Chuyển đổi số y tế để không lãng phí ngân sách, nhân lực?

Vân Anh| 04/12/2021 17:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Y tế là lĩnh vực hàng đầu được ưu tiên chuyển đổi số trong Chiến lược phát triển Kinh tế số, Xã hội số dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 12 này.

Với nhiều nền tảng, ứng dụng được xây dựng trong thời gian qua, ngành y tế có thể coi như một trong những đơn vị đi đầu về chuyển đổi số trong cả nước, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Hơn 5 tỷ tin nhắn được gửi đến người dân trong đại dịch Covid-19

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Y tế, việc chuyển đổi số ngành y tế đã được tập trung triển khai trước khi diễn ra đại dịch Covid-19 và trong dịch, quá trình chuyển đổi số từ cấp địa phương đến trung ương càng diễn ra nhanh chóng.

Chuyển đổi số y tế để không lãng phí ngân sách, nhân lực? - Ảnh 1.

Ngành y tế có thể coi như một trong những đơn vị đi đầu về chuyển đổi số trong cả nước

Từ trước dịch Covid-19, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số, công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau. Bộ Y tế đã cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối liên thông đạt 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc với bảo hiểm.

“Đây có thể xem như thành tựu rất lớn của ngành y tế khi thực hiện việc kết nối liên thông trong 2 năm trong khi các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc phải mất đến 10 năm. Ngoài ra, hiện 100% các bệnh viện đã có hệ thống quản lý thông tin bệnh viện, trong đó 18 bệnh viện đã sử dụng bệnh án điện tử thay hoàn toàn cho bệnh án giấy. Đây chính là nền tảng bước đầu để xây dựng bệnh viện thông minh”, ông Nam cho hay.

Năm 2020, Bộ Y tế cũng khai trương nền tảng kết nối y tế từ xa và đến nay đã có hơn 1500 cơ sở khám chữa bệnh kết nối từ xa thực hiện công tác khám chữa bệnh, tư vấn. Mô hình này cho thấy hiệu quả rõ ràng nhất trong đại dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng là một trong những bộ, ngành đầu tiên hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào cuối tháng 6/2021…

Trong đại dịch Covid-19, nhiều nền tảng công nghệ được ra đời từ khai báo y tế, truy vết ca mắc, nền tảng tiêm chủng… thông qua các nền tảng, Bộ Y tế đã gửi khoảng hơn 5 tỷ tin nhắn đến người dân thông báo về tình hình dịch bệnh Covid-19.

“Đại dịch Covid-19 có thể coi là cú hích để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các nền tảng trong thời gian nhanh nhất để phục vụ chống dịch. Thậm chí có phần mềm chỉ viết trong 1 tuần và tiếp tục hoàn thiện dần trong điều kiện cả xã hội thực hiện giãn cách”, đại diện Cục CNTT, Bộ Y tế khẳng định.

Hàng trăm triệu thông tin sức khỏe bị phân tán khắp nơi

Ghi nhận những kết quả ngành y tế làm được trong suốt thời gian qua, song nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng việc chuyển đổi số y tế cần phải tăng tốc hơn nữa, nhất là về cơ sở dữ liệu y tế tập trung quốc gia.

Chuyển đổi số y tế để không lãng phí ngân sách, nhân lực? - Ảnh 2.

Dữ liệu y tế về sức khỏe người dân đang bị phân mảnh ở nhiều địa phương, nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước (Ảnh minh họa: KT)

Theo ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia CNTT, cố vấn cấp cao Làng Y tế (TechFest), việc dữ liệu nằm rải rác ở các vùng miền đang trở thành một trong những thách thức lớn, gây ra nguy cơ lãng phí ngân sách, lãng phí nhân lực và giảm tốc độ chuyển đổi số ngành y tế.

Tại các quốc gia phát triển, các bệnh viện lớn hay các chuỗi bệnh viện sở hữu cơ sở dữ liệu y tế tập trung tại bệnh viện theo chuẩn dữ liệu y tế quốc tế và có thể chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu y tế tập trung quốc gia. Việc có cơ sở dữ liệu y tế tập trung không chỉ giúp giải quyết các bài toán khám chữa bệnh, mà còn mang ý nghĩa lớn với hoạt động của toàn ngành y và cho cả cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu y tế số ở Việt Nam vừa bị “đóng cứng”, lại vừa bị “phân mảnh” do chưa có chiến lược quy hoạch, xây dựng và khai thác hệ thống dữ liệu y tế số. Mặt khác, vẫn thiếu các quy định pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu y tế trong quá trình thu thập, khai thác, chia sẻ.

“Có hàng trăm triệu thông tin sức khỏe, hàng trăm triệu thông tin bệnh nhân đang phân tán, được lưu trữ ở các nơi khác nhau. Cụ thể ngay như thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hiện lưu trữ ở các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm y tế, sở y tế các địa phương. Không chỉ không được tập trung mà có nơi còn lưu trữ trên giấy. Nguy cơ mất và sai lệch dữ liệu là rất lớn”, ông Tuấn Anh cho hay.

Thêm vào đó, đến nay Bộ Y tế cũng chưa lên được tiêu chuẩn chung để có thể xây dựng cơ sở dữ liệu trập trung quốc gia, đề xuất một hồ sơ bệnh án tiêu chuẩn chia sẻ thế nào.

“Chúng ta phải có được bộ tiêu chuẩn chung mới có thể xuất được hồ sơ bệnh án điện tử và chia sẻ hồ sơ đó. Mà Bộ Y tế cũng nên theo chuẩn dữ liệu y tế quốc tế HL7 FHIR. Nếu chúng ta làm được việc này sẽ giúp cải thiện lớn cho ngành y tế Việt Nam cũng như bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam tốt hơn”, ông Tuấn Anh nêu rõ.

Còn ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, không chỉ riêng lĩnh vực y tế, nhiều lĩnh vực hiện nay tại Việt Nam đang bị phân mảnh dữ liệu, gây lãng phí không nhỏ. Ngoài ra, việc thiếu chuẩn dữ liệu chung cũng khiến việc chuyển đổi số bị thực hiện cục bộ, thiếu tính tổng thể.

“Cùng mục tiêu số hóa hoạt động quản lý và vận hành của đơn vị, song mỗi nơi lại xây dựng một nền tảng và có thể rất khó để ráp nối với nhau nếu mỗi đơn vị theo chuẩn khác nhau. Cụ thể ngay như việc xây dựng chính phủ điện tử. Nhiều địa phương làm rất tốt và nhanh, tuy nhiên có thể hiệu quả trong quy mô nội tỉnh còn để kết nối với địa phương khác hay liên thông với trung ương thì vẫn còn nhiều hạn chế”, ông Đồng nêu ví dụ.

“Tương tự như vậy với hệ thống bệnh viện hay các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu không xây dựng một bộ chuẩn quốc tế để các cở sở khám chữa bệnh dựa trên cơ sở đó để chuyển đổi số, chuẩn hóa dữ liệu thì sau sẽ khó kết nối với nhau hoặc rộng ra dữ liệu quốc tế của trong nước không phù hợp với chuẩn quốc tế. Chuẩn dữ liệu cũng có quy định như ngôn ngữ lập trình, có một vài chuẩn chung cả thế giới. Chỉ khi ứng dụng cùng chuẩn với thế giới, chúng ta mới liên thông và xác định chuyển đổi số bền vững, bài bản”, Viện trưởng IPS nêu ý kiến.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ các nhân tố tiềm năng để phát triển thị trường công nghệ y tế số. Quan trọng là có hướng đi như thế nào để tránh lãng phí ngân sách, lãng phí nhân lực và thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số ngành y tế.

Cơ sở dữ liệu tập trung không chỉ là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số y tế, mà còn giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể khai thác được tiềm năng to lớn của dữ liệu để xây dựng những sản phẩm số “Make in Vietnam”, góp phần thực hiện khát vọng trở thành nước phát triển vào năm 2045./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số y tế để không lãng phí ngân sách, nhân lực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO