Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế khiến năng suất lao động chưa cao

Nguyễn Thành| 06/11/2022 09:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiều ngày 5/11, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sẽ có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động đang được đánh giá là thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

chế độ tiền lương phù hợp để tăng năng suất lao động

Về vấn đề tăng năng suất lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đây là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi trọng.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, năng suất lao động có bước cải thiện đáng kể, tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực.

Báo cáo của Chính phủ cho hay, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN.

Tuy nhiên, theo Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.

Về nguyên nhân, Thủ tướng cho biết chủ yếu là do nhận thức và đầu tư cho nhiệm vụ này chưa ngang tầm; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; trình độ công nghệ còn lạc hậu; cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành sản xuất chưa thực sự hợp lý; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ còn khó khăn…

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là có bằng cấp, chứng chỉ chưa cao. Năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, thể chế và cơ sở hạ tầng. Có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số. Phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ bền vững, hiệu quả; thúc đẩy liên kết giữa cơ quan, doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo và có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động…

Lãng phí nguồn nhân lực

Trước đó, vấn đề tăng năng suất lao động được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, với nhiều băn khoăn.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày 31/10, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng: Người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày càng chú trọng nhưng năng suất lao động không cao. Trong thời gian qua, 1 trong 15 chỉ tiêu đề ra không đạt chính là tốc độ tăng năng suất lao động. Ngoài những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Còn đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới là 67% và tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ mới đạt 27%. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ.

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản quyết định đến năng suất lao động, mà năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Đảng ta đã xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tích cực triển khai nhiều chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN, giai đoạn 2011-2015 là 4,53%, giai đoạn 2016-2020 là 5,97%.

Tuy nhiên, năm 2021 và năm 2022, tốc độ tăng trưởng này giảm xuống và trong cả 2 năm này thì tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân đều không đạt chỉ tiêu Quốc hội ban hành. Mặt khác, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đủ nhanh nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam chỉ bằng 9,1% của Singapore, bằng 26,2% của Malaysia, bằng 46,8% của Thái Lan và bằng 68,7% của Philippines. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhận thấy, nếu không có giải pháp quyết liệt thì năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng là hiện hữu.

Thiếu nhân lực chất lượng cao dẫn đến năng suất lao động thấp

Trước đó, phát biểu giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhìn nhận: Việt Nam đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh. "Chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. "Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp cũng là điều dễ hiểu. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp. Đây là vấn đề phải nhìn nhận một cách đầy đủ và xác đáng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.

Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển.

Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường linh hoạt, hiện đại, bền vững, phát triển, nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động.

Cùng với đó, đầu tư các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm chất lượng cao. Khẩn trương hoàn thiện, tiếp nhận chuyển giao các chương trình đào tạo chất lượng cao hàng đầu thế giới, nhất là của Đức.

Cùng với đó, thực hiện đào tạo kép cơ chế doanh nghiệp, nhà nước và người học cùng tham gia, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành. Nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề./.

Bài liên quan
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế khiến năng suất lao động chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO