Chiến lược phát triển chính phủ số của Trung Quốc

Bảo Bình| 22/05/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Trung Quốc đang tìm cách xúc tiến xây dựng chính phủ số (CPS) nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong cung cấp dịch vụ công (DVC), hiện đại hóa năng lực và hệ thống quản trị của đất nước.

Chính phủ sẽ hoạt động theo hướng kỹ thuật số và thông minh hơn

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, các cơ quan chức năng trung ương của Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy chương trình xây dựng CPS sau khi các văn bản hướng dẫn về xây dựng CPS được thông qua tại cuộc họp của Ủy ban Cải cách toàn diện trung ương. Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp và kêu gọi áp dụng rộng rãi công nghệ số vào công tác quản lý và cung cấp dịch vụ của chính phủ, đồng thời cho phép chính phủ hoạt động theo hướng kỹ thuật số và thông minh hơn, từ đó hỗ trợ vững chắc cho việc hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị của Trung Quốc.

Theo tuyên bố của Ủy ban cải cách, mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng một CPS là đáp ứng nguyện vọng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ủy ban đã mô tả hệ thống dịch vụ số tiềm năng của chính phủ Trung Quốc là "phổ cập, dễ tiếp cận, thông minh, thuận tiện, công bằng và bao phủ", qua đó công chúng có thể giảm số lần phải đến trực tiếp các cơ quan chính phủ.

"Mục đích của việc xây dựng CPS là cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó nêu bật triết lý quản trị lấy người dân làm trung tâm", Ma Liang, giáo sư tại Trường Chính sách và Hành chính Công, Đại học Renmin của Trung Quốc, cho biết.

Ngay từ năm 2000, khi ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo ở tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, ông đã thực hiện một loạt các thỏa thuận để xây dựng một Phúc Kiến kỹ thuật số, soạn thảo kế hoạch chi tiết cho công việc số hóa của tỉnh.

Kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo của đất nước vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ số trong nhiều dịp khác nhau. Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ kỹ thuật số lớn hơn trong thập kỷ qua. Từ dịch vụ y tế từ xa đến làm việc từ xa, và từ các tòa án trực tuyến đến giáo dục trực tuyến, nhiều đổi mới kỹ thuật số đã được triển khai với tốc độ chưa từng có.

Trong bối cảnh xu hướng số hóa, nhiều tỉnh và thành phố đã thành lập trang web một cửa kết nối các DVC của tất cả các cơ quan chính phủ, cung cấp một cổng thông tin duy nhất cho các cá nhân và công ty, đồng thời hợp lý hóa đáng kể các thủ tục đăng ký và phê duyệt.

Nhờ những tiến bộ của mình, Trung Quốc đã được xếp hạng thứ 45 trong số 193 quốc gia trong khảo sát về chính phủ điện tử (CPĐT) của Liên Hợp Quốc năm 2020, tăng 20 bậc so với năm 2018.

Với nền tảng thủ tục hành chính liên tục được sắp xếp hợp lý và các dịch vụ được nâng cấp, Trung Quốc đã được hoan nghênh vì môi trường kinh doanh được cải thiện. Báo cáo kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 đã xếp hạng Trung Quốc đứng thứ 31 trên toàn cầu về mức độ dễ dàng kinh doanh, một sự cải thiện đáng kể so với xếp hạng 91 vào năm 2012.

Xây dựng “Trung Quốc kỹ thuật số”

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho phép Trung Quốc thử nghiệm hệ thống giám sát kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thành phố thông minh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong các ngành từ robot đến trí tuệ nhân tạo (AI). Chính phủ đã áp dụng các công nghệ số trong cuộc chiến chống lại virus, tranh thủ ngành công nghệ tư nhân để cung cấp các giải pháp dựa trên dữ liệu. Những ứng dụng này bao gồm các ứng dụng theo dõi chuyển động, nhận dạng khuôn mặt và hệ thống hình ảnh nhiệt cho đến các nền tảng và mô hình dựa trên dữ liệu lớn và AI để giao tiếp, dự đoán bệnh tật và quản lý nguồn lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Một phần nỗ lực xây dựng “Trung Quốc kỹ thuật số” sẽ tập trung vào việc đào sâu xây dựng một xã hội số, nơi các DVC, thành phố, làng mạc và cộng đồng trở nên “thông minh” và chính phủ sẽ hoạt động, quản lý thông tin, dịch vụ hiệu quả hơn, theo hướng dữ liệu và tích hợp.

Khái niệm “quản trị thông minh”, nguyên lý chính trong tầm nhìn của lãnh đạo Trung Quốc về hệ thống quản lý, không chỉ đòi hỏi các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe hoặc giáo dục trở nên thuận tiện hơn và các thành phố dễ sống hơn, mà chính phủ Trung Quốc thực sự coi công nghệ số là bí quyết để quản trị đất nước một cách “khoa học” bằng cách ngăn chặn mọi trường hợp khẩn cấp, từ các mối nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng đến các rủi ro chính trị và xã hội. 

Các thành phố thông minh (TPTM) của Trung Quốc được coi là nền tảng tích hợp có thể giúp các quan chức địa phương đồng thời khảo sát xã hội và cải thiện việc cung cấp các DVC.

Đại dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội mới để Trung Quốc xuất khẩu các công nghệ TPTM, khi nhu cầu toàn cầu về các công cụ và dịch vụ số tăng mạnh. Các công ty cung cấp máy bay không người lái, máy ảnh nhiệt để kiểm tra nhiệt độ, hệ thống truy tìm liên lạc và các sản phẩm khác cho chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc. Không những thế, các công ty này còn kinh doanh các công nghệ để hỗ trợ các quốc gia khác trong việc “phòng chống và kiểm soát dịch bệnh”.

Chiến lược phát triển chính phủ số của Trung Quốc - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội mới để Trung Quốc xuất khẩu các công nghệ TPTM. Ảnh: Opengovasia

Huawei, nhà cung cấp toàn cầu về nền tảng an ninh công và TPTM, đã rất tích cực, tập trung vào các dịch vụ đám mây - chủ yếu là các nền tảng hội nghị từ xa - để giáo dục trực tuyến và truyền thông trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thông qua hoạt động tiếp cận này, công ty đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các chính phủ đang tìm cách số hóa các DVC. 

Công nghệ số hỗ trợ quá trình ra quyết định cho chính phủ

Trong bước tiến mới nhất của đất nước để tiến tới kỹ thuật số, chính quyền các cấp được kỳ vọng sẽ tiến hành một cuộc cải cách lớn. Các công nghệ số hóa sẽ được phát huy hết tác dụng nhằm hỗ trợ chính phủ trong các lĩnh vực điều chỉnh kinh tế, giám sát thị trường, quản lý xã hội, cung cấp DVC, bảo tồn sinh thái và bảo vệ môi trường.

Một điểm nhấn của động thái này là sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thúc đẩy các hình thức quản lý mới giúp đưa ra quyết định hợp lý hơn và hiệu quả hơn.

Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) về phát triển kinh tế và xã hội quốc gia và mục tiêu dài hạn đến năm 2035, công nghệ số sẽ được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định của chính phủ và nâng cao chất lượng giám sát, dự đoán và cảnh báo sớm dựa trên dữ liệu lớn tần số cao.

Một lợi ích khác của việc phát triển CPS nằm ở chỗ chính phủ đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế số bền vững, thể hiện định hướng phát triển toàn cầu trong tương lai.

GS. Zhang Jun, Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng sự tương tác và chia sẻ dữ liệu của chính phủ có thể thúc đẩy hiệu quả việc ứng dụng sáng tạo và tích hợp chéo các công nghệ số, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

Trung Quốc hiện đã thành lập khoảng 570.000 trung tâm dịch vụ pháp lý công cộng ở tất cả các cấp, bao gồm tư vấn pháp lý, trợ giúp pháp lý và hòa giải, cùng các dịch vụ khác.

Năm 2021, các luật sư tình nguyện với chiến dịch tình nguyện quốc gia về trợ giúp pháp lý đã xử lý hơn 5.000 vụ việc trợ giúp pháp lý, tiếp nhận hơn 74.800 yêu cầu tư vấn pháp luật và thực hiện 1.010 bài giảng về pháp quyền. Dữ liệu từ Bộ Tư pháp cho thấy hơn 1.400 vụ tranh chấp đã được trợ giúp giải quyết.

Các nỗ lực cũng nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ pháp lý công, với hơn 2.000 người điều hành đường dây nóng dịch vụ pháp lý công quốc gia. Các trang web cấp quốc gia và cấp tỉnh cho các dịch vụ pháp lý cũng đã được thiết lập.

Kể từ khi luật trợ giúp pháp lý có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các cơ quan trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã rất nghiêm túc thực hiện luật do các thủ tục được tinh giản để người dân khó khăn được trợ giúp pháp lý dễ dàng hơn.

Mới đây, Trung Quốc đã tiến hành đẩy mạnh sự kết hợp giữa số đường dây nóng 12345 về các dịch vụ chính phủ và số đường dây nóng 110 - số khẩn cấp gọi cho cơ quan cảnh sát. Điều này sẽ điều hướng những cuộc gọi liên quan đến các dịch vụ chính phủ, giúp các cơ quan cảnh sát có thể xử lý nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời cải thiện các dịch vụ phối hợp. Dự kiến đến cuối năm 2022, một cơ chế phối hợp hiệu quả cao giữa hai đường dây nóng sẽ được thiết lập trong tất cả các lĩnh vực, trong đó đường dây nóng 12345 sẽ nâng cao sự hợp tác giữa các bộ phận khác nhau, xử lý các trường hợp không khẩn cấp liên quan đến hành chính và dịch vụ của chính phủ, và đường dây 110 sẽ xử lý các sự cố về tội phạm theo quy định của pháp luật, để giữ gìn tốt hơn nữa trật tự an toàn xã hội.

Đến cuối năm 2023, nền tảng đường dây nóng 12345 và 110 sẽ đạt được kết nối đầy đủ, với khả năng truy cập lẫn nhau vào các nguồn dữ liệu liên quan. Điều quan trọng, các vấn đề cần được làm rõ để các cuộc gọi đến có thể được chuyển hướng đến các đường dây nóng tương ứng. Hai đường dây nóng cần tăng cường phối hợp thường xuyên và khẩn cấp. Hỗ trợ hệ thống và chia sẻ dữ liệu và các ứng dụng cũng sẽ được cải thiện.

Để thực hiện tốt hơn điều này, các cơ quan chính phủ cần tăng cường tổ chức và lãnh đạo, đảm bảo hỗ trợ tài chính và đào tạo nhân sự, đồng thời khuyến khích công khai và hướng dẫn rộng rãi các quy định.

Truyền thông Trung Quốc cho biết nhìn về tương lai, mạng lưới CPĐT của Trung Quốc sẽ được cải thiện và các dịch vụ số sẽ được áp dụng rộng rãi để mọi người có cuộc sống số phong phú và đa dạng hơn cũng như tận hưởng cảm giác hài lòng ngày càng tăng./.

Bài liên quan
  • Đổi mới đào tạo xuất bản số - kinh nghiệm từ Trung Quốc
    Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuậtvà công nghệ số đã tạo ra những thay đổi lớn trong ngành xuất bản, việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ biên tập xuất bản trong môi trường xuất bản truyền thống đã không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược phát triển chính phủ số của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO