Chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt lên ngôi

Diệu Linh| 07/01/2022 20:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số, bán hàng đa kênh trở thành phương án được nhiều nhà bán hàng sử dụng nhất. Song song với đó, sự chuyển dịch hình thức thanh toán và phương thức vận chuyển trở thành điểm nhấn trong ngành bán lẻ.

Kết quả khảo sát trên 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của Sapo cho thấy, làn sóng Covid19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh năm 2021, đặc biệt trong ngành dịch vụ ăn uống - lưu trú - nghỉ dưỡng.

Chuyển đổi số, bán hàng đa kênh trở thành phương án được nhiều nhà bán hàng sử dụng nhất. Song song với đó, sự chuyển dịch hình thức thanh toán và phương thức vận chuyển trở thành điểm nhấn trong ngành bán lẻ.

Covid19 ảnh hưởng mạnh tới tình hình kinh doanh năm 2021

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Bán lẻ và Dịch vụ là ngành chịu nhiều ảnh hưởng xấu nhất trong năm, đặc biệt trong quý III/2021, GDP toàn ngành tăng trưởng âm 28,1%.

Tác động lớn của dịch bệnh và giãn cách xã hội đã gây ra không ít khó khăn cho những nhà kinh doanh trên toàn quốc. 75,2% nhà bán hàng cho biết doanh thu của họ không tăng trưởng so với năm 2020, trong đó có tới 37,1% nhà bán hàng bị giảm sút doanh thu trên 30%. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chỉ chiếm 23,9%, thấp hơn so với năm 2020 (30.7%) và năm 2019 (61%).

Chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt lên ngôi - Ảnh 1.

Chỉ 7% nhà bán hàng cho biết, họ không gặp ảnh hưởng hoặc có sự tăng trưởng kinh doanh ngay trong mùa dịch (chủ yếu thuộc nhóm ngành: Tạp hóa - siêu thị mini, Thực phẩm; Chăm sóc sức khỏe, Đồ Mẹ & Bé; Mỹ phẩm)

Giãn cách xã hội trên toàn quốc và dịch bệnh kéo dài đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giao vận. Khó khăn lớn nhất về vận chuyển chủ shop gặp phải trong mùa giãn cách xã hội là Tình trạng không giao được hàng đến một số khu vực (39,4%) và Tỷ lệ hoàn hủy cao (20,7%). Nhân viên giao hàng mắc Covid-19 hoặc rời thành phố về quê ồ ạt,... khiến cho nhân lực ngành vận chuyển thiếu hụt, cũng trở thành trở ngại lớn đối với ngành bán lẻ.

Tương tự như năm 2020, Ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú (F&B) có sự suy giảm lớn nhất; 79,8% chủ nhà hàng, quán ăn, quán cafe cho biết họ không chỉ gặp tình trạng sụt giảm doanh thu, cắt giảm nhân viên mà nhiều nhà hàng phải đóng cửa, đóng chi nhánh, tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn.

Mặt khác, nhóm nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các kênh trực tuyến vẫn dẫn đầu các nhóm ngành có sự tăng trưởng doanh thu ngay trong mùa giãn cách xã hội (chiếm 11,2%). Tuy tỷ trọng giảm sút so với năm 2020 (15%) nhưng sự duy trì vị thế dẫn đầu của bán hàng trực tuyến trong hai năm vừa qua cũng chứng tỏ ưu thế của hình thức kinh doanh này trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Chuyển đổi số và mô hình bán hàng đa kênh là chìa khóa quan trọng đưa nhà bán hàng bước qua những biến động của thị trường.

Chuyển đổi số trở thành phương án thích nghi với bình thường mới

So với năm 2019 và 2020, giải pháp được các nhà bán lẻ 2021 ưu tiên lựa chọn là đẩy mạnh việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) và nền tảng trực tuyến. Biện pháp ứng phó với giãn cách xã hội phổ biến nhất năm 2021 chính là Chuyển đổi kinh doanh từ offline lên online (chiếm 72,8%) - tăng 9% so với năm 2020 (63,8%). Tỷ lệ nhà bán hàng chỉ chú trọng kinh doanh offline, không kinh doanh online cũng giảm từ 36,2% (năm 2020) xuống 20,9% (năm 2021).

Sau 2 năm chống chọi với Covid-19, các nhà bán hàng đã rút ra những bài học kinh nghiệm và biện pháp ứng phó hiệu quả trong ngành bán lẻ. Trong đó, biện pháp ứng phó với tình huống tương tự giãn cách xã hội được các nhà bán hàng ưu tiên lựa chọn là Áp dụng quy trình vận hành mới, tương ứng với trạng thái phòng chống Covid (chiếm 29,7%) và triển khai kênh bán hàng thay thế, bán hàng đa kênh (chiếm 27,2%).

Tính từ đầu tháng 10/2021, Nghị quyết 128 cho phép chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã tạo tiền đề để các địa phương mở cửa trở lại, tình hình kinh doanh của các nhà bán hàng có sự khởi sắc so với 3 tháng quý III. 46,7% chủ cửa hàng đã có sự tăng trưởng doanh thu trở lại.

Các biện pháp khác được các chủ nhà hàng, chủ shop, chủ doanh nghiệp bán lẻ áp dụng nhằm đối phó với dịch bệnh và giãn cách xã hội bao gồm: Cắt giảm chi phí cửa hàng và mặt bằng; Chuyển đổi mặt hàng cung ứng để phù hợp với tình hình thực tế, Phát triển hoặc kinh doanh dòng sản phẩm mới; Phân bổ nguồn vốn để đầu tư sang lĩnh vực khác (ngoài bán lẻ và dịch vụ ăn uống); Lập kế hoạch dự phòng ngân sách.

Sự chuyển dịch hình thức thanh toán và vận chuyển thích nghi với giãn cách xã hội

Quá trình chuyển đổi kinh tế số và giãn cách xã hội đã tạo bối cảnh thuận lợi cho các hình thức giao dịch không tiền mặt tăng trưởng.

Chuyển khoản đã vượt lên trên Tiền mặt trở thành phương thức thanh toán được chấp nhận phổ biến nhất tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, quán ăn, quán cafe (chiếm 36,5%). Đồng thời, sự phát triển đa dạng, cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều thương hiệu và chương trình khuyến mãi hấp dẫn của các ví điện tử đã đưa hình thức này lên Top 3 loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất.

Chuyển khoản cũng được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ dễ dàng sử dụng và đối soát (2,6/3 điểm). Bên cạnh đó, nhà bán hàng cảm nhận được sự an toàn, tránh nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh khi sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt. Hình thức cổng thanh toán (tích hợp trên website) và thẻ tín dụng online không được ưa chuộng, chủ yếu do thời gian đối soát kéo dài và khó theo dõi dòng tiền.

Nhìn chung, 89,3% nhà bán hàng đánh giá rất tích cực về các hình thức thanh toán không tiền mặt, coi đó là xu hướng của hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, 10,4% chủ cửa hàng gặp khó khăn trong đối soát, chi phí duy trì cao và cho rằng thanh toán không tiền mặt là không cần thiết.

Dự đoán trong thời gian tới, rất nhiều công cụ thanh toán không tiền mặt mới sẽ ra mắt thị trường, tạo nên sự đa dạng, linh hoạt và giảm thiểu khó khăn của nhà bán hàng khi ứng dụng trong bán lẻ.

Về vận chuyển, vì gặp nhiều khó khăn trong năm 2021 và gây hậu quả trực tiếp đến tình hình kinh doanh, đây sẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhà bán hàng để tối ưu chi phí, tăng tỷ lệ đơn hàng thành công và hoàn thiện quy trình vận hành.

Đặc biệt khi xu hướng làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng sau đại dịch. 51,13% nhà bán hàng lựa chọn phương án linh hoạt giữa các đơn vị vận chuyển hoặc tự giao hàng để hạn chế khó khăn. Tuy nhiên, 22,3% nhà bán cho biết họ vẫn loay hoay, chưa có cách khắc phục hiệu quả và chờ đợi hỗ trợ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ giao vận.

Dù được tận dụng trong mùa dịch và giãn cách xã hội nhưng hình thức tự vận chuyển và dùng nhân viên giao hàng của cửa hàng (ship ruột) lại không được các nhà bán hàng chấm điểm cao về mức độ tiện lợi.

Các đơn vị chuyển phát nhanh lớn vẫn được ưu tiên sử dụng nhất (2,1/3 điểm). Lý do được các nhà bán hàng đưa ra là các đơn vị này đáp ứng được ba yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn hình thức vận chuyển: Thời gian giao hàng; Chất lượng giao nhận và Giá cả. Top 3 tiêu chí này không thay đổi theo thời gian (tương ứng với năm 2020 và năm 2019).

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt lên ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO