Công an TP. Hồ Chí Minh triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến góp phần đẩy lùi dịch bệnh

Gia Bách| 31/05/2021 14:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Ở thời điểm TP. Hồ Chí Minh một lần nữa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và một phường của quận 12 bị phong toả thực hiện theo chỉ thị 16, từ 0h ngày 31/5/2021 thì các dịch vụ đang được cung cấp trên Cổng thông tin dịch vụ công (DVC) càng có ý nghĩa hơn trong việc góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Công an TP.HCM đi đầu trong cả nước khi cung cấp 150 DV hành chính công - Ảnh 1.

Cổng thông tin DV hành chính công Công an TP.HCM tại địa chỉ: http://congdvc.catphcm.bocongan.gov.vn.

Công an TP. HCM (CATP) đã cho ra mắt Cổng thông tin dịch vụ hành chính công CATP tại địa chỉ: http://congdvc.catphcm.bocongan.gov.vn vào ngày 19/5/2021 vừa qua.

Theo thông tin từ Cổng thông tin dịch vụ hành chính công CATP: Cổng DVC hoạt động trên môi trường Internet nhằm công khai, minh bạch và hiện đại hóa công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP. HCM cho biết: "Đây là hệ thống Cổng thông tin dịch vụ hành chính công, đầu mối tập trung tất cả DVC trực tuyến của CATP. Việc ra mắt cổng thông tin này cũng nằm trong lộ trình cập nhật, xây dựng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử của ngành Công an vốn đã được thực hiện trong nhiều năm qua và ngày càng phát huy hiệu quả, được người dân đánh giá cao".

Người dân được hưởng lợi gì từ Cổng thông tin dịch vụ hành chính công CATP?

Vẫn theo Đại tá Quang, hiện tại, cổng DVC tập trung 150 DVC trực tuyến trên 11 lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, thuộc chức năng của 7 phòng, công an cấp huyện và công an cấp xã, với: 132 dịch vụ công mức độ 2, 17 dịch vụ công mức độ 3 và 1 dịch vụ công mức độ 4.

Đây là các lĩnh vực thiết yếu gắt kết với đời sống hàng ngày của nhân dân, ví dụ như: thông qua hệ thống này người dân có thể khai thác, thực hiện các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của CATP trên các lĩnh vực: Quản lý xuất nhập cảnh; Quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Đăng ký, quản lý con dấu; Cấp, quản lý căn cước công dân; Đăng ký, quản lý cư trú; Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chính sách; Tổ chức cán bộ; Khiếu nại...

Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện nay, Cổng thông tin dịch vụ hành chính công CATP cũng đang cung cấp 18 thủ tục tra cứu cùng nhiều thông tin có liên quan khác.

Như vậy, trước kia, khi chưa có Cổng thông tin dịch vụ hành chính công này, người dân phải mất thời gian đi lại, chờ đợi để thực hiện hay đăng ký khi cần làm các thủ tục nói trên tại các cơ quan Công an thuộc CATP, thì đến thời điểm hiện nay, người dân Thành phố đã có thể ngồi tại nhà để khai thác, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm quyền của cơ quan công an một cách thuận tiện.

Theo bà Phạm Thị Liệu, ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, quận 1, TP. HCM: "Việc CATP triển khai các DV hành chính công trong thời gian qua đã giúp ích cho người dân chúng tôi trong việc tiết kiệm thời gian, đồng thời chủ động hơn trong công việc hàng ngày. Mong rằng Cổng thông tin dịch vụ hành chính công này sẽ tiếp tục được cập nhật, và triển khai nhiều dịch vụ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là trong đại dịch Covid-19, mọi người đều phải hạn chế ra đường, tránh tiếp xúc đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh".

Covid-19 và ý nghĩa của chính quyền điện tử (CQĐT)

Cổng thông tin dịch vụ này được xem là công cụ giao tiếp hai chiều mang lại hiệu quả cao, hữu dụng giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) với CATP. Đồng thời cũng là hoạt động tương thích với định hướng chung về hiện đại hóa nền hành chính của Chính phủ, Bộ Công an và UBND TP. HCM trong những năm qua, góp phần xây dựng CQĐT của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Không chỉ với Cổng thông tin dịch vụ hành chính công CATP vừa được triển khai, để thực hiện lộ trình CQĐT, trong những năm qua CATP đã xây dựng, tuyên truyền, và khuyến khích người dân Thành phố thực hiện nhiều TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành công an trên Cổng DVC Quốc gia và những Cổng thông tin dịch vụ hành chính công khác.

Chính vì thế, gần đây nhất, theo lãnh đạo CATP, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc tăng cường sử dụng các kênh giao tiếp trên mạng Internet, hình thức trực tuyến để giải quyết TTHC, hạn chế tối đa tiếp xúc đông người, nhiều đơn vị thuộc CATP đã và đang vận động, khuyến khích người dân, tổ chức, DN sử dụng DV trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của CATP.

Công an TP.HCM triển khai DV hành chính công trực tuyến góp phần đẩy lùi dịch bệnh - Ảnh 2.

CATP đã và đang vận động, khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến để giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền của CATP.

Điển hình như việc đăng ký xe và xử lý vi phạm hành chính thông qua Cổng DVC Quốc gia với 2 DV gồm: Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đăng ký xe có chứng từ nộp lệ phí trước bạ điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Với 2 dịch vụ nói trên, người dân TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung, có thể sử dụng các dịch vụ như: Thu nộp hộ tiền xử phạt vi phạm hành chính, chuyển trả giấy tờ bị tạm giữ và giấy chứng nhận đăng ký xe qua dịch vụ bưu chính công ích; Thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy qua Cổng DVC quốc gia… để hạn chế việc đi lại, hoặc đến trụ sở cơ quan Cảnh sát giao thông.

Ở thời điểm này, việc chuyển từ môi trường giao dịch trực tiếp sang hoạt động trực tuyến, đẩy mạnh triển khai DVC trực tuyến, tiếp nhận, trả kết quả thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu điện không chỉ là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tránh được việc tập trung, tiếp xúc đông người, hạn chế người dân đến nơi công cộng, phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức DN khi đến giao dịch, tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện các TTHC thuộc chức năng của ngành Công an.

Được biết, với việc ra mắt Cổng thông tin DV hành chính công, CATP là cơ quan công an địa phương đầu tiên trong cả nước, xây dựng, triển khai thành công Cổng thông tin DV hành chính công của ngành Công an, sau Bộ Công an.

Trong lộ trình tham gia xây dựng CQĐT của CATP trong thời gian qua, ngoài việc triển khai Cổng thông tin dịch vụ hành chính công, CATP đã tích cực triển khai nhiều hoạt động có liên quan, ví dụ như cung cấp các dịch vụ hành chính công có liên quan trên Cổng DVC của Thành phố, hay Cổng DVC của bộ Công an và cả Cổng DVC Quốc gia...

Cuối cùng, vẫn theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành như hiện nay, Cổng thông tin DVC của CATP sẽ giúp người dân, tổ chức và DN không phải đến các đơn vị thuộc CATP mà vẫn có thể tìm hiểu được các TTHC, khai báo hồ sơ tại nhà, chủ động thời gian nộp, giải quyết hồ sơ, tránh tập trung đông và tiếp xúc đông người giúp tăng cường, phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, xây dựng Thành phố an toàn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công an TP. Hồ Chí Minh triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến góp phần đẩy lùi dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO