Công nghệ tài chính nào đang thu hút cộng đồng?

Thái Minh| 25/12/2021 13:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cho vay tiêu dùng đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, thay đổi phần lớn tư duy: không nhất thiết phải "tiết kiệm trước, tiêu sau", mà có thể "vay mua trước, trả sau".

“Cái chết” của “ông lớn” công nghệ ảnh Kodak

Cùng nhìn lại câu chuyện về thương hiệu máy ảnh nổi tiếng thế giới Kodak, trong nhiều thập kỷ, Kodak và hình ảnh của họ đã song hành cùng nhau. Đối với nhiều người, không có thương hiệu nào có thể vượt được Kodak khi nói đến nhiếp ảnh. Nhưng sau khi thống trị trong thời gian dài, Kodak “bỗng” trở nên mờ nhạt. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào mà ông trùm nhiếp ảnh này có thể biến mất? Đó có phải là do cuộc cách mạng ảnh kỹ thuật số mà Kodak đã hoàn toàn không chú ý đến những gì thị trường mong muốn?

Công nghệ tài chính nào đang thu hút cộng đồng? - Ảnh 1.

Thực tế, Kodak đã có thể thâm nhập vào thị trường máy ảnh kỹ thuật số, nhưng họ không chấp nhận rằng truyền thống và công nghệ có thể tồn tại cùng nhau. Kodak đã thua lỗ trong mỗi lần bán máy ảnh, cộng với việc các đối thủ cạnh tranh bán với giá rẻ hơn, từ đó dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của đế chế này.

Nhìn từ câu chuyện trên để thấy rằng, trong những năm qua, ở bất cứ lĩnh vực nào, ngay cả với tài chính, thì công nghệ nói chung chính là cuộc cách mạng mạnh mẽ nhất, để mở ra khả năng tiếp cận nhanh chóng với mức giá rẻ hơn và dịch vụ an toàn hơn . Chính vì vậy, sự bùng nổ của Fintech (công nghệ tài chính) đã và đang thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc đẩy mạnh phổ cập tài chính cho người dân, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đây cũng chính là mục tiêu hoạt động chủ đạo của các tổ chức tài chính vi mô, tài chính tiêu dùng.

Fintech lớn mạnh, ngân hàng trưởng thành

Theo khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng năm 2019, 84% lãnh đạo ngân hàng cho biết mong muốn hợp tác với các công ty Fintech để cùng phát triển dựa trên thế mạnh sẵn có của mỗi bên. Đồng thời, các quy trình nghiệp vụ tín dụng như xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản… cũng có thể chia sẻ cho các công ty Fintech. Chính vì Fintech tạo ra những thay đổi mang tính bản lề đối với hoạt động tài chính, nên gần như chắc chắn các tổ chức tài chính không sử dụng Fintech sẽ trở nên lạc hậu và mất dần khả năng cạnh tranh.

Trước xu hướng không thể bỏ qua, một trong những khoản đầu tư trong nước đáng chú ý đã diễn ra trong những năm gần đây đó là, VPBank vào FE Credit; VIB vào công ty Fintech Weezi cho ra mắt sản phẩm MyVIB Keyboard, một ứng dụng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank đã kết hợp với Fintech Fastacash giới thiệu tính năng F@st Mobile, phương thức chuyển tiền nhanh chóng qua Facebook và Google+; Vietcombank hợp tác với M_Service trong thanh toán chuyển tiền,... cùng nhiều hoạt động khác nữa.

Về vấn đề này, Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đánh giá, xu hướng hợp tác giữa ngân hàng và Fintech là “không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay và nhờ vào Fintech, các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số”.

Thực tế, các ngân hàng đã từng trang bị dự án Mobile Banking cách đây khoảng 10 năm, nhưng một số đã phải dừng lại vì chi phí đầu tư quá lớn. Và khi bắt đầu có sự hợp tác giữa Ngân hàng và Fintech thì Mobile Banking và Internet Banking trở nên tất yếu và phổ biến hơn.

Đến nay, các ngân hàng đã phần nào thành công khi tập trung vào hai hướng: đầu tư công nghệ “phù hợp” và điều phối siêu cá nhân hóa.

Công nghệ tài chính nào đáng quan tâm?

Trên thế giới, với sự ra đời và xuất hiện của Internet vào đầu những năm 1990, Fintech cuối cùng đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới. Wells Fargo, vào năm 1995, trở thành ngân hàng đầu tiên cung cấp cho khách hàng tài khoản séc ngân hàng trực tuyến. Sau đó, thương mại điện tử đã mở đường cho người tiêu dùng trở nên thoải mái hơn với việc thanh toán hàng hóa trực tuyến. Và trong khi nhiều công ty không sống sót sau vụ nổ bong bóng Dot-com vào cuối những năm 1990, một số công ty chiến thắng vẫn xuất hiện, bao gồm Amazon, eBay hoặc PayPal,...

Công nghệ tài chính nào đang thu hút cộng đồng? - Ảnh 2.

Kỷ nguyên mới đã chứng kiến những bước phát triển hơn nữa trong không gian tiêu dùng cũng như kinh doanh. Các hình thức tài trợ và đầu tư mới, chẳng hạn như nền tảng cho vay ngang hàng P2P Lending, cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính hoặc huy động vốn cộng đồng đã xuất hiện, mang lại cho người tiêu dùng và chủ sở hữu doanh nghiệp nhiều nguồn vốn hơn.

Đặc biệt, sự xuất hiện của ngân hàng số, là những ngân hàng trực tiếp chỉ hoạt động trực tuyến và không dựa vào mạng lưới chi nhánh thực. Thay vào đó, chúng chủ yếu được cung cấp thông qua các ứng dụng di động.

Tại Việt Nam, các mô hình Fintech cũng đã bùng nổ và bắt nhịp nhanh chóng với quốc tế. Điều này giúp các công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C - Business to Consumer) phát triển, đồng thời thị trường kinh doanh theo mô hình giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B - Business to Business) kém phát triển cũng sẵn sàng để tăng trưởng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cho vay tiêu dùng đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, mang lại cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập trung bình thấp. Đồng thời, giúp người nghèo tránh được vòng luẩn quẩn khi phải đi vay "tín dụng đen" với lãi suất quá cao. Hiện nay, ngoài việc kết hợp với các doanh nghiệp điện máy, bán lẻ cho vay mua trả góp hàng hóa, các công ty tài chính đang triển khai nhiều gói vay phù hợp cho từng nhu cầu cụ thể của người dân.

Anh Nguyễn Mạnh Hoà (Hà Nội) chia sẻ, kể từ khi tài chính tiêu dùng phát triển liên kết với các siêu thị bán hàng, anh và gia đình đã thay đổi tư duy và thói quen tiêu dùng hoàn toàn. Các sản phẩm như đồ gia dụng, công nghệ và cả xe máy cũng đều mua theo hình thức trả góp. “Điều này giúp chúng tôi hạch toán chi tiêu và có kế hoạch tài chính rõ ràng hơn, góp phần tiết kiệm và ổn định kinh tế trong gia đình”, anh Hoà bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Một xã hội với cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính mở rộng cho tất cả mọi người sẽ thúc đẩy sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng nói chung, cải thiện công bằng và bình đẳng, năng lực của toàn xã hội cũng theo đó được nâng lên".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ tài chính nào đang thu hút cộng đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO