Chính phủ điện tử có tầm quan trọng trong cách mạng công nghiệp 4.0

Lan Phương| 14/09/2018 11:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và đã quan tâm chỉ đạo từ nhiều năm qua.

Chiều 13/9/2018, tại Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh 2018 với chủ đề “Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu’ đã được Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị và đã có những chỉ đạo định hướng đối với doanh nghiệp (DN).

Thành công của DN cũng là thành công của Chính phủ

Chào mừng 1200 DN trong và ngoài nước tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hội nghị là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư ASEAN, Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng "kết nối và sáng tạo" để mở ra cơ hội hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi lan tỏa của CMCN 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến nay Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng xét về độ sâu thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo các thống kê, hiện mới chỉ có khoảng 21% DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng của Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra những thành công của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều DN Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị này ở các khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm. Đây là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng, thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững.

Tỉ lệ giá trị sản phẩm được các DN FDI mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước hiện chỉ đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, phần còn lại là mua từ DN FDI khác hoặc nhập khẩu.

Trước thực trạng đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và DN FDI.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời, Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa cho các tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP. Sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm những DN lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế.

Thủ tướng cho biết, môi trường chính trị và xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền chính trị - xã hội ở một số nước rơi vào bất ổn. Đồng thời các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với tăng trưởng cao liên tục; thương mại tăng bình quân 15%/năm; nợ công, lạm phát được kiểm soát... Lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong khối ASEAN. Đến nay Việt Nam vẫn duy trì lợi thế nhân công giá rẻ, trong khi một số nước bắt đầu đánh mất lợi thế này của mình.

Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên của WTO, tham gia ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP đang được phê chuẩn, tiếp theo sẽ là hiệp định FTA với EU và RCEP. “Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các bạn có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới, đặc biệt với thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất. Đồng thời, Việt Nam có vị trí địa chiến lược tối ưu cho chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được”.

Trên nền tảng kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá basa, tôm… “Với mỏ vàng nông nghiệp còn chưa được khai thác hết, đây sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn”.

Thủ tướng bày tỏ, với ý chí quật cường, niềm tự hào dân tộc, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy quốc lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Thủ tướng khẳng định, thành công của các DN cũng là thành công của Chính phủ.

Toàn cảnh Hội nghị

Đại diện cho VCCI, Chủ tịch  Vũ Tiến Lộc cho biết theo báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm nay, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương… Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống: vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, sự ổn định về chính trị-xã hội, quy mô thị trường lớn được gắn kết nối với các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp,… Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và DN ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam.

Chủ tịch WEF Borge Brende cũng khẳng định Việt Nam đã có bước phát triển mạnh về thương mại. Việt Nam đã tham tham gia nhiều Hiệp định tự do thương mại, gần đây là TPP và CPTPP cho thấy Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh tự do thương mại. Chính phủ Việt Nam cũng đang có bước cải cách các DN nhà nước, hiện đang đóng góp 1/3 nền kinh tế mà trước đây các DN này không năng động bằng khối DN tư nhân. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy cổ phần hóa DN.

Xây dựng CPĐT có tầm quan trọng trong CMCN 4.0

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng và Chủ tịch WEF Borge Brende đã đối thoại, trả lời các vấn đề mà DN quan tâm trong nhiều lĩnh vực như hiệp định CPTPP, CMCN 4.0, CPĐT, năng lượng tái tạo và một số định hướng chỉ đạo, điều hành thời gian tới.

Trước câu hỏi của DN về quá trình xây dựng CPĐT ở Việt Nam khi mà Ủy ban quốc gia về CPĐT vừa được thành lập, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng CPĐT trong bối cảnh CMCN 4.0 và đã quan tâm chỉ đạo từ nhiều năm qua.

Để thành công trong xây dựng CPĐT, Thủ tướng cho rằng, khâu tổ chức thực hiện là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, xây dựng thể chế pháp luật về xác thực, định danh điện tử; về chia sẻ dữ liệu, về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tiến tới xây dựng Luật CPĐT. Ban hành Khung kiến trúc CPĐT phiên bản 2.0, bảo đảm phù hợp với xu hướng chung của thế giới về phát triển CPĐT. Đồng thời cần xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, địa phương về dân cư, đất đai, DN, bảo hiểm xã hội, tài chính…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần ứng dụng CMCN 4.0 trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng viễn thông. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng và triển khai CPĐT ở Việt Nam.

Tại phiên trao đổi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã trao đổi về cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và phát triển, Bộ Giao thông Vận tải trao đổi về cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và hợp tác công tư. Trong khi đó, đại diện các DN như PwC trình bày báo cáo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của CMCN 4.0, ADB Việt Nam trao đổi về cơ hội và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, VNPT trình bày về chuyển đổi số ở Việt Nam: Kinh nghiệm và bài học của VNPT, Citibank Việt Nam cùng Vietjet Air trao đổi về kinh nghiệm kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Đấu giá thành công 2 khối băng tần, thu về cho ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng
    Theo Bộ TT&TT, việc tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) đã thu về cho ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng.
  • Amazon rót thêm 2,75 tỷ USD vào startup AI Anthropic
    Ngày 27/3, Amazon cho biết đang rót thêm 2,75 tỷ USD vào Anthropic, nâng tổng vốn đầu tư vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) này lên 4 tỷ USD.
  • Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế
    Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác cơ hội kinh doanh sản phẩm, giải pháp ra nước ngoài, sáng 26/3/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị lần hai về hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế”.
  • “Kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21” từ góc nhìn của năng lực hiểu biết về truyền thông
    Mạng xã hội đã và đang chứa đầy thông tin sai lệch. Để tồn tại và phát triển tích cực trong một thế giới đầy ắp thông tin và luôn luôn biến động không ngừng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những hiểu biết cơ bản về các kỹ năng thẩm định, phân tích thông tin, phân biệt giữa các hình thức truyền thông với những mục đích khác nhau.
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ điện tử có tầm quan trọng trong cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO