Chuyển đổi số, kinh tế số: Trách nhiệm cao cả của toàn cộng đồng

Yên Viên| 05/11/2020 22:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số, kinh tế số giờ đây phải được thực hiện cấp bách, lan tỏa rộng trong cộng đồng, mọi cấp, ngành, lĩnh vực. Phải được chuyển đổi ngay trong ý chí, hành động của mỗi con người…

Đó là các ý kiến tâm đắc của các đại biểu, chuyên gia kinh tế, công nghệ, các nhà quản lý nhấn mạnh tại Hội nghị bàn tròn 2 với chủ đề "Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA" do Phái Đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EUD) phối hợp với VINASA và Eurocham tổ chứ tổ chức ngày 5/11, tại Hà Nội.

Hội thảo là sự kiện nối tiếp hội nghị bàn tròn lần thứ nhất với chủ đề "Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu Covid-19" và lần thứ hai này nằm trong chuỗi ba sự kiện bàn tròn được EUD tổ chức đến cuối năm 2020. Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu đến từ các bộ, cơ quan chính phủ, các quốc gia thành viên EU cũng như các hiệp hội, học viện và doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam.

Chuyển đổi số con đường ngắn để Việt Nam - EU phát triển nhanh, bền vững

Tại hội thảo,ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhấn mạnh, thế giới ngày nay phát triển với tốc độ số hóa nhanh chưa từng có. Trong 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, số lượng người kết nối mạng Internet trên khắp thế giới đã gia tăng từ 350 triệu lên hơn 4 tỷ. Cũng trong khoảng thời gian đó, số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng từ 750 triệu lên trên 5 tỷ người. Cùng với đó, nền kinh tế số đã bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN với cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT tin khá tốt. Tuy nhiên, theo ông Đường, để nắm bắt tốt, tận dụng phát triển những lợi thế đó, Việt Nam cần phải đặt ra các mục tiêu rất cụ thể cho việc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, để tạo nền móng vững chắc trong lĩnh vực này.

Chuyển đổi số, kinh tế số: Trách nhiệm cao cả của toàn cộng đồng vì mục tiêu phát triển đất nước - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT phát biểu tại hội nghị

Tin tưởng vào các mục tiêu phát triển, Phó Cục trưởng Đường nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với ba trụ cột chính gồm: xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển, thực hiện.

"8 lĩnh vực Chính phủ yêu cầu, ưu tiên cho chuyển đổi số như: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics đã thể hiện sự quan tâm, bao quát, toàn diện này", Phó Cục trưởng Đường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng nhờ có Chương trình việc thúc đẩy, phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về CNTT sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, thương mại điện tử (TMĐT) và sản xuất thông minh… đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế đất nước

"Bộ TT&TT, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính về chuyển đổi số quốc gia, hiện đang phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương để triển khai mạnh mẽ Chương trình trên toàn quốc", Phó Cục trưởng Đường khẳng định.

Nhân sự kiện này, Phó Cục trưởng Đường đánh giá cao sáng kiến của EUD đã tổ chức ba chuỗi sự kiện bàn tròn đến cuối năm 2020. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, đặc biệt khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của EVFTA.

"Liên minh Châu Âu có nhiều quốc gia tiên phong về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Hiệp định EVFTA có hiệu lực trùng thời điểm Việt Nam đưa ra Chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia mở ra một cơ hội lớn để hai bên hợp tác, khai thác các lợi thế của nhau để cùng phát triển", Phó Cục trưởng Đường nhấn mạnh.

Không chỉ ghi nhận những bước tiến, phát triển, nhất là những thành tự đạt được trong tiến trình số hóa của Việt Nam, Đại sứ EU Giorgio Aliberti đồng quan điểm, cho rằng, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, số hóa thực sự có vai trò quan trọng, bởi lẽ Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và là một thị trường rất thu hút. Khi số hóa được thực hiện tốt, sẽ hỗ trợ việc mua bán qua mạng, làm các thủ tục nhanh chóng.

Với những cái thay đổi này, việc áp dụng lợi thế từ số hóa sẽ giúp Việt Nam giảm bớt các quy trình, ít tốn thời gian hơn. Và EVFTA chính là nền tảng rất tiềm năng để cùng chia sẻ những giá trị chung, không chỉ là lợi ích về kinh tế, mà còn là giải pháp để Việt Nam, EU cùng phát triển bền vững", Đại sứ EU nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ là một chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đánh giá về tầm quan trọng cũng như đưa ra những nhận định cần thiết để việc số hóa tốt động thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa, ông Jacques Morisset, đưa ra quan điểm, ba xu hướng lớn sẽ có tác động to lớn đến nền kinh tế là toàn cầu hóa (hoặc sự thoái lui của toàn cầu hóa), không tiếp xúc và giá trị sống. Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế không tiếp xúc và xu hướng này đã đang được thúc đẩy bởi COVID-19.

"Tuy nhiên, ngoài các công cụ chuyển đổi số hoá, Việt Nam cần tích cực hơn phát huy lợi thế nhất luôn cần những thay đổi mạnh mẽ về tư duy, bởi lẽ tư duy số khi càng được tập trung, coi trọng sẽ hình thành tạo nên nền tảng cho sự phát triển trong một thế giới số hóa ở tương lai", chuyên gia kinh tế Jacques Morisset nhấn mạnh.

Viêt Nam - EU cần hỗ trợ, bắt tay nhau tối ưu các giải pháp số hóa

Một nội dung quan trọng cũng được trao đổi tại hội nghị về chủ đề "Kinh tế số của Việt Nam và EVFTA - Tác động tiềm năng, chính sách và hành động ưu tiên để tối đa hóa lợi ích.

Tại đây, quan điểm của các đại diện cho Phái đoàn EU, cơ quan quản lý nhà nước (QLNN), DN Việt Nam, Eurocham cũng đã chia sẻ những mục tiêu, kế hoạch, giải pháp việc chuyển đổi số, kinh tế số ở Việt Nam hiện nay.

Theo đó, trả lời câu hỏi về các chính sách, chiến lược, quan điểm của EU đối với kinh tế số, chuyển đổi số hỗ trợ các quốc gia trong đó có Việt Nam khi tham gia EVFTA, Đại sứ EU Giorgio Aliberti, cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực không chỉ với nền kinh tế mà nhiều lĩnh vực cuộc sống.

Chuyển đổi số, kinh tế số: Trách nhiệm cao cả của toàn cộng đồng vì mục tiêu phát triển đất nước - Ảnh 2.

Đại sứ EU tại Việt Nam: khi EVFTA được thực hiện, chúng ta cần chủ động chia sẻ thông tin, phát triển hơn nữa hạ tầng số, cần nhiều hơn các dữ liệu chung để sử dụng

"Kỹ thuật số là một yếu tố quan trọng, EVFTA đã được thảo luận, đàm phán hàng chục năm và Việt Nam khi tham gia, đây là một cơ hội để phát triển. tuy nhiên, khi tham gia Việt Nam đã có Chương riêng về thương mại số, TMĐT trong Hiệp định, do vậy đây là hiệp định mang lại cơ hội kinh tế số, chuyển đổi số của Việt Nam", Đại sứ EU nhấn mạnh

Đại sứ EU Giorgio Aliberti cho rằng, Hiệp định EVFTA nói về mục tiêu, kết quả, nhưng không nói cho chúng ta biết làm như nào để hiệu quả, do đó, trong quá trình hợp tác triển khai, Viêt Nam - EU phải cùng nhau bắt tay, cùng tìm giải pháp tối ưu để số hóa hiệu quả, đồng thời cần thay đổi, điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Khi EVFTA được thực hiện, chúng ta cần chủ động chia sẻ thông tin, phát triển hơn nữa hạ tầng số, cần nhiều hơn các dữ liệu chung để sử dụng. Chúng ta phải đảm bảo tốt hoạt động trên môi trường trực tuyến hiệu quả, mở cửa cho các DN, để các DN được đảm bảo tăng các giá trị pháp lý trực tuyến. EVFTA có thể được sử dụng như một cơ hội để chúng ta đi xa hơn, đem lại kết quả tốt khi thực hiện đúng hiệp định này.

Chính phủ Việt Nam đang thực hiện tốt việc chuyển đổi số, Châu Âu cũng đang thực hiện vấn đề này rất hiệu quả, các thủ tục chính phủ, EU đều được thực hiện điện tử, trên nền tảng số.

Để việc nâng cao các lợi ích từ việc chuyển đổi số, kinh tế số ở Việt Nam, Đại sứ EU Giorgio Aliberti mong muốn, Việt Nam cần tích cực tiên phong trong việc thực hiện các giấy tờ chứng nhận điện tử. Các bộ ngành Việt Nam cần hợp tác sâu rộng hơn với EU để cải cách các giấy tờ hành chính điện tử.

Đồng thời, Việt Nam cần có các Luật sư chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vì bảo vệ sở hữu trí tuệ liên quan đến các vấn đề bản quyền điện tử phải được đảm bảo, bảo vệ, đó là hạ tầng bảo vệ pháp lý, nó là một phần quan trọng trong việc thực hiện cam kết trong Hiệp định EVFTA.

Với câu hỏi, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, dưới góc độ đại diện cơ quan QLNN, Chính phủ Việt Nam đã có những chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể thúc đẩy đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho rằng:

"Đề án chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ phê duyệt đã đặt ra tầm nhìn Việt Nam là quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ mới. Đổi mới, hoàn thiện các hoạt động quản lý điều hành của Chính phủ, xây dựng chính phủ số song hành với đổi mới hoạt động kinh doanh của DN, phát triển môi trường số an toàn, rộng khắp.

Với tầm nhìn này, chúng ta đặt rất nhiều mục tiêu, tham vọng, trong đó có mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, vừa xây dựng kinh tế số, xã hội số. Trong mỗi trụ cột này, Việt Nam luôn đặt mục tiêu cụ thể như đối với Chính phủ số đặt mục tiêu đến năm 2025 phải đạt 80% DVC mức độ 4, 90% hồ sơ điện tử các Bộ, ngành, tỉnh phải thực hiện trên môi trường mạnh, cấp xã, phường phải đạt 60%…

Đối với kinh tế số phải đạt mục tiêu chiếm 20% trong tổng số GDP năm 2025, năng suất lao động tăng 7%, các ngành, lĩnh vực tối thiểu 10%, đứng top 50 quốc gia đạt chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, an toàn thông tin mạng; Xã hội số đạt mục tiêu mỗi người dân có điện thoại thông minh, cáp quang đến 100% xã, phường, 50% tối thiểu người dân có tài khoản thanh toán ngân hàng, Internet;

Bộ TT&TT không chỉ là cơ quan QLNN về lĩnh vực TT&TT, còn là đơn vị đầu mối của Chính phủ về việc thực hiện, xây dựng, giám sát các đơn vị thực hiện việc chuyển đổi số. Bộ TT&TT đã xây dựng 03 dự án thành phần về mục tiêu chuyển đổi số quốc gia: Đề án phát triển nguồn nhân lực, kinh tế số, xã hội, chính sách số; Cung cấp các DN vừa và nhỏ về chuyển đổi số; đề án phát triển kinh tế số quốc gia. Các dự án này sẽ được trình sớm đến Thủ tướng Chính phủ vào quý I/2021

"Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tỉnh để triển khai cụ thể, thí điểm chuyển đổi số cho các xã, vì xã là một mô hình tổ chức hành chính cơ sở thu nhỏ, nhưng hội đủ mọi thành phần. Bước đầu ghi nhận việc việc chuyển đổi số kết quả rất hiệu quả, nếu khi thành công, hiệu quả tích cực, đây sẽ là mô hình để nhân rộng mô áp dụng cho các đơn vị khác. Không chỉ với cấp chính quyền cơ sở, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Bộ KH&ĐT lựa chọn thí điểm hỗ trợ giúp các DN chuyển đổi số thành công", Phó Cục trưởng Đường chia sẻ.

Như vậy với những ý kiến đóng góp chia sẻ từ đại diện EU, các cơ quan quản lý, các đại biểu, chung ta luôn tin tưởng công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số ở Việt Nam sớm phát triển, phù hợp xu thế chung thế giới, đồng thời là cơ hội để Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với các bí quyết, công nghệ và chuyên môn của Châu Âu, tạo ra các động lực, cơ hội, lợi ích từ EVFTA.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số, kinh tế số: Trách nhiệm cao cả của toàn cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO