Để chuyển đổi số theo định hướng của Đại hội XIII: Điều kiện cần và đủ

Hoàng Minh| 30/01/2021 08:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu như tại các đại hội trước, khái niệm chuyển đổi số, kinh tế số,… chưa được nhắc đến, thì tại Đại hội XIII, khái niệm này đã được nhắc đến nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Thậm chí, trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, còn chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ... tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số”. Nhưng để có thể đạt được hiệu quả cao trong chuyển đối số, cần có điều kiện cần và đủ.

Chuyển đổi số: Mối quan tâm của những người đứng đầu

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh. Chính vì vậy, chuyển đổi kỹ thuật số đã luôn là đề tài nóng hổi tại các hội nghị trên toàn thế giới trong nhiều năm và giai đoạn này được dự đoán là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo lên kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi này trong tất cả các ngành công nghiệp.

Hồi tháng 10-2020, tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World) theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ rằng chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy thiết kế và nội dung chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Nhiều điều ngày hôm qua, hôm nay là đúng nhưng sẽ phải thay đổi và phải thay đổi rất nhanh. Phó Thủ tướng khẳng định: "Là một quốc gia đang phát triển, hơn 30 năm qua Việt Nam đã duy trì được môi trường ổn định, hợp tác, phát triển và tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm ít nước cao nhất thế giới. Trong nỗ lực và kết quả đó có sự góp phần quan trọng - nhiều thời điểm có tính mở đường - của ngành viễn thông và công nghệ thông tin. Xác định sự cần thiết thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ con người, để không ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một Chương trình chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu, giải pháp cụ thể".

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam lần đầu tiên (9-10/1/2021), tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đã chia sẻ rằng, một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ là thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì đây là "chìa khóa thành công" và một trong những "lợi khí" quan trọng nhất trong chiến lược phát triển.

Vấn đề chuyển đổi số tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Điều kiện cần và đủ - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam lần đầu tiên (9-10/1/2021). (Ảnh: PV)

Thủ tướng nhấn mạnh: "Đổi mới sáng tạo là yếu tố nội sinh quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, chính công nghệ mới, cùng với nguồn nhân lực phù hợp, có khả năng sử dụng và kiểm soát công nghệ mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình".

Trước đó, Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/1/2020 về "Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam" đã đưa ra nhận định: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Chuyển đổi số trong 3 đột phá chiến lược

Trong bài phát biểu phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến 3 đột phá chiến lược, trong đó đặc biệt đều gắn với chuyển đổi số dù trực tiếp hay gián tiếp.  Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng...

Vấn đề chuyển đổi số tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Điều kiện cần và đủ - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu phiên khai mạc Đại hội XIII. (Ảnh: Dangcongsan.vn)

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, so với trước đây, ba đột phá được đề ra tại Đại hội XIII có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, điểm có liên quan trực tiếp nhất đến việc chuyển đổi số chính là đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Đại hội XII nêu mục tiêu phát triển nhiều loại hạ tầng, tập trung phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu và kết cấu hạ tầng ở địa bàn đô thị, những địa bàn còn khó khăn... Văn kiện Đại hội XIII đề cập cụ thể hơn là ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Ông Thông phân tích: "Chiến lược phát triển đất nước là lâu dài, ba đột phá trên được đề ra tại Đại hội XI, XII nhưng qua 10 năm thực hiện mới đạt kết quả bước đầu. Vì vậy, trong 5 năm tới cần xác định rộng hơn đột phá thứ nhất và đi vào trọng tâm, trọng điểm trong đột phá thứ hai, thứ ba".

Để thực hiện thành công đột phá chiến lược mà Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, chúng ta cần chú ý đến ba mối quan hệ trong chuyển đổi số quốc gia, mà thực tế chính là tiến tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, muốn đạt tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chúng ta cần giải quyết trọn vẹn 3 khâu thể chế, nền tảng, đào tạo nguồn nhân lực và xử lý 3 mối quan hệ.

Vấn đề chuyển đổi số tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Điều kiện cần và đủ - Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: TTXVN)

Thứ nhất, Chính phủ điện tử là xử lý mối quan hệ của các cơ quan hành chính Nhà nước. Hiện đã thực hiện kết nối các cơ quan Đảng, Quốc hội và 4 cấp chính quyền (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta phải kết nối điện tử hóa và số hóa, bảo mật thông tin. Nghị định 45/2020 xác nhận tính pháp lý của văn bản điện tử có giá trị như văn bản có chữ ký tươi. Khi đã nhận dữ liệu một lần, sẽ không bắt người dân, doanh nghiệp mang hồ sơ giấy đến và không có scan giấy tờ. Thực hiện số hóa thì các cơ quan Nhà nước cũng phải số hóa hồ sơ".

Thứ hai, Chính phủ hay cơ quan Nhà nước phải xử lý mối quan hệ với người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Ông Dũng nói: "Chúng ta mới triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia 1 năm 26 ngày và đã có 100,5 triệu lượt truy cập, trên 400 ngàn tài khoản đăng nhập một lần duy nhất và làm giàu dữ liệu. Hiện, các cơ quan đang tiếp tục thực hiện dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai và rất nhiều ngành đã và đang tích cực thực hiện như nông nghiệp, ngân hàng, công thương, tài chính...

Thứ ba là phải xử lý mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với đơn vị cung cấp dịch vụ công; thanh toán không dùng tiền mặt… Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: "Với cách tiếp cận như vậy, vừa rồi Văn phòng Chính phủ chủ trì, mạnh dạn giao đầu bài cho doanh nghiệp trong nước là VNPT và Viettel thực hiện, có chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá sự an toàn, bảo mật cho hệ thống. Bây giờ kết nối làm sao để người dân, doanh nghiệp làm thủ tục không phải đến các cơ quan Nhà nước nữa".

Chuyển đổi số: Điều kiện cần và đủ

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số ở Việt Nam cần có những điều kiện cần thiết về thể chế, bộ máy thực hiện và các nguồn lực để triển khai các đột phá chiến lược. Cần coi số hóa nền kinh tế là động lực đặc biệt quan trọng và chủ yếu cho mô hình tăng trưởng kinh tế mới, và đi liền với đó cần phải thiết lập sớm, đầy đủ và đồng bộ các điều kiện về thể chế, bộ máy thực hiện, môi trường kinh doanh, các nguồn lực và con người để nền kinh tế số có thể phát triển nhanh. Để số hóa nền kinh tế thành công, chất lượng bộ máy quản trị quốc gia là một trong những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định trên bốn nội dung: (i) sự hỗ trợ lâu dài của Nhà nước về mặt chính sách; (ii) tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia; (iii) sự đảm bảo môi trường an ninh cho số hóa nền kinh tế; (iv) sự ổn định đối với phát triển nền kinh tế số trong dài hạn. Trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã chỉ rõ: "Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xã hội số".

Vấn đề chuyển đổi số tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Điều kiện cần và đủ - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Có thể thấy, phát triển kinh tế số, một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới. Đổi mới tư duy lý luận về kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là tập trung phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất và có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển mới. Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế số và có phương hướng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030 là một lựa chọn sáng suốt và đúng đắn, là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn phát triển Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để chuyển đổi số theo định hướng của Đại hội XIII: Điều kiện cần và đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO