Lạng Sơn chuyển đổi số cửa khẩu để giải bài toán ùn tắc xuất nhập khẩu

Ngọc Diệp| 05/07/2021 16:54
Theo dõi ICTVietnam trên

UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ triển khai thí điểm chuyển đổi số (CĐS) tổng thể và toàn diện cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, để phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn.

CĐS cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh

Cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh là hai cửa khẩu quốc tế có vai trò, vị trí quan trọng trong giao thương quốc tế, kết nối Việt Nam, các nước khu vực và nước thứ ba với thị trường Trung Quốc.

Trong những năm qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã dành nhiều nguồn lực, cơ chế, chính sách để đầu tư và xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi, các khu vực chức năng, các dịch vụ hậu cần (logistics) ngày càng khang trang, hiện đại, bài bản để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh.

Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy, trước nhu cầu XNK hàng hóa với Trung Quốc ngày càng gia tăng cả về khối lượng và giá trị hàng hóa, hạ tầng bến bãi, dịch vụ logistics tại hai cửa khẩu này đều đang bị quá tải. Đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh.

Theo số liệu của Sở Công Thương, bước sang tháng 5/2021, kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 350 triệu USD, giảm hơn 10% so với tháng 3 và tháng 4/2021. Kim ngạch XNK giảm là do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 1/5 đến nay, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tạm ngừng thực hiện thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu phụ.

Để giải quyết bài toán trên cần có các giải pháp mang tính dài hạn, bên cạnh việc nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa, phân luồng giao thông hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ…

Mới đây nhất, ngày 2/7/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm CĐS tổng thể và toàn diện cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh. Người đưa ra khái niệm "CĐS cửa khẩu" chính là Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Khắc Lịch, cán bộ được biệt phái làm Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn. 

Mục tiêu của Kế hoạch triển khai thí điểm CĐS tổng thể và toàn diện cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và DN tham gia hoạt động XNK tốt hơn. Đồng thời, Kế hoạch nêu rõ ứng dụng công nghệ số trong quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu, sử dụng một hệ thống nền tảng số duy nhất có độ ổn định cao, đồng thời phải đảm bảo an toàn thông tin, phát triển, cung cấp dịch vụ số cho các DN dựa trên nền tảng cửa khẩu số; Tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho DN có phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu; áp dụng các công nghệ số hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Cloud; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, có khả năng kết nối/chia sẻ dữ liệu qua Trục liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP).

Trước đó, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu nhấn mạnh là Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Trong các mục tiêu đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu số hóa tại các cửa khẩu là "mỗi người nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam đều có thể dễ dàng, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết nhờ sự trợ giúp hiệu quả của các quy trình đã được tự động hóa, thuộc nhóm 03 nước tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á; mỗi hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh được quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối sử dụng nền tảng công nghệ số, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện thủ tục hải quan, thuộc nhóm 03 nước tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á".

Tăng cường công tác quản lý, giúp công khai, minh bạch trong hoạt động XNK

Kế hoạch thí điểm cũng nêu rõ tổ chức triển khai CĐS tổng thể và toàn diện cửa khẩu phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm thiết thực hiệu quả. Quá trình triển khai CĐS phải bảo đảm đúng tiến độ và thời gian quy định, không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến các hoạt động tại cửa khẩu; bảo đảm toàn vẹn, an toàn cơ sở dữ liệu trong quá trình CĐS.

Chuyển đổi số cửa khẩu: Giải bài toán ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu - Ảnh 1.

Các hàng xe nằm dài dọc theo tuyến đường đi vào cửa khẩu Tân Thanh (Ảnh: http://cand.com.vn/)

Theo Kế hoạch, nội dung triển khai gồm khảo sát hiện trạng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị liên quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh; Khảo sát quy trình nghiệp vụ, xác định các yêu cầu chức năng, tổng hợp dữ liệu, xây dựng quy trình mới để triển khai CĐS toàn diện khu vực cửa khẩu. Sau đó sẽ xây dựng phương án, giải pháp thực hiện.

Cụ thể là xác định, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ số, gồm: Máy chủ, hạ tầng mạng, hạ tầng an toàn thông tin, các thiết bị phụ trợ khác và quản lý giám sát nền tảng cửa khẩu số ứng dụng cho cơ quan, đơn vị, DN. Sử dụng giải pháp nền tảng công nghệ đám mây; dữ liệu lớn; AI để sẵn sàng cài đặt hệ thống phần mềm lõi AI phục vụ nhận diện biển số phương tiện; triển khai tích hợp bản đồ số để theo dõi, điều khiển phương tiện; kết nối dữ liệu camera từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, Công an thành phố về hệ thống phần mềm lõi.

Đồng thời xây dựng giải pháp nền tảng dữ liệu số: dữ liệu kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; dữ liệu thu phí sử dụng hạ tầng; dữ liệu phương tiện xuất nhập khẩu; dữ liệu hàng hóa xuất nhập khẩu; dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu; dữ liệu cấp biển số xe tạm; dữ liệu đăng xuất nhập cảnh đối với người điều khiển phương tiện và nhân viên phương tiện cho Bộ đội Biên Phòng.

Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu kết nối, liên thông dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); nền tảng thanh toán trực tuyến; nền tảng kho dữ liệu dùng chung; nền tảng dữ liệu mở. Xây dựng nền tảng ứng dụng số, gồm ứng dụng số nghiệp vụ thu phí; ứng dụng số giám sát theo dõi phương tiện xuất nhập khẩu; ứng dụng số hỗ trợ kiểm soát hàng hóa; ứng dụng số tương tác cơ quan nhà nước - DN. Phát triển, cung cấp các dịch vụ số: dịch vụ số cho DN, cá nhân xuất nhập khẩu, DN, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải; dịch vụ số cho cơ quan nhà nước. Xây dựng, tích hợp và phát triển kênh tương tác: App cho thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng; cổng/trang thông tin điện tử; tin nhắn; tích hợp IOC.

Về lộ trình thực hiện, từ tháng 7 - 8/2021 sẽ khảo sát, xây dựng quy trình, thiết kế nền tảng cửa khẩu số, cài đặt, kiểm thử, tập huấn hướng dẫn sử dụng và thí điểm sử dụng 6 tháng tính từ ngày khai trương (dự kiến tổ chức khai trương trong tháng 8/2021).

Để đảm bảo hoàn thành theo Kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ. Theo đó, Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng, VNPT Lạng Sơn và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; Chỉ đạo, giám sát, đôn đốc VNPT Lạng Sơn khảo sát thực trạng, phát triển nền tảng cửa khẩu số, cài đặt, cấu hình hệ thống, tập huấn hướng dẫn, chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị, DN sử dụng.

Theo thông tin từ VNPT, đơn vị xây dựng nền tảng cửa khẩu số, đơn vị này đang gấp rút triển khai, xây dựng để có thể đưa hệ thống vào vận hành chính thức theo đúng lộ trình của Sở TT&TT đề ra. Việc đưa hệ thống vào vận hành sẽ giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước; tạo kênh thông tin, kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với DN trong và ngoài nước tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời giúp công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn chuyển đổi số cửa khẩu để giải bài toán ùn tắc xuất nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO