Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Nguyễn Thị Huyền Thương, Nguyễn Thị Thu Thùy| 06/08/2020 07:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với sự bùng nổ hạ tầng công nghệ, trí tuệ nhân tạo của kỷ nguyên số, sự dịch chuyển phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực, hoạt động chuyển đổi số trong ngành chăm sóc sức khỏe đang diễn ra rất mạnh mẽ và có tác động lớn lao đến chất lượng đời sống của người dân.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - Ảnh 1.

Chúng ta vẫn đang chứng kiến tình trạng khó khăn trên bình diện toàn cầu trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 và qua đấy cho thấy việc phát triển chăm sóc sức khỏe từ xa – như là một kết quả của quá trình chuyển đổi số - là vô cùng cần thiết và cấp bách. 

Trong tương lai gần, trước thực tế số lượng bệnh nhân và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một tăng, việc chăm sóc sức khỏe không chỉ là đến các cơ cở y tế mà còn tại nhà, thì việc số hóa y tế kết hợp với sức mạnh của AI có thể giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe duy trì được khả năng cạnh tranh.

Ra đời trong thời đại bùng nổ Internet và chuyển đổi phương thức sản xuất bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số (Digital Transformation) đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức. Một cách đơn giản nhất, chuyển đổi số được hiểu là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số mới, nhanh và thường xuyên thay đổi để giải quyết các vấn đề, trong đó nhấn mạnh đến việc chuyển đổi các quy trình không phải là kỹ thuật số hoặc thủ công sang quy trình kỹ thuật số (wikipedia). 

Chuyển đổi số không chỉ tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối,... Theo khảo sát năm 2018 của IDC, tại Việt Nam, gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện.

Đối với lĩnh vực y tế nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng, cùng với sự phát triển của các công nghệ gắn liền với trí tuệ nhân tạo, sẽ tạo ra bước đột phá, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển y tế thông minh của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc thúc đẩy chuyển đổi số được xem như là giải pháp để cải thiện chăm sóc bệnh nhân và xây dựng các quy trình hoạt động hiệu quả hơn, hợp lý hơn, đáp ứng được nhu cầu của người chăm sóc, bệnh nhân và các tổ chức liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Như là kết quả tất yếu của quá trình chuyển đổi số, các bác sĩ và người chăm sóc ngày nay có thể tiếp cận y tế theo cách toàn diện hơn.

Trên thực tế, toàn bộ ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang trải qua quá trình đổi mới, trọng tâm là hướng đến cung cấp nhiều hơn các giá trị của việc chăm sóc và cách đối xử với bệnh nhân thay vì chỉ điều trị bệnh như trước (Deloitte, 2017). Như vậy, các nhà cung cấp đang tìm kiếm những công nghệ cũng như chuyển đổi số giúp đưa bệnh nhân làm trọng tâm, không gói gọn việc chữa trị trong những bức tường phòng khám và các cơ sở chăm sóc sức khỏe nữa. 

Làn sóng chuyển đổi số đầu tiên được đề cập đến là điện tử hóa hồ sơ chăm sóc sức khỏe (bệnh án điện tử) và được lưu trữ trên nền tảng đám mây cho phép truy cập tức thời bằng các thiết bị điện tử thông dụng như điện thoại, máy tính bảng vào thông tin chăm sóc sức khỏe; đồng thời trang bị cho người chăm sóc các công cụ họ cần để mang lại dịch vụ chăm sóc chính xác và chất lượng tốt hơn. 

Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, chia sẻ việc xây dựng và khai thác bệnh án điện tử ở thế giới và Việt Nam với trí tuệ nhân tạo (AI) là những thành phần cốt lõi của hạ tầng số ngành y trong thời chuyển đổi số. Việc ứng dụng AI để khai thác dữ liệu bệnh án điện tử sẽ tạo ra một cuộc tiến hóa trong ngành y.

Ngoài việc cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân, các công nghệ này còn tác động đến chức năng hỗ trợ của các nhà cung cấp, giúp các quản trị viên và bên thứ ba như các công ty bảo hiểm hợp tác để tìm ra hiệu quả hoạt động cao hơn và chi phí hoạt động ít hơn.

Giai đoạn tiếp theo của Chuyển đổi số gợi ý cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên hiệu quả hơn, thông qua các công cụ và dịch vụ giúp các nhà cung cấp chủ động hơn trong việc duy trì sức khỏe cho bệnh nhân. Phải kể đến một số công nghệ như trí tuệ nhân tạo, thuật toán phân tích, các thiết bị đeo tay và ứng dụng sức khỏe di động.

Lợi ích của chuyển đổi số đối với các tổ chức chăm sóc sức khỏe

Các tổ chức thuộc mọi quy mô trong tất cả các lĩnh vực đều bị thách thức với việc phải liên tục cải thiện sản phẩm, dịch vụ của mình để đáp ứng sự mong đợi của khách hàng ngày càng tăng. Điều đó có nghĩa là các quy trình, phương pháp và công nghệ truyền thống đến thời điểm nào đó không còn đủ nữa, buộc nhiều tổ chức phải tìm cách phục vụ khách hàng theo cách sáng tạo hơn nhưng vẫn hợp lý chi phí.

Chuyển đổi số hứa hẹn mang lại hiệu quả về cả phương diện đổi mới và mặt chi phí. Theo Forbes Insights (2017), một cuộc khảo sát toàn cầu với 500 giám đốc điều hành cấp cao đã được tiến hành, kết quả cho thấy mục tiêu hàng đầu để chuyển đổi số là giảm chi phí công nghệ thông tin (chiếm 75% sự lựa chọn), mục tiêu tiếp theo là việc đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường trước tiên (73%) và tái phân bổ quỹ dự án cho chiến lược kinh doanh (67%). Hơn nữa, 61% đã lên kế hoạch phân bổ 1/4 ngân sách CNTT của họ để chuyển đổi vào năm 2018, tăng lên 54% vào năm 2017.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã chứng kiến những nỗ lực chuyển đổi số chậm hơn so với các ngành công nghiệp khác, nhưng triển vọng chi tiêu cho chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm trong y tế là khả quan. Tổ chức dữ liệu quốc tế (IDC, 2017) ước tính rằng chi tiêu của các tổ chức chăm sóc sức khỏe cho các công nghệ chuyển đổi số sẽ tăng 22% vào năm 2023.

Trong một cuộc khảo sát của Forbes năm 2017 với hơn 300 giám đốc điều hành trong nhiều ngành công nghiệp cho thấy: 71% số người được hỏi nói rằng các quyết định kinh doanh của họ đã bao gồm các phân tích dữ liệu chiếm 50% hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, 63% số người tham gia khảo sát có chuyên môn tài chính cho biết họ đang sử dụng dữ liệu và thuật toán phân tích để tìm cơ hội mới giúp tăng trưởng kinh doanh.

Chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe: Sử dụng những công nghệ

Như đã đề cập phần trước, giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số đề xuất làm cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên hiệu quả hơn, thông qua các công cụ và dịch vụ giúp các nhà cung cấp hoạt động chủ động để hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân của họ. Trong số các công nghệ mà ngành chăm sóc sức khỏe đang áp dụng cho các nỗ lực chuyển đổi số, việc tiếp tục phát triển ý tưởng về toàn diện sức khỏe đồng thời cho phép người chăm sóc và các cơ sở chăm sóc sức khỏe làm việc thông minh hơn đang được chú trọng triển khai.

Phân tích dữ liệu (Analytics), cùng với dữ liệu lớn (Big data), đang giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe giải quyết vô số vấn đề như biết được thời điểm tốt nhất để bố trí nhân viên (Bernard Marr, 2016) cũng như giúp các cơ sở chăm sóc sức khỏe tiết kiệm chi phí và nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân qua việc điều chỉnh số lượng nhân viên hợp lý khi cần, do đó giúp bệnh nhân không phải chờ hàng giờ đợi tới lượt khám của mình. Phân tích cũng có thể được sử dụng để tìm ra các mẫu quan trọng trong nhiều yếu tố, giúp xác định bệnh nhân nào có nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid, từ đó giúp ngăn chặn những dịch bệnh lan rộng tầm quốc gia (Bernard Marr, 2017).

Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang chứng minh sự hữu ích cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhân viên hành chính. Ví dụ, AI đang được sử dụng với các hồ sơ sức khỏe điện tử để giúp dễ dàng điều chỉnh hướng điều trị hơn và tự động hóa một số quy trình được sử dụng thường xuyên. Trí thông minh nhân tạo cũng đang được sử dụng trong các phòng thí nghiệm để đọc các tấm phim bệnh lý và nhận ra các vấn đề để giúp các bác sĩ xác định lâm sàng tốt hơn hoặc phát hiện bệnh tiềm ẩn (Jennifer Bresnick, 2018).

Các thiết bị đeo (Wearable) có vẻ không còn là công nghệ mới nữa, nhưng việc áp dụng chúng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã phổ biến hơn và ngày càng phát triển. Các thiết bị này đang được sử dụng để theo dõi sức khỏe định kì của bệnh nhân, thu thập dữ liệu trong các thử nghiệm lâm sàng và một loạt các nhiệm vụ khác mà không cần yêu cầu bệnh nhân đến phòng khám. Hạn chế các buổi thăm khám trực tiếp như vậy có thể giúp các bác sĩ dành nhiều thời gian hơn để cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng hơn cho những bệnh nhân thực sự cần điều trị, chưa kể đến việc bệnh nhân không phải thường xuyên đến phòng khám gây quá tải.

Một số định đề về thiết bị đeo thậm chí có thể báo hiệu tương lai của chăm sóc sức khỏe. Các chuyên gia lĩnh vực này tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, vào tháng 1/2018 lưu ý rằng họ tin rằng thiết bị đeo và các công nghệ tương tự khác sẽ đóng vai trò chính trong việc chăm sóc, phòng ngừa, đặt bệnh nhân làm trung tâm vì các thiết bị như vậy ngày càng được sử dụng để theo dõi nhịp tim và huyết áp (Laura Joszt, 2018).

Tuy ít được thảo luận hơn nhưng ngày càng được sử dụng nhiều giữa các nhà cung cấp là việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội (social media) trong quản lý sức khỏe. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang sử dụng sức mạnh của các mạng xã hội để truyền đạt thông tin liên quan đến sức khỏe đến các hội nhóm đông thành viên; để cung cấp thông tin cập nhật về các sự kiện y tế hoặc những sự kiện có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, chẳng hạn như mức độ khói của các vụ cháy rừng gần đó; và để tiếp cận đối tượng bệnh nhân hiện tại và tiềm năng.

Các phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể được các nhà nghiên cứu sử dụng để theo dõi các xu hướng nhân khẩu học và chăm sóc sức khỏe như lây lan bệnh cúm hoặc ngộ độc thực phẩm. Thông tin như vậy có thể giúp các nhà cung cấp xác định các khu vực có khả năng bùng phát tiếp theo và thực hiện các bước xử lý thích hợp, chẳng hạn như tăng nhân viên hoặc dự trữ các nguồn cung cấp trang thiết bị cần thiết trong những khu vực đó.

Và cuối cùng, các ứng dụng sức khỏe di động (mHealth) đang được một số tổ chức chăm sóc sức khỏe chấp nhận để kết nối tốt hơn với bệnh nhân. Các ứng dụng di động đang được sử dụng theo nhiều cách, bao gồm truy cập thông tin lâm sàng, liên lạc và theo dõi bệnh nhân sử dụng thiết bị đeo y tế và hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác để xác định các lựa chọn điều trị. Dù vậy, mHealth có thêm mối quan tâm về bảo mật, vì thông tin truyền qua các ứng dụng này là từ bệnh nhân và có thể khiến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe gặp nguy hiểm nếu thiết bị di động bị mất hoặc bị đánh cắp.

Còn nhiều công nghệ khác có thể được đưa vào chuyển đổi số trong ngành y tế, tuy nhiên những công nghệ được chọn lọc liệt kê trên đây là những công cụ giúp các tổ chức chăm sóc sức khỏe tập trung vào giá trị hơn.

Xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe

Chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe đòi hỏi một cơ sở hạ tầng có khả năng hỗ trợ nhiều công nghệ tại chỗ và điện toán đám mây và có thể quản lý việc lưu trữ dữ liệu khổng lồ và vận chuyển qua lại mà nhiều công nghệ biến đổi yêu cầu.

Khi các tổ chức cố gắng đẩy các chuyển đổi số của họ lên một tầm cao mới, họ cần một môi trường hỗ trợ chuyển đổi số từ mọi nguồn trên mạng. Sự lai tạo giữa điện toán đám mây, môi trường mạng và băng thông rộng tốc độ cao cho phép các tổ chức chăm sóc sức khỏe quản lý tốt hơn các ứng dụng tập trung vào bệnh nhân và văn phòng của họ trên tất cả các địa điểm, trong khi các thành phần mạng như Wifi và truyền thông hợp nhất có thể giữ cho tất cả nhân viên của một tổ chức chăm sóc sức khỏe liên lạc mọi lúc mọi nơi và không ảnh hưởng đến năng suất.

Dù có được xem xét một cách đầy đủ hay không, diễn ra trong âm thầm hay chính thức, quá trình chuyển đổi vẫn đang giúp cho các tổ chức chăm sóc sức khỏe nâng cao hiệu quả hoạt động. Dù vậy, để tiến sâu hơn vào chuyển đổi số, cần thúc đẩy hợp lý hóa các quy trình bằng các ứng dụng CNTT đối với các dịch vụ được quản lý để có thể giúp gắn kết các hệ thống khác nhau và lấp đầy khoảng trống khi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nâng cấp, cập nhật cơ sở hạ tầng hiện tại.

Làm việc với nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số có thể giúp các nhà lãnh đạo các tổ chức chăm sóc sức khỏe xây dựng mô phỏng lại cách xây dựng một mạng lưới hiện đại và cơ sở hạ tầng có khả năng xử lý tất cả các khía cạnh trong quản lý và vận hành. Các tổ chức chăm sóc sức khỏe có thể tận dụng kết nối Ethernet riêng ảo và vật lý để đảm bảo không có vấn đề nào liên quan đến hiệu suất và tính khả dụng.

Kết luận

Các tổ chức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã thấy được lợi ích của việc chuyển đổi số qua việc các bác sĩ và người chăm sóc ngày nay có thể tiếp cận chăm sóc sức khỏe bệnh nhân theo cách toàn diện hơn, tập trung toàn bộ vào bệnh nhân chứ không chỉ cách điều trị hay tình trạng bệnh. Trong môi trường chăm sóc sức khỏe ngày nay, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc dựa trên giá trị đang được ưa chuộng hơn chăm sóc dựa trên khối lượng, tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm bệnh nhân tích cực từ lần khám đầu tiên đến thanh toán cuối cùng thông qua dịch vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn và sự hợp tác nhiều hơn từ bệnh nhân.

Ở mức độ cao hơn của chuyển đổi số, các tổ chức chăm sóc sức khỏe xây dựng nền tảng với những nỗ lực chuyển đổi số để cung cấp mức độ chăm sóc bệnh nhân cao hơn và làm cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bernard Marr, 2016, "Big Data in Healthcare: Paris Hospitals Predict Admission Rates Using Machine Learning", Forbes, https://www.forbes.com/sites/bernardmarr/2016/12/13/ big-data-in-healthcare-paris-hospitals-predict-admission-rates-using-machine-learning/#5ee5b21879a2

2. Bernard Marr, 2017, "How Big Data Helps To Tackle The No 1 Cause Of Accidental Death In the U.S.", Forbes, https://www.forbes.com/sites/bernardmarr/2017/01/16/how-big-data-helps-to-tackle-the-no-1-cause-of-accidental-death-in-the-u-s/#2987445639ca

3. Deloitte, 2017, "Strategically Moving from Volume to Value", Infographic, https://www2. deloitte.com/content/dam/Deloitte/global/Images/infographics/lifesciences-healthcare/ gx-lshc-strategically-moving-volume-value-hcoutlook-infographic.pdf

4. Dun & Bradstreet/Forbes, 2017, "Analytics Accelerates into the Mainstream", research report, https://www.forbes.com/forbesinsights/d&b_enterprise_analytics/index.html

5. Forbes Insights, 2017, "IT TRANSFORMATION: Success Hinges on CIO/CFO Collaboration", report, https://www.dellemc.com/en-us/it-transformation/index.htm#i=m&overlay=/ collateral/brochure/dellemc-forbes-it-transformation-on-cio-cfo-collaboration.pdf

6. IDC, 2017, "IDC Forecasts Worldwide Spending on Digital Transformation Technologies to Reach $1.3 Trillion in 2018", news release, https://www.idc.com/getdoc. jsp?containerId=prUS43381817

7. Jennifer Bresnick, 2018, "Top 12 Ways Artificial Intelligence Will Impact Healthcare, HealthIT Analytics", https://healthitanalytics.com/news/top-12-ways-artificial-intelligence-will-impact-healthcare

8. Laura Joszt, 2018, "5 Things About Wearable Technology in Healthcare", AJMC, https://www.ajmc.com/newsroom/5-things-about-wearable-technology-in-healthcare, https://en.wikipedia.org/wiki/Digital_transformation

9. Châu An, 2019, "Công nghệ AI sẽ tạo đột phá trong chuyển đổi số của ngành y tế", https://vnexpress.net/cong-nghe-ai-se-tao-dot-pha-trong-chuyen-doi-so-cua-nganh-y-te-3885635.html

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 7+8 Tháng 8/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO