“Đại Nam thực lục”: bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam

Thu Hiền| 02/06/2022 15:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ sách cho chúng ta thấy được sự nghiệp xây dựng và việc sử dụng người tài của nhà Nguyễn, một trong những vấn đề rất lớn của lịch sử. Qua đó, chúng ta tìm thấy những bài học từ lịch sử cho ngày hôm nay, từ những bài học của quá khứ để cho tương lai.

Nhân kỷ niệm 60 năm (1962 - 2022) bộ "Đại Nam thực lục" xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả trong và ngoài nước, sáng nay 2/6, Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội và Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam tổ chức ra mắt bộ sách (tái bản lần thứ 2) gồm 10 tập. Bộ sách dày gần 19.000 trang, khổ 16 x24cm, in trên giấy cao cấp, bìa cứng, đóng hộp thẩm mỹ và trang trọng.

Những giá trị của lịch sử Triều đại Nhà Nguyễn

Phát biểu nhân dịp ra mắt bộ sách, GS.TS Đinh Xuân Dũng cho biết: Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm, gồm 560 quyển ghi chép thực toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX dưới vương triều Nguyễn cũng như hơn 200 năm lịch sử Đàng Trong của các chúa Nguyễn với quan điểm "Nước phải có sử, cốt để làm tin với đời nay và truyền lại cho đời sau".

Đại Nam thực lục là nguồn sử liệu quý về những chính sách lớn trong việc hoạch định, phát triển kinh tế xã hội, đường lối đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, khai thác và khẳng định chủ quyền biển đảo; cung cấp những tư liệu khoa học và pháp lý hữu ích trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý, phát triển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đây là nguồn sử liệu giá trị về lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng trong 130 năm (1558 - 888) đầy biến động của đất nước.

“Đại Nam Thực lục” bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ sách là nguồn sử liệu giá trị về lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng

"Đặc biệt, bộ sách cho chúng ta thấy được sự nghiệp xây dựng và việc sử dụng người tài của nhà Nguyễn, một trong những vấn đề rất lớn của lịch sử. Qua đó, chúng ta tìm thấy những bài học lịch sử cho ngày hôm nay, từ những bài học của quá khứ để cho tương lai. Bộ sách này cần được nghiên cứu công phu hơn nữa…", GS. Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh.

“Đại Nam Thực lục” bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam - Ảnh 2.

GS. TSKH Vũ Minh Giang: Với giá trị toàn diện cao quý của bộ sách đã làm cho mọi người tường minh hơn về lịch sử cũng như giá trị của của lịch sử

GS. TSKH Vũ Minh Giang đánh giá: Bộ sách được xuất bản, một phần chính là để ghi nhận công lao các nhà khoa học tiền bối đã làm công việc rất có ý nghĩa. Với giá trị toàn diện cao quý của bộ sách đã làm cho mọi người tường minh hơn về lịch sử cũng như giá trị của của lịch sử.

"Nhiều giáo sư trên thế giới đánh giá cao về bộ sách này... bởi có nhiều vấn đề của lịch sử, chúng ta càng tìm ra thì chân lý càng hiện rõ", GS. TSKH Vũ Minh Giang cho hay.

Theo chia sẻ của GS. Đỗ Quang Hưng, Viện nghiên cứu tôn giáo, khi còn là sinh viên (những năm 60) thì ông đã thấy bộ sử này ra mắt rồi. Đối với tất cả các giảng viên giảng dạy lịch sử thời đó, có được bộ sách này là một niềm mơ ước.

"Với quy mô và cách làm khoa học của bộ sách, với độ tin cậy cao của bộ quốc sử như này chúng ta nên làm một cuốn sách mỏng 100 trang, tóm tắt lại bộ sách để bạn đọc đặc biệt là các bạn thanh niên có thể đọc hiểu và tiếp cận dần với lịch sử nước nhà. Ngoài ra, chúng ta nên chọn lọc, bóc tách các mẩu lịch sử rồi xuất bản để minh họa cho bộ sách để bạn đọc dễ tiếp cận, nhằm nâng cao nhận thức về lịch sử cho xã hội đặc biệt là giới trẻ", GS. Đỗ Quang Hưng đề nghị.

“Đại Nam Thực lục” bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam - Ảnh 3.

GS. Đỗ Bang: Qua bộ sách, chúng ta có thể vận dụng nhiều chính sách, chủ trương để phát triển đất nước.

GS. Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã chia sẻ cảm xúc: Từ năm 1984, Đại Nam thực lục đã trở thành bộ sách gối đầu giường của tôi. Hơn 40 năm tôi miệt mài với bộ sách. Từ lần xuất bản đầu tiên đến bây giờ, tôi đã khai thác bản dịch toàn bộ 3 lần xuất bản bộ sách. Qua bộ sách, chúng ta có thể vận dụng nhiều chính sách, chủ trương để phát triển đất nước. Đề nghị đưa bộ sách vào hội thảo quốc gia, để làm rõ nhiều chi tiết và giá trị của lịch sử cũng như bộ sách.

“Đại Nam Thực lục” bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam - Ảnh 4.

Anh Thanh Hà: Bộ sách được gộp thành 10 tập, rất tiện cho độc giả và các nhà sử học sưu tập, tra cứu...

Là người đam mê lịch sử Việt và luôn theo dõi bộ sách Đại Nam thực lục, độc giả trẻ Thanh Hà (Hà Nội) nhận định: Đại Nam thực lục là bộ sử lớn và có giá trị lớn nhất của nhà Nguyễn, cung cấp nhiều nguồn tư liệu không thể thay thế trong một giai đoạn lịch sử suốt mấy trăm năm không phải lúc nào cũng "thấp thoáng mộng bình yên"...

Anh Thanh Hà cũng cho biết: Sách đề cập đến những sự kiện, con người trong một thời gian dài, không gian rộng. Trước đây, sách từng xuất bản trong khoảng thời gian từ 1962-1978 gồm 38 tập nên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để mua đủ bộ sách. 

Rất may là từ năm 2007, chúng ta đã có bộ Đại Nam thực lục khổ to, bìa cứng, 38 tập được gộp thành 10 tập, rất tiện cho độc giả và các nhà sử học sưu tập, tra cứu... Lần tái bản này cũng vẫn 10 tập như 15 năm trước nhưng bộ sách có một diện mạo mới: sang trọng, bắt mắt khi được đựng trong các hộp cứng và bìa các tập có chung 1 tông màu...

“Đại Nam Thực lục” bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam - Ảnh 5.

Ấn bản xuất bản lần đầu tiên và tái bản lần này của bộ sách được trưng bày tại Lễ ra mắt

“Đại Nam Thực lục” bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam - Ảnh 6.

Ấn bản của bộ sách xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Việt

“Đại Nam Thực lục” bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam - Ảnh 7.

Mộc bản Triều Nguyễn của Trung tâm bảo tồn di tích Huế

Bộ Quốc Sử đồ sộ nhất của Việt Nam từ trước tới nay

Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên do Quốc Sứ quán triều Nguyễn biên soạn có 560 quyển, là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành. Đây là bộ Sử được thực hiện trong gần 90 năm (1821- 1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế, cũng là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn.

Đại Nam thực lục chính biên biên soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tấu của các cơ quan trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình, được các vua Nguyễn phê duyệt bằng bút sơn gọi là châu bản, bản phổ được Nội các sao chép và chuyển cho Quốc Sử quán để làm tư liệu biên soạn sách thực lục nên khá chuẩn xác về nhân vật, sự kiện và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.

“Đại Nam Thực lục” bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam - Ảnh 8.

Bộ sách được đóng hộp thẩm mỹ và trang trọng

Đại Nam thực lục được biên soạn theo phương pháp biên niên nên rất dễ để tra cứu sự kiện, nhân vật, địa danh, địa chỉ theo trình tự thời gian và phương pháp ký sự nên có khả năng tái hiện diện mạo lịch sử của triều đình và đất nước theo lát cắt của thời gian. Đây là nguồn sử liệu hàng đầu giúp cho các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng trong 330 năm (1558 - 1888) đầy biến động của đất nước.

Với nguồn tài liệu chính thống được cung cấp nguyên bản và đầy đủ, Đại Nam thực lục không những chỉ viết về các vua, chúa Nguyễn mà ghi lại hoạt động của triều đình, đất nước, xã hội đương thời một cách chân thực.

Khảo cứu Đại Nam thực lục cho biết về các chính sách của triều Nguyễn thể hiện qua nguồn tư liệu châu bản được vua phê duyệt, trong đó có những vấn đề hiện nay rất được quan tâm như ruộng đất, biển đảo, địa danh, địa giới hành chính, tôn giáo, dân tộc thiểu số, người Hoa, đối ngoại với Trung Quốc, các nước phương Tây.

Qua Đại Nam thực lục cho biết đầy đủ nền kinh tế Việt Nam thế kỷ XIX, nổi bật là khai hoang lập ấp ở miền Nam và các vùng duyên hải miền Bắc, hoạt động thủy lợi trên cả nước. Triều Nguyễn thực hiện chính sách trọng nông ức thương, nhưng không bế quan tỏa cảng như nhiều sách giáo khoa đã viết, vì vẫn mở cửa Đà Nẵng cho tàu phương Tây vào buôn bán, thuyền buôn của triều đình vẫn đến trao đổi hàng hóa ở các nước Đông Nam Á. Cuối thời Minh Mạng tàu của triều đình Huế còn qua tận châu Âu để giao dịch với cả nước Pháp và Anh.

Qua Đại Nam thực lục cho biết quá trình xây dựng kinh đô Huế và các thành trị các tỉnh theo kiến trúc phương Tây cũng như sự phát triển kỹ thuật đóng tàu vượt đại dương.

Qua Đại Nam thực lục cho biết vào năm 1803, vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa và năm 1916, đưa thủy quân xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, chính thức hòa chủ quyền của nhà nước Trung ương được thế giới lúc bấy giờ thừa nhận, là mốc quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn 200 năm qua. Triều đình Minh Mạng cử nhiều cơ quan Trung ương ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ khai thác và thực thi chủ quyền, là đỉnh cao về giải pháp để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Một số bài học về thi cử, bổ nhiệm, thăng giáng chức cũng tìm thấy trong Đại Nam thực lực và hiện nay được vận dụng nhiều nhất là phép hồi tỵ, lưu quan dưới triều Nguyễn.

Do vậy, với nội dung Đại Nam thực lục là bộ sách không thể thay thế cùng với tính nghiêm cẩn trong biên soạn, là nguồn tài liệu vô giá trong việc nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Việt Nam thế kỷ XIX./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Đại Nam thực lục”: bộ Quốc Sử đồ sộ nhất từ trước tới nay của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO