Chuyển đổi số thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế trong năm 2021

HL| 13/05/2021 11:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là nhận định vừa được công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Gartner công bố trong báo cáo khảo sát thường niên.

Theo khảo sát, các giám đốc điều hành (CEO) trên khắp thế giới kỳ vọng việc kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong 2 năm tới và đang đặt cược vào chuyển đổi số (CĐS), công nghệ AI và hoạt động tích cực của DN sẽ thúc đẩy tăng trưởng diễn ra.

Chuyển đổi số thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế trong năm 2021 - Ảnh 1.

Khoảng 60% CEO được thăm dò ý kiến trong cuộc khảo sát CEO năm 2021 của Gartner cho biết họ dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại trong năm nay và vào năm 2022 sau khi kinh tế toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Khảo sát của Gartner được tiến hành kéo dài 6 tháng vào năm ngoái, đã thăm dò 465 CEO và các giám đốc điều hành kinh doanh cấp cao khác làm việc tại các công ty có quy mô, doanh thu và ngành khác nhau ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và châu Á - Thái Bình Dương.

Mark Raskino, Phó chủ tịch nghiên cứu tại Gartner cho biết: "Hơn một nửa số CEO được thăm dò cho biết tăng trưởng là trọng tâm chính của họ và nhìn thấy cơ hội ở phía bên kia của cuộc khủng hoảng".

"Năm nay, tất cả các nhà lãnh đạo nỗ lực để giải mã thế giới hậu đại dịch sẽ như thế nào, và tái xây dựng chiến lược kinh doanh trung hạn đến dài hạn phù hợp. Trong hầu hết các trường hợp, điều này sẽ cho thấy một loạt các thay đổi cấu trúc mới đối với năng lực, vị trí, sản phẩm và mô hình kinh doanh", ông Raskino cho biết trong một tuyên bố.

AI, điện toán lượng tử, 5G là những ưu tiên chiến lược

Những người được khảo sát cho biết tăng trưởng kinh doanh, thay đổi công nghệ và các hành động của công ty như sáp nhập và mua lại là ba ưu tiên hàng đầu đối với công ty của họ trong hai năm tới. Công nghệ là mối quan tâm chiến lược đặc biệt đối với các CEO và có khả năng tăng đầu tư vào năm 2021.

Gartner nhận thấy hơn bao giờ hết, nhiều CEO coi CĐS và đầu tư là ưu tiên cho tổ chức của họ. Khi các CEO đưa ra các câu trả lời về các ưu tiên kinh doanh chiến lược hàng đầu theo cách nói riêng của họ, 20% CEO đã sử dụng từ "kỹ thuật số", tăng từ 17% vào năm 2020 và 15% vào năm 2019. Việc coi số hóa là một ưu tiên đã không ngừng tăng lên trong Cuộc khảo sát của Gartner trong nhiều năm qua, khi vào năm 2012 con số này chỉ tăng từ 2%.

Đi sâu vào các lĩnh vực công nghệ cụ thể mà các CEO dự kiến sẽ đầu tư, các CEO cho biết AI là "công nghệ có tác động mạnh nhất đến ngành" trong những năm tới.

Khoảng 30% số CEO được hỏi cho biết điện toán lượng tử (quantum computing) sẽ "có liên quan nhiều" đến các kế hoạch dài hạn của công ty họ, nhưng phần lớn không chắc chắn về cách thức hoạt động của công nghệ này. Các CEO cũng cho biết chuỗi khối (blockchain) và 5G là những công nghệ mà họ đã tập trung vào.

Trong khi phần lớn các CEO được khảo sát cũng cho biết họ không có các nhân viên dữ liệu được bổ nhiệm làm giám đốc kỹ thuật số hoặc giám đốc dữ liệu, 83% CEO được hỏi cho biết họ đã tuyển dụng giám đốc thông tin (CIO). Phần lớn các CEO được Gartner khảo sát cho biết "yêu cầu hàng đầu" của họ đối với các CIO của họ là số hóa.

Sự cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc và các quan hệ thương mại giữa các nước là một lĩnh vực khác mà các CEO trả lời khảo sát của Gartner quan tâm. 1/3 các CEO được khảo sát cho biết "những tranh chấp thương mại đang gia tăng giữa hai quốc gia" về các công nghệ cốt lõi như AI và 5G là "mối quan tâm lớn đối với DN của họ".

Cơ hội M&A, làm việc từ xa

Các CEO toàn cầu cũng coi M&A và các hoạt động khác của công ty, các vấn đề xã hội và môi trường, các điều kiện mới tại nơi làm việc do tác động của đại dịch là những vấn đề cần tập trung.

Điều thú vị là so với các cuộc khảo sát trước đây, đã có ít CEO trả lời rằng coi "doanh thu bán hàng" là ưu tiên tăng trưởng, thay vào đó "thị trường mới" được đề cập nhiều hơn. Raskino của Gartner cho rằng sự thay đổi này, cộng với việc tập trung tăng cường vào các cơ hội M&A cho thấy các CEO và giám đốc điều hành cấp cao đang tìm kiếm lợi thế từ suy thoái theo chu kỳ để tăng trưởng ngoại sinh thay vì dựa vào tăng trưởng doanh số bán hàng.

Phần lớn CEO dự báo xu hướng làm việc kết hợp giữa ở nhà và đến cơ quan sẽ trở thành xu hướng lâu dài đối với nhiều người lao động, trong khi chi phí cho các hoạt động liên quan đến đi lại sẽ vẫn thấp hơn so với trước khi xảy ra đại dịch.

Kristin Moyer, Phó chủ tịch nghiên cứu của Gartner cho biết, những nghiên cứu này, cũng như gần một nửa số công ty được khảo sát ưu tiên tính bền vững để giảm thiểu biến đổi khí hậu, sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của các công ty vào công nghệ số và tính linh hoạt của kênh số trong những năm tới.

"Điều này cho thấy rằng việc tiếp tục cải thiện cách thức phục vụ khách hàng bằng số hóa sẽ rất quan trọng", Moyer cho biết.

CĐS cho các DN bán lẻ: Yêu cầu cấp thiết

Một nghiên cứu đáng chú ý nữa cũng vừa được hãng nghiên cứu Ernst & Young (EY) công bố, đó là CĐS đối với DN bán lẻ.

Theo nghiên cứu về tái định hình tương lai ngành và đo lường tin tưởng vốn (Capital Confidence Barometer, 2021 và EY Reimagining Industry Future Study 2021) chỉ ra 82% nhà bán lẻ hiện đang thực hiện các chương trình chuyển đổi công nghệ và kinh doanh quan trọng, tập trung nhiều hơn vào AI (67%), robot và tự động hóa (65%), IoT (43%), điện toán biên (41%)...

Chuyển đổi số thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế trong năm 2021 - Ảnh 2.

Theo EY, sự thay đổi trong suy nghĩ từ những gì công nghệ có thể làm sang cách công nghệ có thể phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng là rất quan trọng.

Giám đốc cấp cao tư vấn công nghệ EY Sri Lanka, Shanaka De Silva cho biết: "Nếu một nhà bán lẻ có thể ứng dụng các công nghệ này từ bên trong cốt lõi của DN để cấu trúc, tổ chức, chia sẻ và hiểu dữ liệu mà khách hàng tạo ra, họ có thể sử dụng những thông tin sâu đó để đưa ra các tổ hợp nhân tố mới chưa có trước đây nhưng có liên quan trực tiếp đến nhu cầu và nguyện vọng của khách hàng. Ví dụ, những thông tin có thể giúp khôi phục hoạt động các cửa hàng truyền thống bằng cách tích hợp các công nghệ số - từ bot tư vấn, ứng dụng và điều hướng cửa hàng, đến trải nghiệm tự thanh toán và thực tế ảo".

Các nhà bán lẻ phải kết hợp các công nghệ phục vụ khách hàng với những công nghệ điều hành DN để thúc đẩy giá trị cho cả hai. 5 cân nhắc chiến lược được EY đề xuất cho DN bán lẻ CĐS là: Ứng dụng công nghệ lấy con người làm trung tâm, tạo nền tảng hoạt động xuất sắc, dữ liệu tổng hợp để tạo ra các thông tin thực tế, ưu tiên giá trị của khách hàng trên chi phí cá nhân và thay đổi tư duy./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO