Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo - điểm sáng trong “bão dịch”

Trung Hiếu| 24/09/2021 15:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Báo cáo vừa công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo (ĐMST), Việt Nam đang bắt kịp đà tăng Chỉ số ĐMST (GII) của thế giới.

Nhận định của một số nhà đầu tư cũng chỉ ra, đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn được duy trì với nhiều điểm đáng chú ý.

Bắt kịp đà tăng

Theo Báo cáo của WIPO, năm 2021, GII của Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia và nền kinh tế. Dù tụt hai bậc (năm 2019 và 2020 xếp thứ 42), nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình “đang bắt kịp đà tăng của GII trên thế giới”, dẫn đầu nhóm 34 quốc gia có cùng thu nhập và tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra, năm 2021, điểm số 7 trụ cột GII của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước có cùng thu nhập. Trong hơn 10 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển của mình.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến nhiều nền kinh tế trên toàn cầu, WIPO đánh giá, đầu tư cho ĐMST ở Việt Nam 2 năm qua vẫn được duy trì.

Thông tin rõ hơn về tình hình đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, theo Báo cáo ĐMST và đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2020 do Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures thực hiện, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, bất chấp khó khăn, thách thức của dịch Covid-19. Năm 2020 - năm đầu dịch bệnh Covid-19 khởi phát và lan rộng trên toàn cầu, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD. Nguồn vốn đổ vào các lĩnh vực khá đa dạng như: Thanh toán và bán lẻ; HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản); EdTech (công nghệ giáo dục); MedTech (công nghệ y tế); SaaS (phần mềm dạng dịch vụ)… do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cập nhật về tình hình đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST, NIC cho biết, các thương vụ gọi vốn vẫn được duy trì. Gần đây nhất là CoderSchool - một công ty khởi nghiệp Việt chuyên cung cấp các khóa học lập trình trực tuyến được đầu tư 2,6 triệu USD từ các nhà đầu tư Iterative, XA Network và iSeed Ventures. Tiếp đó, Startup Arevo sản xuất xe đạp bằng in 3D huy động thêm 25 triệu USD; Công ty kinh doanh rao vặt trực tuyến Carousell (đơn vị chủ quản của Chợ Tốt) công bố huy động thành công 100 triệu USD trong vòng gọi vốn mới; startup sách nói Fonos gọi vốn thành công 1,1 triệu USD…

Kỳ vọng đột phá

Dự báo về triển vọng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans tại Việt Nam, phụ trách thị trường Đông Nam Á và Mỹ nhận định, Việt Nam là thị trường mới nổi với nhiều tiềm năng nên cơ hội cho các nhà đầu tư là rất lớn. Không chỉ riêng Quỹ đầu tư Nextrans mà rất nhiều quỹ đầu tư khác kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của thị trường Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi các hoạt động thị trường được nối lại sau thời gian giãn cách để phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, bà Tuệ Lâm lưu ý, vì cơ hội hút dòng vốn vào khởi nghiệp sáng tạo chỉ đến trong từng thời điểm nên nếu có chính sách phục hồi kinh tế tốt thì chắc chắn dòng vốn đầu tư vào hoạt động này sẽ sớm sôi động trở lại. Ngược lại, hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch không tốt thì dòng vốn đầu tư dự kiến vào Việt Nam sẽ tìm kiếm các thị trường khác…

Để sẵn sàng hút dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, dự kiến đầu tháng 10 tới, NIC sẽ phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức Chương trình công bố hoạt động nguồn nhân lực cho ĐMST - hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực ĐMST cho Việt Nam với các nhóm hoạt động cụ thể. Tiếp sau sự kiện này, NIC sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thúc đẩy ĐMST…

Với sự chuẩn bị này, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Do Ventures cho rằng, khó khăn cũng là cơ hội để thúc đẩy hoạt động ĐMST. Bà Vy tin tưởng, với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo - điểm sáng trong “bão dịch”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO