Hocmai và hành trình xây dựng niềm tin về giáo dục trực tuyến

Thế Phương| 18/11/2021 07:40
Theo dõi ICTVietnam trên

THiện nền tảng Hocmai.vn chính thức chạm mốc 5 triệu người dùng với khoảng 2.5 triệu lượt truy cập mỗi tháng ở 63 tỉnh thành. Việc ra đời sớm (từ năm 2007) vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Hocmai.vn, khi trở thành nền tảng học trực tuyến lớn nhất Việt Nam, cả về số lượng người dùng lẫn số lượng nội dung số, để có thể xây dựng niềm tin về giao dục trực tuyến.

Sau 14 năm, Hocmai.vn đã có 5 triệu người dùng ở 63 tỉnh, thành

Theo Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục trực tuyến Hocmai Phạm Giang Linh, tháng 3/2007, đơn vị này chính thức cho ra mắt nền tảng Hocmai.vn, cung cấp thư viện đề thi và những bài giảng luyện thi dạng video trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, với mong muốn giúp học sinh trên mọi miền đất nước dễ dàng ôn thi đại học.

Khi ra đời, mặc dù có được điểm thuận lợi là việc học trực tuyến do còn rất mới mẻ ở Việt Nam và trở thành đơn vị tiên phong nên nhận được rất nhiều sự chú ý, ủng hộ của truyền thông, các đơn vị đối tác. Tuy nhiên, "tuần trăng mật" nhanh chóng qua đi, Hocmai liên tục gặp khó khăn chồng chất khó khăn. 

"Với những người trẻ lạc quan khởi nghiệp như đội ngũ sáng lập viên vào thời điểm đó, chúng tôi chưa từng nghĩ mình có thể kiên trì đến thế", ông Linh bày tỏ.

Cụ thể, theo ông Linh, khó khăn thứ nhất mà Hocmai.vn gặp phải, đó chính là "sự xa xỉ của công nghệ". Khi Internet và các nội dung số vẫn là điều mới mẻ, tỉ lệ gia đình sở hữu máy tính, laptop, điện thoại thông minh và kết nối mạng còn thấp, khiến việc tiếp cận học trực tuyến rất hạn chế. Đặc biệt là tại nhiều tỉnh thành, hạ tầng công nghệ, điều kiện sở hữu thiết bị và đường truyền Internet còn yếu.

Khó khăn tiếp theo công ty phải đối mặt đó là định kiến xã hội. Khi việc học truyền thống và học thụ động đã là thói quen của nhiều thế hệ thì việc học trực tuyến vô hình trung trở thành "cá biệt", nhất là khi phụ huynh chưa cởi mở cho con em mình tiếp cận Internet sớm. 

"Họ cho rằng, trên môi trường Internet, con sẽ chơi thay vì học, sa vào nội dung độc hại, nghiện game. Đồng thời, bản thân học sinh cũng chưa có kĩ năng ứng dụng công nghệ để tối ưu việc học", ông Linh lý giải.

Nền tảng học tập trực tuyến Hocmai.vn là một giải pháp quản lí, tổ chức các hoạt động dạy và học trực tuyến. Hocmai.vn cho phép giáo viên thiết kế, tổ chức và xuất bản các khóa học trực tuyến, đồng thời cho phép học sinh thực hiện các hoạt động học tập trên nhiều nền tảng. Sản phẩm đã đạt giải Ba ở hạng mục Thu hẹp khoảng cách số tại Lễ trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2020 do Bộ TT&TT tổ chức.

Ngay cả đối với giáo viên cũng vậy, khi họ chưa nhìn thấy, chưa tin tiềm năng của loại hình này cũng như chưa biết, chưa quen với dạy học trực tuyến và hầu như chưa có nhiều kiến thức và kĩ năng về công nghệ. Vì thế, việc tìm kiếm, hợp tác được với giáo viên phù hợp với Hocmai.vn vào thời điểm đó là rất khó.

Sau này, dù phụ huynh đã cởi mở hơn nhưng học trực tuyến cũng chưa được coi như hình thức học một cách thực sự, bởi vì vẫn có những suy nghĩ cho rằng "không có giáo viên đứng lớp, không có bạn đồng môn ngồi cạnh, không có sự quản thúc, thì làm sao gọi là học?". "Định kiến vẫn là điều khó thay đổi nhất và có thay đổi được cũng phải mất nhiều năm. Chúng tôi không có cách nào khác ngoài nỗ lực, kiên trì và bền bỉ", ông Linh nói.

Để rồi, sau 14 năm, tính đến tháng 5/2021, nền tảng Hocmai.vn chính thức chạm mốc 5 triệu người dùng với khoảng 2.5 triệu lượt truy cập mỗi tháng ở 63 tỉnh thành; đã xây dựng và hoàn thiện 1.336 khóa học với 40.655 bài giảng; hệ thống đề tự luyện và các đề thi thử miễn phí với hơn 210.000 câu hỏi trắc nghiệm liên tục được cập nhật, bổ sung; thư viện miễn phí với gần 10.000 tài liệu học định dạng PDF.

CEO Hocmai.vn: “Chúng tôi chưa từng nghĩ mình có thể kiên trì đến thế” - Ảnh 2.

Tính đến tháng 5/2021, nền tảng Hocmai.vn chính thức chạm mốc 5 triệu người dùng với khoảng 2.5 triệu lượt truy cập mỗi tháng ở 63 tỉnh thành;

Thị trường học trực tuyến tiềm năng nhưng không "dễ ăn"

Cũng theo ông Linh, việc ra đời sớm (từ năm 2007) vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Hocmai.vn, khi trở thành nền tảng học trực tuyến lớn nhất Việt Nam, cả về số lượng người dùng lẫn số lượng nội dung số. "Sự khác biệt của Hocmai.vn trên thị trường chính là sở hữu một nền tảng toàn diện và đa dạng, phù hợp cả với việc học theo chương trình chung lẫn cá nhân hóa. Điều mà đối với những nền tảng khác, có lẽ sẽ còn mất nhiều năm để xây dựng", ông Linh chia sẻ.

Khi được hỏi điều gì giúp Hocmai.vn vẫn còn tồn tại và phát triển, trong khi không ít ứng dụng ra mắt cùng thời điểm đã dừng lại, ông Linh cho rằng, đó là do nền tảng luôn kiên định, giữ vững được những tôn chỉ, mục đích và luôn đặt yếu tố chất lượng giáo dục lên hàng đầu, đó cũng là cốt lõi của sự phát triển.

Về mặt công nghệ, Hocmai.vn tập trung vào nhu cầu và trải nghiệm người dùng với mục tiêu giúp học sinh có hứng thú tự học, cá nhân hóa và đánh giá được việc học, đồng thời được hỗ trợ học sinh 24/7 trên mọi kênh mạng xã hội nhằm tương tác với học sinh một cách nhanh nhất - điều mà các lớp học truyền thống khó mà có được.

Mặc dù khó khăn thì vô số kể, nhất là đối với doanh nghiệp tự thân khởi nghiệp như Hocmai.vn nhưng đội ngũ sáng lập chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ dừng lại. "Chúng tôi tin tưởng vào xu hướng phát triển mạnh mẽ của giáo dục trực tuyến và cũng không quên vai trò của mình trong việc thúc đẩy tiếp cận giáo dục trực tuyến, kiên trì mở đường, mang cơ hội học tập bình đẳng và thu hẹp khoảng cách số cho hàng triệu học sinh ba miền", ông Linh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, những con số tăng trưởng tốt qua các giai đoạn là minh chứng cho sự nỗ lực của nền tảng và cũng chính là động lực thúc đẩy đội ngũ công ty bước tiếp trên hành trình của mình. Nếu trước đây, phải trải qua nhiều năm học, Hocmai.vn mới đạt đến mốc 3 triệu người dùng, thì 5 năm học trở lại đây, Hocmai.vn mới ghi nhận sự phát triển vượt bậc về số lượng học sinh đăng kí. Cụ thể, năm học 2020-2021, Hocmai.vn đạt tỉ lệ tăng trưởng người dùng 180% so với năm trước.

Trên ứng dụng điện thoại với cả 2 hệ điều hành Android và iOS phát hành từ đầu 2020, có khoảng 1 triệu lượt tải, tăng trưởng người dùng trên ứng dụng Hocmai.vn từ tháng 11/2020 – 2/2021 gấp gần 3 lần so với tháng trước đó. Kết quả kinh doanh trong những năm gần đây của Hocmai.vn cũng luôn giữ mức tăng trưởng cao lên trên 70%.

Không chỉ tăng trưởng người dùng ở các chương trình luyện thi đại học, Hocmai.vn còn tăng trưởng người dùng ở các chương trình học theo chương trình giáo dục phổ thông ở cả 3 cấp học bao gồm Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

"Điều đó chứng minh nhu cầu học trực tuyến đang tăng cao và có sự lan tỏa rộng khắp, đặc biệt là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch. Bởi vì, Covid-19 đang là một cú huých mạnh mẽ giúp thị trường vượt qua những do dự, tiếp cận số hóa giáo dục ngay tức thì", ông Linh nói.

CEO Hocmai.vn: “Chúng tôi chưa từng nghĩ mình có thể kiên trì đến thế” - Ảnh 3.

Một trong những lý do khiến nhiều đơn vị vẫn còn e dù với thị trường Edtech là do để xây dựng và hoàn thiện một chương trình học như Hocmai.vn tốn rất nhiều thời, phải tính hàng năm.

Riêng năm học 2020-2021, 80% trường phổ thông áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, học sinh nhiều tỉnh thành đã phải học online khoảng 2-3 tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do dịch bùng phát ở 13 tỉnh thành. Trong đợt dịch từ cuối tháng 4 đến nay, một số tỉnh, thành đã cho học sinh dừng đến trường phòng Covid-19 nhiều trường chuyển sang dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, tiềm năng nhưng không "dễ ăn", thị trường giáo dục tực tuyến cũng chứng kiến nhiều tên tuổi nổi lên rồi lại chìm, thậm chí biến mất. Bởi vì rõ ràng, ngoài ý tưởng tốt, công nghệ hiện đại, nội dung chất lượng, yếu tố văn hóa vẫn chi phối mạnh mẽ vào hành vi của người học. Cụ thể là sự thụ động trong phương thức học của người Việt Nam từ trước tới nay.

Tuy nhiên, tiềm năng nhưng không "dễ ăn", chúng ta cũng chứng kiến nhiều tên tuổi nổi lên rồi lại chìm, thậm chí biến mất. Bởi vì rõ ràng, ngoài ý tưởng tốt, công nghệ hiện đại, nội dung chất lượng, yếu tố văn hóa vẫn chi phối mạnh mẽ vào hành vi của người học. Cụ thể là sự thụ động trong phương thức học của người Việt Nam từ trước tới nay.

Cần nhiều hơn các đơn vị giáo dục trực tuyến để cùng xây dựng niềm tin trong xã hội

CEO Hocmai cho rằng, trong vài năm trở lại đây, thị trường học trực tuyến khởi sắc nhờ 2 yếu tố chính. Trước tiên, các tổ chức giáo dục và kinh doanh dịch vụ giáo dục đã bước đầu nhận được sự khuyến khích từ Chính phủ cho các giải pháp giáo dục chất lượng. Cùng với đó, Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tháng 6/2020 cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) CĐS và cho các DN số.

Yếu tố thứ 2 đến từ quan điểm và tiêu chuẩn của xã hội đối với các hoạt động giáo dục đang có sự thay đổi tích cực, ngày càng tiệm cận với quan điểm và tiêu chuẩn giáo dục quốc tế. Thị trường có nhu cầu hơn với các chương trình, sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục và mức độ sẵn sàng chi trả của phụ huynh cho việc giáo dục cũng hơn nhiều so với trước đây. 

"Ngành giáo dục nói chung và giáo dục trực tuyến nói riêng, dưới áp lực cạnh tranh của các đơn vị cung cấp trong và ngoài nước, cũng đang chuyển mình hướng tới tiêu chuẩn chất lượng cao hơn về khía cạnh sư phạm và dịch vụ", ông Linh nói.

CEO Hocmai.vn: “Chúng tôi chưa từng nghĩ mình có thể kiên trì đến thế” - Ảnh 4.

Việc Hocmai.vn hỗ trợ học sinh 24/7 trên mọi kênh mạng xã hội nhằm tương tác với học sinh một cách nhanh nhất là điều mà các lớp học truyền thống khó mà có được.

Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng ông Linh cho rằng, thị trường giáo dục trực tuyến vẫn chưa thể bùng nổ tương ứng với tiềm năng của nó. Nguyên nhân đầu tiên, đó là việc trên thị trường vẫn còn thiếu những đơn vị làm giáo dục trực tuyến thực sự có sự đầu tư đường dài và coi trọng chất lượng. "Cần nhiều hơn nữa các đơn vị giáo dục trực tuyến cùng đồng hành để xây dựng niềm tin trong xã hội", ông Linh khẳng định.

Dù vậy, so với các lĩnh vực khác, startup hay các giải pháp mới về giáo dục vẫn còn khá ít. Ông Linh cho rằng, một trong những lý do khiến nhiều đơn vị vẫn còn e dù với thị trường Edtech là do để xây dựng và hoàn thiện một chương trình học tốn rất nhiều thời, phải tính hàng năm. Ví dụ, một khóa học trực tuyến muốn bám sát với nhu cầu của học sinh, đảm bảo chất lượng như giáo dục phổ thông hiện hành, đội ngũ chuyên môn tại Hocmai.vn phải mất từ 2-3 năm để hoàn thiện từ việc nghiên cứu và xây dựng khung chương trình, lộ trình học và ghi hình các bài giảng đầu tiên cùng giáo viên…

Cùng với đó, nguồn nhân lực phát triển lĩnh vực này còn yếu. Dù giáo viên giỏi rất nhiều, nhưng vừa có chuyên môn tốt lại vừa có khả năng sử dụng công nghệ và hoạt động tích cực trên môi trường số thì rất hiếm. Từ đó, ông Linh cho rằng, sẽ còn cần phải chờ đợi, đào tạo những thế hệ giáo viên "số" chuyên nghiệp trong tương lai.

Lý do thứ hai, các DN làm giáo dục trực tuyến cần sự hỗ trợ nhiều hơn của chính phủ và các cơ quan quản lí nhà nước trong việc thừa nhận, công nhận loại hình cũng như giám sát, đảm bảo chất lượng của các chương trình bổ trợ - nâng cao, các chương trình ngoại khóa nói chung và các chương trình trực tuyến nói riêng. Vì vậy, cần có cơ quan chuyên trách quản lí, định hướng và hướng dẫn

Với sự quan sát suốt 14 năm trong ngành, tôi tin rằng những rào cản trên sẽ dần dần được giải quyết, không chỉ từ sự hoàn thiện dần chính sách của các cơ quan quản lý, mà còn đến từ sự chung tay xây dựng và phát triển thị trường EdTech của các đơn vị dẫn dắt thị trường, bằng việc luôn hướng đến tiêu chuẩn cao và giá trị thật đối với mỗi sản phẩm đưa đến tay người học.

Đồng thời, ngay khi bắt đầu cuộc chiến chống Covid-19, việc học trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc học tập của nhà trường, học sinh và sẽ luôn như vậy. "Học trực tuyến sẽ không thể thay thế với học trực tiếp nhưng trong tương lai gần, các chương trình học trực tuyến sẽ được công nhận tương đương với các chương trình giáo dục tại các trường hiện hành, giúp tối ưu việc học cho học sinh, sinh viên", ông Linh nhấn mạnh.

Mới đây, nhằm hưởng ứng Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD&ĐT phát động, hệ thống giáo dục Học Mãi (Hocmai) trao tặng miễn phí giải pháp toàn diện ICAN Academy - một giải pháp trọn gói kết hợp giữa chương trình giảng dạy chất lượng cao và hệ thống quản trị học tập tiện ích đến hết học kỳ I năm học 2021 - 2022 - cho tất cả các trường học và thầy cô giáo nằm trong danh sách các tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ Tướng chính phủ.

Đây là giải pháp nhằm hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến của các trường, đồng thời giúp các thầy cô giáo nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến, rút ngắn được thời gian chuẩn bị tài liệu giảng dạy và hỗ trợ các công tác giao bài, chấm, sửa bài tập, và kiểm tra định kỳ… trong suốt quá trình dạy trực tuyến. Song song với đó, Hocmai còn tiến hành tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến "Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0" để chia sẻ kinh nghiệm dạy trực tuyến với từng môn học từ các thầy cô giáo là chuyên gia có trên 10 năm kinh nghiệm dạy học online của Hệ thống Giáo dục Hocmai.

"Thấy được thực trạng đó, Hệ thống Giáo dục HOCMAI của chúng tôi với gần 15 năm kinh nghiệm trong công tác tổ chức dạy học trực tuyến cho các khối từ lớp 1 đến lớp 12, và với hơn 5 triệu thành viên đang theo học, rất mong được chung sức cùng chính phủ tháo gỡ bớt những khó khăn, trở ngại trong quá trình dạy và học trực tuyến, góp phần giúp cho việc học tập của học sinh trên cả nước được liên tục không ngừng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào", thông tin từ Hệ thống Giáo dục Hocmai khẳng định.

CEO Hocmai.vn: “Chúng tôi chưa từng nghĩ mình có thể kiên trì đến thế” - Ảnh 5.

Nền tảng Hocmai.vn đã giành giải Ba ở hạng mục Thu hẹp khoảng cách số tại Lễ trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2020.

Cần có cơ chế để những sản phẩm thực sự tốt đi vào đời sống

Nhận định về chương trình Make in Vietnam, ông Linh khẳng định, đây là một chính sách rất đúng đắn, bởi vì người Việt có thể làm được rất nhiều thứ, tạo ra nhiều sản phẩm tốt nếu được định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ mạnh mẽ về mặt cơ chế và được cổ vũ về mặt tinh thần. Đối với giáo dục nói chung và giáo dục trực tuyến nói riêng, sản phẩm Việt càng quan trọng do sự khác biệt về văn hóa, về quan điểm và cả định hướng giáo dục.

Thực tế, khi so sánh giữa các chương trình giáo dục trực tuyến trong và ngoài nước, ông Linh nhận thấy rằng mặc dù có nhiều chương trình giáo dục quốc tế có chất lượng tốt, có tính khoa học, có nền tảng nghiên cứu vững chắc, đặc biệt là các nội dung mà thế giới đã có nhiều thời gian tiếp cận và đầu tư nghiên cứu. Tuy nhiên, không có nghĩa là mọi sản phẩm quốc tế đều phù hợp với người dùng, người học Việt Nam, đặc biệt là phù hợp về hành vi và thói quen học tập. "Đây là nhược điểm của các sản phẩm quốc tế, nhưng lại là ưu thế của các sản phẩm Make in Vietnam khi có sự kết hợp giữa thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của thế giới với sự thấu hiểu của người dùng".

Đối với việc phát triển nhiều hơn các nhóm sản phẩm Make in Vietnam, CEO Hocmai hy vọng sẽ sớm có những quy định và hướng dẫn cụ thể để kiểm soát chất lượng các chương trình giáo dục bổ trợ, ngoại khóa và trực tuyến, đồng thời, kiểm soát và bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực EdTech cũng là một vấn đề cần được tiếp tục quan tâm.

"Cần thêm những cơ chế, hướng dẫn và sự công nhận, kiểm định để những sản phẩm thực sự tốt có cơ hội đi vào đời sống. Hiện nay, nhiều sản phẩm đang được coi như là "ngoài phố", chưa được bên nào thừa nhận dẫn tới rất khó đi thực tiễn theo cách chính thống", ông Linh bày tỏ.

Đồng thời, ở vai trò là một trong những đơn vị dẫn dắt thị trường (market leader), Hocmai.vn hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn để có thể sát cánh cùng các đơn vị quản lý và đơn vị sự nghiệp để có thể cùng chia sẻ, thảo luận, đề xuất nhằm giúp cả hai bên có thể bắt nhịp với nhau tốt hơn, hướng đến mục tiêu phát triển giáo dục Việt Nam và phát triển thị trường EdTech Việt Nam tốt hơn.

Báo cáo Digital 2020 của We are social cho thấy, Việt Nam đang là một trong Top 20 nước có số người sử dụng (NSD) Internet cao nhất thế giới với 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân, điều kiện bắt buộc để Edtech phát triển. Theo tính toán của các chuyên gia, trong năm 2019, thị trường Edtech tại Việt Nam mới trị giá 2 tỷ USD, nhưng con số này sẽ lên tới 4 tỷ USD vào cuối năm 2021 và còn tiếp tục tăng nhanh.

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, có hơn 200 DN trong và ngoài nước đang khai thác lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Nhờ đó, Việt Nam đã vươn lên đứng trong top 10 các nước châu Á phát triển học trực tuyến một cách nhanh chóng (theo thống kê của University World News, năm 2017) và là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất về học trực tuyến, với 44,3% (theo Ambient Sight)./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hocmai và hành trình xây dựng niềm tin về giáo dục trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO