Cơ hội từ Covid-19 để ASEAN thu hẹp khoảng cách giới

Vân Khánh| 31/05/2020 16:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Các quốc gia ASEAN đang đứng trước cơ hội để có thể thu hẹp khoảng cách giới trong thời đại công nghệ số thông qua các kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Những nghiên cứu về đại dịch Covid-19 cũng như thực tế từ các dịch bệnh trong quá khứ đã cho thấy phụ nữ có khả năng sẽ phải chịu tác động về kinh tế - xã hội lớn hơn trong cuộc khủng hoảng.

ASEAN thúc đẩy thu hẹp khoảng cách về giới trong thời đại công nghệ số - Ảnh 1.

Phụ nữ đại diện cho phần lớn lao động bán thời gian và lao động tạm thời - những công việc có nguy cơ cao nhất bị mất việc làm. (Ảnh: AFP)

Phần lớn nhân viên y tế và nhân viên xã hội là phụ nữ, họ thuộc nhóm có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus. Đóng cửa trường học do lệnh phong tỏa cũng đã vô tình trở thành gánh nặng cho phụ nữ chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ em. Bạo lực gia đình, ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ, cũng đã gia tăng trong thời gian áp dụng các biện pháp phong tỏa ở cả các nước phát triển và đang phát triển.

Ngoài những tác động đối với xã hội, cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng cộng này còn có ảnh hưởng bất lợi về kinh tế đối với phụ nữ, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.

Lao động bán thời gian và lao động tạm thời - những công việc có nguy cơ cao nhất bị mất việc làm- thường là phụ nữ. Ở nhiều nước đang phát triển, phụ nữ chiếm một phần lớn trong nền kinh tế phi chính thức và người lao động phi chính thức thì bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các lệnh phong tỏa. Vì trong hầu hết các trường hợp họ không thể làm việc từ xa và ít được bảo vệ bởi mạng lưới an sinh xã hội. Ngoài ra, các kế hoạch phục hồi sau dịch thường lại chỉ hướng tới những người lao động chính thức.

Bên cạnh đó, ở cả quốc gia phát triển và đang phát triển, các doanh nhân nữ thường gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, vấn đề này là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp (DN) trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Theo Giám sát Doanh nhân toàn cầu năm 2018, có hơn 60 triệu phụ nữ đang điều hành các DN trong khu vực ASEAN, phần lớn trong số đó là các DN nhỏ và vừa.

Đặc biệt, có một thực tế rất quan trọng và thường bị bỏ qua không chỉ bây giờ, mà còn cả trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, là tại sao phụ nữ ít tham gia vào nền kinh tế số.

Covid-19 đang là chất xúc tác cho sự thay đổi để hướng tới một nền kinh tế số. Các dịch vụ trực tuyến tiện ích mới đang được phát triển, trong khi đó việc dạy và học trực tuyến cũng có thể giúp trang bị các kỹ năng cho người lao động trong các nền kinh tế ASEAN.

Nữ giới với nền kinh tế số

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế số sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ tạo ra nhu cầu cao hơn đối với các công việc và kỹ năng liên quan đến kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là những người có khả năng phát triển và thành thạo các kỹ năng số cần thiết sẽ thành công và ngược lại.

Trong khi đó, hầu hết phụ nữ là những người không may rơi vào nhóm thứ hai - những người thiếu kỹ năng và khả truy cập công nghệ số. Trung bình phụ nữ sử dụng và truy cập công nghệ số ít thường xuyên hơn nam giới.

Theo dữ liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), cơ quan của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ phụ nữ sử dụng Internet trong năm 2019 là 48% so với 58% đối với nam giới trên toàn cầu. Khoảng cách này đã gia tăng trong vài năm qua ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo phân tích gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã cho thấy một số quốc gia Đông Nam Á có sự chênh lệch lớn về giới tính.

Indonesia là một ví dụ điển hình về sự phân chia giới tính trong môi trường số lớn nhất trong tất cả các nền kinh tế APEC.

ASEAN thúc đẩy thu hẹp khoảng cách về giới trong thời đại công nghệ số - Ảnh 2.

Nguồn: Diễn đàn Kinh tế thế giới

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng tụt hậu hơn so với đàn ông về năng lực công nghệ. Những kỹ năng công nghệ số có thể có được trong các quá trình học tập và sẽ trở nên cần thiết hơn để có thể tiếp cận được với các cấp học cao hơn và các công việc chuyên nghiệp.

Ngày nay, một tỷ lệ nhỏ phụ nữ đã được tiếp cận và hoàn thành các chương trình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ có 3% sinh viên tốt nghiệp các chương trình giáo dục về CNTT (ICT) trên toàn thế giới là phụ nữ, 5% cho các khóa học về toán học và thống kê và 8% về kỹ thuật, sản xuất và xây dựng.

Những kỹ năng như kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng phát triển, thích ứng và giám sát thuật toán máy, khả năng giao tiếp kỹ thuật số, khả năng xử lý công việc với robot và tự động hóa, đang trở thành chìa khóa trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0). Sự kết hợp của các kỹ năng này ngày càng trở nên quan trọng, làm cho người lao động, cả nam và nữ có thể tham gia và vượt trội trong nền kinh tế số.

ASEAN thúc đẩy thu hẹp khoảng cách về giới trong thời đại công nghệ số - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: AFP)

Tạo cơ chế khuyến khích phụ nữ tham gia vào nền kinh tế số

Là một phần trong những kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19, các chính phủ cần xem xét các hành động cụ thể để đảm bảo phát triển một nền kinh tế số toàn diện hơn. Các chính sách và chương trình có thể sửa đổi để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái có được các công cụ cần thiết và loại bỏ các rào cản giúp họ tham gia vào thế giới số.

Mặc dù đã có những chương trình và chính sách ở Đông Nam Á nhằm giải quyết khoảng cách về giới, nhưng vẫn còn tương đối hạn chế và không tạo ra được sự thay đổi rộng rãi. Do đó cần có các hoạt động cụ thể kết hợp với các kế hoạch phục hồi sau Covid-19.

Một số chương trình và hành động có thể được thực hiện ở cấp khu vực. Ví dụ, các chiến dịch tăng nhận thức về cơ hội giáo dục trong những ngành này cho nữ giới. Các chiến dịch này có thể bổ sung các ưu đãi cho sinh viên nữ trong giáo dục STEM.

Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực cũng cần phát triển các chương trình đặc biệt để hỗ trợ cho các doanh nhân nữ trong lĩnh vực công nghệ bao gồm đầu tư mạo hiểm để tạo ra các DN khởi nghiệp đổi mới (90% các DN khởi nghiệp này thuộc sở hữu của nam giới); Tạo ra các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức liên quan đến định kiến giới và phân biệt đối xử, đã ngăn cản nữ giới không thể tham gia vào nền kinh tế số; Khuyến khích các nhà tài trợ để phát triển và tạo quỹ cho các chiến dịch và chương trình theo nhu cầu và chỉ thị của các nhà lãnh đạo khu vực với đầu vào là từ nguồn xã hội hóa.

Ở cấp quốc gia, các quốc gia thành viên ASEAN có thể xem xét giải quyết cụ thể các vấn đề của các DN do phụ nữ lãnh đạo và các cơ hội giáo dục cho nữ giới khi phát triển kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 để đảm bảo rằng họ sẽ có được những cơ hội giống như nam giới.

Bên cạnh đó, các nước cần đầu tư vào các chương trình giáo dục STEM và CNTT cho nữ giới ngay từ cấp tiểu học và tạo ra các lộ trình, cơ chế giúp phụ nữ chuyển đổi sang các công việc thuộc nhóm ngành STEM; Phát triển các chiến lược số quốc gia hậu Covid-19 bao gồm giải quyết các vấn đề về khoảng cách giới tính cũng như việc tiếp cận với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và ưu tiến kết nối cho phụ nữ ở các khu vực kém phát triển hay nông thôn trong khối ASEAN.

ASEAN đang đứng trước một cơ hội lớn để giải quyết các vấn đề về khoảng cách giới trong nền kinh tế số. Chiếm 50% nguồn lực lao động lành nghề tiềm năng, hãy chắc chắn rằng nữ giới là một phần trong tiến trình chuyển đổi số của khu vực.

Bài liên quan
  • Khát vọng về Đại học số 1 về công nghệ số
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo và định hướng quan trọng về hướng phát triển của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trong thời gian tới tại buổi thăm và làm việc với Học viện ngày 19/3.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội từ Covid-19 để ASEAN thu hẹp khoảng cách giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO