Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không thể chậm trễ hơn

TH| 18/11/2020 12:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là khẳng định của Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp (DN) Nguyễn Hoàng Anh tại hội nghị "Xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số doanh nghiệp" vừa diễn ra sáng nay 18/11/2020 tại Hà Nội.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành xây dựng khung kiến trúc CPĐT

Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động một tiến trình mới hướng tới một "Việt Nam số". Chính phủ đã việc ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến thời điểm này, có thể nói công cuộc chuyển đổi số không còn là việc riêng của một tổ chức, DN hay cá nhân nào, mà tất cả đều phải chấp nhận sự thay đổi, nếu không sẽ bị tụt lại phía sau và có thể đe dọa sự phát triển, "trường tồn" của DN.

Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không thể chậm trễ hơn - Ảnh 1.

Chủ tịch UBQLVNN tại DN Nguyễn Hoàng Anh phát biểu khai mạc hội nghị

Ngay từ khi đi vào hoạt động, UBQLVNN tại DN đã nhận thức rõ tầm quan trọng và nỗ lực phải chuyển đổi số. Ủy ban đã chia sẻ với các DN một số định hướng và mục tiêu bước đầu tại Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tháng 12/2019 tại Quảng Ninh và Hội nghị lần thứ 2 vào tháng 7/2019 tại Hà Nội. Đó là: Xây dựng hệ thống CNTT theo mô hình CPĐT; đáp ứng yêu cầu thông tin giám sát và quản lý vốn nhà nước tại DN; Liên thông với Chính phủ và các bộ, ngành, DN; Hoàn thiện hạ tầng CNTT, cơ sở dữ liệu DN và các bài toán nội bộ của UBQLVNN; Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Đến nay, Ủy ban đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng khung kiến trúc CPĐT và triển khai các ứng dụng CNTT nội bộ (eOffice, email, HRM, cổng thông tin) và một số ứng dụng phục vụ điều hành, kết nối với các Tập đoàn/Tổng công ty, như: Phần mềm bộ chỉ số, văn bản điện tử và Trục liên thông văn bản – khai trương ngày hôm nay.

Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty đã có những mạnh dạn thay đổi về công nghệ phục vụ hoạt động của mình, như: Tổng công ty hàng không đã thay hoàn toàn và ứng dụng mới hệ thống văn phòng điện tử, Vinafor đang triển khai 1 kế hoạch dài hạn về ứng dụng công nghệ trong toàn bộ Tổng công ty và các đơn vị thành viên; Tập đoàn than và khoáng sản đã ứng dụng Văn phòng điện tử và áp dụng tốt hệ thống hóa đơn điện tử cũng như một số công cụ quản trị nội bộ; EVN với hệ thống điều độ điện lực và quản trị rủi ro, cung cấp dịch vụ công quốc gia; Tập đoàn VNPT với việc cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giải pháp cho Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia… Hầu hết các DN đã nâng cấp hoặc ứng dụng mới hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử theo định hướng của Ủy ban, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới….

Tăng cường hợp tác để chuyển đổi số hiệu quả

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong chuyển đổi số, tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBQLVNN tại DN Nguyễn Hoàng Anh khẳng định: "Chúng ta còn phải làm rất nhiều nữa để đáp ứng yêu cầu về quản trị, điều hành của Ủy ban và đồng hành cùng DN, góp phần hoàn thiện hơn việc xây dựng CPĐT, cùng hướng tới xây dựng xã hội số, nền kinh tế số".

Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, để tiếp tục giữ vững vị thế quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế, các Tập đoàn/Tổng công ty thuộc Ủy ban phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, trước hết vì chính lợi ích của các DN, đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, mặt khác cũng góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không thể chậm trễ hơn - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, ông cũng nhấn mạnh các DN trong Ủy ban cần quán triệt tinh thần "việc thực hiện chuyển đổi số đối với các DN là "mệnh lệnh", không thể chậm trễ hơn". Các DN phải xây dựng định hướng chiến lược về chuyển đổi số, từ đó có kế hoạch hành động cụ thể hàng năm, để góp phần cùng UBQLVNN tại DN xây dựng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển DN. "Chúng ta sẽ từng bước xây dựng và đưa ra bộ chỉ số đánh giá DN về mức độ chuyển đổi số".

Chuyển đổi số, đối với một DN/tổ chức là một hành trình trên nhiều lĩnh vực, mang lại giá trị to lớn cho DN, nhưng cũng có thể bắt đầu thực hiện với những sáng kiến nhỏ nhưng mang lại hiệu quả. Nghĩ lớn, nhưng bắt đầu thực hiện từ nhỏ, trong đó cần thiết thực hiện những công việc như: Tăng cường hợp tác, tận dụng thế mạnh của các Tập đoàn/Tổng công ty trong Ủy ban để thực hiện việc chuyển đối số một cách hiệu quả.

Với các DN đã có chiến lược chuyển đổi số, song song với thực hiện hiệu quả chiến lược của mình cần có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với Ủy ban và các DN khác.

Với các DN đang trong quá trình chuẩn bị, cần tìm hiểu và nhanh chóng xây dựng chiến lược chuyển đổi số dựa trên năng lực/nguồn lực của DN – có thể học tập, trao đổi các đơn vị đã triển khai chuyển đổi số; tham vấn các DN công nghệ của Ủy ban (VNPT, MobiFone).

Bên cạnh đó cần có định hướng triển khai nền tảng dùng chung nhằm tối ưu chi phí đầu tư, đẩy nhanh quá trình triển khai và ứng dụng CNTT vào trong DN. Nếu như con người và quy trình gắn với đặc thù của DN, thì chúng ta có thể bắt đầu nền tảng dùng chung ở lĩnh vực hạ tầng, nền tảng, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng.

Cũng tại Hội nghị này, Ủy ban đã thực hiện Lễ khai trương "Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn". Trục được xây dựng theo định hướng mô hình mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, kết nối vào "Trục liên thông văn bản quốc gia" phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa Ủy ban, các Tập đoàn, Tổng công ty và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hành chính trong cả nước.

Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không thể chậm trễ hơn - Ảnh 3.

Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không thể chậm trễ hơn - Ảnh 4.

Lễ khai trương "Trục liên thông văn bản UBQLVNN

Hệ thống này sẽ giải quyết được bài toán gửi nhận văn bản, đặc biệt là công việc điều hành điện tử xuyên suốt giữa Ủy ban và các đơn vị thành viên. Qua đó, tiết kiệm ngân sách, rút ngắn thời gian thực hiện công việc hành chính, tạo tác động lan tỏa áp lực đối với các Tập đoàn, Tổng công ty ứng dụng công nghệ, xây dựng văn phòng không giấy tờ; Giảm thiểu giấy tờ cũng đồng nghĩa với hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Trục liên thông văn bản là hệ thống do Trung tâm Thông tin thuộc Ủy ban phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và phát triển. Trước đó, VNPT cũng là đơn vị xây dựng hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, nền tảng xây dựng CPĐT. Thành quả này tiếp tục khẳng định sự phát triển vững mạnh của các DN nhà nước và vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không thể chậm trễ hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO