Chuyển đổi số báo chí phải là một cuộc cách mạng thực sự

17/06/2021 16:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian gần đây, khái niệm “Chuyển đổi số” (Digital Transformation) và “Chiến lược chuyển đổi số quốc gia” được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, những câu chuyện và nội dung tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp thương mại và sản xuất hàng hóa thông thường. Trong khi đó, ở lĩnh vực báo chí truyền thông dường như chuyển đổi số chưa thực sự bắt đầu, nếu không nói là còn khiến nhiều người “bỡ ngỡ”.

Đã đến lúc phải thúc đẩy nhanh hơn "cuộc chơi mới", kiến tạo những mô hình kinh tế mới cho báo chí Việt Nam trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động mạnh, đặt tất cả chúng ta trước bài toán khốc liệt: Chuyển đổi để tồn tại và phát triển hay bị bỏ lại phía sau?

"Chuyển đổi số" không chỉ là "số hóa"

Có nhiều câu hỏi chúng ta cần đặt ra xung quanh vấn đề chuyển đối số trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, như: "Chuyển đổi số" là gì? Chuyển đổi số khác gì với "số hóa", công việc mà các cơ quan báo chí đã và đang triển khai những năm qua? Hay, vì sao Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và coi đó là động lực chính để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới? (Chính phủ 2020). Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia được coi là "cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện" có mối liên hệ gì với tiến tình triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 hiện nay? Việc thực hiện chuyển đổi số sẽ có tác động gì đối với việc đổi mới mô hình và tổ chức, quản lý nền báo chí nhằm phát triển xã hội thông tin? Đây cũng là yêu cầu cấp bách của thực tiễn báo chí Việt Nam trước sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Theo nhiều chuyên gia, khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về "chuyển đổi số", bởi vì quá trình thiết kế bài toán và áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau, nhất là với những ngành nghề có mối liên hệ với đông đảo đối tượng công chúng xã hội. Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (tiếng Anh là Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp; Là việc tận dụng các công nghệ mới để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng, cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại (Trương Gia Bình 2019).

Tại Việt Nam, khái niệm "Chuyển đổi số" thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình tổ chức, doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IOT), điện toán đám mây (Cloud), v.v. nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, môi trường văn hóa tổ chức, v.v.. Theo chúng tôi, cần nhận thức đúng rằng chuyển đổi số không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp trong bối cảnh xã hội 4.0 mà tiến trình này đang tác động tới tất cả các lĩnh vực khác của xã hội như: Chính phủ điện tử, khoa học giáo dục, thương mại, y tế và chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực truyền thông đại chúng.

Khái niệm "Chuyển đổi số" thường hay bị nhầm lẫn với khái niệm "Số hóa" (Digitizing). Cần phân biệt rằng "Số hóa" là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (ví dụ như chuyển từ tài liệu dạng giấy như bản báo in sang các file PDF trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng Analog sang phát sóng kỹ thuật số, v.v..); Khác với "Chuyển đổi số" là việc khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ dữ liệu thông minh (Data) để phân tích, chuyển hóa các dữ liệu đó để tạo ra các giá trị mới hơn. Ví dụ như việc từ một kho nội dung dữ liệu của một tờ báo, có thể phân tách sâu hơn thành các "gói" sản phẩm theo từng chủ đề, tác giả, theo mối liên hệ gắn với từng vấn đề/vụ việc, theo khuynh hướng bình luận và cảm quan của tác giả, v.v.. Như vậy, có thể xem "Số hóa" như một phần của quá trình "Chuyển đổi số". Chúng tôi cho rằng chuyển đổi số báo chí không phải chỉ dừng lại ở việc thay đổi kỹ thuật tương tự Analog sang dùng thiết bị kỹ thuật số Digital trong hoạt động báo chí; Cần nhận thức rằng đó là tiến trình biến đổi của các cơ quan báo chí truyền thông từ vai trò của một "nhà sản xuất nội dung" đồng thời trở thành một "nhà công nghệ". Theo đó, có 5 mục đích chính mà một cơ quan báo chí có thể đặt ra khi triển khai chuyển đổi số là:

i. Đổi mới toàn diện hệ thống sản phẩm nội dung từ nền tảng đã có;

ii. Tiếp cận rộng và nhanh hơn với thị trường và công chúng;

iii. Thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới và tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh báo chí truyền thống suy thoái;

iv. Giữ chân độc giả trung thành và thu hút khách hàng tiềm năng;

v. Bồi đắp giá trị truyền thống và kiến tạo động lực đột phá, sức mạnh cạnh tranh.

Về bản chất, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông là tiến trình can thiệp, chuyển hóa vào nguồn tài nguyên quý báu nhất, cơ bản nhất và cũng đang là "tiềm ẩn" nhất của cơ quan báo chí, đó là cơ sở dữ liệu (Data). Theo ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) (2020), "nếu so sánh dữ liệu như dòng dầu ẩn sâu dưới đất, thì việc chưng cất nguồn năng lượng thô đó thành nhiên liệu cho máy bay cất cánh vào không gian sẽ chính là tiến trình báo chí thực hiện chuyển đổi số". Vấn đề là chúng ta khai thác nó ra sao, tiếp đó là sử dụng nó thế nào cho hiệu quả nhất, không thể làm bằng những quy trình, phương pháp thủ công hoặc "bán tự động" như truyền thống. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn. Hoặc là họ đã bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu. Vấn đề đặt ra là, báo chí Việt Nam sẽ đổi mới và thực hiện chuyển đổi số bằng giải pháp nào? Làm việc này với ai? Cơ chế nào? Tổ chức nào? Cơ quan báo chí nào sẽ dẫn dắt cuộc Cách mạng Công nghệ trong lĩnh vực báo chí? Nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực nào cần phải đáp ứng? Có những mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung và doanh thu nào có thể được hình thành?

Chuyển đổi số để hướng đến mô hình kinh doanh mới cho báo chí

Nếu nghĩ theo chiều ngược lại, thì nhận định kinh điển: "Nội dung là vua" ("Content is King!" của Bill Gates) chưa hẳn đã toàn diện, đầy đủ. Doanh thu và chất lượng của mỗi sản phẩm báo chí luôn là hai vấn đề cần phải chú trọng đồng đều, nếu chỉ chăm chú vào nội dung mà xem nhẹ vai trò của hoạt động kinh tế báo chí sẽ là tiền đề cho sự sa sút chất lượng thông tin, vì thiếu những nguồn lực đảm bảo. Thách thức lớn mà nhiều cơ quan báo chí đang gặp phải, đó là sự suy giảm nguồn thu truyền thống vốn chỉ trông cậy từ một phần ngân sách nhà nước hay từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông. Đã có những tờ báo không có ngân sách hoạt động và đứng trước nguy cơ tự giải thể hoặc thu hẹp quy mô, một số cơ quan khác phải thực hiện các hoạt động như tổ chức sự kiện, kinh doanh thương mại, cho thuê trụ sở, v.v. để "xoay sở tồn tại" trước cơn lốc của thị trường. Thay vì hướng đến đối tượng công chúng - mục tiêu chính theo tôn chỉ mục đích, có những tờ báo phải chú trọng việc sản xuất nội dung trên mạng xã hội, kiếm tiền từ Facebook, YouTube, Google cũng như một số trang thương mại điện tử khác. Hiện trạng của những sai phạm đó là việc "xào xáo" nội dung, "câu view giật title", chỉ chú trọng những nội dung vô bổ, thậm chí là "rẻ tiền" để tăng lượng truy cập, coi đó là giải pháp kinh tế. Bên cạnh đó, còn có cả những biểu hiện của việc nhà báo thúc ép doanh nghiệp quảng cáo, coi mục tiêu doanh số quảng cáo như một tiêu chí đánh giá lao động của phóng viên, v.v. một mặt khiến tờ báo đánh mất uy tín, vị thế, mặt khác khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, thậm chí cản trở hoạt động của doanh nghiệp lành mạnh. Phải chăng, khi "mắc kẹt" trong cái bẫy "hợp đồng truyền thông" - báo chí sẽ đánh mất dần niềm tin của độc giả?

Sự xuất hiện của các công nghệ mới (Big - Tech) ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành, sản xuất và phân phối tin tức của các cơ quan báo chí. Như nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (2019): "Báo chí sản xuất tin tức, nội dung nhưng doanh thu lại ngày càng đi về phía các công ty công nghệ. Facebook đã trở thành toà soạn giàu có và quyền lực nhất trong lịch sử bằng cách thay thế các biên tập viên bằng các thuật toán". Các mạng xã hội nước ngoài lấy đi đến phân nửa nguồn thu của báo chí Việt Nam" (Nguyễn Mạnh Hùng 2019). Quan điểm về "chiếc bánh doanh thu quảng cáo" trước đây từng được chi vào báo chí chất lượng giờ đây vào tay của trung gian là những hạ tầng công nghệ, các "Big tech", thậm chí một phần tiền đó còn được chi vào các nội dung giả mạo, sai sự thật, chất lượng thấp. Lượng dữ liệu khổng lồ mà các nền tảng số thu thập cho phép họ cung cấp quảng cáo hiệu quả hơn bất cứ cơ quan báo chí hay đài truyền hình nào từng có. Các nền tảng số không chỉ biết rõ công chúng là ai, độ tuổi nào, có sở thích gì và đã nhìn vào mẩu quảng cáo nào? Thực chất, độc giả đang vô tình cung cấp dữ liệu của mình cho các hạ tầng và bị trói buộc, lệ thuộc vào đó một cách mặc định. Càng tập hợp được quy mô công chúng lớn, càng biết rõ đặc điểm và nhu cầu của đối tượng, các nền tảng số lại càng kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo, điều mà các kênh báo chí truyền thông không thể đạt được (Mike Friedrichsen 2016)

Chuyển đổi số báo chí phải là một cuộc cách mạng thực sự - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, một thách thức nghiêm trọng đang đặt ra với các cơ quan báo chí, là việc mất dần khả năng kiểm soát "quyền phân phối tin tức", khi có tới 40-60% lượng truy cập báo hiện nay đến từ Google hoặc Facebook (Đỗ Công Anh 2020). Đối với các cơ quan báo chí nhỏ, tỉ lệ này có thể còn có thể lớn hơn (Mike Friedrichsen. 2016). Thống kê cho thấy, trung bình số lượng người đọc truy cập thẳng vào địa chỉ website của các cơ quan báo chí chỉ dưới 20%, trong khi thông qua công cụ Google Seach trên dưới 50%, phần còn lại đến từ các nền tảng giới thiệu khác, trong đó lớn nhất là Facebook (Nguyễn Mạnh Hùng 2019). Mâu thuẫn đặt ra cho cả hệ thống báo chí, dù đó là cơ quan trung ương hay địa phương, rằng kể cả khi mình là người sản xuất nội dung với chi phí rất cao nhưng việc phân phối nội dung và thụ hưởng lợi ích từ quá trình đó lại lệ thuộc vào Google, Facebook hay các hạ tầng xuyên biên giới. Tại diễn đàn "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí" (tổ chức tháng 7/2020) các chuyên gia đưa ra nhận định rất đáng lưu tâm rằng: "Hệ quả của sự lệ thuộc vào Google, Facebook là tâm trí của người dân Việt Nam bị bao phủ trong hệ sinh thái của các ứng dụng nước ngoài. Các ứng dụng này bủa vây người dùng, tạo ra các bong bóng lọc (Filter Bubble) về thông tin, ở đó sự thật rất dễ bị bóp méo, điều chỉnh tinh vi để định hướng nhận thức và hành vi của từng cá nhân" (Đỗ Công Anh 2020).

Con đường duy nhất để vượt qua những thách thức về công nghệ không phải là sự né tránh mà chỉ có thể là xuyên qua nó. Thực tế cho thấy xu hướng "báo chí công nghệ" đang làm thay đổi thói quen người dùng, dịch chuyển từ đọc, nghe, xem theo phương thức truyền thống như qua tivi, báo giấy, v.v. sang những lựa chọn khác như qua điện thoại di động, tivi thông minh, máy tính bảng, v.v.. Việc đọc, nghe, xem báo chí trực tuyến cũng đã dịch chuyển từ thụ động sang chủ động; Qua đó hình thành xu hướng cung cấp, lan toả, kết nối thông tin dựa trên công nghệ, ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động báo chí, nhất là kéo theo sự sụt giảm báo in. Trong lĩnh vực truyền hình, xu hướng cung cấp nội dung "xuyên biên giới" được thực hiện thông qua nhiều hình thức và công nghệ mới, trong đó có dịch vụ truyền hình trả tiền qua mạng Internet xuyên biên giới và thu phí người dùng tại Việt Nam; Nổi bật như các hạ tầng OTT (Over - Top - Content) của Apple TV, Baidu, Netflix, HBO GO, v.v. kể cả khi Việt Nam chưa có quyết định cấp phép hoạt động cho các dịch vụ này (T. Hà, Đức Khiêm 2020). Công nghệ đang giúp cho báo chí có một khả năng mới, thay vì phục vụ quảng đại công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay đang hướng tới chuyên biệt hóa, cá thể hóa theo những nhu cầu riêng biệt. Hướng đi đó bắt nguồn từ việc triển khai chuyển đổi số tại mỗi tờ báo, ứng dụng "trí tuệ nhân tạo" (AI - Artificial Intelligence), "phóng viên robot", trợ lý riêng kích hoạt giọng nói, tìm kiếm hình ảnh và thực tế ảo, v.v. đang được áp dụng rộng rãi trong quy trình sản xuất và truyền tải sản phẩm báo chí, truyền thông. Ngoài ra, các nền tảng công nghệ vượt trội hiện nay giúp cho báo chí có thêm tương tác, quản trị người dùng, tăng "Traffic"2 cho báo, v.v.. Công nghệ tạo cuộc chơi mới, tạo mô hình kinh doanh mới, vì thế quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí. Chuyển đổi số báo chí là để tìm những mô hình 2. Lưu lượng truy cập một website, hay còn gọi là số lượng người truy cập website kinh doanh mới cho báo chí.

Cần nhận thức rõ hơn điều này trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động mạnh, đặt tất cả chúng ta trước bài toán khốc liệt để tồn tại và phát triển.

Một số gợi ý về mô hình và phương thức chuyển đổi số

Trong môi trường số, để các đơn vị có doanh thu bền vững từ hoạt động kinh tế báo chí, việc tất yếu là phải chuyển đổi số, nhưng hướng đi nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam để có thể gợi mở cho các cơ quan báo chí? Hiện nay, đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau về vấn đề phương thức chuyển đổi số, trong đó có thể triển khai lồng ghép theo các phương án như:

Thứ nhất, kế thừa và sử dụng công nghệ đã có trên thế giới để phân tích hành vi, thói quen của độc giả cũng như nhận biết và đánh giá nhu cầu, thị hiếu của công chúng và dư luận xã hội. Hoạt động này giúp cho sản xuất nội dung phù hợp, tạo ra sản phẩm mang tính "cá thể hóa" và đường liên kết gợi ý nội dung cho từng người, nhất là khi sử dụng tối đa công nghệ mang tính tương thích đa nền tảng, sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp hoạt động báo chí trở nên thuận tiện hơn, hướng tới phục vụ tốt các nhu cầu của xã hội cũng như phát triển kinh tế báo chí. Trong khi các hạ tầng xuyên quốc gia như Google, Microsoft, Facebook hay các mạng xã hội khác đều đang đẩy mạnh ứng dụng tin tức, cá nhân hóa, nhằm thu thập dữ liệu của người Việt thì các cơ quan báo chí của Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho xu hướng cá nhân hóa nội dung, đồng thời có chiến lược sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để xây dựng nền tảng phân phối tin tức cá nhân hóa.

Thứ hai, thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới dựa trên nguồn tài nguyên dữ liệu hiện hữu (bao gồm cả dữ liệu gốc và thứ cấp). Một tờ báo in phát hành ngày hôm qua tưởng chừng không còn giá trị, nhưng nếu thông tin trên đó được chế tác thành tập dữ liệu, tập hợp dữ liệu được liên kết theo ngữ cảnh, cung cấp cho người đọc dưới dạng tri thức, khi đó chuỗi dữ liệu của hàng chục năm trước lại trở thành sản phẩm hàng hóa tri thức bán chạy. Tin tức được phân tích từ các dữ liệu có liên quan có thể được xâu chuỗi lại thành tri thức, cung cấp đến từng cá nhân theo từng nhu cầu riêng. Đây chính là quan điểm phát triển của báo chí dữ liệu (Data Journalism), một nhánh phát triển quan trọng của báo chí hiện đại.

Thứ ba, thông qua việc liên kết dữ liệu hoặc kết nối các hạ tầng công nghệ tích hợp theo cơ chế cộng sinh trong tầm nhìn chung của "Hệ sinh thái số Việt Nam". Do các Start - up công nghệ mới nổi lại có điểm yếu là nguồn dữ liệu và sản phẩm nội dung, vì vậy họ sẽ có nhu cầu đồng hành với cơ quan báo chí trong việc xây dựng các Platform3 sáng tạo như: Đọc tin tức với các trải nghiệm cá nhân hóa; Lựa chọn nguồn tin để theo dõi (Follow); Giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân; Sử dụng trợ lý ảo để cung cấp tin tức kịp thời; Trợ lý đa ngôn ngữ ảo (Text to Voice) v.v..

Thứ tư, thúc đẩy kết nối thanh toán điện tử, phát triển hoạt động thu phí từ độc giả. Khi mà thông tin, tin tức đã tràn ngập trên Internet, mức độ tin cậy khó đánh giá nên ảnh hưởng phần nào đến báo chí chính thống. Tuy nhiên, không gian số cũng mở ra cơ hội cho những mô hình kinh doanh mới của báo chí. Mô hình thu phí từ độc giả đang là xu hướng trên thế giới, dành cho những độc giả nghiêm túc, có nhu cầu tiết kiệm thời gian nên cần chọn lọc và thụ hưởng những thông tin chất lượng, có hàm lượng phân tích, có lượng dữ liệu nhất định. Để thu phí đạt hiệu quả, các tòa soạn phải định hướng sản xuất nội dung để độc giả trả tiền là chuyên sâu vào các lĩnh vực cụ thể và phải đầu tư xứng đáng để nâng cao chất lượng bài viết. Các vấn đề lớn, nóng được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ không thể có lý do để thuyết phục mọi người đăng ký mua. Bên cạnh đó cần có cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ và quyền tác giả phù hợp cho loại hình kinh doanh này.

Thứ năm, chia sẻ dữ liệu, tích hợp với các nền tảng thông tin, không gian số khác để tăng giá trị sản phẩm quảng cáo báo chí. Thói quen đọc tin tức của công chúng đang chuyển mạnh sang Mobile, IOT nhưng chưa có nhiều ứng dụng Việt phục vụ tốt nhu cầu trên các nền tảng này. Việc từng cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số một cách độc lập sẽ rất khó khăn. Để có thể đồng bộ chuyển đổi, các cơ quan báo chí cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam, cũng như sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan chuyên môn nhằm tạo ra sức mạnh chung, chống lại sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới. Mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ nhân sự phù hợp 3. Các nền tảng. Đây là hình thức kinh doanh dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo nên giá trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài với người tiêu dùng. Mục đích tổng thể của nền tảng là để tương thích hoàn toàn giữa người dùng với sự thuật lợi trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả các bên tham gia. bên cạnh việc tăng cường kết nối với những doanh nghiệp chuyên biệt phát triển hạ tầng kết nối, Hosting (lưu trữ) và ứng dụng cho báo chí.

Thứ sáu, sử dụng công nghệ để quản lý, vận hành nhằm tối ưu hóa quy trình trình sản xuất tác phẩm, đảm bảo tốc độ và hiệu quả xuất bản thông tin. Cơ quan báo chí có thể xây dựng mạng lưới tự động giám sát, đánh giá chất lượng thông tin hay tính khách quan của sản phẩm, cung cấp chỉ số về tương tác của công chúng, mức độ tác động và hiệu quả truyền thông, từ đó hướng tới các mô hình kiểm chứng thông tin, phát hiện lỗi sai tự động.

Chuyển đổi số báo chí phải là một cuộc cách mạng thực sự - Ảnh 2.

Môi trường số tạo ra sự cạnh tranh thông tin khốc liệt, đặt toàn xã hội nói chung, các nhà báo nói riêng vào tình trạng vừa phải làm việc để tạo ra các sản phẩm truyền thông hiện tại - những sản phẩm có thể biến mất trong vòng 5-10 năm tới, song báo chí cũng phải sẵn sàng tham gia vào việc sản xuất các loại hình truyền thông của tương lai - những thể loại đang được các hãng công nghệ và cơ quan thông tấn lớn trên thế giới liên tục tạo ra để thay thế các sản phẩm truyền thống không còn phù hợp với xu hướng báo chí và các mô hình kinh tế truyền thông mới. Việc triển khai chuyển đổi số báo chí là cần thiết, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại vẫn còn có những nhận định chưa đúng, chưa phù hợp của những người làm báo, đặc biệt là những người quản lý điều hành về tiến trình này. Trước tiên, đó là sự hiểu lầm rằng chuyển đổi số là một công việc vô cùng tốn kém chi phí vật chất và thời gian, không phù hợp với các cơ quan báo chí xưa nay vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và hoạt động trên nền tảng quy trình sáng tạo tác phẩm mang tính chất kinh điển. Có thể, đó chỉ là lý do được đưa ra để trì hoãn tiến trình chuyển đổi số, báo chí đang là người đi sau, đi chậm trong xu thế chung của thời đại. Trong 10 năm qua, với sự đột phá về mặt công nghệ, như sự ra đời của các bộ mã nguồn mở, điện toán đám mây, công nghệ truyền thông hội tụ, truyền thông đa nền tảng, v.v. các cơ quan báo chí với mọi quy mô đều có thể triển khai quá trình chuyển đổi số với chi phí phù hợp. Tiếp đó, do sự phát triển rất nhanh chóng của các công nghệ mới, việc lựa chọn giải pháp nào là phù hợp luôn khiến những người làm báo gặp nhiều khó khăn; Cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, đặc biệt là với các cơ quan báo chí địa phương không cho phép đổi mới cả hệ thống trang thiết bị kỹ thuật trong một sớm, một chiều; Nhưng nếu, một khi cân nhắc, quyết định quá chậm sẽ lại khiến hiệu quả đạt được không như mong muốn.

Ngoài ra, nhận thức rằng việc chuyển đổi số sẽ thành công ngay sau khi cơ quan báo chí hoàn tất việc áp dụng một vài công nghệ mới nào đó là chưa đầy đủ và chính xác. Thực chất công nghệ cũng chỉ là một thứ công cụ, bản thân việc áp dụng công nghệ không thể thay đổi hoàn toàn diện mạo nội dung và hiệu quả kinh doanh. Sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở tư duy, trong cách mỗi phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên, v.v.. tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Chuyển đổi số báo chí không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm thế nào để sản xuất ra một sản phẩm thông tin nhanh, làm ra được nhiều nội dung, tạo ra được nhiều lợi nhuận, mà trước tiên đó phải là sự thay đổi về khả năng đổi mới không ngừng, khả năng thích ứng với những khó khăn, thậm chí là nghịch cảnh bất thường (trường hợp đại dịch COVID-19 là một ví dụ). Chuyển đổi số báo chí càng không phải là sân chơi riêng của các cơ quan trung ương, hay của những ông lớn trong làng công nghệ, trong khi số lượng các cơ quan báo chí địa phương, ngành/ lĩnh vực, các tờ báo/ kênh truyền hình chuyên biệt lại chiếm số lượng lớn hơn. Đó cũng không phải là một "xu hướng nhất thời" mà phải được nhận thức là cuộc cách mạng thực sự của báo chí trong thời đại số.


Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ. 2019. "Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025". Hà Nội, tháng 4/2019. Truy cập tại http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_ id=2&_page=1&mode=detail&document_id=196672, tháng 8/2020.

2. Chính phủ. 2020. Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Hà Nội, tháng 6/2020. Truy cập tại http://vanban. chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_ page=1&mode=detail&document_id=200163, tháng 8/2020.

3. Đỗ Công Anh. 2020. "Chuyển đổi số quốc gia", bài phát biểu tại diễn đài "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí". Quảng Ninh 7/2020.

4. Trọng Thuấn. "Báo chí và cuộc chiến không cân sức với Big Tech". Báo điện tử Zing news. Truy cập tại https://zingnews.vn/bao-chi-va-cuoc-chien-khong-cansuc-voi-facebook-va-google-post1095687.html, truy cập tháng 8/2020.

5. Mike Friedrichsen. 2016. Yahya Kamalipour, Digital Transformation in Journalism and News Media. Springer.

6. Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). 2019. Bài phát biểu tại Diễn đàn "Báo chí và Công nghệ", tháng 11/2019 tại Hà Nội.

7. T. Hà, Đức Khiêm. 2020. "Dùng Netflix, Apple TV, We TV… người dùng phải lường trước những rủi ro". Báo Tuổi trẻ. Truy cập tại https://congnghe.tuoitre. vn/dung-netflix-apple-tv-we-tv-nguoi-dung-phai-luong-truoc-nhung-ruiro-20200505144814175.htm, ngày 5/5/2020.

8. Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT. 2019. Phát biểu tại Hội thảo "Data center in a Rack - Digital transformation for Enterprises" tại Đà Nẵng, tháng 8/2019

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)


Bài liên quan
  • Ngành GTVT Cà Mau chuyển đổi số để tạo đột phá trong công tác quản lý
    Xác định chuyển đổi số (CĐS) là khâu đột phá, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải (GTVT), góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu, ngành GTVT Cà Mau đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu CĐS.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số báo chí phải là một cuộc cách mạng thực sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO