Đẩy lùi các thông tin xấu, xuyên tạc trên Internet hiện nay trong môi trường Phật giáo

T.H| 15/03/2021 08:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, mạng xã hội và internet phát triển như vũ bão đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội của Phật giáo Việt Nam nhằm nêu cao giá trị Từ bi - Trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Đẩy lùi các thông tin xấu, xuyên tạc trên Internet hiện nay trong môi trường Phật giáo - Ảnh 1.

Thượng Tọa TS Thích Minh Nhẫn


Bên cạnh đó, mặt trái và sự tác hại của công nghệ cũng rất khó lường. Để cùng nhau đồng hành, đẩy lùi các thông tin xấu, xuyên tạc trên Internet hiện nay trong môi trường Phật giáo, Thượng Tọa TS Thích Minh Nhẫn - Phó tổng Biên tập Thường trực kiêm Thư ký Tạp chí Văn hóa Phật giáo (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã đưa ra một số giải pháp rất hữu hiệu.

Tổ chức học tập, tập huấn, tọa đàm, hội thảo

Tổ chức học tập nghị quyết và triển khai phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII của Giáo hội trung ương đến tập thể nhân sự hệ thống Ban Thông tin - Truyền thông từ trung ương đến cấp huyện và nhân sự Giáo hội các cấp để tạo sự đồng thuận trong toàn Giáo hội.

Đặc biệt cần quan tâm đến sự đồng thuận của Chư tôn Đức giáo phẩm niên cao lạp trưởng, đảm bảo tất cả đều được quán triệt về tư tưởng, quan điểm phát triển Truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp của Giáo hội, để khái niệm "Truyền thông Phật giáo"nhanh chóng trở nên gần gũi đối với chư vị Tăng, Ni lớn tuổi.

Đây là điều cần thiết nên thực hiện, vì trong thực tế công tác tuyên truyền những thành tựu hoạt động Phật sự của các tự viện thường gặp trở ngại là do hạnh nguyện tu tập không thích thể hiện thành quả hoặc e ngại lời ra tiếng vào cho là cầu danh, cầu lợi.

Tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề về nội dung "Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hoằng pháp".

Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về nghiệp vụ truyền thông Phật giáo, bao gồm nội dung hình ảnh tĩnh và động của video kỹ thuật số và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin phát triển truyền thông Phật giáo.

Đẩy lùi các thông tin xấu, xuyên tạc trên Internet hiện nay trong môi trường Phật giáo - Ảnh 2.

Lớp bồi dưỡng cho các phật tử về kỹ năng xử lý thông tin

Cùng chung tay đẩy lùi các thông tin mang tính xuyên tạc với ý đồ làm tổn hại uy tín của Phật giáo và Giáo hội

Tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho các nhân sự chuyên ngành của Ban Thông tin - Truyền thông của Giáo hội các cấp, nhằm đạt hiệu quả tác nghiệp nhanh, chính xác đúng sự thật và có năng lực sử dụng các ứng dụng liên quan đến mạng xã hội, Website để kịp thời chuyển tải nội dung đến xã hội và cộng đồng mạng, định hướng dư luận và công tác phản biện. 

"Một trong những việc làm này là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để tránh được sự phá hoại bằng cách kích động, gây chia rẽ giữa Nhà nước và Phật giáo… Chúng ta cũng phải bác bỏ những luận điệu của các thế lực xấu, tránh việc bị bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của chư Tăng, Ni nói riêng và của Tăng đoàn nói chung".

Đẩy lùi các thông tin xấu, xuyên tạc trên Internet hiện nay trong môi trường Phật giáo - Ảnh 3.

Mỗi Phật tử trở thành một Hoằng pháp viên sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ phát triển truyền thông Phật giáo

Các tỉnh trong khu vực nên phối hợp - liên kết, hỗ trợ nhau về công tác truyền thông Phật giáo để trao đổi về kinh nghiệm, kỹ năng và kỹ thuật. Những vị lãnh đạo của Ban truyền Thông Phật Giáo các tỉnh thành trong khu vực nên tạo nhóm Zalo, Facebook để thường xuyên liên lạc, cập nhật, chia sẻ thông tin cho nhau về những nội dung đăng tải và kịp thời hỗ trợ, chia sẻ về những Website, Fanpage Facebook mình đang quản lý để tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh qua hiệu ứng tâm lý lây lan đám đông, đạt hiệu quả truyền tải thông tin hoạt động Phật sự và thuyết giảng đến với quần chúng nhanh nhất, đồng thời cũng để kịp thời định hướng dư luận đối với những vấn đề khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo.

Hình thành kênh truyền hình kỹ thuật số phát trực tiếp trên Fanpage của Facebook, Youtube, Youku và các trang mạng xã hội khác về các chương trình hoạt động Phật sự, Hoằng pháp, Từ thiện, An sinh xã hội. 

Để đạt hiểu quả cao nhưng giảm thiểu sự tốn kém về chi phí mua sắm trang thiết bị truyền hình trong giai đoạn hiện nay, Ban Thông tin - Truyền thông của các tỉnh cùng khu vực cần nối kết lại với nhau và hình thành một trung tâm xử lý dữ liệu. Bao gồm dựng phim và biên tập, để các tỉnh thành trong khu vực đã nối kết thì chỉ cần có một máy quay ghi hình hoạt động Phật sự rồi viết tin gởi về trung tâm xử lý dữ liệu để được hỗ trợ biên tập dựng phim và sản xuất ra sản phẩm phát trực tiếp trên trang Fanpage, Youtube chung của nhóm truyền thông trong khu vực.

Còn tại địa phương thì chia sẻ về trang Fanpage của địa phương và copy đường link trên Youtube đăng lên trang Website của địa phương đang quản lý hoặc tải file từ ổ cứng đám mây của máy chủ của trung tâm xử lý dữ liệu để phát lại và đăng tải lại trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các trang mạng xã hội khác.

Xây dựng trường quay để thu hình, sản xuất tiền kỳ và hậu kỳ, làm bản tin, điểm tin hoạt động Phật sự, làm ký sự, phóng sự, phim tài liệu…, kịp thời chuyển tải hoạt động Phật sự của Giáo hội đến xã hội và cộng đồng mạng nhanh nhất nhằm nêu cao giá trị Từ bi - Trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của Tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước.

Đồng thời, cũng là phương tiện truyền thông kịp thời chuyển tải phát ngôn chính thức của Giáo hội bằng video kỹ thuật số, truyền tải phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội để xử lý các vấn đề khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo, để định hướng dư luận và phản biện xã hội.

Ban thông tin truyền thông Phật giáo của các tỉnh thành phải luôn cập nhật, đăng tải các chương trình hoạt động Phật sự và thuyết giảng theo các từ khoá có định hướng và chủ ý tại các ứng dụng công cụ tìm kiếm nhằm kịp thời đẩy lùi các thông tin xuyên tạc có ý đồ làm tổn hại uy tín của Tăng đoàn và Giáo hội theo phương châm"Ánh sáng đến đâu, bóng đêm bị đẩy lùi đến đó".

Cùng với đó là thường xuyên tuyên truyền đến Tăng, Ni, và Phật tử nên giữ gìn oai nghi người con Phật khi sử dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, không nên tuỳ tiện đăng tải hình ảnh mang tính giải trí, tự sướng (selfie), vui đùa thiếu oai nghi, đạo hạnh. Các hình ảnh này rất dễ bị kẻ xấu khai thác, lấy làm cơ sở để xuyên tạc đời sống phạm hạnh của Tăng đoàn và làm phương hại đến uy tín của Giáo hội.

Xây dựng, đào tạo mỗi Phật tử trở thành một Hoằng pháp viên sử dụng điện thoại thông minh phát triển truyền thông Phật giáo

Xây dựng ứng dụng xem hoạt động Phật sự, xem nghe thuyết giảng trên thuyết bị điện thoại di động thông minh và thiết bị nghe nhìn.

Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương kết hợp với Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử triển khai đến chư vị giảng sư có ý thức tuyên truyền, vận động tích cực lồng ghép vào các buổi thuyết giảng. Từ đó, để tín đồ Phật tử có ý thức ứng dụng các công cụ như Phật sự Online, Butta, Giác Ngộ online… để xem và nghe các chương trình về hoạt động Phật sự và thuyết giảng trên phương tiện giải trí, thiết bị nghe nhìn hiện đại và điện thoại thông minh, có ý thức thường xuyên cập nhật chia sẻ về trang Website và fanpage trên tường trang cá nhân để giới thiệu với bạn bè và cộng đồng mạng.

"Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân con người mỗi Tăng, Ni Phật tử chúng ta cần ý thức rõ và sử dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp và góp phần xây dựng và phát triển con người và xã hội để tất cả cùng sống tốt, sống thiện".

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi các thông tin xấu, xuyên tạc trên Internet hiện nay trong môi trường Phật giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO