Chuyển đổi số - Những bước đi đầu tiên của Phát thanh Việt Nam

17/06/2021 15:18
Theo dõi ICTVietnam trên

VOV với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực đã có đủ 4 loại hình báo chí với 7 kênh phát thanh; 1 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; 1 kênh Truyền hình VOVTV; 2 tờ Báo điện tử; 1 tờ Báo in. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, Đài xác định bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 thì việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để số hóa các công đoạn sản xuất, phát sóng, lưu trữ, tương tác với công chúng là vấn đề sống còn. Những công nghệ mới trong cuộc cách mạng chuyển đổi số đã và đang được triển khai và bước đầu thành công.

Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đi đầu đón nhận và ứng dụng công nghệ mới

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) được thành lập ngày 7 tháng 9 năm 1945, chỉ sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 5 ngày. Đây là cơ quan báo chí đầu tiên của nước Việt Nam mới. Khi mới ra đời, cũng như trong những năm kháng chiến dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về nguồn nhân lực và phương tiện, nhưng Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng làm chủ về kỹ thuật phát thanh, thực hiện nhiều chương trình phát thanh phục vụ yêu cầu tuyên truyền của Cách mạng, đưa tiếng nói của Đảng, của Bác Hồ đến với nhân dân.

Năm 1995, Đài TNVN bước vào thời kỳ mới với việc đưa vào khai thác và vận hành các trạm máy vi tính viết tin, bài thay cho việc đánh máy chữ. Điều này khiến cho việc viết tin, bài, lưu trữ, trao đổi thông tin của phóng viên, biên tập viên rất thuận tiện, năng suất làm việc tăng cao. Ông Nguyễn Năng Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình (TTSX và LTCT) VOV cho biết: Cũng trong thời gian này, phóng viên của Đài đã bắt đầu sử dụng máy ghi âm số; VOV bắt đầu khai thác các trạm âm thanh số đầu tiên dựa trên máy tính PC, lắp đặt và đưa vào khai thác một trung tâm tin hiện đại sử dựng hệ thống ghi âm, biên tập âm thanh và tin bài dựa trên máy tính trung tâm mainframe.

Năm 2003, Đài bắt đầu sử dụng rộng hệ thống máy tính và số hóa các studio cho dây chuyền sản xuất và truyền âm sóng phát thanh đối nội, rồi sau đó là đối ngoại…"Việc đưa vào khai thác hệ thống tổng khống chế và các studio theo công nghệ digital được coi là cuộc cách mạng về công nghệ của VOV", ông Nguyễn Năng Khang khẳng định.

Một bước tiến khác, là năm 2007, VOV đã bắt đầu số hóa toàn bộ kho lưu trữ âm thanh với hàng ngàn giờ tư liệu quý có từ những năm chống Pháp đến nay. Như vậy, đến năm 2000, VOV cơ bản hoàn thành giai đoạn số hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất từ thu thập tin bài, đến sản xuất chương trình trong studio và lưu trữ, phát sóng.

Chuyển đổi số - Những thành công ban đầu

Đến thời điểm này, VOV với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực đã có đủ 4 loại hình báo chí với 7 kênh phát thanh; 1 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; 1 kênh Truyền hình VOVTV; 2 tờ Báo điện tử; 1 tờ Báo in. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, Đài xác định bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để số hóa các công đoạn sản xuất, phát sóng, lưu trữ, tương tác với công chúng là vấn đề sống còn. Những công nghệ mới trong cuộc cách mạng chuyển đổi số đã và đang được triển khai và bước đầu thành công.

 Chuyển đổi số - Những bước đi đầu tiên của Phát thanh Việt Nam - Ảnh 1.

Sản xuất Phát thanh Truyền hình theo công nghệ IP

Với việc ứng dụng công nghệ IP (Internet Protocol), VOV đã và đang tạo ra bước nhảy mới trong quá trình chuyển đổi số. IP đã và đang tạo ra sự thay đổi cơ bản cách thức sản xuất, quản lý và phân phối tín hiệu trong toàn bộ các Đài Phát thanh, Truyền hình. IP có nhiều tính năng như khả năng có thể tạo ra các thiết bị mới thay thế cho các bàn trộn âm thanh, dựng hình, bộ định tuyến, giải mã… Chỉ cần một chiếc máy tính có thể thay thế cả một studio phát thanh hay trường quay truyền hình.

Từ năm 2015, VOV đã bắt đầu IP hóa các studio sản xuất chương trình phát thanh. Đến nay khoảng 20% số lượng studio và thực hiện truyền dẫn AoIP cho tất cả các cuộc phát thanh trực tiếp từ bên ngoài studio. Theo đánh giá ban đầu, việc triển khai hệ thống IP đã làm hài lòng từ các kỹ sư tới các biên tập viên, phóng viên. Chi phí xây dựng và vận hành trên nền tảng và cấu trúc IP đã giảm nhưng tính linh hoạt lại tăng mạnh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Năng Khang, Phó Giám đốc TTSX và LTCT của VOV thì: "Quá trình chuyển đổi sang IP đòi hỏi trình độ kỹ thuật tin học cao, vì vậy đòi hỏi các kỹ sư quản lý và bảo trì hệ thống phải được đào tạo bài bản. Với VOV, để làm chủ công nghệ IP thì chắc chắn việc đầu tiên phải tin học hóa các kỹ sư điện tử, âm thanh để họ vừa có thể là một kỹ thuật viên âm thanh nhưng cũng là thợ vận hành hệ thống".

Với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, hiện các quy trình sản xuất chương trình đã được thực hiện đồng nhất trên hệ thống CMS của toàn Đài. Người quản lý có thể theo dõi toàn bộ được quá trình vận hành từ lúc xây dựng ý tưởng đề tài đến thành phẩm. Đài cũng xây dựng hệ thống riêng về mạng Media IP nhằm phục vụ cung cấp các dịch vụ cơ bản như cộng tác viên gửi bài, livestream… và chia sẻ thông tin. Hệ thống này cũng kiêm luôn việc cung cấp các dịch vụ như thông tin nội bộ và websites, app cho cộng tác viên... Một sản phẩm được phân phối đến nhiều nền tảng và các đối tác dễ dàng để tiếp cận với tất cả các khán giả. Bên cạnh đó VTC cũng áp dụng được những giải pháp chuyển đổi số do các hãng lớn cung cấp. Hiện VTC đang sử dụng hệ thống email do Google cung cấp với tên miền riêng vtc.gov.vn. Trung tâm kỹ thuật là đơn vị kỹ thuật nòng cốt về công nghệ của Đài cố gắng áp dụng các công nghệ mới như áp dụng truyền dẫn WebRTC vào truyền hình, sản xuất chương trình từ xa, thực tại ảo… nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư thiết bị và làm được những chương trình đặc sắc. Ngoài ra, VTC đã tìm hiểu các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo về việc nhận dạng hình ảnh để tạo metadata cho các dữ liệu nhằm tự động hóa một số công đoạn.

Phát thanh, Truyền hình trên đa nền tảng

Hiện nay các kênh Phát thanh của VOV đang phát sóng trên 3 nền tảng: Vệ tinh, phát sóng mặt đất, mạng Internet và ứng dụng OTT. VOV xác định, phát thanh trên nền tảng phát sóng mặt đất AM, sóng FM vẫn là chiến lược phát triển cho số thính giả nghe đài theo cách truyền thống, nhưng để theo kịp xu hướng VOV đang nghiên cứu và dự kiến sẽ thử nghiệm phát thanh số với các trạm nhỏ nhưng phát được cùng lúc nhiều kênh sóng, có thể chạy text, tương tác khi phát sóng... sẽ giúp VOV đến được với nhiều thính giả hơn với chất lượng âm thanh cao hơn.

Nhận thức được sức mạnh của phát thanh trên Internet như có phạm vi phủ sóng không giới hạn, và đặc biệt tạo ra các Đài Phát thanh không cần anten với chất lượng âm thanh tốt, không bị can nhiễu, ngay từ năm 2000, VOV đã đưa phát thanh lên mạng Internet. Hiện nay, VOV đã và đang thực hiện hai hình thức phát thanh trên Internet là phát thanh trực tuyến (Online broadcasting) và phát thanh nghe lại theo yêu cầu (Ondemand broadcasting) và tất cả các kênh của VOV đều có trang web để phát thanh trên Internet. Các trang web được thiết kế theo từng chương trình, từng chuyên mục, hoặc tên người dẫn chương trình...không những rất thân thiện mà còn giúp người dùng dễ tìm kiếm, truy cập và nghe lại. Mỗi ngày có hàng vạn truy cập để nghe VOV trên Internet. Hai đối tượng đặc biệt cũng chọn nghe thường xuyên các chương trình phát thanh của VOV qua Internet là bà con các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nghe các chương trình tiếng dân tộc thiểu số của kênh phát thanh với 12 thứ tiếng dân tộc VOV4 (www.vov4.vov.vn); người nước ngoài và bà con Việt Kiều trên toàn thế giới nghe các chương trình phát thanh đối ngoại bằng 12 thứ tiếng nước ngoài và chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc của VOV5 trên trang (www.vovwould.vn).

Gần đây, VOV phát triển ứng dụng OTT với APPmobile giành cho Phát thanh là VOVMedia, VOVlive và với Truyền hình là VTCnow. Đây là một hệ thống đa phương tiện, nhằm giúp công chúng, thính giả, khán giả của VOV có thể nghe, xem và đọc các chương trình phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam ở mọi nơi, mọi lúc với tốc độ rất nhanh chỉ với một thiết bị cầm tay thông minh như: Smart-phone, Ipad (hệ điều hành iOS và Android.. có mạng Wifi, 3G, 4G). Hệ thống được thiết kế với giao diện thân thiện với người dùng, dễ sử dụng, chẳng hạn khi người dùng vào để nghe/xem chương trình nào đó thì hệ thống tự động link với trang Web của chính chương trình đó.

Biến thách thức của mạng xã hội thành cơ hội

Mạng xã hội ra đời và phát triển vừa là thách thức cho báo chí truyền thống nhưng lại đem tới cho báo chí, trong đó có phát thanh những cơ hội vàng. Các kênh phát thanh của VOV đã lập tức tận dụng lợi thế mạnh mẽ của các hạ tầng của mạng xã hội trong đó có facebook và YouTube để gia tăng thính giả, đặc biệt là thính giả trẻ. Các trang fanpage của VOV1, VOV2, VOV Giao thông (VOVGT) và nhiều chương trình phát thanh khác đều là những trang có số người theo dõi lớn, trong đó VOVGT có số like lên tới 300.000. Fanpage của VOV1 hiện có hơn 124.000 người theo dõi.

Với việc tham gia các nền tảng này, phát thanh VOV đã khắc phục được những hạn chế cố hữu ví như điểm yếu của phát thanh là chỉ có tiếng nói, không có hình ảnh. Các kênh phát thanh VOV tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để thực hiện livestream các chương trình phát thanh trực tiếp trên facebook, trên YouTube... Thông qua cách thức này, thính giả không chỉ được nghe mà còn được nhìn thấy mọi hoạt động trong studio phát thanh, vì thế việc nghe phát thanh của thính giả trở nên sinh động hơn, cuốn hút hơn. Thêm vào đó, việc tương tác cũng trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và đa dạng hơn. Sự tương tác của công chúng qua mạng xã hội giúp cho các kênh phát thanh VOV nắm được nhu cầu của công chúng, có thêm được nội dung do công chúng cung cấp và khiến gần gũi hơn giữa người làm phát thanh và thính giả.

Để tiếp tục thu hút thính giả về với mình, hiện nay VOVGT đang triển khai thử nghiệm một ứng dụng mới, đó là ứng dụng điều hướng giao thông thân thiện cho người điều khiển xe ô tô và xe máy. Với ứng dụng này, cùng với nghe tình hình giao thông trên VOVGT người tham gia giao thông còn được chỉ dẫn cách đi đường ngắn nhất và vượt qua ách tắc giao thông dễ dàng nhất.

VOV1 vừa ứng dụng thành công việc thiết kế và đưa các chương trình của VOV1 lên các kênh Poscast. Đây là một nền tảng mới, nhưng có nhiều tiện dụng, đặc biệt là việc nghe lại các chương trình và nghe theo yêu cầu. Hiện nay các kênh Poscast của VOV1 đã và đang trở thành các kênh Poscast hàng đầu thu hút thính giả. Sau thành công này, VOV1 đang mở rộng ứng dụng Poscast với các kênh mới như kênh Tin tức bằng tiếng Anh; kênh Đọc truyện giải trí; kênh Tư vấn "Chuyện thầm kín"...

Với VTCnow trên các nền tảng như YouTube hay facebook Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã phát triển được lượng người theo dõi cực lớn. Cụ thể trên YouTube VTC Now người đăng ký (Subscribes) là 2.500.000; số lượt xem là 80.000.000. Trên facebook VTC Now có tổng số người theo dõi là 1.000.000, lượt thích là 500.000; số lượt người xem là 500.000. Lý do là tin tức trên VTCnow nhanh, gần gũi đời sống, ngắn gọn và đáp ứng được thị hiếu người xem. Đây là thành công bất ngờ của VTC trong việc đưa các nội dung lên nền tảng số.

Những công việc tiếp theo…

Hiện nay các hoạt động sản xuất chương trình tại VOV đang được đầu tư và phát triển theo hướng đa phương tiện: Các Ban Biên tập phát thanh đều được đầu tư studio đa phương tiện hiện đại để vừa phát sóng truyền thống, vừa có thể livestream các chương trình phát thanh trực tiếp trên mạng xã hội. Các kênh phát thanh của VOV đều có các trang web riêng để phát trực tuyến và lưu giữ các chương trình phát thanh phục vụ tất cả các đối tượng nghe, xem và tương tác.

Phát thanh, Truyền hình trên nền tảng đa nền tảng cần phải đảm bảo sự đa dạng về hình thức thể hiện, nhưng lại phải nhất quán về nội dung và có tính định hướng công chúng rõ ràng. Phải có sự liên kết trong việc sản xuất tin, bài. Có sự phối hợp chặt chẽ tác nghiệp của phóng viên. Có chiến lược quảng bá về sản phẩm một cách khoa học (Ví dụ: quảng bá trên mạng xã hội, trên trang Web, từ đó kéo công chúng đến với các sản phẩm hoàn chỉnh ). Phát thanh, Truyền hình trên đa nền tảng, đa phương tiện phải nâng cao được tính tương tác của công chúng.

Một số chuyên gia cho rằng, việc chuyển sang số hóa giúp định vị lại vai trò của Phát thanh, Truyền hình, nó không chỉ tạo ra khó khăn, thách thức mà còn mang lại rất nhiều cơ hội mới và lớn. Các Đài Phát thanh, Truyền hình là một phần không thể tách rời trong quá trình làm mới, làm hấp dẫn nội dung. Theo các nhà phân tích của tờ báo Người Bảo vệ (The Guardian) của Anh, trong kỷ nguyên số các Đài Phát thanh, Truyền hình truyền thống phải hiểu rõ sở thích, hành vi của khán, thính giả, sự đa dạng về đối tượng sử dụng sản phẩm truyền thông, động lực và các phương thức khán, thính giả tiếp cận, "tiêu dùng" sản phẩm truyền thông. Sự phát triển của Internet và việc thay đổi cách thức truy cập vào nhiều nguồn phương tiện truyền thông đã bắt buộc các Tập đoàn truyền thông phải tiến hành tìm hiểu sâu hơn, nghiên cứu kỹ hơn về cách công chúng sử dụng các công nghệ truyền thông mới, về cách họ tiếp cận và tương tác với các nội dung phát sóng của các Đài Phát thanh, Truyền hình.

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng: "Hiện nay, VOV là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ 4 loại hình báo chí. Khi VOV triển khai chiến lược nội dung số, trong đó có giải pháp kinh doanh nội dung số thì phải phát huy thế mạnh của cả 4 loại hình. Với chiến lược này, VOV sẽ có một hệ thống nội dung số trên cơ sở lấy người nghe, người xem làm trung tâm, để phân phối, phục vụ nhóm khách hàng chuyên biệt như nhóm khách hàng tin tức, nhóm giải trí (gồm cả âm nhạc, phim ảnh và đọc truyện), nhóm tư vấn hướng dẫn, nhóm giao thông, nhóm tương tác... Nếu chiến lược này khả thi chắc chắn việc thực hiện các nội dung trên các kênh của VOV không chỉ có thêm lượng công chúng mới mà còn có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nội dung"./.

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số - Những bước đi đầu tiên của Phát thanh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO