dịch qua thương mại điện tử (TMĐT) và những trải nghiệm về mua sắm đồ gỗ khách hàng châu Âu vẫn mua qua TMĐT. Điều này gián tiếp tạo ra các đơn hàng cho ngành gỗ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn giữ được liên lạc với các bạn hàng thông qua công nghệ, các showroom ảo trực tuyến và hạ tầng CNTT sẵn có. Đầu năm 2020, với sự giúp đỡ của FPT, hiệp hội đã tổ chức các hội nghị trực tuyến, các khóa huấn luyện online, sau đó là triển lãm trực tuyến và hiện nay vẫn duy trì liên tục showroom ảo trên nền tảng đó. Sắp tới là xác thực nguồn gốc gỗ hợp pháp. Hiệp hội cũng chuẩn bị ra mắt nền tảng có thể giúp các DN  xác nhận chuỗi cung ứng, đặc biệt là nguồn gốc gỗ là hợp pháp. Ngành gỗ vượt qua COVID-19 lần này có sự đóng góp rất lớn của công nghệ và sự gan lỳ của người Việt.

"Nếu COVID-19 xảy ra 5 năm trước đây, sẽ gây thiệt hại kép là vừa đứt gãy thị trường vừa không đảm bảo liên lạc với khách hàng", ông Phương đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Lê Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Innovation thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết thành tích của ngành gỗ đến từ việc DN thúc đẩy công nghệ, gắn kết với người tiêu dùng. Dịch bệnh đã thúc đẩy các DN triển khai các công nghệ để gắn kết khách hàng.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, các DN "vượt dịch" hiệu quả trong thời gian vừa qua đều là những DN có niềm tin vào CĐS. Dù trước khi dịch bệnh xảy ra, một số DN đã có niềm tin này rồi và dịch bệnh như một phép thử. Sự thay đổi của thế giới xảy ra phải mất 10 -20 năm mới diễn ra một cuộc cách mạng nhưng COVID-19 đã đẩy nhanh hơn tiến trình này, chỉ trong 1-2 năm. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã xảy ra và đang chuẩn bị cho cuộc mạng công nghiệp 5.0. 

"CĐS không phải là đích hướng đến mà là một chặng đường với những mục tiêu cao hơn, nhưng cũng có những bất định làm chúng ta vững vàng hơn", ông Sơn khẳng định.

CĐS đã thúc đẩy các doanh nghiệp “vượt dịch” COVID-19 - Ảnh 1.

Dịch bệnh đã thúc đẩy các DN triển khai các công nghệ để quản trị, gắn kết khách hàng, từ các công ty công nghệ cho đến những đơn vị truyền thống như sản xuất, ngành gỗ, bán lẻ...

Áp dụng công nghệ số để linh hoạt, dự báo trước các thay đổi của thị trường, khách hàng

Để thích ứng trong giai đoạn bình thường xanh sắp tới, theo ông Đức, Sovico đã chuẩn bị nhiều nền tảng cho bình thường mới và tiến hành CĐS trong một vài lĩnh vực kinh doanh. Kế đến, Sovico cũng có những công ty về fintech, tập trung xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thân thiết (loyalty) thông minh tạo ra hệ sinh thái giữa các công ty trong tập đoàn, từ đó thúc đẩy việc thu thập dữ liệu khách hàng tập trung, thúc đẩy bán chéo sản phẩm giữa các công ty trên nền tảng số.

Một nhiệm vụ cần tập trung khác trong thời gian tới là mảng hậu cần (back office), để tăng hiệu quả trong hoạt động tập đoàn dựa trên nền tảng số với việc hoàn thiện hệ thống quản lý nguồn nhân lực, làm việc với các đối tác FPT, hệ thống ERP, hệ thống văn phòng điện tử (e-office).

"Chúng tôi nỗ lực đưa chương trình quản lý văn bản, văn phòng số không giấy tờ bằng cách thúc đẩy sử dụng chữ ký số thông qua chương trình ký điện tử (esign) với FPT. Với khách hàng, đối tác cũng sẽ cung cấp công cụ như eKYC để hỗ trợ họ tương tác thự hiện giao dịch trên nền tảng số của công ty. Các đối tác ngoài hệ sinh thái của tập đoàn, chúng tôi cũng đẩy mạnh chương trình thanh toán không tiền mặt, ví dụ như với Petrolimex cung cấp các tiện ích thanh toán không tiền mặt cho khách hàng ở xa", ông Đức chia sẻ.

Còn đối với lĩnh vực bất động sản, ông Lê Nguyễn Hoàng Minh cho biết rất khó đưa ra dự báo cho năm 2022 - 2023. Bởi vì, trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách hàng sẽ có những quyết định khó khăn và thận trọng trong đầu tư. 

Về quản trị và phát triển thích ứng với điều kiện mới, Hưng Thịnh đã có sự chuẩn bị bị từ nhiều năm trước, tập trung vào 3 kế hoạch chính. Đầu tiên là CĐS trong nội bộ, khởi động cách đây hai năm. Hiện nay đơn vị của Hưng Thịnh đang tiếp tục vòng tiếp theo của chu kỳ chuyển đổi làm sao để cải thiện tất cả các hoạt động vận hành trong nội bộ, tiết kiệm được tối đa chi phí, cũng như là tạo sự thuận lợi nhất cho kinh doanh.

Tiếp theo, Hưng Thịnh tập trung phát triển các công nghệ trên nền tảng (platform), sẽ triển khai triệt để các thế mạnh của AI và blockchain để thay đổi những giao dịch thông thường của cuộc sống hàng ngày chuyển sang nền tảng số. Để qua đó, khách hàng có sự minh bạch và thuận tiện trong giao dịch, cùng chia sẻ những lợi ích.

Bên cạnh đó, với mục tiêu những người có thu nhập thấp có thể tham gia thị trường bất động sản với khoảng ngân sách hạn chế, trong tương lai, Hưng Thịnh sẽ cung cấp cho cộng đồng những tiện ích công cụ để làm việc đó, hiện thực hóa việc đầu tư vào bất động sản, không cần phải có nhiều tiền.

Cuối cùng, Hưng Thịnh thay đổi tầm nhìn hàng này, tập trung vào tiếp thu những nền tảng công nghệ mới nhất của thế giới để đưa vào ứng dụng trong hệ sinh thái tập đoàn. Hiện nay công ty đang liên kết với những trường đại học lớn, tập đoàn công nghệ như FPT để khai thác những chất xám, thành tựu công nghệ đưa vào hệ sinh thái của Hưng Thịnh. Ví dụ như thành phố thông minh, nghiên cứu vật liệu mới vừa bảo vệ môi trường vừa cải tiến tài nguyên thiên nhiên, tối ưu hóa quá trình sản xuất xây dựng, hạ giá thành sản phẩm.

Ông André Heskamp, Giám đốc Khối kỹ thuật số và vận hành CNTT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Schaeffler đã đưa ra lời khuyên để các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội trên thị trường. 

"Trong giai đoạn COVID-19, chúng tôi đã CĐS rất nhiều để nắm bắt các cơ hội. Cần hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng để đáp ứng nhu cầu và dự báo trước các nhu cầu, thay đổi của thị trường. Công ty đang tập trung rất nhiều vào đảm bảo tính bền vững của các nhà máy, bảo vệ môi trường, áp dụng các công nghệ số để linh hoạt hơn, dự báo được các sự cố và cách thức phản ứng, xử lý các thay đổi", ông André Heskamp cho biết thêm.

Ngoài ra, theo ông André Heskamp, DN cần phải chuyển từ việc thụ động sang chủ động quản lý chuỗi cung ứng và đảm bảo con người thay đổi theo tình hình mới, xây dựng năng lực cho nhân viên./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS đã thúc đẩy các doanh nghiệp “vượt dịch” COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO