Chính quyền đóng vai trò kết nối các lực lượng cùng tham gia chuyển đổi số

Tuấn Trần| 18/09/2020 09:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính quyền phải đóng vai trò kết nối, để tất cả các lực lượng cùng tham gia chuyển đổi số là nhấn mạnh của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tại hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) (eGov) lần thứ 15 ngày 17/9/2020.

Với chủ đề "Phát triển CPĐT thúc đẩy dịch vụ công (DVC) trực tuyến hướng đến chính phủ số - Mô hình và giải pháp", nội dung chính của Hội thảo là thúc đẩy chuyển đổi số hướng đến Chính phủ số, nhằm mang lại nhiều giá trị phục vụ cho người dân và doanh nghiệp (DN).

FPT đồng hành cùng Chính phủ hướng đến mô hình Chính phủ số - Ảnh 1.

Tại hội thảo, các lãnh đạo chính phủ, bộ ngành, tỉnh thành đã chia sẻ, thảo luận về lộ trình phát triển CPĐT, chuyển đổi số ngành nghề và địa phương cũng như lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Giải pháp thúc đẩy phát triển CPĐT, hướng tới chính phủ số

Với vai trò điều phối Phiên tọa đàm cấp cao duy nhất của Hội thảo với chủ đề "Giải pháp công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến và phát triển chính phủ số", ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, đã trực tiếp thảo luận và đặt câu hỏi với đại diện các bộ ban ngành về những thành tựu, thách thức, cũng như tìm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ công trực tuyến và phát triển chính phủ số.

Ông Trương Gia Bình cũng đã đưa ra được những giải pháp quan trọng, tập trung vào hai vấn đề chính: "Làm sao để người dân, DN tham gia tích cực hơn trong các DVC trực tuyến" và "Giải pháp thúc đẩy phát triển CPĐT, hướng tới chính phủ số".

Ông Bình khẳng định: "Để phát triển CPĐT từ cấp bộ ngành đến các cục vụ, từ trung ương đến địa phương, quan trọng nhất là phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách TTHC, cắt giảm thủ tục, đừng chạy theo số lượng mà hãy quan tâm đến chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Làm sao cho người dân cảm thấy thuận lợi, dễ dàng nhất, phải truyền thông để người dân biết, xây dựng được cho người dân niềm tin về việc nhà nước đang nỗ lực thế nào trong phát triển CPĐT. Đây sẽ là những nhân tố tăng tốc phát triển CPĐT với mục tiêu coi người dân, DN là trung tâm mà Việt Nam đang hướng tới".

Đồng tình với quan điểm này, đại diện các Bộ ngành tham dự tọa đàm như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng chia sẻ, cần phải có thể chế, chính sách chuyên biệt hóa để dẫn đường cho sự phát triển, đầu tư ngân sách đúng mức và chính ngạch cho CNTT, đặt mục tiêu tập trung cho lợi ích của người dân, DN.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: "Lãnh đạo thành phố đóng vai trò vừa tích cực thúc đẩy vừa hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN phát triển năng lực. Chính quyền phải đóng vai trò kết nối, để tất cả các lực lượng cùng tham gia chuyển đổi số, góp phần xây dựng chính quyền số hiệu quả, phục vụ người dân tốt, phát triển nền kinh tế số mang lại giá trị thặng dư cao hơn".

Phó Chủ tịch UBND cũng cho rằng chuyển đổi số là một quá trình nhiều bước, trong đó ngoài việc phát triển DVC trực tuyến mức độ cao, thì xây dựng nền tảng dữ liệu cũng là một nhiệm vụ thiết yếu, bởi "dữ liệu là kho tài sản lớn của mọi quốc gia, được ví quý hơn dầu mỏ vì càng dùng thì càng tạo ra nhiều giá trị".

Ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh, yếu tố nhận thức là đặc biệt quan trọng. TP. Hồ Chí Minh đang là một trong những địa phương tiêu biểu, đạt được những thành tựu đáng kể trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả DVC nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo cũng như nhận thức, tư duy đúng đắn. Tổng số DVC trực tuyến được công bố của thành phố là gần 1.800 dịch vụ, trong đó gần 60% là mức độ 3 và 4.

Tại phiên tọa đàm, nhiều vấn đề nóng cũng đã được đưa ra thảo luận tìm giải pháp như "Sáng tạo, năng động trong hoạt động quản lý logistics", "Chuyển đổi số ngành giáo dục và xây dựng môi trường giáo dục 4.0", "Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng".

Nhằm hỗ trợ chính phủ thúc đẩy phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số, FPT cũng giới thiệu xu hướng về mô hình chuyển đổi số trong y tế - Mô hình lưu trữ dữ liệu trên nền tảng số phục vụ ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.

Các giải pháp, dịch vụ số được kiến tạo từ chính nhu cầu thực tiễn

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử cho nhiều Bộ, ngành và tỉnh, thành tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, FPT đã hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, phát triển nền tảng tích hợp, liên thông dữ liệu, giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu.

Tập đoàn cũng tập trung nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các nhóm giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, y tế, giáo dục, góp phần kiến tạo các đô thị thông minh ở nhiều địa phương: Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Mới nhất, FPT là một trong các đơn vị hỗ trợ, tư vấn cho thành phố về khung kiến trúc Chính quyền điện tử cũng như xây dựng nền tảng chia sẻ, liên thông dữ liệu (LGSP HCM) vừa được ra mắt tháng 7/2020.

Ông Trương Gia Bình cho biết: "Các giải pháp, dịch vụ số được FPT kiến tạo xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn, đảm bảo giải quyết bài toán "nóng" của từng bộ ngành, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số chung với mục tiêu cao nhất là tiết kiệm thời gian, chi phí và mang lại lợi ích cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp."

Với thế mạnh về công nghệ, quy trình và nhân lực, FPT cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ chính phủ cũng như các bộ ban ngành thực hiện các đề án chuyển đổi số, từng bước xây dựng các nền tảng và công nghệ quan trọng cho mô hình chính phủ số trong tương lai.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền đóng vai trò kết nối các lực lượng cùng tham gia chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO