Chuyển đổi số là bắt buộc, nhưng đừng làm vì phong trào

Nhĩ Anh| 16/09/2021 11:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số không còn là nhu cầu, muốn hay không mà là yếu tố bắt buộc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay, đảm bảo không bị thụt lùi, không gián đoạn. Dù vậy doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng, nhận thúc đúng và không nên làm theo phong trào...

Lời khuyên trên đã được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Bức tranh chuyển đổi số sau đại dịch" diễn ra chiều 15/9/2021. Những vấn đề về định hướng, yếu tố "cần và đủ", điểm mấu chốt, công cụ giúp cho doanh nghiệp đi đúng đường, rút ngắn thời gian, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong hành trình chuyển đổi được các chuyên gia gợi mở.

Áp lực chuyển đổi số, "khởi nghiệp lại"

Đại dịch đã tác động khiến không ít doanh nghiệp bị tê liệt, ngừng hoạt động, đóng cửa. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu. Theo dự báo, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD (toàn cầu). Đây là con số khổng lồ, cho thấy sự quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp.

GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ hợp giao dục và tư vấn quốc tế Stellar Management, cho rằng cuộc cách mạng Internet cùng máy tính đã làm thay đổi thế giới, kéo theo cuộc cách mạng chuyển đổi số trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, 55% các công ty mới đều bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng chuyển đổi số. Khoảng 90% các tổ chức doanh nghiệp đã chuyển đổi và đưa ra chiến lược chuyển đổi số.

Doanh nghiệp đang trong áp lực chuyển đổi số, "khởi nghiệp lại", xây dựng lại chiến lược, tầm nhìn và cung cách làm việc để không bị thụt lùi, không bị thị trường từ bỏ.

Các doanh nghiệp sử dụng chuyển đổi số nhiều nhất là dịch vụ (95%), tài chính 93%, y tế 92%, giáo dục 89%, công nghệ 88%, sản xuất 87%, bán lẻ 86%, chính quyền 82%...

Có thể thấy, chuyển đổi số đi vào tất cả các ngành, các lĩnh vực của xã hội và là một đòi hỏi tất yếu.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid và xu thế phát triển, GS Hà Tôn Vinh cho rằng, doanh nghiệp đang trong áp lực chuyển đổi số, "khởi nghiệp lại", xây dựng lại chiến lược, tầm nhìn và cung cách làm việc để không bị thụt lùi, không bị thị trường từ bỏ. Đó chính là việc dùng chuyển đổi số để tồn tại, phát triển bền vững.

"Chuyển đổi số không còn là nhu cầu, là muốn hay không mà bắt buộc phải làm. Chúng ta phải là những người đi tiên phong thay đổi doanh nghiệp mình", GS Vinh nhấn mạnh. Sau máy tính và Internet, cuộc cách mạng lần này là chuyển đổi số, là đổi mới, sáng tạo và "khởi nghiệp lại". Điều quan trọng là thay đổi cách làm việc, bỏ những "hành lý" nặng nề, không đóng góp cho phát triển.

Thực tế ngay từ trước Covid, các doanh nghiệp đã trăn trở tìm hướng đi chuyển đổi số. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phải hứng "đòn" Covid kéo dài, sự trăn trở này đã trở thành một nhu cầu tất yếu cần lời giải và cần phải hành động ngay. Theo các chuyên gia, vấn đề không phải chờ khi nào hết dịch mới chuyển đổi số mà phải chuẩn bị và làm ngay bây giờ để vượt qua đại dịch, tiến lên phía trước, đón đầu những cơ hội để có thể bứt phá.

Nhận diện rủi ro, thách thức

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là với doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số cần chuẩn bị những yếu tố nào? Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, cuộc cách mạng 4.0 tạo sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực từ nhận thức, thể chế, công nghệ, quản trị điều hành, sản xuất, thương mại, dịch vụ, tiêu dùng…

Cách mạng 4.0 mà trọng tâm là chuyển đổi số tạo cơ hội cho các quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân có thể cùng bước vào vạch xuất phát điểm chạy đua chuyển đổi số với rất nhiều khó khăn và thách thức phải vượt qua.

Hậu Covid sẽ có thêm khó khăn khi "sức khỏe" của doanh nghiệp cũng như đối tác bị suy yếu. Bên cạnh đó là sự thiếu nguồn lực bắt đầu lại sản xuất kinh doanh, phải nối lại hệ sinh thái…

Chỉ ra nhiều lợi thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, ông Thắng cũng nhấn mạnh những khó khăn thách thức về khung pháp lý thể chế, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu, thói quen ngại thay đổi…

Đặc biệt, hậu Covid sẽ có thêm khó khăn khi "sức khỏe" của doanh nghiệp cũng như đối tác bị suy yếu. Bên cạnh đó là sự thiếu nguồn lực bắt đầu lại sản xuất kinh doanh, phải nối lại hệ sinh thái…

Mặc dù chuyển đổi số là tất yếu nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro các tổ chức doanh nghiệp phải đối diện, trong đó tỷ lệ thất bại không hề nhỏ. Phân tích điều này, ông Thắng cho rằng, thứ nhất rủi ro cao nhất đến từ lựa chọn sai chiến lược, xây dựng kế hoạch, biện pháp, sản phẩm không phù hợp với năng lực, xu hướng của thị trường. Cùng với đó là những rủi ro về pháp lý, rủi ro trong quá trình hoạt động, công nghệ, tài chính, thị trường và gian lận.

Dưới góc độ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoàng Lê, Tổng giám đốc Công ty tái cấu trúc chuyển đổi số Dr.SME, đây là thời cơ để các doanh nghiệp Việt Nam bước chân vào công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, rủi ro trong chuyển đổi số cũng là không ít.

Trong quá trình tiếp xúc và tư vấn cho các doanh nghiệp, ông Lê nhận thấy, có những doanh nghiệp làm chuyển đổi số theo phong trào, muốn làm nhưng lại hiểu sai, nhận thức chưa đúng. Một trong những rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp là lựa chọn công nghệ không đúng, không trúng, không phù hợp.

Bên cạnh đó là yếu tố rủi ro văn hóa, nhận thức còn thói quen cũ, tư duy cũ thì việc chuyển đổi số sẽ thất bại. Khi nhận thực đúng sẽ có chiến lược đúng. Những sai lầm về chiến lược chuyển đổi sẽ gây tổn hại rất lớn cho doanh nghiệp và không thể tới đích.

Đâu là điểm mấu chốt?

Để bắt tay vào chuyển đổi số và tránh những rủi ro, theo ông Lê, điểm mấu chốt quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chuẩn bị cho chuyển đổi số. Các doanh nghiệp phải chẩn đoán biết mình đang ở đâu, đã có gì về hạ tầng, dữ liệu và nhân sự cũng như những điểm mạnh yếu. Từ đó, doanh nghiệp sẽ biết phải làm thế nào để hiệu quả nhất, đỡ tốn kém nhất bởi chuyển đổi số là một hành trình dài.

Các doanh nghiệp hãy bắt tay vào chuyển đổi ngay nhưng hãy thận trọng từng bước, chuẩn bị kỹ và phải tính đến những rủi ro. Công tác chuẩn bị là yếu tố mấu chốt cho một doanh nghiệp bước chân vào chuyển đổi số.

Khi các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ, thành lập ban chuyển đổi số, tập trung đào tạo nhân lực và chẩn đoán thực trạng đơn vị tỷ mỉ, khoa học... sẽ giúp chuyển đổi số thành công.

Các doanh nghiệp hãy bắt tay vào chuyển đổi ngay nhưng đừng vì phong trào mà hãy thận trọng từng bước, chuẩn bị kỹ và phải tính đến những rủi ro. Để tránh rủi ro, công tác chuẩn bị là yếu tố mấu chốt cho một doanh nghiệp bước chân vào chuyển đổi số, ông Lê nhấn mạnh.

Để áp dụng chuyển đổi số trong điều kiện hiện nay, ông Lương Hoàng Hưng, Phó Chủ tịch Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam, cho rằng quan trọng là cần thay đổi nhận thức của lãnh đạo và cả doanh nghiệp phải vào cuộc, triển khai số hóa, áp dụng công nghệ một cách mạnh mẽ để tái cấu trúc tổ chức. Đặc biệt, các doanh nghiệp khi tham gia chuyển đổi số cần có đơn vị tư vấn độc lập chuyên nghiệp…

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, quá trình chuyển đổi số nhanh hay chậm, thành công hay thất bại phụ thuộc vào quyết tâm của tất cả mọi người tham gia trong đó tiên quyết là vai trò của người đứng đầu. Để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện "3M" (Muốn, Mần và Money-tiền).

Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiên phong chuyển đổi số. Doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện cơ bản để có thể thực hiện ngay chuyển đổi số và là nhân tố thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số. Dù vậy, theo ông Thắng, điều kiện tiên quyết là Chính phủ kiến tạo và doanh nghiệp cần nhận thức được cơ hội chuyển đổi số, đồng thời khẳng định ý chí, bản lĩnh, khát vọng vươn lên, dám nghĩ, dám làm để thành công…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số là bắt buộc, nhưng đừng làm vì phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO