Chiến lược quốc gia về kinh tế số - bước ngoặt của sự phát triển đột phá

TS. Hoàng Tuyết - Bộ TT&TT| 02/01/2022 08:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Kinh tế số (KTS) và xã hội số có mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, là hai mặt không tách rời của quá trình chuyển đổi số (CĐS), do vậy, thường song hành cùng nhau. Các nhà phân tích, đánh giá quốc tế vẫn thường ghép chung cặp phạm trù này trong các nghiên cứu của họ.

Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập và làm rõ bản chất và nội hàm của KTS bởi vì hiện nay mặc dù KTS đã hiện diện khá rộng rãi nhưng trong hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam chưa có văn bản nào chính thức có thuật ngữ KTS. Thành phần KTS ICT/Viễn thông (VT) là lĩnh vực truyền thống thuộc phân ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) nên có hệ thống mã ngành kinh tế tương đối đầy đủ.

Kinh tế số - Nội hàm và bản chất

Thành phần KTS Internet/nền tảng là lĩnh vực mới, mặc dù nhiều hoạt động cũng đã được đề cập trong các luật chuyên ngành TT&TT, và Bộ TT&TT cũng đang thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này, nhưng hiện chỉ có mã ngành về hoạt động dịch vụ thông tin, còn các hoạt động khác hầu như đều chưa được áp mã ngành. Thành phần KTS ngành/lĩnh vực hiện chỉ có mã ngành cho hoạt động thương mại điện tử (bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet), còn các hoạt động khác cũng đều chưa được áp mã ngành.

KTS là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là các yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng viễn thông, Internet, mạng máy tính làm không gian hoạt động; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và để tối ưu hóa nền kinh tế. Nếu nói đơn giản thì KTS là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.

Có một số cách định nghĩa về KTS, nhưng phần lớn các quốc gia và tổ chức quốc tế đều thống nhất KTS là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên Internet.

Mô hình KTS được biểu diễn như hình sau: 

Chiến lược quốc gia về kinh tế số - bước ngoặt của sự phát triển đột phá - Ảnh 1.

Các cấu phần kinh tế số

Như thể hiện ở hình trên, KTS bao gồm 3 cấu phần: KTS ICT/Viễn thông, KTS Internet/nền tảng, và KTS ngành/ lĩnh vực, trong đó:

- Kinh tế số ICT/VT (KTS ICT) là lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - CNTT, hay còn gọi là ICT, gồm các hoạt động như: sản xuất sản phẩm điện tử, sản xuất phần cứng, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số, cung cấp dịch vụ CNTT và cung cấp dịch vụ viễn thông;

- Kinh tế số Internet/nền tảng (KTS Internet) gồm các hoạt động kinh tế dựa trên mạng Internet như: kinh doanh bằng nền tảng số (như Uber, Grab, Airbnb, ...), kinh doanh dựa trên dữ liệu số, kinh doanh các dịch vụ số trực tuyến, và các hình thức kinh doanh dựa trên mạng Internet khác;

- Kinh tế số ngành/lĩnh vực (KTS ngành) là các hoạt động kinh tế dựa trên việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tạo giá trị kinh tế mới, tăng thêm, gồm các hoạt động như: quản trị điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh v.v...

Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức uy tín quốc tế, KTS là một trong những động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu giai đoạn tới. KTS giúp tăng năng suất lao động, mở ra không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế. KTS cũng giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, vì sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên; chi phí tham gia KTS thấp hơn nên tạo ra cơ hội kinh doanh cho nhiều người hơn; KTS giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giải các bài toán kinh tế - xã hội; công nghệ số là không biên giới nên sẽ làm giảm khoảng cách nông thôn với thành thị; công nghệ số cũng cho chúng ta những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài của loài người, như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách, v.v...

Kinh tế số - góc tiếp cận của sự phát triển đột phá

Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên tự nhiên đang cạn kiệt và dịch bệnh COVID đang diễn biến phức tạp trong phạm vi toàn cầu, tác động tới tất cả các quốc gia thì người ta đã nhìn nhận thấy KTS là động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn tới, thực sự là giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế.

Việt Nam đã xác định KTS là một trong những động lực chính, đóng vai trò chủ đạo để thoát nhanh ra khỏi khủng hoảng của dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế tạo nên sự phát triển đột phá trong bối cảnh “bình thường mới”. Việt Nam cũng đang có những nền tảng quan trọng từ thể chế chính sách cho đến nhân lực, hạ tầng và đang tận dụng khá tốt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư cũng như CĐS. 

Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm đến lĩnh vực mới này. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng nhấn mạnh phải phát triển KTS. Chính phủ cũng ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2035, định hướng đến năm 2030. Nhiều bộ, ngành đã ban hành kế hoạch, chương trình chuyển đổi số...

Năm 2020, tổng doanh thu KTS của Việt Nam là 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP. Trong thời gian tới, KTS sẽ còn tăng trưởng mạnh khi có được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, có đội ngũ doanh nghiệp (DN) công nghệ đông đảo và dân số trẻ, yêu thích công nghệ; việc tiếp cận công nghệ cũng không quá khó với hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, Internet đang phát triển khá tốt.

Trong bối cảnh dịch bệnh, KTS càng được đẩy mạnh. Rất nhiều DN đã thực hiện CĐS, giao dịch thương mại điện tử. Bộ TT&TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đã triển khai chương trình hỗ trợ DN CĐS. Trong đó, Chương trình hỗ trợ các DN nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx.vn) do Bộ TT&TT triển khai đã có gần 10.000 lượt DN được tiếp cận, trong đó gần 2.500 DN đã sử dụng các nền tảng số của chương trình này để CĐS. Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, người dân đã tham gia ngày càng mạnh vào CĐS, thông qua mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt... 

Chiến lược quốc gia về kinh tế số - bước ngoặt của sự phát triển đột phá - Ảnh 2.

Thuật ngữ “online” (trực tuyến) đã trở nên thông dụng trong xã hội thể hiện sự có mặt của KTS trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ. Thí dụ, Uber đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống. Cho phép tài khoản viễn thông di động thanh toán mua hàng hóa sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân, nhưng lại thách thức ngân hàng. 

Vấn đề là chúng ta có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có giá trị nhiều. Quan điểm của Việt Nam xác định thể chế, chiến lược phát triển và chính sách cần phải đi trước một bước. Chính phủ kiến tạo thể chế, chiến lược phát triển, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới. 

Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành. Đó thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta. 

Xây dựng chiến lược phát triển quốc gia về Kinh tế số và vị thế dẫn dắt CĐS của Bộ TT&TT

Kinh tế số Việt Nam thời gian qua phát triển tự phát nhưng tăng trưởng tương đối nhanh, là do hạ tầng viễn thông - CNTT khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; là do người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực; là do dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; là do tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đây là lợi thế Việt Nam khi CĐS, phát triển KTS, xã hội số. 

Chúng ta cũng đang có những cơ hội rất lớn để phát triển KTS. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc CMCN lần thứ tư, Cách mạng CĐS, và chúng ta có cơ hội lớn để bứt phá, vượt lên. Việt Nam là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới, với dân số đông, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có lực lượng lao động số lớn, có số người dùng Internet và điện thoại thông minh lớn và đang tăng nhanh sẽ tạo nên những thị trường hấp dẫn cho KTS. Chúng ta cũng nằm tại trung tâm của Đông Nam Á, của châu Á, khu vực được đánh giá sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và KTS toàn cầu. COVID-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng là cú huých cho CĐS, phát triển KTS.

Tuy nhiên, KTS Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn, trong đó, hạn chế nhất là chưa có chiến lược hay chương trình, kế hoạch quốc gia nào về phát triển KTS, xã hội số được ban hành để xác định cụ thể, rõ ràng quan điểm, tầm nhìn cũng như định hướng nhiệm vụ, giải pháp, phát triển, làm căn cứ để các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai. 

Nhận thức rõ nội hàm KTS và xã hội số gắn liền với vai trò, vị trí và sự phát triển của ngành TT&TT, Bộ TT&TT đã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển KTS và xã hội số tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bởi lẽ:

Thứ nhất là Bộ TT&TT là một bộ về công nghệ, kỹ thuật, kinh tế và hạ tầng, và về báo chí truyền thông. Bộ có nguồn gốc là lĩnh vực bưu chính viễn thông, rồi đến CNTT, và hiện nay là công nghệ số. Lĩnh vực báo chí truyền thông được đưa về Bộ từ năm 2007. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động mạnh mẽ nhất là thông qua công nghệ số và CĐS. Bộ xác định sứ mệnh mới là dẫn dắt CĐS quốc gia, xây dựng một Việt Nam số, trong đó có chính phủ số, KTS, xã hội số và truyền thông số.

Thứ hai là Bộ TT&TT là Bộ đa ngành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực1, khái quát bao gồm: (1) Bưu chính; (2) Viễn thông; (3) Ứng dụng CNTT; (4) An toàn thông tin mạng; (5) KTS; (6) Công nghiệp điện tử - viễn thông - CNTT; (7) Báo chí truyền thông, xuất bản. 

Trong bối cảnh của cuộc CMCN lần thứ tư, xu hướng CĐS đang diễn ra mạnh mẽ trên ba trụ cột lớn là chính phủ số, KTS và xã hội số. Các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT đã và đang tạo thành nền tảng quan trọng nhất của nền KTS. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển KTS và xã hội số. Đây là lĩnh vực mới trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Các lĩnh vực trên đa số là hạ tầng, là nền tảng, nên phải đi trước, bởi vậy, Bộ TT&TT đặt mục tiêu vào nhóm 30 - 50 của thế giới vào năm 2025.

Mục tiêu phát triển mà Đảng, Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 là: KTS Việt Nam đạt 20% GDP. Đây là một mục tiêu rất thách thức, bởi theo kịch bản phát triển thông thường thì đến năm 2025 KTS Việt Nam chỉ đạt mức 10,5% GDP. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần duy trì mức tăng trưởng... KTS bình quân hàng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến (6,5 - 7%/năm). Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đầu tư xứng tầm của tất cả các bộ, ngành, địa phương cho CĐS, phát triển KTS. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển KTS, xã hội số làm căn cứ để huy động rộng rãi các nguồn lực của các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc là vô cùng cần thiết.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển KTS và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định có các nội dung chính như sau:

Tư tưởng cốt lõi trong chiến lược là phát triển các nền tảng số quốc gia. Lựa chọn đặc sắc của Chiến lược là đưa ra danh sách 34 nền tảng số quốc gia cụ thể để CĐS, phát triển KTS, xã hội số.

04 đột phá chiến lược là: (1) phát triển hạ tầng, nền tảng; (2) hoàn thiện thể chế; và (3) phát triển nhân lực; (4) Tạo niềm tin cho người dân.

05 định hướng chiến lược: (1) Thể chế kiến tạo phát triển KTS và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc chấp nhận và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo; (2) Hạ tầng số đi trước một bước, phát triển với tốc độ nhanh hơn, theo hướng Việt Nam làm chủ công nghệ; (3) Nhân lực số đóng vai trò quyết định tương lai của Quốc gia; (4) Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình là một DN số; (5) Tái cấu trúc, tối ưu hóa và gia tăng tỉ trọng của KTS trong toàn bộ nền kinh tế.

05 nguyên tắc cơ bản: (1) Phát triển nhanh và bền vững; (2) Phát triển toàn diện và có trọng điểm; (3) Bảo vệ quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu; (4) Bảo vệ chủ quyền số quốc gia và hội nhập quốc tế; (5) Quản lý rủi ro trong quá trình chuyển đổi lên môi trường số.

02 nhóm nhiệm vụ lớn, gồm:

(I) Nhóm nhiệm vụ phát triển nền móng gồm 9 nhiệm vụ: (1) Hoàn thiện thể chế; (2) Phát triển hạ tầng; (3) Phát triển nền tảng số; (4) Phát triển dữ liệu số; (5) Đảm bảo an toàn, an ninh mạng; (6) Phát triển nhân lực số; (7) Phát triển kỹ năng số; (8) Phát triển DN số và (9) Phát triển thanh toán số.

(II) Nhóm nhiệm vụ phát triển KTS và xã hội số các ngành lĩnh vực trọng điểm, gồm 6 lĩnh vực: (1) Nông nghiệp và nông thôn; (2) Y tế; (3) Giáo dục và Đào tạo; (4) Lao động, việc làm và an sinh xã hội; (5) Thương mại, công nghiệp và năng lượng và (6) Du lịch.

08 nhóm giải pháp phát triển: (1) Tổ chức, bộ máy, mạng lưới; (2) Hợp tác trong nước; (3) Hợp tác quốc tế; (4) Nghiên cứu, phát triển; (5) Tuyên truyền, phổ biến; (6) Đo lường, giám sát triển khai; (7) Bảo đảm kinh phí; và (8) Giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ.

Những định hướng chiến lược, những nội dung lớn đã được phác họa trong những năm 2019, 2020. Đó là hạ tầng bưu chính với nền tảng địa chỉ số tới từng hộ gia đình sẽ đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Là hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số. Là CĐS với ba trụ cột Chính phủ số, KTS và xã hội số. Là Việt Nam phải trở thành cường quốc an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng Việt Nam trên không gian mạng. Là phát triển 100.000 DN công nghệ số Việt Nam với sứ mệnh Make in Viet Nam. Là ICT Việt Nam vào top 50 năm 2025 và top 30 vào năm 2030.

Như đã trình bày ở trên, KTS bao gồm: KTS ICT là công nghiệp CNTT và dịch vụ viễn thông; KTS nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến; KTS ngành là hoạt động kinh tế của các ngành, lĩnh vực được gia tăng đáng kể nhờ đầu vào công nghệ số và dữ liệu số, với môi trường số là không gian hoạt động chính. Phát triển KTS ICT làm cốt lõi và là động lực trong việc thúc đẩy phát triển KTS. Phát triển KTS nền tảng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn, xóa nhòa khoảng cách, ranh giới giữa các ngành, lĩnh vực, hình thành hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hóa của người dân, kết nối trực tiếp giữa cung và cầu, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển KTS ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong KTS, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển KTS và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ TT&TT kỳ vọng một số chỉ tiêu cơ bản như sau:

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

- Tỷ trọng KTS đạt trên 20% GDP, trong đó: Công nghiệp CNTT và dịch vụ viễn thông đạt trên 8%; Hoạt động KTS của các nền tảng số đạt trên 4%; Hoạt động KTS của các ngành, lĩnh vực đạt trên 8%;

- Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử đạt trên 20%; 

- Tỷ lệ DN sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử đạt 100%;

- Tỷ lệ DN sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt trên 80%;

- Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%;

- Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về dữ liệu mở; 

- Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh;

- Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030:

- Tỷ trọng KTS đạt trên 30% GDP, trong đó: Công nghiệp CNTT và dịch vụ viễn thông đạt trên 10%; Hoạt động KTS của các nền tảng số đạt trên 8%; Hoạt động KTS của các ngành, lĩnh vực đạt trên 12%;

- Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử đạt trên 30%; 

- Tỷ lệ DN và hộ sản xuất kinh doanh sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử đạt 100%;

- Tỷ lệ DN sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%;

- Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%;

- Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về dữ liệu mở; 

- Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh;

- Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.

Bối cảnh hiện nay là thời cơ lịch sử hiếm có mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, ngay lập tức có hành động mạnh mẽ phát triển KTS và xã hội số. Việt Nam muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia thì phải tận dụng được cơ hội này, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới. Nhiệm vụ phát triển KTS và xã hội vì vậy được đặt ở mức ưu tiên cao nhất trong chiến lược phát triển Quốc gia.

Cuộc CMCN lần thứ 4, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động mạnh mẽ đến ngành này thông qua công nghệ số và CĐS. Với nhiệm vụ được Chủ trì thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, trong đó có chính phủ số, KTS, xã hội số. Bộ TT&TT xác định KTS sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam, là động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế. Nhưng Bộ TT&TT nhận thức rõ “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” nên trên con đường đi tới các mục tiêu phát triển KTS đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ TT&TT sẽ “không đi một mình” mà đồng hành cùng các Bộ, ngành, tổ chức, DN,.... Bộ TT&TT xác định vai trò quan trọng của các đơn vị như sau:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ phát huy vai trò trọng tâm trong tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện Chiến lược phát triển KTS. Hội, hiệp hội xã hội nghề nghiệp giúp tham mưu, phản biện chính sách, pháp luật; phát động hội viên, DN chủ động làm chủ công nghệ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng; tham gia tuyên truyền, phổ biến, khảo sát, đánh giá mức độ CĐS, phát triển KTS, xã hội số ở Việt Nam; phát hiện, giới thiệu các nền tảng chuyển đổi số quốc gia trong ngành, lĩnh vực mình; tham gia cung cấp yêu cầu đầu vào để hỗ trợ xây dựng các nền tảng số; khuyến khích các DN thành viên tham gia kết nối, sử dụng các nền tảng số trong các hoạt động của hội, hiệp hội.

Các Bộ ngành, gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo;Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Bộ Nội vụ; Bộ Khoa học và Công nghệ; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CĐS, KTS, xã hội số, nền tảng số và kinh tế nền tảng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình.

Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại DN, các cơ quan đại diện vốn nhà nước tại DN giữ vai trò chỉ đạo các DN nhà nước thuộc quyền quản lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chiến lược này để CĐS, phát triển KTS và xã hội số, đặc biệt trong một số lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; đôn đốc, giao nhiệm vụ cho các DN chủ động, tích cực tham gia đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành; xây dựng kế hoạch hành động phát triển KTS trong phạm vi các DN được giao quản lý theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ các DN CĐS, phát triển thành các DN số, dẫn dắt phát triển các nền tảng số quốc gia và nền tảng số ngành, hình thành các hệ sinh thái số trong các ngành, lĩnh vực mà DN hoạt động.

Chiến lược quốc gia về kinh tế số - bước ngoặt của sự phát triển đột phá - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Các DN công nghệ số, DN nhà nước

- Các DN viễn thông, DN bưu chính giữ vai trò xây dựng, nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng bưu chính rộng khắp cả nước đáp ứng yêu cầu bùng nổ của phát triển KTS, xã hội số. Đồng thời, cùng với Nhà nước tham gia đào tạo, hướng dẫn người dân sử dụng các kỹ năng số.

- Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khác chủ động tích cực tham gia triển khai Chiến lược; phát huy vai trò dẫn dắt trong phát triển và triển khai các nền tảng, giải pháp phát triển KTS và xã hội số hình thành các hệ sinh thái số trong ngành, lĩnh vực mình hoạt động; tích cực, tiên phong đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành; huy động, tập hợp các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghệ số, cùng tham gia phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ phục vụ phát triển KTS và xã hội số.

- Các DN nhà nước có trách nhiệm tiên phong CĐS, phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành.

- Các DN công nghệ số giữ vai trò chủ động phát triển các nền tảng số, giải quyết các vấn đề về phát triển KTS, xã hội số; xây dựng hệ sinh thái nội dung hấp dẫn, lành mạnh để tạo thói quen trực tuyến cho người dân; phối hợp với đầu mối các bộ, ngành, các trường đại học, cao đẳng xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin mạng theo hướng kết hợp giữa lý thuyết - thực tế; sẵn sàng triển khai các chương trình “Đào tạo từ làm việc thực tế”, đón sinh viên cao đẳng, đại học vào thực tập và tiếp xúc sớm với môi trường DN.

Như vậy, phát triển KTS, tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.

Phát triển KTS giúp mỗi người dân giàu có hơn, Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có mức thu nhập cao vào năm 2045. Phát triển xã hội số giúp mỗi người dân hạnh phúc hơn, Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp. Và ước mơ về một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng trong tương lai gần chắc chắn sẽ trở thành hiện thực với Chiến lược quốc gia  phát triển KTS và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 - con đường mới cho bước phát triển đột phá./.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư;

2. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

3. Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/08/2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025;

4. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo số 26/BC-BTTTT ngày 28/4/2021 Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển và xây dựng Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số.

5. GSMA, "Advancing digital societies in Asia Pacific: a whole-of-government approach", 2020

6. https://ec.europa.eu/digital-single-market/en/digital-economy-and-society-index-desi

(Bài đăng ấn phẩm in  Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược quốc gia về kinh tế số - bước ngoặt của sự phát triển đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO