Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phải có những đột phá mới

Tâm An| 17/11/2021 17:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước những cơ hội và thách thức mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), để đáp ứng nhu cầu phát triển, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng nguồn lao động với những đột phá mới trong đào tạo.

Hội thảo "Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" ngày 17/11 đã ghi nhận nhiều ý kiến về tác động của cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi trên thị trường lao động. Đây là một trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số".

Cuộc CMCN 4.0 và yêu cầu chuyển đổi lao động

Cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước; tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường lao động, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi tích cực trong nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được những yêu cầu của thời đại.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao" là một trong ba đột phát chiến lược cho giai đoạn 5 năm tới đây.

Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 là cơ sở nền tảng, là điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phải có những đột phá mới - Ảnh 1.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An: CMCN 4.0 là cơ sở nền tảng, là điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao.

Cuộc CMCN 4.0 cũng đang tạo ra những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động. "Đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như ở nước ta, việc chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay", ông Đỗ Ngọc An chỉ rõ.

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, quan tâm. Công tác quản lý Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Nguồn nhân lực được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc An cũng cho rằng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Cụ thể, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo; việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề.

Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Từ thực tế đó, tại Hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, sự tiến bộ về công nghệ hiện nay đã làm biến đổi mọi yêu cầu, mọi phương pháp tiếp cận giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng tất yếu và hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có sự thay đổi, chuyển đổi mạnh về cơ cấu, chất lượng, số lượng, loại hình lao động, đặc biệt nguồn nhân lực số cần ưu tiên đầu tư để phát triển.

Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao cũng cần có những năng lực mới, có kiến thức nền tảng vững chắc, kiến thức cốt lõi và đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ số.

Cần phải có những đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những trao đổi, làm rõ chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CĐS; phát triển nguồn nhân lực CNTT; CĐS ngành giáo dục trong thời gian tới.

Với tham luận "Cuộc CMCN 4.0 và yêu cầu chuyển đổi thị trường lao động", bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, công nghệ số phát triển khiến xu hướng định hình việc làm cũng thay đổi, phương thức làm việc kinh doanh cũng đổi mới. Đặc biệt, thời gian vừa qua dịch COVID-19 đã xáo trộn về việc làm, là phép thử cho khả năng chống chịu của nhiều nền kinh tế.

Việc đánh giá về nhu cầu kỹ năng cho tương lai cần dựa vào phân tích thấu đáo hơn về những tác động của cuộc CMCN 4.0 tới từng ngành kinh tế. Định hình tương lai việc làm thời gian tới, bà Nguyễn Hồng Hà cho biết mặc dù sự phát triển của công nghệ số khiến 6 triệu việc làm mất đi, nhưng thay vào đó có thêm 24 triệu việc làm mới, trong đó khoảng 18 triệu việc làm trong nền kinh tế xanh, nếu "chăm sóc" tốt, có thể tạo ra 269 triệu việc làm mới vào năm 2030.

Nhấn mạnh tương lai của việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta, những hành động chúng ta thực hiện ngày hôm nay sẽ định hình tương lai của việc làm, bà Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: Phát triển kỹ năng không phải là nhiệm vụ của riêng Chính phủ. Đó là trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan, những người có cùng mục tiêu tăng cường kỹ năng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam - bao gồm Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình tiếp cận và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đại học Quốc gia TP. HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM đã đưa ra những thách thức lớn khi thực hiện CĐS cũng như đào tạo nguồn nhân lực CĐS và đặc biệt là đào tạo nhân lực về trí tuệ nhân tạo (AI): Tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng, với tốc độ thay đổi theo hàm số mũ chứ không còn theo tuyến tính như trước; Xuất hiện những hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến, như công nghệ 5G, giao tiếp mạng xã hội; Xuất hiện những câu hỏi mới chưa từng có trong 3 cuộc cách mạng trước như hành xử của con người đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ như thế nào?

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phải có những đột phá mới - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM: từ khóa quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đó chính là "đột phá".

Theo ông Vũ Hải Quân, từ những thách thức trên đặt ra 5 vấn đề cần quan tâm: Sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của đại học trong việc đáp ứng sự thay đổi; Xác định đâu là kiến thức tối thiểu trong thế kỷ 21; Liệu con người có đảo ngược được các quyết định của máy tính; Sáng tạo và nuôi dưỡng sự sáng tạo cho sinh viên; Những hành xử về chuẩn mực đạo đức, liệu máy tính có hiểu được không?

Ông Vũ Hải Quân cũng cho biết, Đại học Quốc gia TP. HCM đặt mục tiêu vào top 15 nhóm nghiên cứu hàng đầu châu Á về AI thời gian tới. Để đạt được mục tiêu trên, nhà trường sẽ đổi mới chương trình đào tạo, phối hợp với doanh nghiệp để đồng đào tạo, khuyến khích sinh viên học một số tín chỉ trên nền tảng mở...

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn cho biết để thích ứng và bắt kịp với thời đại số, ngành giáo dục sẽ thay đổi trong quá trình phát triển nguồn nhân lực, ngành xác định đây là trọng tâm và chiến lược quan trọng để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy CĐS trong giáo dục.

"Chuyển đổi lao động phát triển nguồn nhân lực số là yêu cầu tất yếu, Bộ GD&ĐT rất muốn lắng nghe các ý kiến từ các bên để có giải pháp, có chiến lược phát triển, có đề án để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Hoàng Minh Sơn mong muốn và thông tin thêm, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức đào tạo, chất lượng đào tạo, đẩy mạnh kết nối cung cầu trong đào tạo.

Tại Hội thảo ông Vũ Hải Quân cũng đã đưa ra những đề xuất trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo nâng cao nguồn nhân lực có thể đáp ứng được những yêu cầu trong tương lai.

Theo ông Vũ Hải Quân, nhu cầu về nguồn nhân lực đáp ứng quá trình phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là rất lớn, do vậy, CĐS, chuyển đổi lao động hiện tại cũng như tạo nguồn cung lao động phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của những người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức giáo dục.

Từ thực tế đó, ông Vũ Hải Quân cho biết, đối với các cơ quan chức năng cần phải có những nghiên cứu dự báo về số lượng nguồn nhân lực số, trình độ cũng như kỹ năng để có thể đạt được mục tiêu đặt ra. Từ dự báo đó để có thể đưa ra những chính sách đầu tư hợp lý. Muốn ngành giáo dục thật sự cất cánh, thật sự có chất lượng tốt thì phải có sự đầu tư hợp lý. Do đó, khâu dự báo kết hợp với việc đầu tư là một đòn bẩy quan trọng.

Thứ hai, là cần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số thông qua việc lựa chọn các chương trình, phương thức phối hợp giữa các bên có liên quan để cùng tìm ra phương án đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo mới nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về việc làm trong điều kiện của cuộc CMCN 4.0.

Đặc biệt, ông Vũ Hải Quân cũng nhấn mạnh từ khóa quan trọng trong đào tạo đó chính là "đột phá". Theo ông Quân, chúng ta nói rất nhiều về đột phá các công nghệ nhưng không hề nói đến việc đột phá trong đào tạo. Các trường đại học cần liên kết với nhau tạo ra một nền tảng chung mà trên nền tảng đó có thể phát triển các chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo mới thực sự mang tính đột phá.

Thứ ba là việc ứng dụng CNTT trong quá trình đào tạo và CĐS. Thực tế, đại dịch vừa qua đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho đào tạo trực tuyến. CĐS cần phải được đồng bộ trên cùng một nền tảng để có thể vừa cung cấp kiến thức, đồng thời cung cấp được những kỹ năng cũng như các giải pháp giúp cho sinh viên thực sự hòa nhập, hội nhập./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phải có những đột phá mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO