Đẩy mạnh truyền thông để người dân, DN hiểu về lợi ích của Cổng Dịch vụ công quốc gia

Trường Thanh| 15/09/2020 14:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đề nghị đối với công tác truyền thông cần phải tuyên truyền để người dân, DN hiểu được lợi ích của Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Công tác tuyên truyền quan trọng nhất là tạo niềm tin, người dân có thể an tâm về sự an toàn, bảo mật của hệ thống.

Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan về việc triển khai thực hiện công tác truyền thông thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVCQG.

Đẩy mạnh truyền thông với cách làm hiệu quả hơn

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, thời gian qua, nhiều DVC đã được đưa lên Cổng DVCQG để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp (DN). Từ 8 nhóm DVC ban đầu đến nay đã có 1.089 DVC được cung cấp trên Cổng DVCQG. Các Bộ, cơ quan cũng phối hợp để tích hợp thanh toán trực tuyến (TTTT), dù mới triển khai từ tháng 3/2020, đến nay, đã có hơn 11.000 giao dịch TTTT, trong đó tập trung chủ yếu trong tháng 7, 8/2020 khoảng 4 nghìn giao dịch với giá trị khoảng 5 tỷ đồng/tháng.

Cổng DVCQG đã đồng bộ trạng thái hơn 16,5 triệu hồ sơ phục vụ tra cứu, giám sát, đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tiếp nhận, xử lý hơn 341.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG, tăng hơn 7,5 lần so với tháng 4/2020, hiện nay mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 hồ sơ.

Đẩy mạnh truyền thông để người dân, DN hiểu về lợi ích của Cổng Dịch vụ công quốc gia - Ảnh 1.

Cần phải tuyên truyền để người dân, DN hiểu được lợi ích của Cổng DVCQG

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, dù các đơn vị rất nỗ lực, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực tuyên truyền nhưng nhiều người dân chưa biết hết các DVC của Cổng DVCQG hoặc chưa nắm hết quy trình thực hiện. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông với cách làm hiệu quả hơn, để người dân nắm rõ và thực hiện các DVC đang mang lại nhiều thuận tiện cho cả người dân, DN.

Theo Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), thời gian vừa qua, VTV đã hỗ trợ, phối hợp tích cực để tuyên truyền tới người dân, DN về thực hiện DVC trực tuyến trên Cổng DVCQG. Hiện nay, đây là kênh truyền thông chính, mang lại hiệu quả rất lớn giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy người dân thực hiện DVC trực tuyến, TTTT trên Cổng DVCQG.

Bên cạnh đó, Cổng DVCQG cũng đang phối hợp với Google để thực hiện truyền thông hình ảnh của Cổng thông qua công cụ tìm kiếm của Google và đang thiết lập kênh youtube để tải lên các video, clip hướng dẫn thực hiện các DVC, tiện ích trên Cổng DVCQG.

Ngoài ra, Cổng DVCQG cũng thực hiện việc truyền thông qua một số báo, đài, hội nghị, hội thảo...; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tuyên truyền trên các kênh truyền thông riêng của các đơn vị này.

Cục Kiểm soát TTHC đề nghị VTV, các bộ, ngành phối hợp với VPCP xây dựng kế hoạch, chương trình truyền thông về thực hiện DVC trực tuyến trên Cổng DVCQG năm 2021 và các năm tiếp theo. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phối hợp với VTV và các cơ quan báo, đài thực hiện tuyên truyền về thực hiện DVC trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của bộ, địa phương, cơ quan trên Cổng DVCQG.

Bên cạnh đó, lựa chọn các DVC có đối tượng thực hiện lớn (dịch vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thu phạt vi phạm hành chính; thông báo hoạt động khuyến mại; giấy phép lái xe; đăng ký phương tiện giao thông; các thủ tục về hộ tịch, sở hữu trí tuệ...), xây dựng thành các phóng sự để phát vào những giờ vàng, nhằm tuyên truyền tạo hiệu ứng lan tỏa cho người dân, DN.

Tuyên truyền để người dân, DN hiểu được lợi ích của Cổng DVCQG

Đại diện các Bộ, cơ quan tham dự cuộc họp đều thống nhất việc cần tăng cường và đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội để tạo sự an tâm cho người dân khi sử dụng DVC và khi thanh toán trực tuyến.

Đại diện VTV cho biết, thời gian qua VTV đã thực hiện nhiều chương trình khác nhau để tuyên truyền cho Cổng DVCQG. Để đẩy mạnh tuyên truyền, VTV đề nghị cần có cách truyền thông lâu dài, chủ động qua tăng cường thông tin trên các bản tin, thực hiện các video clip giới thiệu về các DVC phát vào các khung giờ thu hút chú ý; đồng thời, gợi ý các cách truyền thông khác nhau cho Cổng DVCQG. Đại diện VTV cũng đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với VTV và các cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình tuyên truyền.

Nhất trí về cần đẩy mạnh tuyên truyền về Cổng DVCQG, đại diện Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu ý kiến, cần đẩy mạnh tuyên truyền về các DVC trên các nền tảng, các phương tiện thông tin khác nhau. Mỗi DVC cần có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, bao gồm các video clip ngắn giới thiệu về từng dịch vụ để lan tỏa, tạo niềm tin hơn nữa cho người dân khi sử dụng DVC.

Đẩy mạnh truyền thông để người dân, DN hiểu về lợi ích của Cổng Dịch vụ công quốc gia - Ảnh 2.

Các DVC là một trong các giải pháp để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Anh Đức

Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, trong 9 tháng năm 2020, đơn vị đã thực hiện 56 triệu hồ sơ điện tử (trong đó có 35 triệu hồ sơ liên quan DVC trực tuyến). Trong đó, dịch vụ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán trực tuyến, DVC hỗ trợ DN trong đại dịch COVID-19 là dịch vụ được sử dụng nhiều nhất.

BHXH đã đẩy mạnh tuyên truyền các DVC trước, trong và sau mỗi DVC được đưa đến công chúng. Các kênh sử dụng truyền thông qua phương thức truyền thông đại chúng (với khoảng 100 cơ quan báo chí) và truyền thông nội bộ.

Đại diện Tập đoàn VNPT cho rằng: "Dù DVC có tốt nhưng truyền thông không tốt thì cũng không thể đến với người dân". Vì vậy cần kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho chương trình truyền thông, xây dựng thành đề án để tuyên truyền cụ thể. VNPT cũng sẽ xem xét để người dùng tiếp cận DVC một cách tốt nhất, truyền thông qua các app để khách hàng sử dụng tiện lợi hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị, đối với công tác truyền thông cần phải tuyên truyền để người dân, DN hiểu được lợi ích của Cổng DVCQG. Công tác tuyên truyền quan trọng nhất là tạo niềm tin, người dân có thể an tâm về sự an toàn, bảo mật của hệ thống.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhất trí với các đề nghị cần kế hoạch truyền thông rộng rãi trên tất cả phương tiện thông tin tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan truyền thông phối hợp với VPCP để tăng cường thông tin về Cổng DVCQG.

Trong công tác tuyên truyền cấn nhấn mạnh các DVC là một trong các giải pháp để phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là một trong những biện pháp để phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh việc tiếp tục đưa các DVC cung cấp cho người dân, DN trên Cổng DVCQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, VPCP sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông theo hướng đặt đầu bài cho các cơ quan truyền thông, khuyến khích xã hội hóa, quảng bá trên nhiều phương tiện và phương thức khác nhau. Đồng thời đề nghị đề nghị VTV và các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VPCP để tuyên truyền về Cổng DVCQG.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh truyền thông để người dân, DN hiểu về lợi ích của Cổng Dịch vụ công quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO