Chuyện Dat Bike bị 'vùi dập' tại Shark Tank: Tư duy người hỗ trợ khởi nghiệp không thay đổi sẽ kéo lùi startup

Huyền Trang| 31/05/2022 16:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực tế nhiều startup dù không được đánh giá cao trong chương trình Shark Tank nhưng vẫn phát triển vượt bậc, đã cho thấy đến lúc cần nhìn lại việc hỗ trợ khởi nghiệp đối với startup “đi trước thị trường”.

Chọn đúng vì không nghe theo Shark

Sau 3 năm lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 (Thương vụ Bạc tỷ), Dat Bike – startup xe máy điện Việt Nam đã huy động tổng số vốn 10 triệu USD. Từ khi thành lập, Dat Bike luôn trong tình trạng “sản xuất không kịp bán”. Startup này được đại diện quỹ đầu tư Jungle Ventures đánh giá có cơ hội khi nhanh chóng khai thác thị trường công nghiệp xe điện trị giá 25 tỷ USD ở Đông Nam Á.

Thế nhưng, trước đó, khi xuất hiện tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, Dat Bike từng bị Shark Nguyễn Hòa Bình chê thậm tệ vì “sai thị trường, nhầm thời điểm và nhầm sản phẩm”, và được khuyên “nên làm một cái gì đó khác”.

Ở thời điểm đó, nếu Dat Bike chọn cách tin vào Shark Bình thay vì tin vào chính mình, có lẽ giờ hướng đi cũng sẽ khác. Thực tế, tình trạng startup vẫn phát triển dù bị một số nhà đầu tư chê thậm tệ không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà ngay cả ở Shark Tank Mỹ, rất nhiều startup cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Những nhu cầu mới của người dân nảy sinh trong và sau đại dịch đã đặt ra yêu cầu cho các startup, doanh nghiệp cần tìm tòi mô hình, phương thức kinh doanh, sản phẩm mới để phục vụ thị trường. Đặc biệt, thị trường còn chứng kiến làn sóng đổ bộ của các startup mới trong lĩnh vực công nghệ mới nổi như blockchain, metaverse… Công nghệ phát triển như vũ bão, đòi hỏi startup phải nhanh nhạy để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đón đầu thị trường.

Và thực tế, trong hai năm đại dịch, nhiều startup đã chứng minh mô hình đổi mới sáng tạo thành công khi “hút” tới gần 1,5 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm. Tuy vậy, theo các chuyên gia, startup Việt Nam còn có thể thu hút nhiều hơn con số 1,5 tỷ USD, nếu được hỗ trợ nhiều hơn.

Bởi khi xã hội đặt ra yêu cầu đổi mới sáng tạo không ngừng, không chỉ startup, mà bản thân các cơ quan quản lý, đơn vị ban hành chính sách, cho đến các quỹ đầu tư, chuyên gia, cố vấn… cũng phải có tư duy sáng tạo.

Đường mới cần cách xây mới

Chuyện Dat Bike bị 'vùi dập' tại Shark Tank: Tư duy người hỗ trợ khởi nghiệp không thay đổi sẽ kéo lùi startup - Ảnh 1.

Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong giai đoạn mới cần tư duy mới để mở đường cho startup phát triển. Ảnh: TTXVN.

TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng, nếu tư duy của những người làm chính sách, hỗ trợ khởi nghiệp không thay đổi, không những không hỗ trợ startup mà đôi khi còn “kéo lùi” startup.

Thực tế cho thấy, khi các cơ quan quản lý có tư duy đổi mới sáng tạo, việc tiếp cận và ban hành chính sách khởi nghiệp cũng sẽ khác. Điển hình như Singapore, trong đại dịch, nhu cầu của thị trường buộc phải có các mô hình kinh doanh mới. Chính phủ Singapore ngay lập tức ban hành cơ chế sandbox (thử nghiệm chính sách) để tạo môi trường pháp lý cho startup đưa các sản phẩm mới ra thị trường.

Còn tại Việt Nam, các startup fintech, blockchain phát triển như vũ bão thời gian qua, nhưng vẫn đang chờ khung khổ pháp lý. Nhiều startup chia sẻ rằng họ không dám mở rộng mô hình vì sợ vướng pháp lý.

“Một startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không bao giờ là bản sao của doanh nghiệp truyền thống, họ luôn làm những gì khác biệt. Đó là lý do những người đi hỗ trợ khởi nghiệp như chúng tôi không bao giờ chúng tôi áp đặt những gì chúng tôi có vào các startup. Bởi đâu đó những gì chúng tôi có chỉ mang tính tham khảo, chỉ là bài học thất bại, vì chúng ta là doanh nghiệp truyền thống, bán những sản phẩm đã có, thị trường đã có, đưa vào mô hình truyền thống vô tình sẽ kéo toàn bộ ý tưởng startup.

Các cố vấn, huấn luyện viên chuyên gia có kinh nghiệm là tốt nhưng nếu chỉ giải quyết vấn đề bằng kinh nghiệm, không có tư duy sáng tạo, áp đặt những cái mình đang có vào mô hình kinh doanh hay trong những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ, vô hình chung kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của các bạn”, ông Thắng cho hay.

Về phía các nhà đầu tư, TS Đàm Quang Thắng cũng cho rằng các “cá mập” cũng phải có tư duy sáng tạo khi quyết định rót vốn. Bởi đầu tư cho startup đổi mới sáng tạo chủ yếu là đầu tư cho con người, để khích lệ người trẻ khởi nghiệp, vì rủi ro mô hình kinh doanh rất lớn, từ 70-90%, nên cách tiếp cận đầu tư cho startup không phải 1-2 năm mà phải 10-20 năm. Đó là việc các nhà đầu tư thiên thần có thể tư duy khi tham gia vào trở thành cấu phần hỗ trợ tài chính cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Vì vậy, để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể xây dựng thành công, không chỉ dựa vào sự thay đổi của các startup. Bởi bản thân startup đều là những mô hình đổi mới sáng tạo, nhưng họ không thể đứng độc lập, mà cần phải gắn chặt với hệ sinh thái. Nếu như những thành phần còn lại trong hệ sinh thái (cơ quan quản lý, hỗ trợ khởi nghiệp, chuyên gia cố vấn, nhà đầu tư…) không đổi mới sáng tạo, startup có thể vẫn tồn tại được bằng năng lực của mình, nhưng khó có thể phát triển thành “kỳ lân”, và đuổi kịp với các startup trong khu vực.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyện Dat Bike bị 'vùi dập' tại Shark Tank: Tư duy người hỗ trợ khởi nghiệp không thay đổi sẽ kéo lùi startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO