CĐS là động lực tái tạo thêm các giá trị phát triển mới

Đỗ Minh| 06/05/2022 10:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Các doanh nghiệp (DN) muốn phát triển toàn diện, bền vững, điều cần không thể thiếu chính là phải xây dựng, hoàn thiện bản lộ trình chiến lược chuyển đổi số (CĐS) toàn diện.

Vậy những yếu tố căn bản, cốt lõi nào tạo nên sức mạnh cho bản chiến lược? Đâu là những vấn đề cần ưu tiên để triển khai, thực hiện?... Để sáng tỏ hơn về nội dung quan trọng này, lãnh đạo các DN cùng đại diện các công ty công nghệ, giải pháp số đã ngồi cùng nhau phân tích, chia sẻ quan điểm, tất cả vì mục tiêu rút ngắn con đường, đích đến của cuộc hành trình CĐS tại các DN ngày một thực chất, hiệu quả, bền vững.

CĐS chính là để tạo ra các giá trị bền vững, lâu dài

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng giám đốc CNTT, Tập đoàn Thiên Long đánh giá, hiện nay, việc CĐS trong các DN đã có những chuyển biến mạnh mẽ và bước đầu thu những kết quả tích cực.

"Có được điều này, ngoài việc nhờ vào các nỗ lực, quyết tâm chuyển đổi của các DN, chúng ta còn có những điều kiện thuận lợi như: Chính sách mở; đa dạng các nền tảng số, đảm bảo nguồn nhân lực CNTT, số lượng lớn các đối tượng khách hàng lớn…", ông Hạnh phân tích.

Cụ thể, trong quan điểm phân tích này, ông Hạnh cho rằng, các văn bản, chính sách về việc thực hiện nhiệm vụ CĐS đã được Chính phủ chỉ đạo, ban hành thực hiện, mà điển hình chính là Chương trình CĐS quốc gia đã được ủng hộ, tích cực, mạnh mẽ triển khai.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã xây dựng, ban hành các văn bản, hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy việc bảo vệ dữ liệu người dùng, tăng quyền lợi cho DN.

CĐS là động lực tái tạo thêm các giá trị phát triển mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hạnh: CĐS là một hành trình dài, do đó DN phải xây dựng, hoàn thiện, cụ thể bản lộ trình CĐS.

Hơn nữa, trong sự thuận lợi này còn có sự đầu tư đông đảo, mạnh mẽ của các DN trong, ngoài nước đối với lĩnh vực phát triển, cung cấp các giải pháp công nghệ, nền tảng số. Đặc biệt, các DN và tập đoàn viễn thông trong nước đã đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông - CNTT, đảm bảo cho các khách hàng, người dùng được đảm bảo chất lượng ổn định, thông suốt.

Chưa dừng lại, xu hướng khởi nghiệp và các DN công nghệ nhỏ đã phát triển, cung cấp, ra đời nhiều sản phẩm, giải pháp mới. Đây là các sản phẩm thương hiệu Việt Nam, có ưu điểm phù hợp, sát thực với các điều kiện cần của các DN. "Ưu điểm từ các sản phẩm này góp phần giúp các DN khi triển khai CĐS được rút ngắn thời gian, chi phí hợp lý, tăng hiệu quả phát triển", ông Hạnh nhận định.

Cũng theo ông Hạnh, CĐS là một hành trình dài, do đó DN trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ này nhất thiết phải xây dựng, hoàn thiện bản lộ trình CĐS cụ thể.

Bản chiến lược này cần phải cân bằng, hài hòa 03 yếu tố: Công nghệ, con người, tài chính. Đặc biệt, DN cần đẩy mạnh các ứng dụng CNTT, công nghệ, nền tảng số đi theo, hỗ trợ lộ trình chuyển đổi cho các hoạt động vận hành, quy trình quản trị ngày một tối ưu hóa các mục tiêu.

Nói về một số thành công, lợi ích từ việc áp dụng, thực hiện CĐS tại Thiên Long, ông Hạnh cho biết, Thiên Long đã ứng dụng, sử dụng các công nghệ, nền tảng số để gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đơn vị cũng đã số hóa hệ thống quản trị nguồn nhân lực, đầu tư, các công nghệ bán hàng trên thiết bị di động và sử dụng kênh bán hàng thương mại điện tử…

Thiên Long luôn xác định, CĐS chính là để tạo ra các giá trị bền vững, lâu dài và để có được điều này, nhất thiết phải thông qua việc xây dựng, hoàn việc hiện đại hóa dây chuyền chuỗi cung ứng số, tự động hóa trong nhà máy.

Trong giai đoạn những năm tiếp theo, để phát triển bền vững, tối ưu các giá trị tăng trưởng, Thiên Long ưu tiên tập trung thực hiện CĐS phân theo 03 giai đoạn: Định hướng chiến lược kinh doanh số (giai đoạn 05 năm); rà soát, loại bỏ những hạn chế, tồn tại đang vướng mắc; tập trung nguồn lực số (tăng cường đào tạo, nâng cao kiến thức CĐS cho toàn thể cán bộ, nhân viên).

CĐS để hình thành hệ sinh thái 

Như bổ sung thêm các quan điểm của ông Hạnh, ông Trần Việt Dũng, Chuyên gia tư vấn giải pháp, SAP Việt Nam, phân tích thêm, việc DN cần xây dựng lộ trình CĐS tổng thể là cần thiết, cần được triển khai từng bước, gắn liền với nhu cầu, mục tiêu, chiến lược phát triển của từng đơn vị.

Khi DN xây dựng được bản chiến lược CĐS tổng thể, quá trình triển khai, thực hiện cần đảm bảo hài hòa các yếu tố: Nhân lực, vật lực, sự đồng bộ quản trị. Đồng thời, cần gắn các ý tưởng CĐS song hành với các mục tiêu kinh doanh của các DN.

"DN cần hành động nhanh, gọn, lấy kết quả được tạo ra làm động lực tái tạo thêm các giá trị phát triển mới", ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, trong quá trình xây dựng bản chiến lược CĐS tổng thể, DN cũng cần đẩy mạnh tương tác, sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các công ty tư vấn, chuyên gia giàu kinh nghiệm về lĩnh vực CĐS, vì điều này giúp DN có thể hiểu rõ hơn về các thách thức, quy trình thực hiện và khai thác tận dụng các thế mạnh nguồn lực sẵn có.

Cần thiết, DN cũng nên thành lập Ban quản lý thay đổi CĐS - có chức năng kiểm tra, kiểm nghiệm, đánh giá kết quả. Đây là cấp đầu mối đưa ra các quyết định để điều chỉnh các vấn đề, quy trình, công đoạn nào nào không hợp lý thì phải nhanh chóng được thay đổi.

CĐS là động lực tái tạo thêm các giá trị phát triển mới - Ảnh 2.

Theo ông Dũng, DN cần lựa chọn các giải pháp, ứng dụng số có tính chuyên ngành và phù hợp với thực tế của từng ngành mà mình hoạt động.

Đặc biệt, khi triển khai dự án CĐS, DN cần tận dụng, vận hành các hệ thống công nghệ số một cách tối ưu (mức độ công việc, số lượng người dùng trong hệ thống) và cần đánh giá mức độ hiệu quả hệ thống (việc tạo ra năng suất, giá trị tăng trưởng).

"Các yếu tố tiên quyết để CĐS thành công còn là việc: Cam kết từ ban lãnh đạo; DN chọn đúng giải pháp; quản trị sự thay đổi và mức độ ứng dụng hệ thống; chọn đối tác có năng lực, kinh nghiệm, thế mạnh cùng ngành nghề..", ông Dũng phân tích.

Khi nói về các giải pháp, ứng dụng số hiện nay, ông Dũng cho rằng các DN cần lựa chọn, sử dụng, đảm bảo nguyên tắc có tính chuyên ngành và phù hợp với thực tế của từng ngành mình hoạt động.

Trên quan điểm khác, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc tư vấn CĐS, FPT Digital cho biết thêm, CĐS trong các DN chính là việc làm trọng tâm, cần được đầu tư, ưu tiên, dựa trên: Dữ liệu, công nghệ, các ứng dụng cho CĐS.

Tuy nhiên, khi đánh giá về kết quả, thực trạng việc CĐS trong các DN, ông Minh cho rằng vẫn còn tồn tại các hạn chế. Đó là còn khoảng cách khá xa về định hướng chiến lược và kế hoạch - hành động và thực thi. Nhiều lãnh đạo trong các DN mặc dù đưa ra các định hướng, mong muốn CĐS, nhưng khi triển khai vẫn chưa biết cách chuyển thành hành động.

Để hạn chế những hạn chế này, với vai trò là đơn vị chuyên về tư vấn, cung cấp các giải pháp CĐS, FPT Digital đưa ra các khuyến nghị: DN trước khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ CĐS cần có kế hoạch rõ ràng.

Cụ thể, DN cần có lộ trình để thực hiện (đề ra tiêu chí điểm xuất phát, mục tiêu, mốc hướng đến); đảm bảo các công việc hiện tại không bị ảnh hưởng, cản trở đến lợi nhuận, doanh thu (thay vì chỉ nghĩ, mong đợi tương lai); nhà lãnh đạo phải đóng vai trò người "truyền lửa" phát huy các lợi ích từ việc CĐS mang lại đến toàn đơn vị, công ty.

"DN cần tăng cường sự tương tác, hỗ trợ từ các DN công nghệ trong nước và nước ngoài. Làm tốt điều này sẽ sớm dần hình thành hệ sinh thái xung quanh với sự liên kết thông qua môi trường số. Đây chính là một ưu tiên để lộ trình CĐS trong các DN sớm ra hoa, kết trái", ông Minh nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS là động lực tái tạo thêm các giá trị phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO