Đạo đức AI: Đã đến lúc cần một bộ quy tắc đảm bảo lấy con người làm trung tâm

Ánh Dương| 02/07/2021 08:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa cách mọi người sống và làm việc, đồng thời mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội và nền kinh tế. Tuy nhiên, nó sẽ chỉ đạt được hiệu quả thực sự khi AI được sử dụng một cách có trách nhiệm. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp (DN), chính phủ cần đảm bảo rằng đạo đức và quyền con người phải được đặt ở trung tâm của thiết kế, phát triển và ứng dụng AI.

Những nguy cơ tiềm ẩn của AI

Nhiều người vẫn còn chưa cảm nhận được rõ ràng sự xâm chiếm của AI, nhưng càng ngày AI càng nhúng sâu vào các lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho con người.

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và AI trong những năm trở lại đây được cho là sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ đến lực lượng lao động cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nhân lực trong nền kinh tế thế giới. Có rất nhiều khâu hoạt động được dự đoán sẽ bị thay thế bằng robot tự động hay được thay bằng máy móc công nghệ hiện đại. Có những ngành được dự đoán trong tương lai sẽ không cần đến sức lao động của con người hoặc là có nhưng cần rất ít.

Các hệ thống tuyển dụng theo thuật toán cũng đang ngày càng phát triển, và trong khi một số cơ hội hiện tại đang nhằm mục tiêu giảm thành kiến, thì một số khác lại tạo ra các phương thức phân biệt đối xử mới. Nhìn chung, việc sử dụng các thuật toán có thể cho phép các quy trình tuyển dụng công bằng hơn, nhưng điều này sẽ không được đảm bảo trong trường hợp hệ thống không đủ các tiêu chuẩn có ý nghĩa và dữ liệu chính xác.

Một số nghiên cứu cho thấy có nhiều cách để sự thiên vị có thể tham gia vào các quy trình tuyển dụng theo thuật toán. Các mô hình học máy dự đoán các số liệu về thành công tại nơi làm việc, chẳng hạn như đánh giá về hiệu suất hoặc tiền lương, có thể cho điểm tốt về năng lực thông qua việc sử dụng một phần kết quả của các yếu tố môi trường không liên quan đến kỹ năng, như thành kiến về nơi làm việc trong quá khứ.

Đạo đức AI: Đã đến lúc cần một bộ quy tắc đảm bảo lấy con người làm trung tâm - Ảnh 1.

(Hình minh họa)

Hay trong lĩnh vực y tế, AI có tiềm năng to lớn để giúp cải thiện chăm sóc sức khỏe (CSSK) và y học trên toàn thế giới, nhưng chỉ khi các cân nhắc về đạo đức và quyền con người được đặt ở trung tâm của thiết kế, phát triển và triển khai.

AI có thể cải thiện khả năng chẩn đoán và chăm sóc lâm sàng, tăng cường nghiên cứu sức khỏe và phát triển thuốc, đồng thời hỗ trợ triển khai các biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng khác nhau, chẳng hạn như giám sát dịch bệnh, ứng phó với ổ dịch và quản lý hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, sử dụng các công cụ dựa trên AI có thể mở rộng các dịch vụ CSSK cho các nhóm dân số yếu thế khó tiếp cận được với các dịch vụ trong xã hội, đồng thời cho phép các nhà cung cấp dịch vụ CSSK chăm sóc bệnh nhân tốt hơn và tham gia vào lĩnh vực chăm sóc phức tạp hơn.

Đạo đức AI: Đã đến lúc cần một bộ quy tắc đảm bảo lấy con người làm trung tâm - Ảnh 2.

AI có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, nhưng giống như tất cả các công nghệ khác, nó cũng có thể bị lạm dụng và gây hại. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tuy nhiên, như TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO chia sẻ: "Giống như tất cả các công nghệ mới, AI có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, nhưng giống như tất cả các công nghệ khác, nó cũng có thể bị lạm dụng và gây hại".

Theo WHO, nếu các biện pháp thích hợp không được thực hiện khi phát triển các giải pháp CSSK dựa trên AI, nó có thể dẫn đến các tình huống mà đáng lẽ ra các nhà cung cấp và bệnh nhân được quyền đưa ra quyết định nhưng lại chuyển sang cho máy móc, điều này sẽ làm suy yếu quyền tự chủ của con người và dẫn đến việc các dịch vụ CSSK được cung cấp trong "bối cảnh không được kiểm soát và bởi những nhà cung cấp dịch vụ không được kiểm soát".

Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy những rủi ro khác có thể xảy ra bao gồm việc thu thập và sử dụng dữ liệu sức khỏe một cách phi đạo đức; thiên vị được mã hóa trong các thuật toán; và các rủi ro đối với sự an toàn của bệnh nhân, an ninh mạng và môi trường…

Các nguyên tắc đạo đức AI

Những rủi ro có xu hướng tiếp tục tăng lên trong bối cảnh AI ngày càng phát triển, nhưng cùng với đó số lượng các tổ chức công và tư từ các công ty công nghệ, DN đến các tổ chức tôn giáo đang ban hành các nguyên tắc đạo đức để hướng dẫn sự phát triển và sử dụng AI cũng đang có xu hướng gia tăng.

Trên thực tế, nhiều người coi cách tiếp cận này là chiến lược giảm thiểu rủi ro chủ động hiệu quả nhất. Việc thiết lập các nguyên tắc đạo đức có thể giúp các tổ chức bảo vệ các quyền và tự do của cá nhân đồng thời cũng tăng cường phúc lợi và lợi ích chung. Các tổ chức có thể biến những nguyên tắc này thành các chuẩn mực và thông lệ để quản lý.

Dựa trên Bộ nguyên tắc đạo đức AI đầu tiên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể thấy bối cảnh của các nguyên tắc đạo đức AI là rất rộng lớn. Tuy nhiên, các nguyên tắc đạo đức cốt lõi của AI này đều có nguồn gốc từ các quyền cơ bản của con người được công nhận trên toàn cầu, các tuyên bố và công ước hoặc hiệp ước quốc tế - cũng như khảo sát về các quy tắc ứng xử và nguyên tắc đạo đức hiện có từ các tổ chức, công ty và sáng kiến khác nhau.

Những nguyên tắc cốt lõi có thể được chắt lọc thành các nguyên tắc chung, mang tính nhận thức và có thể cung cấp cơ sở để đánh giá cũng như đo lường tính hợp lệ về mặt đạo đức của một hệ thống AI.

Bối cảnh của các nguyên tắc này được sử dụng để so sánh và đối chiếu với các thực tiễn AI hiện đang được các tổ chức áp dụng và sau đó chúng có thể được nhúng để giúp phát triển các giải pháp và văn hóa AI phù hợp về mặt đạo đức.

Các nguyên tắc nhận thức sẽ là các điều kiện tiên quyết cho cuộc điều tra về đạo đức của AI và đại diện cho nhóm các điều kiện kiến thức sẽ giúp các tổ chức, DN xác định xem liệu hệ thống AI mà họ sử dụng có phù hợp với nguyên tắc đạo đức hay không. Chúng bao gồm các nguyên tắc về khả năng diễn giải và độ tin cậy.

Trong khi đó, các nguyên tắc đạo đức chung của AI đại diện cho các nguyên tắc hành vi có giá trị trong nhiều ứng dụng về văn hóa, địa lý và đề xuất cách các giải pháp AI nên hành xử như thế nào khi đối mặt với các quyết định đạo đức hoặc tình huống khó xử trong một lĩnh vực sử dụng cụ thể. Chúng bao gồm các nguyên tắc về trách nhiệm giải trình, quyền riêng tư của dữ liệu và quyền tự quyết của con người.

Các ngành và các loại hình tổ chức khác nhau sẽ phù hợp với những nguyên tắc khác nhau. Chẳng hạn như với các tổ chức ưu tiên sự công bằng và an toàn thì thường phổ biến trong các ngành liên quan đến tài sản vật chất thay vì tài sản thông tin. Tuy nhiên, tính hợp pháp và tuân thủ thường xuất hiện nhiều nhất trong các nguyên tắc do các cơ quan chính phủ, hiệp hội và tập đoàn ban hành. Và, trong khi tất cả các tổ chức phải tuân theo luật, thì ít người thừa nhận luật là một "nguyên tắc đạo đức".

Hãy hình dung về một tương lai mà AI có thể nâng cao tính nhân văn chung, tạo ra một thế giới bền vững, bình đẳng và phát triển mạnh mẽ hơn. Tầm nhìn này nằm trong tầm tay nếu chúng ta hành động tập thể ngay bây giờ. Liên minh hành động AI toàn cầu sẽ dẫn đầu trong nỗ lực này bằng cách tập hợp một liên minh đa dạng về quan điểm và các tác nhân để đảm bảo AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Vilas Dhar, Chủ tịch Patrick J. McGovern Foundation - một tổ chức từ thiện dữ liệu và AI toàn cầu

Liên kết các nguyên tắc đạo đức AI với quyền con người và các giá trị của tổ chức

Ràng buộc các nguyên tắc đạo đức với các quyền con người cụ thể là điều tối quan trọng để hạn chế sự mơ hồ về quy định. Hơn nữa, việc đưa các ý tưởng nhân quyền làm nền tảng của các hoạt động AI giúp thiết lập trách nhiệm đạo đức và pháp lý, cũng như sự phát triển của AI lấy con người làm trung tâm vì lợi ích chung. Cách tiếp cận này cũng phù hợp với các nguyên tắc đạo đức của Ủy ban châu Âu về AI.

Bên cạnh đó, những nguyên tắc đạo đức cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với các giá trị của tổ chức, các thông lệ đạo đức kinh doanh hiện có và các mục tiêu kinh doanh để chuyển đổi rõ ràng các ý tưởng có liên quan thành chuẩn mực cụ thể để định hình sự phát triển và sử dụng các hệ thống AI.

Liên minh hành động AI toàn cầu

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ra mắt Liên minh hành động AI toàn cầu (GAIA), một sáng kiến hàng đầu nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng AI một cách minh bạch và đáng tin cậy trên toàn cầu.

Khi tiềm năng biến đổi của AI trở nên rõ ràng hơn, đồng thời cũng có những rủi ro do các hệ thống không an toàn hoặc phi đạo đức gây ra. GAIA tập hợp hơn 100 công ty, chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức học thuật để đẩy nhanh việc ứng dụng AI vì lợi ích công cộng toàn cầu.

Các thành viên của GAIA sẽ làm việc cùng nhau để xác định và triển khai các công cụ và thực tiễn tốt nhất hiện có để sử dụng AI một cách đạo đức và tối đa hóa lợi ích của nó cho tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm các nhóm trước đây ít được đại diện trong hệ sinh thái AI.

"AI có tiềm năng mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội, nhưng chỉ khi nó được sử dụng một cách có trách nhiệm. Chúng tôi khởi động Liên minh hành động AI toàn cầu cùng với các đối tác để định hình một tương lai tích cực, lấy con người làm trung tâm trong quá trình phát triển AI" - Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chia sẻ.

AI có tiềm năng mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội, nhưng chỉ khi nó được sử dụng một cách có trách nhiệm. Chúng tôi khởi động Liên minh hành động AI toàn cầu cùng với các đối tác để định hình một tương lai tích cực, lấy con người làm trung tâm trong quá trình phát triển AI.

Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới

Theo đó, một Ủy ban chỉ đạo bao gồm các nhà lãnh đạo hàng đầu toàn cầu từ các ngành công nghiệp, chính phủ, học viện và xã hội dân sự sẽ hướng dẫn GAIA. Ủy ban được tổ chức bởi WEF và đồng chủ trì bởi Arvind Krishna, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của IBM, và Vilas Dhar - Chủ tịch của Patrick J. McGovern Foundation - một tổ chức từ thiện dữ liệu và AI toàn cầu.

Arvind Krishna, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của IBM và đồng Chủ tịch Ban Chỉ đạo của Liên minh cho biết: "Thật vinh dự khi được đồng lãnh đạo Liên minh hành động AI toàn cầu và đóng góp kiến thức chuyên môn của IBM về đạo đức AI để thúc đẩy công việc chung của nhóm. Tôi tin tưởng rằng cùng nhau chúng ta có thể biến lời hứa và lợi ích của AI có trách nhiệm thành hiện thực trên toàn xã hội".

Liên minh được hỗ trợ bởi các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức học thuật hàng đầu và các công ty trong ngành cam kết thúc đẩy các dự án tiên tiến tập trung vào các khu vực tác động chính và các nhu cầu chưa được đáp ứng. Theo đó, các lĩnh vực trọng tâm ban đầu bao gồm:

- Tuyên  truyền các chính phủ và nhà lãnh đạo ngành về rủi ro, cơ hội và các phương pháp hay nhất của AI;

- Tăng cường học hỏi đồng nghiệp quốc tế giữa các nhà lập pháp tập trung vào AI;

- Thúc đẩy thiết kế và sử dụng sản phẩm có trách nhiệm trong các tổ chức do AI điều khiển;

- Phát triển chứng nhận cho các hệ thống AI có trách nhiệm;

- Xác định và giảm sự thiên vị trong các hệ thống AI;

- Tăng cường hòa nhập vào hệ sinh thái AI và mở rộng lợi ích của AI cho các nhóm chưa được phục vụ;

- Mở khóa quyền tiếp cận công lý thông qua ứng dụng AI trong các hệ thống tư pháp;

- Tận dụng AI để đẩy nhanh các mục tiêu phát triển bền vững;

- Chuẩn bị cho công dân những kỹ năng cần thiết và trao quyền cho họ để hình thành một tương lai AI bền vững.

"Hãy hình dung về một tương lai mà AI có thể nâng cao tính nhân văn chung, tạo ra một thế giới bền vững, bình đẳng và phát triển mạnh mẽ hơn. Tầm nhìn này nằm trong tầm tay nếu chúng ta hành động tập thể ngay bây giờ. GAIA sẽ dẫn đầu trong nỗ lực toàn cầu này bằng cách tập hợp một liên minh đa dạng về quan điểm và các tác nhân để đảm bảo AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người", Vilas Dhar, Chủ tịch Patrick J. McGovern Foundation nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đạo đức AI: Đã đến lúc cần một bộ quy tắc đảm bảo lấy con người làm trung tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO