Chợ nông sản 4.0: Giải pháp ứng phó phù hợp với dịch COVID-19

Hồng Nhung – Minh Hưng/TTXVN| 12/07/2021 07:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến người tiêu dùng khó có thể trực tiếp đi mua sắm, lựa chọn hàng hóa tại các địa điểm truyền thống như trước đây.

Chính vì vậy, để có thể tiếp cận hiệu quả với người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nông dân đã chọn phương thức ứng dụng thương mại điện tử để có thể giới thiệu và đưa hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng một cách an toàn và hiệu quả nhất, kể cả thị trường nội địa và nước ngoài.

Một cách bảo hộ thương hiệu

Mặc dù là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu các loại nông sản như gạo, thủy sản, hồ tiêu, cà phê,… với sản lượng lớn, chất lượng cao, nhưng các nông sản của Việt Nam lại ít để lại dấu ấn cho người tiêu dùng thế giới.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, có đến 80% mặt hàng nông sản của Việt Nam bán ra thị trường thế giới bị đội lốt, mang nhãn mác của các doanh nghiệp nước ngoài.

Do đó, các sản phẩm nông sản của Việt Nam có thế cạnh tranh thấp hơn các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác; và người tiêu dùng thế giới không được nhìn thấy trực tiếp sản phẩm Việt Nam do chính nông dân Việt Nam làm ra.

Tuy nhiên, với sự phát triển vượt trội của nền công nghệ thông tin hiện nay, người tiêu dùng thế giới và trong nước đã có thể tự tìm hiểu sản phẩm mình muốn lựa chọn.

Ông Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, với công nghệ blockchain, sàn thương mại điện tử giúp truy xuất quá trình sản xuất sản phẩm, cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chế biến từ nông sản tốt hơn từ trang trại đến bàn ăn một cách minh bạch.

Đáng chú ý, công nghệ thanh toán nhanh, bảo mật, đi kèm với hợp đồng thông minh, tích hợp công nghệ hiện đại giúp các bên tham gia cùng theo dõi, giám sát chuỗi sản xuất, tiêu dùng theo cách minh bạch nhất.

Sàn thương mại điện tử nông sản có ý nghĩa trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở nước ta, đặc biệt là nông dân và người tiêu dùng có thể tìm thấy nhau thông qua các thông tin được công bố minh bạch nhất.

Thông qua các dữ liệu công bố, người tiêu dùng biết được các sản phẩm của các nông dân đang sản xuất, đặc biệt là thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP,… làm cho nhiều quốc gia trên thế giới có thể biết các sản phẩm sản xuất sạch, an toàn của Việt Nam.

Từ đó, các nhà đầu tư có thể lựa chọn đến đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam, ông Hoàng Xuân Trường nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Chính Chiến, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Kim Cương Việt, qua sàn thương mại điện tử, người bán và người tiêu dùng có thể kết nối, giao dịch trực tiếp với nhau dễ dàng và an toàn.

Doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều khách hàng trorng nước và quốc tế hơn, chi phí lại giảm nhiều so với trước vì không phải mất mặt bằng để trưng sản phẩm lên kệ cho khách hàng lựa chọn.

Khi Công ty cổ phần Kim Cương Việt tham gia sàn thương mai điện tử, công ty kỳ vọng tăng hiệu quả kinh doanh, tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm đầu ra.

Chính vì vậy, trong thời gian tới công ty có chiến lược đa dạng kênh phân phối trên nhiều kênh thương mại điện tử khác nhau để mở rộng kênh bán hàng.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thương mại điện tử hiện nay không còn lạ đối với người tiêu dùng trong nước. Việc người tiêu dùng lập một tài khoản để kết nối với các chợ 4.0 là điều quá dễ dàng khi điện thoại thông minh phát triển đến từng ngõ ngách ở các địa phương.

Đây chính là lợi thế để các doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội trong nước, người tiêu dùng không đến tận nơi nhưng vẫn có thể lựa chọn được sản phẩm mình cần.

Theo anh Vưu Vĩnh Phương Khoa, chủ Cơ sở bánh đậu xanh Hương Sen, khi vừa thành lập cơ sở, anh gặp khó khăn trong quá trình thâm nhập, tiếp cận các thị trường trong nước.

Tuy nhiên, sau khi sản phẩm được giới thiệu lên các trang mạng xã hội và các trang thương mại điện tử thì ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến. Đến nay, bánh đậu xanh Hương Sen đã được 400 siêu thị và các cửa hàng tiện ích trưng bày.

Ngoài ra, bánh đậu xanh Hương Sen còn là mặt hàng được ưa chuộng tại các thị trường như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc),… Hiện anh đang tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên website, fanpage nhằm phát triển thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.

Nhận thấy hiệu quả của sàn giao dịch thương mại điện tử có thể giúp người tiêu dùng nhận dạng được sản phẩm ngay khi tìm hiểu, ngay từ năm 2013, UBND tỉnh Bạc Liêu đã thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể “treo” sản phẩm, giới thiệu một cách gián tiếp cho khách hàng vào thời điểm đó.

Theo ông Quách Kim Bó, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bạc Liêu, thương mại điện tử được xem là một công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng năng lực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Khi tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, các thành viên sẽ được miễn tất cả các chi phí, được hỗ trợ tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ, các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu… Qua đó giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động một cách hữu hiệu nhất.

Nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng khai thác và ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển thị trường trong và ngoài nước, ông Bó chia sẻ thêm.

Cùng với tỉnh Bạc Liêu, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có phương án phát triển thương mại điện tử, nhằm giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa cơ động hơn so với trước đây.

Điển hình như tại tỉnh Kiên Giang, để đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, cũng là giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng kết nối tốt hơn trong mọi hoàn cảnh, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND phát triển thương mại điện tử tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021- 2025 ngay từ đầu tháng 11/2020.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang từng bước đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt), từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Tỉnh hướng tới xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, thông qua thương mại điện tử, tỉnh Kiên Giang mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh Kiên Giang, ra thị trường trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chợ nông sản 4.0: Giải pháp ứng phó phù hợp với dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO