Cuộc chiến giữa tòa soạn báo và Facebook, Google: Khi ông lớn nói “Không cần báo chí!”

Bảo Bình| 19/08/2020 11:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Google sẽ trả tiền cho các tòa soạn báo. Facebook chi hàng triệu USD mỗi năm để “mua” tin tức báo chí. Đó là những tít bài vừa xuất hiện trong thời gian qua, những tít bài mà các tòa soạn báo trên toàn thế giới vô cùng mong đợi.

Nhưng sự thật mối quan hệ của hai đại gia này với ngành công nghiệp báo chí như thế nào? Google và Facebook là những tập đoàn hào phóng quan tâm đến môi trường thông tin, hay là một "băng đảng" hủy hoại xã hội bằng cách hút tiền quảng cáo?

Chỉ là chiêu PR?

Hãy xem, cả Google và Facebook đều đưa rất nhiều tin tức vào các sản phẩm của họ - trong công cụ tìm kiếm Google, trong News Feed của Facebook. Nhưng ngoài tin tức, họ có nhiều rất nhiều thứ, nhiều hơn cả tin tức. Và họ kiếm được một phần rất nhiều, rất nhiều tiền từ tất cả những "sản phẩm khác" ngoài tin tức này.

Cuộc chiến giữa tòa soạn báo và Facebook, Google: Khi ông lớn nói “Không cần báo chí!” - Ảnh 1.

Vừa qua rộ lên thông tin Google sẽ trả tiền cho một số tòa soạn báo, và đó là một phần của chương trình cấp phép mới do Google vừa công bố. Cụ thể, chương trình "trả tiền cho các tòa soạn báo" được Google bắt đầu ở Đức, Úc và Brazil, cùng với lời hứa hẹn "sẽ có thêm nhiều tòa soạn báo của nhiều quốc gia nữa được nhận tiền". Theo trang Financial Times, tòa soạn Der Spiegel ở Đức và Schwartz Media ở Úc, nằm trong danh sách "thí điểm" này.

Quyết định trên được Google được đưa ra sau khi nhiều quốc gia liên tục gây áp lực buộc đại gia tìm kiếm phải trả tiền cho những nội dung của các tờ báo mà Google liên kết đến. Gần đây, Australia đã tiết lộ kế hoạch buộc các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho những nội dung, tin tức mà họ kiếm tiền từ đó. Trước đó, cơ quan cạnh tranh của Pháp cũng đã yêu cầu Google trả tiền nội dung cho các nhà xuất bản Pháp.

Thông báo Google được đưa ra khi Facebook vừa công bố một tab tin tức mới ở Mỹ, trong đó Facebook sẽ trả tiền cho một số nhà xuất bản. Những tòa soạn được Facebook trả tiền bao gồm BuzzFeed, New York Times và Wall Street Journal. Facebook được cho là đang tìm cách mở rộng tab tin tức này sang châu Âu.

Tuy nhiên, những chương trình "thí điểm trả tiền" như vậy của hai đại gia truyền thông Google và Facebook đã bị chỉ trích mạnh mẽ, vì chỉ chọn lọc trả tiền cho một số tờ báo và ngay cả những tờ báo này cũng không được trả đủ tiền cho số lượng tin tức mà các đại gia công nghệ sử dụng. Một số người thậm chí còn hiến kế mượn đến quy định luật pháp, thay vì chỉ dựa vào thiện chí của các công ty công nghệ lớn.

Là người trong cuộc, Giám đốc điều hành của Tập đoàn báo chí Đức Spiegel, Stefan Ottlitz, cho biết việc hợp tác với Google sẽ "cho phép chúng tôi có một trải nghiệm mới, mang lại tiếng nói cho những phóng viên, biên tập viên từng đoạt giải thưởng, mở rộng phạm vi của chúng tôi và cung cấp tin tức đáng tin cậy trên các sản phẩm Google". Tuy nhiên, chưa ai rõ các điều khoản tài chínhtrong các giao dịch trả tiền này. Còn một vấn đề nữa, theo tuyên bố của Google thì hãng sẽ chỉ trả tiền cho những "nội dung chất lượng".

Australia đã làm gì để buộc Google phải "rút ví"?

Quyết định trả tiền cho các tòa soạn báo của Google là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của các tòa soạn báo và luật pháp các quốc gia. Chính Google đã từng "phản công" lại những nỗ lực yêu cầu đại gia tìm kiếm trả tiền cho các tòa soạn báo của Australia, nói rằng: "những yêu cầu tìm kiếm liên quan đến tin tức chỉ chiếm hơn 1% tổng số lệnh tìm kiếm trên Google Search tại Úc".

Trong khi đó, Facebook cũng cắt giảm số lượng tin tức xuất hiện trên News Feed vào tháng 1/2018, từ mức 5% trong tổng số nội dung mạng xã hội xuống còn 4%.

Trước khi có quyết định trả tiền, cả Facebook và Google tuyên bố giá trị mà họ nhận được từ các nội dung tin tức báo chí "rất ít", và họ tin rằng họ không phải chịu trách nhiệm trả tiền. Tuy nhiên, chính quyền Australia đã thúc đẩy một kế hoạch gây tranh cãi khiến Facebook và Google phải trả tiền cho nội dung tin tức. Australia đưa ra những đệ trình chính thức, thể hiện thái độ rõ ràng "không có giải pháp hòa giải" nếu không đạt được mục đích.

Sân khấu tranh đấu được thiết lập rất hoành tráng, bao gồm sự tham gia của các bên như các nhà xuất bản tin tức, chính phủ và các nhà quản lý; và bên kia chiến tuyến là hai người khổng lồ kỹ thuật số.

Ở Australia, vấn đề đặt ra là luật cạnh tranh - chứ không phải luật bản quyền - đó mới là cốt lõi của cuộc chiến và những gì xảy ra ở Úc có thể ảnh hưởng đến các thị trường khác, nơi chính quyền cũng đang xây dựng giải pháp "siết" hai người khổng lồ này.

Cuộc chiến "đòi tiền" ở Australia diễn ra căng thẳng như một cuộc đấu súng. Vấn đề xoay quanh chỗ giá trị thực sự của tin tức đối với các nền tảng kỹ thuật số. Google và Facebook nói rằng giá trị đó "rất nhỏ" và họ vẫn khỏe mạnh ngay cả khi không có "nguồn tin tức". Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành công nghiệp tin tức nói rằng nguồn thông tin kịp thời chính xác từ các tòa soạn báo, một nguồn đáng tin cậy chính là giá trị mà cả hai gã khổng lồ kỹ thuật số được hưởng.

Cách đây hai tháng, chính phủ Úc đã chỉ thị cho cơ quan giám sát cạnh tranh Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc (ACCC) soạn thảo một bộ quy tắc bắt buộc để "tiết chế" mối quan hệ giữa các nhà xuất bản tin tức và Google, Facebook.

Bộ quy tắc để điều chỉnh thù lao cho nội dung tin tức, cùng một số nội dung khác. Thế giới vẫn văng vẳng rằng tin tức báo chí mang về những khoản tiền khổng lồ, lên tới 10% doanh thu của Google và Facebook tại thị trường này, từ 600 triệu đô la Úc đến 1 tỷ đô la Úc.

ACCC nhận thấy rằng các công ty đáng được hưởng sức mạnh thị trường này và do đó luật cạnh tranh được áp dụng. Họ kêu gọi tất cả các bên liên quan vào cuộc.

News Corp Australia là một động lực chính trong toàn bộ vụ việc và muốn đàm phán trực tiếp với Facebook và Google trong khuôn khổ quy định và phân xử. Theo cách này, Australia đang dùng thế mạnh của mình, một nhóm các tổ chức mạnh mẽ và đoàn kết nhất trong truyền thông Úc.

Về phần mình, các nền tảng kỹ thuật số đang dần trở nên hiếu chiến hơn. Vấn đề nằm ở chỗ Australia đã đưa ra một bộ quy tắc đánh vào lợi nhuận hai gã khổng lồ và tạo tiền lệ toàn cầu - đó mới là điều đáng nói hơn.

Facebook hùng hồn: "Nếu không có nội dung tin tức trên Facebook ở Úc, chúng tôi tin rằng tác động với khán giả và doanh thu cũng không có gì đáng kể". Còn Giám đốc điều hành Google Australia Mel Silva cũng lên tiếng "cả giá trị trực tiếp và gián tiếp của tin tức đối với gã khổng lồ tìm kiếm là rất nhỏ". Thông điệp của Facebook và tuyên bố công khai của Google cho thấy "sẽ không có chuyện trả tiền ngay lập tức đâu". Họ cho rằng giá trị mà họ thu được từ nội dung tin tức là không đáng kể và họ tin họ không phải chịu trách nhiệm trả tiền cho nội dung đó.

Tuy nhiên, khi bộ quy tắc được triển khai và nếu nó liên quan đến khoản tiền mặt lớn - trên 60 triệu USD - thì bước tiếp theo sẽ là cuộc chiến thách thức pháp lý của các công ty toàn cầu vô cùng giàu có này, thậm chí sự việc sẽ chạm đến Hiến pháp Úc và Tòa án tối cao sẽ phải vào cuộc.

Ngành kinh doanh cốt lõi của Google và Facebook là quảng cáo. Nếu rút tin tức ra khỏi các sản phẩm của họ, như Google Search hay News Feed, thị trường mà hai đại gia công nghệ đang cố gắng bảo vệ sẽ bị bóp méo, bởi vì những tổ chức tin tức đương nhiệm, lâu đời được ưa chuộng hơn những hãng tin mới thành lập.

Facebook và Google chắc chắn là những hãng thống trị thị trường quảng cáo. Đôi khi họ kiêu ngạo và ung dung - ví dụ, họ có thể bất chợt thay đổi thuật toán mà các doanh nghiệp khác sống dựa vào. Sức mạnh thị trường của họ là nguyên nhân tiềm tàng gây ra sự lạm dụng đó. Nhưng trong một thế giới nơi họ thống trị và cũng cần đến tin tức, họ muốn bảo vệ thế giới đó.

Ngành công nghiệp báo chí đang đứng trước nhiều thách thức trước các nền tảng kỹ thuật số, doanh thu bị cắt giảm. Việc buộc hai công ty khổng lồ phải chịu trách nhiệm cho cả ngành công nghiệp tin tức, mới chỉ là bước đầu. Và nên nhớ, chưa ai rõ các điều khoản tài chính trong các giao dịch trả tiền cho một số tòa soạn báo của ba quốc gia Đức, Australia và Brazil. Ngoài ra, xin được nhắc lại một lần nữa, theo tuyên bố của Google thì hãng sẽ chỉ trả tiền cho những "nội dung chất lượng".

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Như trên đã nói, việc "trả tiền" tại cho một số tòa soạn báo tại 3 quốc gia trên sẽ có ảnh hưởng toàn cầu. Đó mới là điều đáng nói. Kết quả đó rõ ràng là nhờ vào sự mạnh mẽ, đoàn kết và đấu tranh của các tòa soạn báo, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đã tạo áp lực lên các "ông lớn". Tuy nhiên, vẫn mới chỉ có Google đồng ý trả tiền, còn Facebook vẫn chưa. Để thấy, cuộc đấu tranh chưa hề dừng lại.

Dù sao, các quốc gia như Australia, Đức, Brazil… đều là những thị trường lớn, có vị thế, nên tiếng nói cũng sẽ mạnh hơn. Chúng ta cũng có thể thấy, Cộng đồng châu Âu (EU) đã nhiều lần gây sức ép lên Google và Facebook. Những hành động đó của EU rất được thế giới quan tâm, nó cũng có sức mạnh hơn vì tập hợp hàng chục quốc gia thành viên cùng đồng thuận. Bởi thế, nhìn vào Việt Nam, sự đoàn kết của các tòa soạn trong nước và nỗ lực của chính quyền là cần thiết, nhưng chưa đủ. Báo chí toàn thể ASEAN cần có sự đồng thuận để tạo tiếng nói mạnh và áp lực đủ lớn, buộc Google và Facebook phải trả phí cho những nội dung, tin tức mà họ sử dụng để thu hút và giữ chân người dùng, kiếm tiền quảng cáo.

Cuộc chiến này ngay cả tại những nước mà Google đã đồng ý trả tiền, là Australia, Đức và Brazil, vẫn chưa dừng lại. Bởi chỉ mới một số tòa soạn được trả tiền, và cũng không ai biết chi tiết điều khoản giao dịch tài chính ra sao. Hơn nữa, Facebook vẫn đang cố tình "làm ngơ". Tuy nhiên, thành công bước đầu vẫn tạo ảnh hưởng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Dù gì, báo chí vẫn cần nội dung, tin tức "chất lượng cao" mới có thể hy vọng "sống" được.

Nguồn tham khảo

 1. https://www.niemanlab.org/

 2. https://www.theverge.com/

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 7+8 Tháng 8/2020)

Bài liên quan
  • AI tạo sinh biên - sự bùng nổ của đổi mới trong các ngành công nghiệp
    Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) giúp mọi thứ chúng ta làm trên Internet trở nên dễ dàng hơn, cá nhân hóa hơn, thông minh hơn. Tuy nhiên, để sử dụng nó, cần có các máy chủ lớn và khả năng tính toán cao, do đó, nó bị giới hạn trên đám mây. Nhưng những động lực tương tự - độ trễ, quyền riêng tư, hiệu quả chi phí - đã thúc đẩy các công ty như Hailo (Nhà sản xuất chip AI của Israel) phát triển các công nghệ cho phép xử lý AI tại biên.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến giữa tòa soạn báo và Facebook, Google: Khi ông lớn nói “Không cần báo chí!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO