Công nghệ số - Cơ hội tạo đột phá cho tiếp cận và thúc đẩy thanh toán số

Bùi Huyền| 19/02/2021 08:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Các công nghệ số sẽ tạo nên đột phá quan trọng trong triển khai các dịch vụ ngân hàng mới hiện đại, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Xu hướng ứng dụng các công nghệ này không chỉ giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng, cung cấp các sản phẩm ngân hàng mang tính cá nhân hóa cao đến người dùng đúng thời điểm, đúng nhu cầu mà còn mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ cho người dân ở những khu vực không được phục vụ.

Thị trường thanh toán số Đông Nam Á: Cơ hội và thách thức

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, các công nghệ thanh toán mà cách đây vài năm còn mới lạ đang trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Đây là kết quả của sự tiến bộ rõ ràng từ một xã hội dùng tiền mặt sang một xã hội không tiền mặt, khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp ngày càng ưa chuộng hơn các giải pháp số trong công việc, cuộc sống và thói quen vui chơi của mình. Điều này càng được khẳng định khi dự báo của Statista ước tính giá trị giao dịch khổng lồ thông qua thanh toán số ở mức 4,9 tỷ USD năm 2020. Mức dự báo này tăng vọt 23,7% so với cùng kỳ, dù đã tính đến tác động của đại dịch COVID-19.

Công nghệ số - Cơ hội tạo đột phá cho tiếp cận và thúc đẩy thanh toán số - Ảnh 1.

Ngay cả khi người ta tính đến những thiệt hại nặng nề của COVID-19 có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hàng năm của thương mại kỹ thuật số từ 15,7% và 13,7% trong hai năm trước xuống chỉ còn 4,8% trong năm nay, thị trường thanh toán số toàn cầu vẫn được dự báo sẽ phát triển với quy mô khoảng 8,2 tỷ USD (bao gồm cả thương mại số và hệ thống POS di động).

Số liệu của Statista cho thấy, có tới 46,6% dân số toàn cầu sẽ tiếp cận với thương mại số (chủ yếu là mua sắm trực tuyến) vào cuối năm 2020. Hiện 1,3 tỷ người đang sử dụng một số hình thức thanh toán di động cho việc kinh doanh, mua sắm, dịch vụ ngân hàng và hàng loạt dịch vụ khác, buộc các doanh nghiệp - từ cửa hàng tạp hóa đến siêu thị - bắt đầu chấp nhận các phương thức thanh toán như vậy.

Tại khu vực Đông Nam Á, người tiêu dùng cũng dần chuyển sang thanh toán số và đại dịch COVID-19 chính là "cú hích" thúc đẩy nhanh sự chuyển dịch này. Số liệu của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy tại Singapore, 2/3 người tiêu dùng thích thanh toán bằng thẻ và các ứng dụng di động, gần 4/5 người cho biết họ thích tiếp tục sử dụng thanh toán số thay vì quay lại bằng tiền mặt. Tuy nhiên, hiện vẫn có hơn 438 triệu người dân ở Đông Nam Á chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Khu vực Đông Nam Á có nhiều lợi thế để thúc đẩy sự thành công và phát triển nhanh chóng của thanh toán số giống như ở Trung Quốc: mức độ thâm nhập kỹ thuật số cao, sự đầu tư mạnh mẽ vào các công ty khởi nghiệp và nền tảng kỹ thuật số, sự mở rộng ổn định của thanh toán điện tử và các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ. Trong đó, khả năng thâm nhập kỹ thuật số cao và người tiêu dùng hiểu biết về công nghệ số là những điều kiện tiên quyết quan trọng để phát triển thanh toán số ở các quốc gia này.

Cụ thể, trên khắp Đông Nam Á, hơn 70% thế hệ Millennial kết nối với Internet. Hơn nữa, người tiêu dùng Đông Nam Á là một trong những người dùng tham gia vào kỹ thuật số nhiều nhất trên thế giới. Ví dụ, người dân Thái Lan, Malaysia hoặc Indonesia trung bình dành 4 giờ mỗi ngày trên điện thoại di động. 

Mặt khác, theo ước tính của BCG hiện chỉ có 10% dân số Đông Nam Á (hơn 660 triệu) đang sử dụng ví điện tử, hơn 174 triệu người tiêu dùng trong khu vực không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, trong khi 30 triệu người khác không có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Bởi vậy, gần 3/4 khoản thanh toán của người tiêu dùng ở sáu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam - được giao dịch bằng tiền mặt. Một biểu hiện về khoảng cách giữa các tổ chức tài chính chính thức và các hộ gia đình thu nhập thấp ở Đông Nam Á là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động cho vay ngang hàng (P2P), nhằm giúp các cá nhân vay trực tiếp từ các cá nhân khác.

Để thúc đẩy thị trường tài chính số của Đông Nam Á đạt được bước nhảy vọt tiếp theo về quy mô, các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống và các doanh nghiệp công nghệ cần phải giải quyết một số thách thức lớn. Đầu tiên, họ phải tìm ra cách kiếm tiền từ cơ sở khách hàng của họ bằng những mô hình kinh doanh sáng tạo mới mà không phụ thuộc vào các ưu đãi tài chính, như chiết khấu hay chương trình hoàn tiền, để cải thiện thị phần. Thứ  hai là mở rộng vùng phục vụ của mình tới các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và giành được sự chấp nhận rộng rãi hơn của người dân cũng như các doanh nghiệp trong khu vực. Thứ ba là mở rộng danh mục các dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, từ các khoản vay và các sản phẩm tài chính có giá trị cao hơn tới hỗ trợ người tiêu dùng không có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cũng cần trở nên thân thiện hơn với người tiêu dùng. 

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Chỉ trong hai năm - từ năm 2017 đến năm 2019 - số lượng người dùng ví điện tử trên toàn cầu đã tăng trưởng nhanh chóng từ 500 triệu lên 2,1 tỷ. Các quốc gia đang phát triển chiếm phần lớn sự tăng trưởng đó: riêng Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 70% tổng số người dùng ví điện tử; trong khi châu Phi và Trung Đông chỉ chiếm 12%.

Các quốc gia đang phát triển chính là các nước tiên phong trong cuộc cách mạng thanh toán số, nguyên nhân là do các dịch vụ tài chính tiêu dùng thông thường còn kém phát triển và có nhiều rào cản. Tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng thường khó nhận được thẻ tín dụng từ ngân hàng do không có cách nào để xác minh mức độ tín nhiệm của người vay cũng như khả năng trả nợ. Thậm chí, nếu có thẻ tín dụng, nhiều thương gia còn không sử dụng.

vì phí rất cao. Trong khi, thanh toán bằng tiền mặt bộc lộ nhiều bất tiện; việc tìm máy ATM để rút tiền, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, thường rất khó khăn. Mặt khác, để sử dụng máy ATM lại yêu cầu có tài khoản ngân hàng, và để làm được thủ tục thường yêu cầu nhiều giấy tờ. Đồng thời, quá trình đăng ký và hoàn thành các giao dịch điện tử thông qua tài khoản ngân hàng có thể tốn nhiều thời gian và phức tạp.

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nó đã thúc đẩy nhiều hộ gia đình Đông Nam Á chấp nhận thanh toán số. So với thanh toán tiền mặt, ví điện tử có thể được coi là phương tiện mua hàng an toàn hơn khi người tiêu dùng ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Trong những tháng đầu tiên sau khi bùng phát dịch bệnh, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Singapore, đã có sự gia tăng mạnh mẽ trong các giao dịch thanh toán số và dịch vụ giao hàng tận nhà đối với các mặt hàng thực phẩm và hàng tạp hóa.

Mặt khác, các giao dịch thanh toán - hoạt động tương tác thường xuyên nhất với khách hàng - chính là một nguồn dữ liệu vô cùng quý giá về sở thích, mối quan tâm và hành vi mua hàng của khách hàng, vì vậy một loạt các công ty tài chính phi truyền thống đã khai thác để cung cấp các giải pháp thanh toán sáng tạo, chi phí thấp và thuận tiện. Điển hình là ở Trung Quốc, ví điện tử Alipay, thuộc sở hữu của công ty Ant Financial - một công ty con của Alibaba, có hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, trong khi WeChat Pay của Tencent có khoảng 900 triệu người dùng.

Các nhà cung cấp dịch vụ di động cũng tham gia mạnh mẽ vào phân khúc này, ví dụ ở Kenya, M-Pesa xử lý các khoản thanh toán có giá trị bằng gần một nửa GDP của đất nước. Trong số 41 nhà khai thác ví điện tử ở Indonesia được cấp phép bởi ngân hàng trung ương, 14 nhà khai thác đã bắt đầu hoạt động trong năm qua. Dựa trên số lượng người dùng hoạt động hàng tháng vào năm 2019, 5 ứng dụng ví điện tử hàng đầu trên di động là Gojek, Ovo, DANA, LinkAja và Jenius. 

Trong bối cảnh đó, để bảo vệ thị phần của mình, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh đầu tư để cải thiện các dịch vụ ngân hàng số và nâng cao trải nghiệm thanh toán cho khách hàng thông qua ví điện tử, ngân hàng số,… Một số ngân hàng đã tung ra ví điện tử của riêng họ hoặc hợp tác với các công ty cung cấp ví điện tử.

Công nghệ số - Cơ hội tạo đột phá cho tiếp cận và thúc đẩy thanh toán số Mặc dù hơn 70% người trưởng thành ở Đông Nam Á vẫn trong tình trạng không có tài khoản ngân hàng hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống, nhưng mức thâm nhập của điện thoại thông minh và Internet di động đã tăng lên nhanh chóng. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng tiếp cận được nhiều hơn nữa tới cộng đồng chưa được phục vụ này, bất chấp những trở ngại do đại dịch gây ra. Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đang thay đổi cách người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Họ chính là những người thúc đẩy sự thay đổi này khi tìm kiếm các trải nghiệm thanh toán thông minh để mang lại sự tiện lợi và đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Việc sử dụng phổ biến các thiết bị di động đã có tác động lớn đến việc tăng cường sử dụng và chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Người tiêu dùng trong khu vực hiện đang sử dụng điện thoại di động của họ để thanh toán hàng ngày, bao gồm chuyển tiền cho bạn bè và gia đình, thanh toán hóa đơn, trả tiền đi lại và ăn uống.

Mặt khác, các công cụ tài chính sáng tạo (ví điện tử, Chatbot AI, QR code, các nền tảng số,...) phần nào giải quyết được những thách thức hiện nay trong việc xóa bỏ khoảng cách về tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Qua đó, người dân trong khu vực, đặc biệt là thanh niên và thế hệ Millennial, sẽ được trải nghiệm các dịch vụ thanh toán số mới dễ dàng hơn với nhiều lợi ích và tham gia vào nền kinh tế không dùng tiền mặt toàn cầu.

Thanh toán qua ứng dụng (Ví di động)

Trong một vài năm gân đây, thị trường thanh toán qua ứng dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là ví di động. Người tiêu dùng được giới thiệu nhiều loại ví di động, với nhiều lựa chọn phương thức thanh toán. Đó có thể là dịch vụ thanh toán qua thẻ, trong đó thẻ thanh toán được liên kết với ví hay người dùng cần phải nạp tiền vào ví trước khi sử dụng. Theo khảo sát của Visa, 70% người được hỏi ở Đông Nam Á hiện đang sử dụng dịch vụ thẻ trực tiếp để thanh toán cho các giao dịch của họ, trong khi 67% thực hiện các giao dịch thông qua ví di động bằng cách nạp tiền vào ví.

Người tiêu dùng trong khu vực đang ngày càng thực hiện thanh toán hàng hóa và dịch vụ thông qua chức năng thanh toán trong ứng dụng. Các danh mục ứng dụng phổ biến bao gồm gọi xe (Go Jek, Grab), giao đồ ăn (Food Panda, Deliveroo) và bán lẻ (Lazada, Shopee).

QR code 

Mã QR hiện đang được sử dụng cho nhiều loại thanh toán. Ở một số thị trường Đông Nam Á, thanh toán bằng mã QR thường được được sử dụng trong các quán cà phê, nhà hàng phục vụ nhanh hoặc vận chuyển công cộng. Một số lợi ích hàng đầu cho việc sử dụng thanh toán QR là giao dịch nhanh hơn và dễ sử dụng. Thanh toán QR code được chấp nhận trên toàn khu vực trong nhiều danh mục dịch vụ, phổ biến nhất là tại các cửa hàng bán lẻ và cửa hàng thức ăn nhanh.

 Chatbot AI

Một chatbot AI là một máy tính hoặc một chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tiến hành các cuộc trò chuyện và mô phỏng cách một con người sẽ giao tiếp với đối tác. Một chatbot hoặc trợ lý giọng nói có thể phản hồi và thực hiện các hành động dựa trên nội dung cuộc trò chuyện diễn ra.

Ứng dụng chatbot trong lĩnh vực ngân hàng có thể mang lại những sự thay đổi lớn trong trải nghiệm của khách hàng và đáp ứng được kỳ vọng của họ. Chatbot có thể tự động trả lời tất cả các câu hỏi thường được hỏi lặp đi lặp lại (việc trả lời các câu hỏi này vô cùng tốn thời gian), đồng thời chúng có tác động rất lớn đến hiệu suất của các bộ phận.

Các khách hàng có thể sử dụng chatbot để kiểm tra số dư tài khoản tiết kiệm, xem bảng sao kê và hỏi lời khuyên về các gói tiết kiệm có lợi nhất,...

Các công nghệ tự phục vụ (Dịch vụ ngân hàng tự động) 

Công nghệ tự phục vụ không ngừng phát triển ở Đông Nam Á, được người tiêu dùng trong khu vực biết đến và sử dụng. Trong lĩnh vực ngân hàng, đó chính là các dịch vụ ngân hàng tự động. Các nền tảng này được tích hợp đầy đủ các chức năng giao dịch ngân hàng cơ bản: tự động các giao dịch gửi tiền, rút tiền, đổi tiền, truy vấn thông tin qua máy tự động, gọi điện đến Trung tâm dịch vụ khách hàng  24/7 và giao dịch ngân hàng trực tuyến.

Dịch vụ ngân hàng tự động vốn rất phổ biến ở các nước phát triển, giúp khách hàng linh hoạt và chủ động hơn khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, xóa bỏ hạn chế về thời gian. Công nghệ này đặc biệt phù hợp với đối tượng khách hàng vãng lai, khách du lịch trong nước, quốc tế và một bộ phận không nhỏ những khách hàng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng ngoài giờ làm việc.

Tài liệu tham khảo

[1]. Southeast Asian Consumers Are Driving a Digital Payment Revolution, https://www.bcg.com/ 

[2].  Future of digital payments, https://www.infosys.com/. 

[3].  Visa COVID-19 Sensor: Consumer pandemic behaviour in Singapore https://www.statista.com/,   

[4]/ https://tpb.vn/,   https://tuoitre.vn

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2021) 

Bài liên quan
  • Khát vọng về Đại học số 1 về công nghệ số
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo và định hướng quan trọng về hướng phát triển của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trong thời gian tới tại buổi thăm và làm việc với Học viện ngày 19/3.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ số - Cơ hội tạo đột phá cho tiếp cận và thúc đẩy thanh toán số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO