Chuyển đổi số con người: Chìa khoá cho sự phát triển bền vững

Ngọc Diệp| 25/11/2021 21:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Định hướng nền kinh tế số được nhiều quốc gia lựa chọn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ.

Nhằm củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực số để thích ứng nhanh với sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế, chiều ngày 25/11/2021, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp tổ chức chương trình hội thảo "Kết nối trí thức trẻ phát triển nguồn nhân lực số, nền kinh tế số quốc gia".

Trong thời gian qua, kinh tế số Việt Nam phát triển đáng kể cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Internet đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… Với lợi thế đang ở giai đoạn dân số vàng, có một lực lượng lao động trẻ năng động, đây là cơ hội "có một không hai" đối với các quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia.

Tuy nhiên, Việt Nam đang có lợi thế về "số lượng dân số vàng" nhưng chưa "vàng về chất lượng" nên chất lượng nguồn nhân lực là một thách thức lớn nhất cho định hướng phát triển nền kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra động lực to lớn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong các doanh nghiệp (DN), các cơ quan, tổ chức. Đây là động lực, điều kiện để các nước tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để quá trình CĐS diễn ra hiệu quả sâu và rộng thì vấn đề về chính sách và đào tạo nguồn nhân lực đông đảo, chất lượng cao có vai trò quan trọng.

Hội thảo đã tập trung thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ, cũng như sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế trong công cuộc phát triển nguồn nhân lực, kiến thiết, phát triển đất nước dựa trên kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Từ đó đem tới những góc nhìn đa chiều về cơ hội và thách thức của phát triển nguồn nhân lực số, kinh tế số, khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong việc tận dụng thành tựu của CMCN 4.0 để phát triển đất nước.

CĐS con người đóng vai trò hết sức quan trọng

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, NIC, đã cho biết về hiện trạng nguồn nhân lực CĐS tại Việt Nam. Theo đó, kỹ năng nguồn nhân lực của Việt Nam vừa yếu vừa thiếu, đứng cuối bảng xếp hạng các quốc gia trong khu vực. So với các ngành nghề khác trong nước thì mức lương của lập trình viên hiện rất cao so. Tuy nhiên, theo báo cáo về thị trường CNTT Việt Nam 2021 của TopDev, năm 2021 Việt Nam sẽ cần đến 450.000 nhân lực trong ngành CNTT. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. 

Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý là hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng yêu cầu của DN, bà Dung chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện đến từ Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, mục đích cơ bản của các hoạt động kinh doanh là nhằm thỏa mãn nhu cầu chính đáng của con người, bao gồm tất cả các bên liên quan. Theo đó, mọi sự chuyển đổi về công nghệ và kỹ thuật đều bắt nguồn tự sự chuyển đổi của con người, con người có chuyển đổi thì mới có ý tưởng, sự thay đổi và sự đổi mới sáng tạo. 

Thực tế cho thấy trong tất cả mọi dự án, mọi quy trình của quá trình sản xuất kinh doanh nào đều có sự tham gia của con người cũng như sự liên kết giữa con người với con người. Vì vậy, thay vì cạnh tranh thì hợp tác, đặc biệt là hợp tác giữa con người với con người, chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững.

"CĐS con người đóng vai trò hết sức quan trọng và có thể nói đây là yếu tố kiên quyết dẫn tới CĐS có thành công hay không", đại diện Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh.

Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc CĐS

Để giải quyết bài toán trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung đã đề xuất một số giải pháp, bao gồm: tăng cường đào tạo (mở rộng số lượng tuyển sinh ngành CNTT; ứng dụng công nghệ đào tạo tại chỗ, đào tạo nguồn từ nhỏ thông qua các chương trình) STEAM; thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, việc kết nối các trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực số để thích ứng với nền kinh tế số và giai đoạn bình thường mới càng trở nên cấp thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập mạng lưới sáng tạo Việt Nam quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới để cùng góp sức với các cơ sở nghiên cứu, các DN khởi nghiệp sáng tạo và chuyên gia trong nước, thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo. Đến nay đã có hơn 1.000 thành viên và thành lập 5 văn phòng tại 4 quốc gia Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia.

Ngoài ra, theo bà Dung, chính phủ có cần có các chính sách để thu hút nguồn lực bên ngoài tới Việt Nam làm việc, đặc biệt là việc cấp visa cho nhóm đối tượng này giống như cách Singapore, Mỹ đã thực hiện.

Chia sẻ về việc CĐS con người, từ góc độ trường đại học, đại diện Đại học Kinh tế quốc dân cho biết để tạo sự chuyển biến rõ rệt về kiến thức của sinh viên, cùng với quá trình CĐS hiện nay và định hướng của nhà trường thì nhiều môn học liên quan tới công nghệ và kỹ thuật như kinh doanh số, phân tích dữ liệu đã được đưa vào học tại trường, nhằm nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận nền kinh tế số của sinh viên. 

Ngoài ra, một kỹ năng rất cần trong quá trình CĐS là kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, nhằm khuyến khích tối đa sự đổi mới sáng tạo của mỗi người trong nhóm, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất và thực hiện thành công mục tiêu đặt ra.

Trong khi đó, theo ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Dự án USAID-WISE, việc đào tạo cần gắn liền với nhu cầu của các DN, cần có những chính sách thu hút các bạn trẻ tham gia các lĩnh vực của nền kinh tế số cũng như thúc đẩy các mô hình học tập mới do tư nhân khởi xướng để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

"Nếu chúng ta có ước mơ, hoài bão trở thành công dân toàn cầu, công dân số thì giờ đây là thời đại không có gì cản trở, các bạn trẻ chỉ cần có Internet, quyết tâm và vốn ngoại ngữ là có thể học hỏi rất nhiều, từ đó phát triển nguồn lực và trí tuệ", Giám đốc Dự án USAID-WISE nhấn mạnh.

Theo ông, với nền kinh tế số phát triển nhanh như hiện nay, các ngành nghề sẽ thay đổi, vì vậy, các bạn trẻ cần thường xuyên trau dồi kỹ năng, không ngừng học tập, để thích ứng nhanh với sự biến đổi, đồng thời cống hiến, đóng góp cho nền kinh tế số và năng lực đổi mới sáng tạo của nước nhà.

Chương trình hội thảo "Kết nối trí thức trẻ phát triển nguồn nhân lực số, nền kinh tế số quốc gia" là nỗ lực nhằm xây dựng nguồn nhân lực để sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước đến những giai đoạn phát triển mới, lấy đổi mới sáng tạo làm nền tảng, trở thành nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc.

Chương trình hội thảo bao gồm 03 phiên tham luận về: Nguồn nhân lực cho CMCN 4.0 và đổi mới sáng tạo; kết nối trí thức trẻ, thúc đẩy CĐS trong sản xuất và kinh doanh và thúc đẩy CĐS trong quản trị và đổi mới sáng tạo - cơ hội phát triển nguồn nhân lực số quốc gia; và 01 phiên thảo luận bàn tròn về "Kết nối trí thức trẻ phát triển nguồn nhân lực số, nền kinh tế số quốc gia"./.

Bài liên quan
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số con người: Chìa khoá cho sự phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO