Đã đến lúc thay đổi để thích nghi với đại dịch

Vũ Phong| 18/09/2021 10:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch Covid-19 tạo ra những xáo trộn lớn chưa từng có, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước. Bên cạnh những giải pháp của toàn hệ thống chính trị, đã đến lúc bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính đến câu chuyện thay đổi để sống chung, sống an toàn trong môi trường bị đổi bởi dịch bệnh...

Có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm nay (số liệu từ Tổng cục Thống kê), tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp kiến nghị, bộ ngành gỡ khó

Mới đây, 11 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam gồm Hiệp hội Nhựa, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử, Hiệp hội Da giày – Túi xách, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Chè, Hiệp hội Sữa, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Giấy và Bột giấy, Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM đã đồng loạt ký vào bản kiến nghị gửi đến Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Bản kiến nghị ghi rõ, bước sang tuần đầu của tháng 9, các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động đã rất lo lắng khi chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng - với nguy cơ đứt gãy, khó khăn để phục hồi sản xuất nếu chưa có các “nới lỏng” sản xuất an toàn và bắt đầu phục hồi sản xuất trước ngày 15/9.

Do vậy, các hiệp hội kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét cho người lao động được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm, miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội…

Đã đến lúc thay đổi để thích nghi với đại dịch - Ảnh 1.

Không chỉ bản kiến nghị trên, quan sát nhanh các bản kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp đã gửi đến Chính phủ trước đó cũng đều thấy có loạt điểm chung như mong muốn được giảm phí, thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế; ngân hàng hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ; tiêm vaccine cho người lao động…

Chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, chính vì vậy trong khả năng của mình, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Qua tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp giúp doanh nghiệp tăng sức chống chịu với Covid-19. Trong đó, Bộ cho rằng có 4 nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay.

Một là, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Nghiên cứu hướng dẫn thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hóa quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Ba là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp với các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Bốn là, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.

Tự vận động, tự thích nghi

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp không nên phụ thuộc quá vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính đến việc tái thiết kế phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường dịch bệnh như hiện nay.

“Tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp mình được an toàn trước Covid-19. Nhưng các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc chủ động, từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch. Bởi lẽ nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất, khi có dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn”, ông Phòng nói.

Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã có sáng kiến hay và là chìa khoá để nhanh chóng vượt qua thách thức. Đơn cử phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến” đã giúp các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang dập dịch trong thời gian ngắn, đồng thời doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh.

Từ hai phương án trên, một số doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đã cải tiến để phù hợp với tình hình tại địa phương như “2 tại chỗ - một vùng xanh”; “3 tại chỗ theo kíp”; “1 cung đường 2 điểm đến linh hoạt”; “4 xanh” gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh. Bước đầu các cải tiến này đều cho thấy những hiệu quả rõ rệt.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), ông Nguyễn Bình Minh nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới để bứt phá nếu thích nghi kịp thời với môi trường kinh doanh mới do đại dịch Covid-19 tạo ra.

“Việc người dùng và các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử là một sức ép bắt buộc sẽ làm thay đổi thói quen và hành vi của họ. Sau đại dịch chắc chắn các hoạt động thương mại điện tử sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp cần phải tranh thủ thời gian để xây dựng thương hiệu, cải tiến quy trình kinh doanh, thực hiện các giao dịch có trách nhiệm và chăm sóc khách hàng chu đáo”, ông Bình Minh nói.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc thay đổi để thích nghi với đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO