Đẩy cao làn sóng chuyển đổi số toàn dân, toàn diện trong năm 2022

Hoàng Linh| 29/12/2021 07:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia toàn dân, toàn diện trên cả ba trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với trọng tâm đồng hành cùng các bộ, ban ngành, địa phương CĐS và đột phá về thúc đẩy cơ sở dữ liệu dân cư (CSDL) và đất đai.

Năm 2021 tạo làn sóng CĐS

Năm 2021 đã bước vào những ngày cuối cùng, đánh giá về công tác CĐS trong năm 2021, theo Bộ TT&TT, trong thời gian rất ngắn, công cuộc CĐS Quốc gia đã lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ vô cùng nhanh chóng, tạo nên một làn sóng CĐS trên khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Chính trong quá trình CĐS này, các DN công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế số để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề nhưng những khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra cũng là động lực góp phần thúc đẩy quá trình CĐS phát triển mạnh mẽ. Có thể thấy, nếu không có COVID-19, khái niệm CĐS sẽ không được lan tỏa đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, sẽ không có câu chuyện Lãnh đạo Chính phủ có thể trực tiếp họp trực tuyến với các điểm cầu tại các huyện, xã trên khắp cả nước; sẽ không có hơn 25 triệu học sinh đi học trực tuyến; sẽ không có việc người dân ở nông thôn, miền núi được khám bệnh online đến từng nhà; sẽ vẫn còn cảnh những người nông dân hàng ngày, hàng giờ đau đáu tìm đầu ra cho nông sản, đặc sản vùng miền và sẽ còn chờ lâu hơn nữa để chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã luôn đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh ứng dụng CNTT, CĐS; hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SME) CĐS. Cụ thể, đến hết tháng 11/2021 đã có 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với CSDL quốc gia về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân; 15/22 bộ, ngành và 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0; 17/22 bộ, ngành và 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm giai đoạn 2021-2025; 54/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đô thị thông minh; 13/22 bộ, ngành và 41/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Chương trình/Kế hoạch CĐS, 5 tỉnh, thành phố đang tiếp tục hoàn thiện Chương trình/Kế hoạch.

Tính đến giữa tháng 11/2021, các chỉ tiêu của Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS đã đạt được 87.500 lượt truy cập, có 14.707 DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng. Ngày 08/10/2021 Bộ TT&TT đã ban hành công văn số 3948/BTTTT-THH về việc đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS (Chương trình SMEdx).

Hiện, Bộ TT&TT đang thu thập danh sách DN vừa và nhỏ của cả nước để triển khai các hoạt động truyền thông rộng rãi và sâu sắc hơn; Xây dựng mạng lưới CĐS xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ và thường xuyên được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức CĐS, kỹ năng số để trực tiếp triển khai công tác CĐS đến từng cơ quan, tổ chức, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công, dịch vụ xã hội trực tuyến cho từng người dân trên địa bàn.

Bộ TT&TT đã xác định việc xây dựng Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Đẩy cao làn sóng chuyển đổi số toàn dân, toàn  diện  trong năm 2022 - Ảnh 1.

Chủ động đồng hành và thúc đẩy CĐS toàn dân, toàn diện trong năm 2022

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT đến hết năm 2022, Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong xếp hạng Chính phủ điện tử (CPĐT) theo đánh giá của Liên Hợp Quốc. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình CĐS quốc gia toàn dân, toàn diện trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Bộ TT&TT đặt trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân.

Bộ TT&TT cũng sẽ phát triển hệ sinh thái số Việt Nam với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến tới làm chủ công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số; thúc đẩy việc sử dụng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua NDXP trung bình 20%/năm.

Chỉ đạo một số công tác trọng tâm năm 2022 của ngành TT&TT, nhấn mạnh về công tác CĐS, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022 - 2024, định hướng đến năm 2025 ngày 22/12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh CĐS là đi vào mọi ngóc ngách của đời sống. “Hiện chúng ta đã cơ bản xây dựng được các chiến lược, đề án. Các địa phương cơ bản đã thấy được những công việc cần phải làm".

Đẩy cao làn sóng chuyển đổi số toàn dân, toàn  diện  trong năm 2022 - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Chiến lược lớn CĐS đã có rồi, nếu làm được những bài toán cụ thể, thậm chí là nhỏ, sau đó nhân ra thì rất tốt".

“CĐS hay ứng dụng CNTT không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn vào rất nhiều yếu tố mà người làm công nghệ không thể làm chủ được... Hơn lúc nào hết, công nghệ vẫn phải được thúc đẩy, chứng minh rằng việc này rất khó nhưng nếu ứng dụng công nghệ sẽ dễ hơn. Điều đó cần phải thực hiện bằng cách làm mẫu, đi trước và hỗ trợ”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Bộ TT&TT và Thái Nguyên đã phối hợp với nhau để hình thành các mô hình xã CĐS. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị: “Chúng ta cần tiếp tục điều đó và đặt ra từng bài toán cụ thể, lập ra nhiều nhóm làm việc, nhóm công tác, huy động không chỉ cán bộ Bộ TT&TT”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất mừng khi trong bối cảnh đại dịch, Bộ TT&TT đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các DN, các chuyên gia, lập rất nhiều các nhóm công tác, tổ làm việc để giải bài toán cụ thể CĐS cho từng nơi. “Chiến lược lớn đã có rồi, nếu làm được những bài toán cụ thể, thậm chí là nhỏ, sau đó nhân ra thì rất tốt”.

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2022, Bộ TT&TT cần cố gắng tận dụng trên cơ sở kế thừa nền tảng của năm 2021 để đẩy mạnh hơn nữa các nền tảng Việt Nam. “Rất mong các tỉnh, các ngành ủng hộ. Có thể dùng của Việt Nam lúc ban đầu không nuột nà bằng nước ngoài nhưng trong CNTT, dùng nó chính là giúp phát triển nó. Nếu không dùng nó tức là không giúp phát triển nó”.

“Dùng nhiều khi khó chịu một chút nhưng đây là sản phẩm của anh em chúng ta. Chúng ta dùng chính các nền tảng Việt Nam là giúp đất nước phát triển. Đặc điểm bây giờ là tất cả các nền tảng đều được hoàn thiện qua số đông người dùng”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phải làm mạnh hơn về dữ liệu để CĐS, đặc biệt CSDL dân cư, đất đai

Năm 2022, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải làm mạnh hơn về dữ liệu. “Đây là câu chuyện người trong nghề đều biết là việc sống còn. Chúng ta đã có CSDL về dân cư, giờ cần đẩy mạnh triển khai để phục vụ người dân. Hãy đặt ra những thứ rất cụ thể để người dân thấy thiết thực”.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ, nếu triển khai tốt đề án về CSDL dân cư và giao cho Bộ Công An quản lý, tất cả mọi người dân khi đã khai báo thông tin cơ bản về nhân thân thì chỉ cần khai báo một lần duy nhất, không đến bất kỳ cơ quan nhà nước nào, thậm chí các DN cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước không bao giờ phải khai báo lại. “Người dân khi đó mới thấy mình có lợi. Tất cả phải phục vụ nhân dân”.

Cũng theo Phó Thủ tướng, các CSDL về DN đã làm rất tốt ở thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký DN,... “Bây giờ cần kết nối lại và nâng tầm sao cho các DN cũng như vậy, không phải phục vụ thanh kiểm tra hay báo cáo kim ngạch như trước nữa. Điều này nhằm tiết kiệm thời gian cho DN”.

Năm 2022, Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung làm bằng được, cơ bản phải hoàn thành CSDL về tài nguyên, đặc biệt quan trọng nhất với người Việt Nam là tài nguyên đất đai. Với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, tài nguyên về đất đai là vô cùng quan trọng. Nếu hoàn thành tài nguyên dữ liệu về đất đai, nó sẽ tạo nên một tác động xã hội vô cùng lớn, không kém gì câu chuyện thanh toán điện tử.

“Nếu làm được 3 CSDL lớn đó cộng với thanh toán điện tử, CĐS, kinh tế số, xã hội số sẽ có những bước tiến thực chất. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, có những việc riêng lẻ với nhau. Năm 2022 sẽ là năm kết nối lại để thành kết quả rõ rệt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, thông tin về những kết quả công tác triển khai CSDL quốc gia về dân cư, CSDL “lõi”, quan trọng của Quốc gia và khai thác CSDL này hiệu quả phục vụ CĐS, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết có được kết quả về CSDL dân cư là nhờ có sự đồng bộ cao trong việc việc chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Công an các cấp tới Công an huyện, xã. 8.200 xã, hơn 2.000 Công an phường, thị trấn đã tham gia triển khai. Bộ Công an thực hiện vừa triển khai dự án dữ liệu dân cư, vừa triển khai cán bộ chính quy về cơ sở triển khai, theo phương châm vừa làm vừa hoàn thiện, vừa tập huấn vừa chỉ đạo.

Đẩy cao làn sóng chuyển đổi số toàn dân, toàn  diện  trong năm 2022 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: "Đến nay, Bộ Công An đã đảm bảo xác lập dữ liệu dân cư của 98 triệu dân cư".

Đến nay, Bộ Công an đã đảm bảo xác lập dữ liệu dân cư của 98 triệu dân cư, 100% trẻ sơ sinh được cấp mã số định danh khi sinh, trên 50 triệu căn cước công dân (CCCD). Công việc có thể hoàn thành trong tháng 12/2021 hoặc chậm nhất tháng 1/2022, tuy nhiên, do tác động của thiếu hụt chip nên quá trình có thể chậm hơn. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công an đã xây dựng được bản đồ số dân cư quốc gia, chứng minh rằng dữ liệu dân cư trên nền tảng số phục vụ CĐS.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ TT&TT, Y tế, Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết dữ liệu dân cư được tích hợp cho các tiện ích vào ứng dụng (app) chống dịch. Ban đầu có nhiều app nhưng cuối cùng các Bộ đã thống nhất dữ liệu để cùng chia sẻ là app PC-Covid và VNEID. Chúng ta đã ứng dụng tại TP. HCM hồi tháng 7-8/2021 phục vụ xã hội, kết quả đã truy vết nhanh được đối với những người giao hàng (shipper), phát hiện được lộ trình di chuyển của các f0 hoặc các trận bóng trên sân vận động Mỹ Đình để đảm bảo an toàn. Sự kiện bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử HĐND các cấp thì các dữ liệu này được ứng dụng để rà soát, tra cứu đối với cử tri, hạn chế tối đa vấn đề thừa thiếu thông tin.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết Chính phủ đã quyết định giao xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu quốc gia dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và CĐS. Trước hết, Bộ Công an xác định 5 tiện ích có thể phục vụ xã hội ngay khi đề án được duyệt: (1) Thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Bộ Công an có 304 dịch vụ công (DVC) trực tuyến, được gom thành 18 lĩnh vực. Trong Quý I/2022, cơ bản các DVC mức độ 4 người dân không phải đến trụ sở Công an. Bộ Công an sẽ đề xuất với Chính phủ phân loại theo từng nhóm, lĩnh vực với hơn 7000 DVC quốc gia; (2) Dữ liệu dùng chung phải đảm bảo chính xác. Các dữ liệu chuyên ngành, lõi đã được xác định phải khẩn trương đưa vào sử dụng, chia sẻ làm giàu dữ liệu dân cư quốc gia; (3) Khai thác dữ liệu dân cư với các ngành, địa phương để phục vụ phát triển; (4) Dữ liệu dân cư phục vụ khai thác chung, thu phí để tái đầu tư cho các trung tâm dữ liệu; (5) Phối hợp Bộ Y tế, Bộ TT&TT xác thực các trường hợp cá nhân, DN đã tiêm vaccine, đã xét nghiệm đi lại theo Nghị quyết số128/NQ-CPcủa Chínhphủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Thông tin về CĐS của ngành Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) trong đó có xây dựng CSDL đất đai, một CSDL Quốc gia “lõi”, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ Bộ TN&MT đã tham gia vào quá trình CĐS, đó là quá trình tạo ra các thông tin dữ liệu, để tạo ra CSDL về thông tin địa lý làm nền tảng, nhưng mặt khác là quản lý 9 lĩnh vực điều tra cơ bản, cung cấp hầu hết các dịch vụ phục vụ cho người dân. “Vấn đề ứng dụng thông tin CĐS là một nhu cầu hết sức cấp bách, đây là một trong những nhiệm chính trị hết sức quan trọng của Bộ TN&MT, vì vậy, Bộ TN&MT nhận thức được vai trò này”.

Đẩy cao làn sóng chuyển đổi số toàn dân, toàn  diện  trong năm 2022 - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: "Bộ TN&MT đặt quyết tâm làm một CSDL tích hợp, đồng bộ, thống nhất tập trung về TN&MT để phục vụ người dân".

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là một ngành quản lý các lĩnh vực như đất đai, môi trường Bộ TN&MT rất nỗ lực. Việc CĐS của cũng gặt hái được những thành tựu ban đầu khi đi đầu xây dựng một Bộ không giấy tờ. Hiện nay, Bộ TN&MT hoàn toàn có thể không cần giấy tờ, hoàn toàn các chữ ký là đều thông qua chữ ký số. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngành hiện nay là phải xây dựng được một trong 5 CSDL quốc gia, trong đó có CSDL về đất đai. 

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ TN&MT đặt quyết tâm làm một CSDL tích hợp, đồng bộ, thống nhất tập trung về TN&MT để phục vụ người dân và tạo nên một tài nguyên thay thế cho các tài nguyên tự nhiên, nó sẽ có giá trị nhưng trước mắt sẽ tập trung vào đất đai.

Vì dữ liệu đất đai có tính lịch sử phức tạp, chắc chắn là những dữ liệu lớn có liên quan đến bản đồ, các trường dữ liệu khác nhau, liên quan đến quy hoạch. Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Chúng tôi đặt quyết tâm, chắc chắn là phải hoàn thành được CSDL quốc gia này. Tôi thấy nó chỉ có hiệu quả khi kết nối được với các CSDL như CSDL dân cư, các CSDL khác, tạo ra một sự liên thông và trên cơ sở đó quản lý một cách thống nhất".

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Bộ TT&TT để xây dựng được một CSDL quốc gia thống nhất, tập trung tích cực để phục vụ cho người dân.

Bộ TT&TT đồng hành và thúc đẩy CĐS

Trước các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với công tác năm 2022 của Bộ TT&TT và các kiến nghị của các đại biểu từ các bộ về CĐS, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trân trọng ghi nhận các kiến nghị của các đại biểu và cho biết Bộ TT&TT sẽ đưa vào kế hoạch năm 2022 để xử lý.

“Bộ TT&TT xin cam kết xử lý một cách nhanh nhất theo tinh thần là việc 5 năm thì làm 1 năm và khi có khó khăn thì gặp gỡ trực tiếp. Các kiến nghị đã được phát biểu và chưa được phát biểu sẽ được Văn phòng tổng hợp và tập hợp giao cho các đơn vị trong Bộ xử lý”.

Đẩy cao làn sóng chuyển đổi số toàn dân, toàn  diện  trong năm 2022 - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới".

Về CĐS, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh quan trọng nhất là kết nối dữ liệu. “Kết nối thì cần vai trò của người điều phối, thúc đẩy, đồng hành và đó là Bộ TT&TT, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số mà cả trong lĩnh vực báo chí, truyền thông”.

Năm 2021, theo Bộ trưởng, đối với ngành TT&TT là một năm rất đặc biệt. Đại hội lần thứ đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định CĐS là động lực của phát triển kinh tế. “Khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá, vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao. Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Đôi cánh này đều liên quan tới Ngành TT&TT. Ngành đã có một sứ mệnh mới. COVID-19 là “cú hích” cho CĐS”.

Bộ trưởng cũng cho biết năm 2021 đã đẩy toàn đất nước chúng ta vào CĐS nhưng hạ tầng, cách làm vẫn là thời CNTT, bởi vậy các vấn đề của Ngành đã bộc lộ ra một cách rất rõ ràng. Nếu cứ bình thường thì chắc chúng ta cũng không nhìn thấy rõ.

Theo người đứng đầu ngành TT&TT, nếu cứ bình thường thì có thể chúng ta vẫn tiếp tục khen nhau, tiếp tục làm việc trên giấy tờ và tạo ra thành công trên giấy tờ nhưng COVID-19, nhất là biến chủng Delta và đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đã đẩy chúng ta ra khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về CĐS, về truyền thông.

Bộ trưởng nhận định: “Ngành đã có một cách tiếp cận đúng với các vấn đề lộ ra. Thay vì lo sợ và tìm cách giấu đi hay bao biện thì chúng ta đã chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết. Và vấn đề lộ ra không ngờ lại là một cơ may hiếm có để Ngành ta phát triển. Đi qua khó khăn và thách thức đã làm cho chúng ta tự tin hơn và quan trọng hơn tất cả là tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh, coi đây là động lực cho phát triển”.

Về công tác năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới. Hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số,DN công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, CĐS báo chí.

Để thúc đẩy CĐS, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số, và công cụ pháp lý số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng”.

Năm 2022, việc nhiều hơn, yêu cầu cao hơn, nhưng thu nhập thì chưa, nhưng theo Bộ trưởng, chúng ta phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, bỏ đi những việc không tạo ra giá trị, phẳng hóa bộ máy, tự động hóa các báo cáo.

“Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc dựa trên dữ liệu và AI... Khác biệt căn bản nhất của cuộc CMCN lần thứ 4 là máy móc thay lao động trí óc của con người. Ba cuộc cách mạng trước đây là máy móc thay lao động chân tay. Các đầu tư của Bộ, của Ngành từ năm 2022 sẽ tập trung vào công nghệ số để giảm tải cho CBCNV. Việc thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn nhưng thời gian làm việc thì phải ít hơn”.

Đại dịch COVID là cuộc khủng hoảng toàn cầu, là khủng hoảng trăm năm một lần nhưng Bộ trưởng cho rằng đại dịch COVID cũng cho chúng ta những bài học và cơ hội trăm năm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là thời cơ tận dụng để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng để Việt Nam hùng cường, thịnh vượng để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm và vì vậy Việt Nam sẽ được hoà bình lâu dài.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và ngành TT&TT nói riêng nhưng với tinh thần chủ động, nỗ lực sáng tạo, trong năm 2021, toàn Ngành đã cố gắng, phấn đấu đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2% - 2,5% GDP của quốc gia. Tổng số lao động toàn ngành TT&TT năm 2021 đạt 1.431.041 lao động, tăng 8% so với năm 2020.

Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực của ngành TT&TT trong năm 2021 đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/172 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020). Về lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) mạng, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế (GCI) (từ vị trí 50 năm 2020 lên vị trí 25 trong năm 2021). Năm 2021, số tên miền quốc gia “.vn” đạt 544.361 tên miền, tăng 5,2% so với năm 2020, Việt Nam thuộc top 11 châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 45 toàn cầu. Xếp hạng chỉ số phát triển Viễn thông IDI của Việt Nam ước tính xếp 74/176 quốc gia (tăng 3 hạng so với năm 2020)./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TTT&TT số 12 tháng 12/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy cao làn sóng chuyển đổi số toàn dân, toàn diện trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO