Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét

Bùi Huyền| 24/06/2021 16:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Trong những năm qua, công tác CCHC luôn được nhà nước chú trọng, đẩy mạnh nhằm hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Chiều ngày 24/6, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS).

Chỉ số CCHC năm 2020 được xác định ở 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ), trong đó hai cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại. Chỉ số này cũng được xác định ở 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 40 tiêu chí và 99 tiêu chí thành phần. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 43 tiêu chí và 102 tiêu chí thành phần.

Phương pháp đánh giá về CCHC năm 2020 tương tự với các năm trước, đó là kết hợp tự đánh giá của các bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học và kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, của các tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (dùng cho cấp tỉnh). Việc triển khai điều tra xã hội học với quy mô trên 22.500 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành, địa phương và trên 36.600 người dân, đại diện tổ chức, một số hội, hiệp hội là một cuộc điều tra có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.

Ngân hàng Nhà nước 6 lần liên tiếp dẫn đầu các bộ, cơ quan ngang bộ về Chỉ số CCHC

Theo kết quả công bố, Chỉ số CCHC năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đạt điểm cao nhất 95,88/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ 1. Đây là lần thứ 6 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về CCHC trong các bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong nhóm thứ nhất, nhóm đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, còn có 2 đơn vị là Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không có đơn vị nào có Chỉ số CCHC dưới 80%.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng Chỉ số CCHC các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2020

Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019 (chỉ đạt 85,63%), đồng thời tăng 12,18% so với năm 2012, năm đầu tiên sử dụng công cụ Chỉ số để đánh giá CCHC của các bộ, các tỉnh (chỉ đạt 75,38%). Chỉ số CCHC năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất trong 09 năm triển khai xác định Chỉ số CCHC.

Năm 2020, tiếp tục không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Tuy nhiên, chỉ có 05/17 bộ có Chỉ số CCHC năm 2020 trên mức giá trị trung bình. NHNN Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2020 cao nhất ở năm thứ 6 liên tiếp với kết quả là 95,88%, cao hơn 12,64% so với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 83,24%.

So sánh kết quả giữa năm 2019 và 2020 thì có 15/17 bộ đạt Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2019, trong số đó, tăng nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải (+5,40%); 02 bộ có kết quả Chỉ số CCHC giảm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (- 2,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (- 1%).

Phân tích giá trị trung bình của các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực cho thấy, có 5/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2019 và có 2/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2019, đó là các chỉ số thành phần "Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước" và "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức".

Quảng Ninh đứng đầu cả nước về cải cách hành chính và hài lòng của người dân

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 thì Quảng Ninh đứng đầu cả nước, đứng cuối cùng là tỉnh Quảng Ngãi.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét - Ảnh 2.

Bảng xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020

Cụ thể, Chỉ số CCHC năm 2020 của Quảng Ninh đạt 91,04%, cao hơn 0,53% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng, đạt 90,51%. Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020, với kết quả đạt 73,25%. Theo thống kê, trong 8 chỉ số thành phần đánh giá thì có đến 6 chỉ số thành phần Quảng Ngãi nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước.

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83,72%, cao hơn 2,57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81,15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây. Đáng chú ý, năm 2020 có 58 địa phương đạt Chỉ số CCHC trên 80%, trong khi đó, năm 2019 chỉ có 44 đơn vị và năm 2018 chỉ có 09 đơn vị thuộc nhóm này; không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%.

Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2020 (Chỉ số SIPAS 2019), 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng.

Cũng như các năm trước, Chỉ số SIPAS 2020 cung cấp một bộ các chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá mức độ hài lòng và nhu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức đối với 16 nhóm dịch vụ công thuộc 8 nhóm lĩnh vực được cung ứng tại 3 cấp hành chính ở địa phương.

Trong giai đoạn 2017-2020, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung tăng dần qua mỗi năm, từ 80,90% lên 85,48%. Khoảng cách chênh lệch giữa tỉnh có chỉ Chỉ số hài lòng cao nhất và tỉnh có chỉ Chỉ số hài lòng thấp nhất được thu hẹp dần, từ 28,05% xuống 20,08%.

Nỗ lực cải cách, hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả

Theo Bộ Nội vụ, trong 9 năm vừa qua, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho CCHC Nhà nước giai đoạn tiếp theo.

Trong năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới và sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC nhằm kịp thời ứng phó với những khó khăn, thách thức và những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép" là vừa phòng, chống dịch và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường giải quyết hồ sơ, xử lý công việc trên môi trường điện tử; đẩy mạnh giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét - Ảnh 3.

Tiếp tục đổi mới CCHC

Trong khi đó, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, sáng tạo để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn tại địa phương, giúp kết quả CCHC trong năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO