COVID-19 tác động đến Hệ sinh thái công nghệ tài chính như thế nào?

Nguyễn Bác Uyên biên dịch và tổng hợp | 26/05/2020 09:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Trên thế giới, các hệ sinh thái công nghệ tài chính (Fintech) đã góp phần thúc đẩy các phát minh công nghệ thông tin, phát triển thị trường tài chính, cải thiện các hệ thống tài chính - ngân hàng và tăng cường trải nghiệm khách hàng. Bằng việc thu hút nhân tài ở nhiều lĩnh vực và nguồn vốn đầu tư dồi dào, các hệ sinh thái Fintech cho thấy khả năng kích thích nền kinh tế ở mức độ tổng thể.

Hiện nay, toàn bộ hệ sinh thái tài chính đang bị rung chuyển khi các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên toàn thế giới đang phải đối phó với tác động của COVID-19, và điều quan trọng hơn bao giờ hết là cần phải điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh mới.

Sôi động thị trường Fintech

Sự tăng trưởng dưới tác động của các công ty Fintech đã không giảm đi khi bước vào năm 2020, với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các Fintech tư nhân của Mỹ trong năm 2019 là 18 tỷ đô la so với 13 tỷ đô la vào năm 2018, theo CB Insights và PwC. Phần lớn sự tăng trưởng tập trung vào các công ty sử dụng dữ liệu, phân tích và công nghệ tiên tiến để nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng.

COVID-19 tác động đến Hệ sinh thái công nghệ tài chính như thế nào?   - Ảnh 1.

Các công ty Fintech trên toàn cầu cũng đang được hưởng lợi từ các quy định linh hoạt hơn ở cả các quốc gia mới nổi cũng như các quốc gia phát triển, trong khi các tổ chức tìm cách cải thiện tài chính toàn diện phục vụ một nền kinh tế số rộng lớn hơn. Theo báo cáo từ Ecosystm, có 5 xu hướng chính được dự kiến sẽ định hình thị trường Fintech trong năm 2020. Bao gồm: (1) Đầu tư nhiều hơn vào các nền tảng hỗ trợ tài chính toàn diện; (2) Tăng cường hợp tác và đầu tư vào các công ty Fintech bởi các ngân hàng truyền thống; (3) Châu Á là trung tâm của vũ trụ Fintech; (4) Gia tăng tầm quan trọng của dữ liệu tiên tiến và khởi nghiệp phân tích; (5) Các Regtech (ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành do các định chế tài chính) cung cấp tự động hóa cải thiện tuân thủ.

Trước khi dịch virus Corona bùng phát gần đây và dẫn đến sự bất ổn của thị trường, một số vụ mua lại lớn đã xảy ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Khi thị trường điều chỉnh một số thực tế mới, nhiều vụ mua lại, hợp tác và cộng tác có thể xảy ra, và có thể thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái ngân hàng hiện nay.

Hoạt động gần đây đã tập trung vào dữ liệu, phân tích nâng cao, thanh toán, cho vay và các cơ hội đầu tư. Những sự kết hợp này đưa ra một viễn cảnh tuyệt vời về các xu hướng trong hệ sinh thái ngân hàng rộng lớn hơn nhiều mà các nhà điều hành ngân hàng và tổ chức tín dụng có thể nhận thức được. Quan trọng hơn, việc xem xét các giao dịch gần đây như một lý do căn bản để bắt đầu lại tất cả các chiến lược đã được đặt ra trước khi xuất hiện virus Corona. Một số thương vụ sáp nhập lớn nhất thế giới từ đầu năm 2019:

Fiserv + First Data. Hãng công nghệ tài chính Mỹ Fiserv mua lại công ty dịch vụ tài chính, thanh toán First Data vào tháng 7/2019. Thương vụ này minh chứng tầm quan trọng của dữ liệu và được coi như là một phần của hệ sinh thái ngân hàng mới. Việc mua lại này củng cố vị thế của Fiserv trên thị trường với tư cách là đối tác thông tin cho cả các công ty tài chính truyền thống và phi truyền thống.Apple + Goldman Sachs. Những người khổng lồ này đã cùng cho ra mắt một thẻ tín dụng tiêu dùng mới vào tháng 8 năm 2019. Thẻ tín dụng mới của Apple hoạt động với ứng dụng ví kỹ thuật số của iPhone. Sự hợp tác này được tiếp nối vào năm 2020 với việc công bố hợp tác với Amazon để xử lý nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ sử dụng nền tảng Amazon để bán hàng.

PayPal + Honey. PayPal đã mở rộng phạm vi hoạt động sang thương mại điện tử vào tháng 11 năm 2019 bằng cách mua lại trợ lý mua sắm và chương trình phần thưởng của công ty Honey với giá 4 tỷ USD. Việc mua lại này cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một nền tảng cho các dịch vụ tài chính trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.

Schwab + TD Ameritrade. Việc mua lại TD Ameritrade bởi công ty môi giới Schwab được coi là một động thái cắt giảm chi phí, cho phép Schwab có khả năng cắt giảm hoa hồng để đáp ứng cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà cung cấp Fintech robo-thương mại (robo-trade).

Visa + Plaid. Một thâu tóm tương đối tích cực của các công ty Fintech, Visa đã đồng ý mua công ty khởi nghiệp Stripe với giá 5,3 tỷ đô la vào tháng 1/2019. Mạng dữ liệu của Plaid cho phép người tiêu dùng kết nối an toàn các tài khoản ngân hàng truyền thống của họ với các công ty Fintech như Venmo, Robinhood, Acorns, Betterment và Chime.

Morgan Stanley + E-Trade. Morgan Stanley sẽ chi khoảng 13 tỷ USD để mua lại toàn bộ cổ phần công ty môi giới chiết khấu trực tuyến E-Trade Financial. Đây được coi là thương vụ thâu tóm lớn nhất được thực hiện bởi một ngân hàng phố Wall kể từ giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Thương vụ sáp nhập được kỳ vọng sẽ tăng thêm sức mạnh cho đơn vị quản lý tài sản của Morgan Stanley, khi mang lại cho hãng thêm 5,2 triệu tài khoản khách hàng đang sử dụng dịch vụ của E-Trade với tổng tài sản 360 tỷ USD.

Ally + Cardworks. Việc mua lại CardWorks tiếp tục đa dạng hóa các dịch vụ sản phẩm của Ally, thêm một nền tảng thẻ tín dụng được thiết lập, hoạt động như một doanh nghiệp mua bán trên toàn quốc.

LendingClub + Radius Bank. Lần đầu tiên, một Fintech mua lại một ngân hàng truyền thống, tích hợp Radius Bank trong LendingClub sẽ cho phép Fintech chấp nhận tiền gửi của khách hàng và có được một nguồn tài trợ mới (và chi phí thấp hơn) cho các khoản vay.

Intuit + Credit Karma. Vào tháng 2, nhà sản xuất TurboTax Intuit đã công bố kế hoạch mua lại công ty giám sát tín dụng Credit Karma với giá 7,1 tỷ đô la. Giám đốc điều hành của Credit Karma cho biết việc kết hợp các lực lượng với Intuit sẽ giúp phát triển công ty nhanh hơn thông qua IPO.

Ant Financial + Klarna. Ant Financial Group, chủ sở hữu của nền tảng thanh toán Alipay của Trung Quốc, đầu tháng 3 vừa qua tuyên bố nắm giữ cổ phần thiểu số trong Klarna, nền tảng thanh toán của Thụy Điển. Klarna có sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Âu với một sản phẩm chủ lực cho phép khách mua hàng trước và trả tiền sau (thường là 14 hoặc 30 ngày sau khi mua). Trước khi có cổ phần trong Klarna, Ant Financial đã hợp tác với tập đoàn này thông qua sàn thương mại điện tử toàn cầu AliExpress của Alibaba. Tại sàn thương mại này, Klarna cung cấp các gói tùy chọn trả tiền sau của mình như các thị trường khác. Việc Ant Financial mua cổ phần của Klarna cho thấy, cả hai doanh nghiệp đang muốn thúc đấy mối quan hệ hợp tác trở nên ngày càng sâu sắc hơn, nhằm mục đích mang lại nhiều dịch vụ tài chính sáng tạo và tiện lợi hơn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Mặc dù thị trường chứng khoán có nhiều biến động, nhưng nhiều người tin rằng thị trường hiện tại đã chín muồi cho hoạt động đầu tư vào Fintech. Phần lớn hoạt động diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Các tổ chức Fintech có quy mô lớn và có khả năng mở rộng, sở hữu nền tảng phân tích dữ liệu mạnh, có thể tạo doanh thu và cung cấp hiệu quả và sự khác biệt kỹ thuật số trên thị trường. Một số giao dịch có thể có trong tương lai gần, bao gồm:

Stripe + Công ty thanh toán. Trong khi Stripe gần đây đã nhận được tài trợ 250 triệu đô la, thì cả Visa và American Express cũng là nhà đầu tư vào Fintech này. Tương tự như PayPal, khách hàng của Stripe tích hợp ứng dụng thanh toán của họ vào các ứng dụng và trang web trên điện thoại thông minh. Stripe cũng là một bộ xử lý thanh toán cho Facebook Pay.

Robinhood + Công ty đầu tư hoặc Ngân hàng truyền thống. Mặc dù Robinhood đã có một số thách thức (ứng dụng đã ngừng hoạt động khi thị trường đi xuống), nó vẫn là một mục tiêu tiềm năng rất lớn do có lượng khách hàng lớn (10 triệu khách hàng) và tiềm năng thị trường mạnh mẽ.

MoneyLion + Ngân hàng truyền thống. Với hơn 5 triệu khách hàng, MoneyLion sử dụng hiểu biết của khách hàng để bán chéo và phát triển sản phẩm, đây là một nền tảng công nghệ tích hợp hoạt động ngân hàng, quản lý tài chính cá nhân, môi giới kinh doanh và cho vay.

Chime + Ngân hàng truyền thống. Có nhiều người tin rằng Chime có thể cố gắng thực hiện theo các quy định hiện hành để có được một ngân hàng truyền thống, tương tự như những gì LendingClub đã làm với Radius Bank. Điều này sẽ đơn giản hóa các thách thức về quy định và giảm chi phí hoạt động.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, dịch bệnh Corona đã tác động làm giảm đà phát triển kinh tế của toàn cầu, do đó, nhu cầu tín dụng được dự báo là giảm, qua đó tác động đến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngành ngân hàng. Rõ ràng đây là một xu hướng lớn đang tác động đến đầu tư vào các công ty Fintech, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng ngân hàng số nhiều hơn.

Những tác động của COVID-19 đến thị trường Fintech toàn cầu

Tác động tiêu cực

Sự bùng phát của virus Corona đang tác động đến cả thị trường tài chính và cả hành vi của người tiêu dùng theo cách chưa từng thấy trước đó. Ít nhất là trong ngắn hạn, có một chuyến dịch đáng kể khi người tiêu dùng đầu tư an toàn hơn, điều này có thể tác động tiêu cực đến tài trợ quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) cho các công ty Fintech. Tiềm năng cạn kiệt tài chính đã khiến các công ty dịch vụ tài chính phi truyền thống có thể buộc phải tìm kiếm đối tác hợp tác hoặc đầu tư từ các tổ chức ngân hàng truyền thống. 

Một số công ty Fintech giai đoạn đầu có thể phải đóng cửa. Ngoài ra, đối với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán, tác động của sự sụt giảm dự kiến trong các giao dịch ở tất cả các cấp của nền kinh tế trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là các khoản phí thu được trong khi thanh toán sẽ giảm đi, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như định giá đối với các công ty thanh toán truyền thống, cũng như các công ty Fintech lớn như Chime. Sự thiếu hụt phần cứng cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty thanh toán như Square, do họ dựa vào các thiết bị kỹ thuật số để hỗ trợ xử lý giao dịch.

Tác động tích cực

Trước diễn biến phức tạp của dịch virus Corona, chưa bao giờ người ta thấy tầm quan trọng của công nghệ lại lớn đến vậy. Trong thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng lại mong muốn các dịch vụ ngân hàng số có thể sẽ tăng lên, điều này buộc nhiều tổ chức tài chính truyền thống phải nhanh chóng tìm kiếm các nỗ lực đổi mới kỹ thuật số. Do đó, nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng có thể tìm đến các công ty Fintech để được hỗ trợ đưa các giải pháp ngân hàng số tốt hơn ra thị trường. Sự gia tăng nhu cầu về các giải pháp kỹ thuật số này có thể cung cấp một phao cứu sinh cho các công ty Fintech tại thời điểm mà tài trợ của VC có thể không phải là một lựa chọn.

Ngoài ra, các nền kinh tế suy yếu có thể buộc các tổ chức chính phủ và cơ quan quản lý phải kích thích mở rộng các giải pháp Fintech. Chẳng hạn, Hàn Quốc đang lên kế hoạch tạm thời nới lỏng các quy định đối với Fintech và mười ngành công nghiệp khác trong tháng 3, trong nỗ lực khởi động nền kinh tế của nước này, trong bối cảnh dịch virus Corona bùng phát. Mặt khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến khích việc thanh toán không tiếp xúc.

Cuối cùng, khi những công ty Fintech, Regtech và các công ty phân tích và dữ liệu tiên tiến có thể vượt qua cơn bão virus Corona hiện tại, nhiều khả năng tài trợ mạo hiểm sẽ sẵn sàng khi đó. Theo nhiều báo cáo, các công ty đầu tư và đầu tư mạo hiểm đã lên kế hoạch với nguồn tiền đáng kể khi thị trường ổn định.

Và tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với số lượng các công ty Fintech tăng gần gấp bốn lần từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 150 công ty ở thời điểm Ngân hàng Nhà nước thực hiện khảo sát vào tháng 10/2019. Fintech tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển lớn, ước tính sẽ đạt doanh thu 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Trước tác động của virus Corona, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng - nguy cơ làm giảm nhu cầu tín dụng, tiềm ẩn nợ xấu, nhưng cũng là cơ hội để các ngân hàng Việt Nam phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trên thực tế tỷ lệ giao dịch tiền mặt vẫn đang chiếm 90% giao dịch của toàn Việt Nam, việc sợ lây nhiễm dịch cúm Corona khi giao dịch tiền mặt được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân về thanh toán số.

Mới đây, theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt mà không có nội dung giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty Fintech có hoạt động trung gian thanh toán như dự thảo trước đó. Theo một số chuyên gia tài chính, thông báo của Ngân hàng Nhà nước hướng tới một mục đích sâu xa hơn là để đạt mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm mang lại những lợi ích cho người dân sử dụng dịch vụ tài chính cũng như phát triển hạ tầng thanh toán của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng.

Với việc dự kiến bãi bỏ quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% của các Ví điện tử trong Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai Mobile Money trong năm 2020, thị trường Fintech trong nước sẽ rất sôi động và người dùng có nhiều phương tiện để thanh toán không dùng tiền mặt hơn.

Người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong thời kỳ virus Corona

Suy thoái kinh doanh không phải là hiếm gặp, và thường xảy ra trong các tình huống bất ngờ. Trong những giai đoạn thay đổi này, người chiến thắng và kẻ thua cuộc sẽ được xác định bởi những công ty có thể thực hiện chuyển đổi nhanh chóng và phản ứng quyết đoán với môi trường mới. Điều này không chỉ đúng trong ngân hàng, mà trong mọi ngành công nghiệp. Một loạt các câu hỏi được đưa ra như: Các hãng hàng không sẽ phản ứng thế nào? Làm thế nào với các nhà bán lẻ và nhà hàng? Làm thế nào với thị trường nhà ở và dịch vụ đầu tư?

Trong thời kỳ suy thoái, doanh thu và dòng tiền có thể giảm nhanh hơn nhiều so với chi phí, gây áp lực lên sự tồn tại hàng ngày của công ty. Mặc dù lãi xuất tín dụng có thể giảm so với trước đây, nhưng khả năng nhận được tín dụng không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Điểm quan trọng nhất của người chiến thắng trong thời điểm khó khăn là khả năng các nhà lãnh đạo tổ chức giữ bình tĩnh và minh bạch, đồng thời quyết đoán và sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh để phản ánh cơ chế sinh tồn, trái ngược với việc xây dựng những kỳ vọng sai lầm. Quan trọng nhất, người lãnh đạo phải "hiện diện" trên toàn tổ chức. Vì đây là lúc mà nhân viên cần đến sự hướng dẫn từ các nhà lãnh đạo để không bị phân tâm trong công việc.

Điều đáng chú ý là với bất kỳ sự thoái trào thị trường lớn nào, cuối cùng sẽ có cơ hội cho các nhà đầu tư và tổ chức luôn nỗ lực tìm kiếm mở rộng. Mặc dù không ai muốn đưa ra tuyên bố về thời điểm chính xác để tham gia vào thị trường hoặc đánh giá lại sức mạnh của các công ty tài chính, nhưng các tổ chức thanh toán bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi sự thoái trào có thể là khoản đầu tư tốt nhất khi thị trường bắt đầu phục hồi.

Tài liệu tham khảo

1. https://thefinancialbrand.com.

2. http://tapchitaichinh.vn.

3. https://dantri.com.vn.

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 2 tháng 4/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
COVID-19 tác động đến Hệ sinh thái công nghệ tài chính như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO