Covid-19 thúc đẩy kỷ nguyên mới cho dữ liệu thành phố thông minh

Ngọc Diệp| 20/06/2021 08:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Dữ liệu được coi là mạch máu của các thành phố thông minh (TPTM). TPTM phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ dữ liệu theo nhiều cách, bao gồm các sáng kiến ​​dữ liệu mở, thị trường dữ liệu, dịch vụ phân tích và chính sách kinh doanh từ dữ liệu... nhằm mang lại các giá trị thiết thực cho người dân và chính quyền.

Xây dựng TPTM đang là xu hướng tất yếu và là lời giải cho những thách thức con người đang phải đối mặt bởi quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên, để triển khai được mô hình TPTM, một trong số việc cần phải thực hiện là phải xây dựng được cơ sở hạ tầng dữ liệu. Trên thực tế, trong những năm gần đây đã có nhiều thành phố triển khai thực hiện việc này và đạt được các thành công nhất định.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình này khi chính quyền cần phải đưa ra những phản ứng nhanh chóng, kịp thời để giải quyết những thách thức chưa từng có mà người dân hiện phải đối mặt.

Bài viết giới thiệu những kết quả mà các thành phố đã đạt được với dữ liệu và các bài học có thể rút ra cho tương lai.

Thành phố Reykjavik, Iceland: Tăng tốc tự động hóa

Oskar Sandholt, Giám đốc Dịch vụ và đổi mới, thành phố Reykjavik, cho biết: "Điều chúng tôi nhận ra là không có dữ liệu thì không có gì cả".

Sự bùng phát của đại dịch đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa ở thủ đô của đất nước Iceland.

Khi đại dịch xảy ra, thành phố đã đưa ra một kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và người dân. Theo đó, các quyết định hỗ trợ được đưa ra tự động đã chứng minh có độ chính xác cao hơn so với việc đánh giá của con người, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí hơn.

Sandholt cho biết: "Thuật toán hiện đang tiếp tục được cập nhật dựa trên học máy, vì vậy chúng tôi mong đợi kết quả thậm chí còn tốt hơn."

Đầu năm nay, Reykjavik cũng đã bắt đầu thực hiện tất cả các quy trình dịch vụ của mình để triển khai dữ liệu vào quá trình ra quyết định.

Mặc dù vậy, con người vẫn có vai trò rất cần thiết. Nhóm dữ liệu đã tăng gấp 4 lần trong cuộc khủng hoảng đại dịch và thành phố đang đầu tư 10 tỷ Krona Iceland (82,4 triệu USD) trong 2,5 năm tới để tái cấu trúc các hệ thống cốt lõi nhằm xử lý các quyết định tự động. Điều này bao gồm việc xây dựng một "kho dữ liệu ảo" mới và triển khai nền tảng khoa học dữ liệu.

"Chúng tôi phải giải quyết nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ của mình và điều đó sẽ chỉ được thực hiện khi ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu", Sandholt nhấn mạnh.

Thành phố New York: Cân đối ngân sách dựa trên dữ liệu thu thập

Khi Covid-19 xảy ra, chính quyền thành phố New York cần hiểu rõ việc mức chi tiêu của người tiêu dùng giảm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu từ thuế bán hàng để điều chỉnh kế hoạch ngân sách cho phù hợp và xây dựng kế hoạch cơ bản để phục hồi kinh tế.

Thành phố đã sử dụng một công cụ trong nền tảng Mastercard City Insights, Mastercard GeoInsights, để đánh giá các tác động. Mastercard GeoInsights là một công cụ độc quyền sử dụng dữ liệu giao dịch tổng hợp và ẩn danh để xác định các thay đổi về mô hình chi tiêu trong các vùng lân cận cụ thể, với bản đồ nhiệt và bảng điều khiển giám sát.

Theo Rita Okcuoglu, Trưởng nhóm Đối tác và Phát triển kinh doanh tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Mastercard, những giải pháp này đã giúp New York và các thành phố khác hiểu được "sức khỏe" kinh tế của chính mình, từ đó cung cấp thông tin tốt hơn cho việc lập kế hoạch ngân sách, giải ngân viện trợ và các ưu tiên đầu tư.

"Dữ liệu luôn quan trọng nhưng khi đối mặt với đại dịch, tất cả chúng ta đều nhận ra rằng chúng ta không có thời gian để hành động cho những tình huống không xác định. Chúng tôi không có nhiều tuần hoặc nhiều tháng để thu thập và sau đó hiểu dữ liệu. Những tình huống này hoặc những tình huống tương tự có thể xảy ra một lần nữa và Covid-19 khiến chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi cần phải sẵn sàng cho tương lai", cô nhận xét.

Dublin thực hiện cuộc cách mạng trong du lịch

Barry Rogers đã gia nhập nhóm Smart Dublin với tư cách là Giám đốc Chương trình Du lịch thông minh vào tháng 1 năm nay. Chương trình tập trung vào việc thúc đẩy sự đổi mới trong ngành du lịch ở Dublin, Ireland.

Ông nói: "Cách các thành phố từng làm trong lĩnh vực du lịch trước đại dịch và cách họ làm hiện nay hoàn toàn khác nhau, đó là một cuộc cách mạng toàn diện".

Các bộ dữ liệu truyền thống và các cơ hội phản hồi trực tiếp đã bị hạn chế bởi các lệnh cấm du lịch và phong toả. Đó là lý do tại sao nhiều thành phố đã hợp tác với các công ty dịch vụ tài chính và viễn thông để hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra trong thời gian thực.

Rogers cho biết: "Trong ngành du lịch, chúng tôi hiện đang chuyển sang các bộ dữ liệu proxy khác để hiểu xem điều gì đang xảy ra và đặc biệt là để hiểu về thời điểm phục hồi sau Covid. Điều đó cực kỳ quan trọng để phác thảo tương lai của nền kinh tế du lịch".

Covid-19 thúc đẩy kỷ nguyên mới cho dữ liệu thành phố thông minh - Ảnh 1.

Dublin khai thác dữ liệu để hỗ trợ phục hồi ngành du lịch

Cụ thể, trung tâm Tình hình kinh tế Dublin đã hợp tác với IHS MARKIT về Chỉ số quản lý mua hàng Dublin (PMI). Trung tâm cũng tích hợp công cụ theo dõi chi tiêu Mastercard SpendPulse để cung cấp thông tin chi tiết về chi tiêu của người tiêu dùng và du lịch ở Dublin, cũng như các bộ dữ liệu từ STR dành cho các khách sạn ở Dublin và ứng dụng OpenTable để đặt bàn trực tiếp nhà hàng.

Rogers cho biết sẽ khai thác thông tin chi tiết liên quan đến du lịch từ nền tảng dữ liệu mở Dublinked của thành phố.

Rogers cho biết: "Trong Chương trình du lịch thông minh của mình, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tình hình phục hồi kinh tế của Dublin bằng cách xem xét các chỉ số về chi tiêu, số lượng khách đến và lưu lượng du khách".

Đổi mới trên quy mô lớn ở London

Quỹ phục hồi trị giá 1 triệu bảng Anh (1,42 triệu USD) của Thị trưởng London nhằm khuyến khích các nhà đổi mới công nghệ và dữ liệu đưa ra những giải pháp cho các vấn đề cấp bách nhất mà các nhà lãnh đạo từ 32 quận của thủ đô đặt ra.

Quỹ được đưa ra với hợp tác cùng Nesta Challenges và được hỗ trợ bởi tổ chức Đối tác Hành động Kinh tế Luân Đôn (LEAP).

Kathy Nothstine, Trưởng bộ phận các thành phố tương lai của Nesta Challenges cho biết: "Rất nhiều thách thức đã tồn tại trước đại dịch nhưng Covid đã làm trầm trọng thêm hoặc làm sáng tỏ các vấn đề cơ bản".

Ví dụ, quận Ealing đang xem xét việc sử dụng dữ liệu để đa dạng hóa và kích hoạt các tài sản còn trống. Quận Hackney muốn tìm cách giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận không gian làm việc giá cả phải chăng, còn quận Lambeth đang tìm kiếm các giải pháp dựa trên dữ liệu để giảm mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Một thách thức trên toàn London tập trung vào việc tích hợp dữ liệu sức khỏe và dữ liệu giao thông để tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các dự án khác bao gồm giải quyết vấn đề lương công nhân hợp đồng, năng lượng tái tạo và mất an ninh lương thực.

Hội đồng giám khảo gần đây đã chọn 35 startup công nghệ vào vòng chung kết để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chương trình. Mỗi công ty nhận được 10.000 bảng Anh và đang làm việc với một đối tác để thúc đẩy các giải pháp của họ. Vào tháng 7 tới, 10 công ty chiến thắng sẽ được trao thưởng thêm 40.000 bảng Anh để triển khai công nghệ của họ.

Nothstine cho biết: "Tiêu chí mà chúng tôi thực sự chú trọng là tính bền vững và khả năng mở rộng của các giải pháp. Đó là một phần thiết yếu của các cuộc thi đổi mới sáng tạo mở".

Scotland: Những bài học kinh nghiệm

Một nghiên cứu do Trung tâm Dữ liệu lớn đô thị tại Đại học Glasgow công bố tháng trước đã cho thấy việc sử dụng dữ liệu của chính quyền Scotland trong đại dịch nhưng cũng có thể mở rộng sang các thành phố khác.

Nghiên cứu cho thấy phần lớn các chính quyền địa phương tại Scotland đã nhận thấy sự gia tăng chia sẻ dữ liệu nội bộ trong Covid-19: 79% cho biết việc sử dụng các nguồn dữ liệu mới và 74% khẳng định việc thu thập dữ liệu đã tăng lên. Cũng có sự gia tăng đáng kể trong việc chia sẻ dữ liệu trong khu vực công, đặc biệt là giữa chính quyền địa phương và Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).

Một ví dụ đáng chú ý về sự đổi mới là sự phát triển của khung chia sẻ dữ liệu giữa chính quyền địa phương và NHS Scotland, cũng như các mẫu để giúp chia sẻ dữ liệu hiệu quả hơn.

Mặc dù có những tiến bộ nhất định nhưng việc tích hợp dữ liệu, chất lượng và tiêu chuẩn vẫn được đánh giá là những thách thức lớn.

Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy các thành phố có thể làm nhiều hơn nữa để thu thập thông tin chi tiết từ loại dữ liệu mới (novel data) từ IoT và phương tiện truyền thông xã hội.

"Đáng ngạc nhiên là so với dữ liệu hành chính truyền thống do các tổ chức trong khu vực công tạo ra, novel data chẳng hạn như dữ liệu truyền thông xã hội và IoT không có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, những người nghiên cứu cho rằng nó đóng một vai trò rất quan trọng hơn trong tương lai", Simon Joss, Giáo sư tại Đại học Glasgow cho biết.

Một khuyến nghị chính của báo cáo là tăng cường kỹ năng dữ liệu nội bộ của chính quyền địa phương, bao gồm các kỹ năng kỹ thuật, đào tạo về cách sử dụng phần mềm và nâng cao hiểu biết về dữ liệu tổng thể trong chính quyền địa phương./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Covid-19 thúc đẩy kỷ nguyên mới cho dữ liệu thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO