Chính sách cần mở để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Lan Phương| 04/05/2018 16:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 3/5/2018, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á (ACCA) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: Rà soát quy định pháp luật ở 5 nước châu Á và lựa chọn chính sách cho Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, các đại diện đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ liên quan và một số viện nghiên cứu chính sách và hiệp hội ngành. Các đại biểu đã cùng chia sẻ ý kiến và thảo luận các cách tiếp cận chính sách khác nhau về việc quản lý dòng dữ liệu xuyên biên giới trong nền kinh tế số.

Toàn cảnh Hội thảo

Cơ hội phát triển kinh tế - xã hội thông qua khả năng truy cập dữ liệu

Tại Hội thảo, bà Lim May Ann, Giám đốc điều hành của ACCA đã thông tin một số nội dung đáng chú ý về các cơ hội phát triển kinh tế và xã hội thông qua khả năng truy cập dữ liệu. Tại Nhật Bản, việc tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên tới 4,1%, năm 2030 GDP sẽ tăng 40%. Sự tham gia của Ấn Độ vào các loại dòng chảy dữ liệu toàn cầu trong thập kỷ qua nhằm bắt kịp các quốc gia tiên phong đã giúp tăng GDP của nước này lên 1,2 nghìn tỷ USD. Tại Indonesia, tăng cường truy cập băng rộng và sử dụng dữ liệu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), sẽ làm GDP tăng 2% và tạo ra 4 triệu việc làm.

Bà Lim May Ann, Giám đốc ACCA

Với những cơ hội như thế, bà Lim May Ann cho biết chiến lược kinh tế số của chính phủ nên nhắm tới các DNNVV, với các chính sách như Tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận dữ liệu toàn cầu thông qua công nghệ số, đảm bảo doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận với các thị trường quốc tế, bán và tiếp thị hàng hóa và dịch vụ, tiếp cận nguồn cung, đối tác hoặc phát triển kỹ năng; Thúc đẩy sáng tạo; Phát triển cộng đồng và hệ sinh thái khởi nghiệp; Thúc đẩy phát triển toàn diện; Tái tạo và tái sinh những ngành công nghiệp truyền thống thông qua quá trình chuyển đổi sách cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Theo ACCA, các yêu cầu về mặt quản lý có thể tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới, khiến DN cân nhắc việc tham gia vào thị trường Việt Nam. Hơn thế nữa, nó cũng có thể tác động tiêu cực đến các DN Việt Nam có nhu cầu sử dụng các công cụ và dịch vụ được cung cấp bởi các công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới. Báo cáo của ACCA trích dẫn một nghiên cứu ước tính rằng Nghị định 72 có thể khiến GDP thực tế của Việt Nam giảm 0,24% trong trung và dài hạn [1], và theo một báo cáo khác thiệt hại ước tính có thể lên tới 1,7% GDP, 3,1% đầu tư trong nước và 1,5 tỷ USD giá trị phúc lợi tiêu dùng [2].

Chính sách phải mở, hỗ trợ DN phát triển trong nền kinh tế số

Để phát triển trong nền kinh tế số, các đại biểu tham gia Hội thảo đã trao đổi nhiều nội dung liên quan, đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách phải mở để DN phát triển.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông

Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông đánh giá rất cao báo cáo và nhấn mạnh quản lý Internet cũng chính là quản lý dòng chảy dữ liệu. Quản lý kinh tế số cũng chính là quản lý dữ liệu. 20 năm qua viễn thông - Internet Việt Nam đã phát triển tương đương với các nước trong khu vực cả về công nghệ, dịch vụ, mức độ phổ cập dịch vụ. Truy cập Internet, WiFi thuận tiện. Giá cước viễn thông - Internet bình dân, tương đối rẻ. Việt Nam nằm trong 15 nước đứng đầu trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet.

Đạt được những thành quả đó, ông Mai Liêm Trực cho rằng đó là nhờ có các quyết định quan trọng như: Mở cửa chính sách; Xóa bỏ độc quyền DN, mở cửa cạnh tranh. Viêt Nam đã nhận thấy nguy cơ độc quyền DN là không có lợi và phát triển đến đâu thì quản lý đến đó. Quản lý là thúc đẩy và khuyến khích phát triển. Cái gì cũng giấy phép hay “cấm” thì sẽ cản trở khởi nghiệp (startup), phát triển ứng dụng. Hiện nay rất khó lấy dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế số mà trong nền kinh tế số, dữ liệu là năng lượng, tài nguyên của toàn bộ nền kinh tế số.

“Quản lý cần thay đổi, quản lý phải tạo điều kiện để có thể tận dụng được nhiều cơ hội nếu không cánh cửa sẽ bị đóng lại. Đây là bài học giá trị trong thời đại hiện nay”, ông Trực nhấn mạnh.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng để có luồng thông tin dữ liệu xuyên biên giới không nên áp đặt máy chủ, phải lập văn phòng đại diện, không được ngăn chặn dòng dữ liện. Điện toán đám mây phát triển thì việc yêu cầu đặt máy chủ không có ý nghĩa gì cả. Theo đó, ông Trương Đình Tuyển cho rằng cần thay đổi trong quản lý, không nên “quản lý đến đâu mở đến đó”, mà cần phải chuyển từ quản lý rủi ro sang khuyến khích phát triển, chứ không phải đặt DN trong một cái “lồng” quản lý thì không thể sáng tạo, phát triển.

“Phải chuyển từ tư duy nhà nước quản lý sang tư duy nhà nước phục vụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc. Nếu có quan điểm như vậy thì mới phát triển để theo kịp và vượt các nước. Đặc điểm của cuộc CMCN 4.0 là tốc độ quan trọng hơn quy mô, quan trọng tư duy hơn kinh nghiệm”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Tổng giám đốc Netnam cho biết nhờ chính sách mở cửa về viễn thông - Internet những năm 1996 - 1997, Netnam mới ra đời, được cung cấp dịch vụ Internet.

Sau 20 năm làm việc tại DN, ông Bình cho biết nỗi lo lắng của DN Việt Nam vẫn thường trực hàng ngày và là nỗi lo lắng lớn nhất, đặc biệt là đối với DNNVV là rủi ro chính sách. Chính sách cần phải mở, giúp thúc đẩy thị trường cạnh tranh. Đồng thời, chính sách phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các DN nội địa của Việt Nam đang còn yếu.

Ông Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương

Ông Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, với tư duy quản lý truyền thống thì Uber, Grab, các công ty kinh doanh về vận tải nhưng không có phương tiện nào, hay Alibaba là công ty bán lẻ nhưng không có cái kho nào, Airbnb là dịch vụ đặt phòng, căn hộ nhưng không sở hữu phòng hay căn hộ nào… Nếu áp đặt tư duy truyền thống thì những loại hình đó không bao giờ đúng quy định và không thể xuất hiện. Cần phải thay đổi tư duy. Uber, Grab vào Việt Nam đã làm taxi truyền thống có áp lực, phải thay đổi để cung cấp dịch vụ tốt hơn, chính sách nhà nước cũng giảm các thủ tục đối với taxi truyền thống để thuận lợi cho kinh doanh.

Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, bà Lim May Ann cho biết Singapore đã nhận thức hoạch định chính sách, làm luật không phải vấn đề làm một lần là xong mà cần phải cập nhật, thay đổi liên tục. Theo bà, cần có nhiều đối tác cùng tham gia, được tham vấn để xây dựng luật, chính sách. Khi xây dựng các quy định, Singapore tham vấn, nghe, trao đổi, tranh luận mạnh mẽ để xây dựng luật, quy định, chính sách. Singapore không thể tồn tại độc lập bởi hoạt động trên APEC, ASEAN… nên phải tính toán để DN, các tổ chức có thể làm việc được ở nhiều quốc gia.

---

[1]. Nguồn: M. Bauer, M. Ferracane, E, van der Marel (2016), Truy tìm tác động kinh tế của các quy định về dòng chảy tự do của dữ liệu và địa phương hóa dữ liệu, Ủy ban toàn cầu về quản trị Internet, Loạt bài: Số 30 - tháng 5 năm 2016, truy cập tại www.cigionline.org/sites/default/files/gcig_no30web_2.pdf

[2]. Nguồn: M. Bauer et. al (2014), Chi phí địa phương hóa dữ liệu: Ngọn lửa thân thiện cho phục hồi kinh tế, Báo cáo của ECIPE, số 3/2014, truy cập tại http://ecipe.org//app/uploads/2014/12/OCC32014__1.pdf

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính sách cần mở để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO