Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong hoạt động của Quốc hội

Ánh Dương| 15/08/2021 16:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Chủ trương chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đặt ra yêu cầu phải được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước đối với tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Và Quốc hội cũng đang nỗ lực đẩy mạnh CĐS hướng đến mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử (QHĐT), mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới cho hoạt động của cơ quan giám sát tối cao của Nhà nước.

CĐS tạo tiền đề cho QHĐT

Trong thời đại kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước là xu thế tất yếu. Trong thời gian vừa qua, Quốc hội - cơ quan giám sát tối cao của Nhà nước - cũng đã đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng QHĐT, nhằm hiện đại hóa quy trình điều hành và hoạt động.

Tại Kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ XIV, Quốc hội đã thí điểm thực hiện tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa. Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc điều hành của chủ tọa được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, mỗi đại biểu cũng được cung cấp một thiết bị điện tử có cài đặt sẵn các phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể tham khảo tài liệu của kỳ họp, thậm chí có thể chuyển từ giọng nói thành văn bản, thuận tiện hơn trong việc tra cứu luật và tìm kiếm thông tin...

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong hoạt động của Quốc hội - Ảnh 1.

Tại kỳ họp thứ 7, mỗi ĐBQH được trang bị một máy tỉnh bảng để tra cứu tài liệu. (Ảnh: Minh Quân, nguồn: Zing.vn)

Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chính giai đoạn khó khăn này, Quốc hội khóa XIV đã ghi dấu đổi mới đậm nét, mở ra giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ bằng việc tổ chức họp trực tuyến.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến liên tục 2 tuần đầu tiên. Từ Nhà Quốc hội, tín hiệu được kết nối đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Điều này cho thấy sự phản ứng nhanh nhạy và kịp thời của Quốc hội trước những diễn biến khó lường của đại dịch, đồng thời đặt nền móng ban đầu cho những đổi mới về phương thức hoạt động của Quốc hội trong kỷ nguyên 4.0.

Mặc dù là lần đầu tiên được thực hiện bằng hình thức trực tuyến nhưng kỳ họp vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả với số lượng đăng ký phát biểu, tranh luận của đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn vẫn đảm bảo như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng. Vấn đề đăng ký phát biểu hay tranh luận cũng rất công khai minh bạch, kịp thời và không bị ảnh hưởng về thời gian.

Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên iPad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết cũng được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cho các ĐBQH cũng được thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng giúp các ĐBQH thuận lợi trong việc truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của kỳ họp. Đại biểu có thể gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin và nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong hoạt động của Quốc hội - Ảnh 2.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Nối tiếp thành quả Kỳ họp thứ 9 đồng thời thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển QHĐT.

Đánh giá về việc thực hiện CĐS của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Quốc hội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của Quốc hội, như tổ chức triển khai họp trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nên đã bảo đảm phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì được hoạt động và chất lượng của các phiên họp.

Cùng với đó là cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các ĐBQH thông qua máy tính bảng cá nhân thay vì hình thức tài liệu giấy truyền thống. Hình thức đổi mới này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, thông tin kịp thời, nhanh chóng mà còn góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ĐBQH nói riêng cũng như Quốc hội nói chung trong cả kỳ họp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quốc hội có thể góp phần tạo ra nhiều thời cơ và vận hội mới, tạo đà cho đất nước phát triển và thích ứng nhanh với những thay đổi mạnh mẽ trong thời kỳ CMCN 4.0.

Các đại biểu, cử tri cũng kỳ vọng công nghệ sẽ giúp đổi mới khâu tổ chức các kỳ họp Quốc hội, hỗ trợ Chính phủ, tư lệnh ngành kết nối với cử tri để đẩy nhanh quá trình tạo cơ chế, giải pháp, giải quyết hiệu quả các vấn đề tồn đọng.

Đây được coi là tiền đề quan trọng để Quốc hội hoàn thành vai trò, thể hiện trách nhiệm giám sát tối cao của mình, đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của nhân dân, đồng thời khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm, vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Đẩy mạnh xây dựng QHĐT

Có thể thấy, nhiệm kỳ vừa qua, ứng dụng CNTT trong hoạt động của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng cần thiết để xây dựng, thực hiện QHĐT, được ĐBQH, cử tri, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, việc xây dựng, thực hiện QHĐT càng trở nên cấp bách. Như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Đảng cũng đã xác định định hướng cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong các cơ quan nhà nước (CQNN), xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), tiến tới chính phủ số.

Với những kết quả đã đạt được, ĐBQH Nguyễn Quốc Bình, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh QHĐT và tiến tới Quốc hội số. Có như vậy, Quốc hội mới thực sự cải cách và thực hiện chức năng của Quốc hội một cách nhanh chóng, khoa học, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, Chương trình Hành động của Đảng Đoàn Quốc hội cũng nhấn mạnh đẩy nhanh việc xây dựng QHĐT. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các CQNN, đồng bộ xây dựng QHĐT với CPĐT, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao; tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội, mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội.

Thực hiện thành công nhiệm vụ này sẽ góp phần tích cực vào việc đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, giúp chia sẻ thông tin, kiến thức một cách rộng rãi và giải quyết các vấn đề thảo luận, điều hành thảo luận tại Quốc hội một cách thuận tiện hơn; góp phần tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với các cử tri.

Trên thực tế đó, nhiều ĐBQH cho rằng, thời gian tới, Quốc hội cần nhanh chóng xây dựng QHĐT để giải quyết những vấn đề mấu chốt, cốt lõi của Quốc hội, vì chỉ có xây dựng QHĐT mới tạo ra được một thiết chế trong quan hệ điều hành của Quốc hội, để có sự trao đổi thường xuyên giữa các ĐBQH với ĐBQH, giữa các ĐBQH với các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH; giữa Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ; giữa các ĐBQH với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ.

Một số đề xuất và khuyến nghị về CĐS Quốc hội Việt Nam

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Bùi Văn Cường, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, và sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong từng lĩnh vực cụ thể: về lập pháp, về giám sát tối cao và về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng QHĐT… Điều này giúp Quốc hội tiếp tục làm thật tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các hoạt động của Quốc hội thời gian qua đã được Đảng bộ Cơ quan VPQH coi là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ, phục vụ các hoạt động của Quốc hội.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Tin học (VPQH), Lê Hoàng Hải cho biết cần giải quyết một số vấn đề rất cấp thiết trong thời gian tới.

Thứ nhất, khẩn trương xây dựng và ban hành Khung kiến trúc QHĐT làm cơ sở cho việc đầu tư đồng bộ, xây dựng QHĐT có hiệu quả theo chủ trương Xây dựng QHĐT đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý tại phiên họp thứ 35 UBTVQH.

Thứ hai, đầu tư xây dựng hệ thống Cổng thông tin nội bộ Intranet với phần mềm lõi trên cùng một nền tảng, tích hợp và xây dựng mới các cơ sở dữ liệu dùng chung, xây dựng các phần mềm nghiệp vụ của các đơn vị phù hợp nền tảng chung và tích hợp với Cổng thông tin nội bộ Intranet; tạo không gian môi trường làm việc số, tăng cường khả năng khai thác, sử dụng một cách hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung không chỉ trên các máy tính mà có thể từ điện thoại thông minh và các thiết bị di động.

Thứ ba, tăng cường công tác đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh thông tin cho hệ thống CNTT của VPQH bằng các giải pháp bảo mật đồng bộ và các tiêu chuẩn quản lý an toàn thông tin theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ.

Thứ tư, tăng cường triển khai thử nghiệm và thuê các phần mềm, ứng dụng CNTT để có thể ứng dụng được các công nghệ mới nhất phục vụ hoạt động của Quốc hội, đồng thời giảm bớt gánh nặng về nguồn nhân lực có trình độ cao trong việc nghiên cứu, phát triển các ứng dụng CNTT theo xu thế phát triển chung.

Thứ năm, tăng cường nhân lực chuyên trách về CNTT để đảm bảo việc quản trị và vận hành hệ thống CNTT tại VPQH.

Với những đề xuất trên, việc mở rộng ứng dụng công nghệ tới từng kỳ họp, phiên họp sẽ góp phần không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chia sẻ về vấn đề này, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết để thúc đẩy quá trình số hóa các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cần triển khai kịp thời một số hoạt động và biện pháp. Cụ thể là UBTVQH cần ra nghị quyết về chương trình CĐS trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các đoàn ĐBQH. Trong đó, trên cơ sở tham chiếu Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện CĐS với yêu cầu bảo đảm đồng bộ, tương thích, kết nối với nền tảng số quốc gia. Đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao đủ khả năng phục vụ yêu cầu đẩy nhanh ứng dụng AI, các thành tựu mới nhất của CMCN 4.0 và kinh nghiệm Nghị viện các nước trong lập pháp, giám sát, hoạt động dân nguyện, xây dựng dữ liệu pháp luật của Quốc hội và một số lĩnh vực ưu tiên khác. Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH hoạt động với các yêu cầu trình độ công nghệ, tính kết nối, tính an toàn và an ninh./.

Tài liệu tham khảo

1. https://quochoi.vn

2. TSKH. Nghiêm Vũ Khải, "Chuyển đổi số ở Nghị viện các nước trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam", Quốc hội và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Thư viện Quốc hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong hoạt động của Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO