Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành GTVT

Hoàng Linh| 24/10/2021 11:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam đã chia sẻ các giải pháp công nghệ số giúp ngành GTVT chuyển đổi số (CĐS) tại hội nghị CĐS ngành GTVT ngày 22/10.

Cụ thể, lãnh đạo các Tập đoàn Viettel, VNPT, FPT và hai startup là công ty CP Vexere, công ty TNHH Abivin đã khẳng định cam kết đồng hành và sẵn sàng cung cấp các giải pháp công nghệ số để hỗ trợ ngành GTVT thực hiện các bài toán về quản lý, chi phí trong quá trình CĐS.

Viettel hỗ trợ triển khai giải pháp giao thông thông minh

Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết trong những năm qua, tập đoàn này đã phát triển, làm chủ và khai thác hiệu quả các nền tảng công nghệ như dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT), thanh toán số, điện toán đám mây...

DN số đề xuất các giải pháp thúc đẩy CĐS cho ngành GTVT - Ảnh 1.

Ông Lê Đăng Dũng: Viettel có thể tham gia ngay công cuộc CĐS ngành GTVT, như triển khai giải pháp giao thông thông minh, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh

"Các nền tảng này sẽ giúp ngành GTVT nhanh chóng triển khai lập các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia một cách thông minh, liên thông dữ liệu, phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ cũng như kết nối với Chính phủ. Ví dụ, CSDL người lái, phương tiện, kết nối hạ tầng và phương tiện vận tải, đồng thời phục vụ các nhiệm vụ khác như: điều khiển giao thông, quản lý đăng kiểm, quản lý vận tải".

Ông Dũng cũng đề xuất các lĩnh vực Viettel có thể tham gia ngay vào công cuộc CĐS ngành GTVT, như triển khai giải pháp giao thông thông minh (ITS), đồng thời xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh cho cả ngành và các lĩnh vực đường bộ, hàng không, đăng kiểm; xây dựng 4 CSDL quốc gia về phương tiện, người lái, kết cấu hạ tầng, DN. Cùng đó, Viettel có thể cung cấp các giải pháp về an toàn thông tin, văn phòng không giấy tờ.

Với năng lực tài chính, ông Dũng cho biết Viettel sẵn sàng phối hợp với ngành GTVT triển khai thí điểm các dự án giải pháp công nghệ CĐS, thiết bị và triển khai trong thực tế. Đồng thời, cung cấp các giải pháp về nguồn vốn như: đầu tư công, PPP, xã hội hóa, cũng như tiếp cận các nguồn tài chính.

Đề xuất người dân mua vé trả phí tự động cho tất cả các loại hình phương tiện

Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ, giao thông là huyết mạch của một đô thị hay một quốc gia, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến người dân. Vì vậy, CĐS lĩnh vực GTVT rất quan trọng trong CĐS chính quyền, kinh tế số và xã hội số.

Ông Long cho biết để Bộ GTVT thực hiện được mục tiêu CĐS giai đoạn 2021-2025, CĐS ngành GTVT nên thực hiện đồng bộ việc phục vụ người tham gia giao thông và công tác điều hành giao thông.

DN số đề xuất các giải pháp thúc đẩy CĐS cho ngành GTVT - Ảnh 2.

Phó Tổng giám đốc VNPT Nguyễn Nam Long: Cần đẩy mạnh ứng dụng CĐS mua vé tự động, thanh toán online

Để phục vụ người tham gia giao thông, ông Long cho biết cần đẩy mạnh ứng dụng CĐS mua vé tự động, thanh toán online. Cùng đó là hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và DN; Tự động nhận diện đối tượng để cảnh báo an toàn, an ninh tại các nhà ga, bến đỗ và phương tiện công cộng.

"Đối với việc điều hành giao thông, cần thông minh hơn, tự động hơn thông qua nhiều ứng dụng công nghệ 4.0 như IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI)... nhằm tập trung giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông", ông Long cho biết.

Ông Long cũng chia sẻ CĐS ngành GTVT cần ưu tiên và tạo ra hệ thống thông tin thông minh kết nối với người điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ văn hóa giao thông và hỗ trợ quá trình khai thác điều hành hệ thống giao thông công cộng một cách linh hoạt, chủ động và chống ùn tắc.

Do vậy, cần ưu tiên kết nối liên thông các loại hình vận tải giúp cho người dân, DN khi tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, mua vé trả phí cho tất cả các loại hình phương tiện. Ví dụ, để đi từ điểm A đến điểm B, khách hàng phải đi cả đường bộ, hàng không... thì chỉ cần một vé điện tử duy nhất.

"Cần tập trung khai thác hiệu quả giá trị dữ liệu không chỉ cho riêng ngành GTVT mà còn cho quốc gia và cho các ngành khác. Thông tin về giấy phép lái xe, phương tiện vận tải nếu được kết nối với các ngành khác, như công an kết nối CSDL quốc gia về dân cư sẽ giúp cho việc điều hành, xử lý thông tin một cách nhanh chóng", ông Long nêu ví dụ.

Phó Tổng giám đốc VNPT cũng đề xuất triển khai các bãi xe thông minh, robot, hệ thống ga điện tử, hệ thống định danh, các camera thông minh; các sàn giao dịch vận tải điện tử; thu phí điện tử... Về công tác điều hành giao thông, có thể triển khai camera AI để nhận diện các vấn đề giao thông như: ùn tắc, sai làn, tai nạn; hệ thống đèn thông minh; các trung tâm điều hành thông minh... phù hợp để điều tiết các luồng giao thông tại các cửa khẩu, cái bến đỗ.

CĐS để thúc đẩy logistics

Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch công ty hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho biết trong thời gian qua FPT IS đã hỗ trợ xây dựng hệ thống bán vé tàu qua mạng cho đường sắt Việt Nam.

DN số đề xuất các giải pháp thúc đẩy CĐS cho ngành GTVT - Ảnh 3.

Ông Dương Dũng Triều đề xuất ngành GTVT mở dữ liệu

Cũng theo ông Triều, ngành GTVT có CSDL rất lớn và đề xuất Ngành mở dữ liệu để các công ty có thể khai thác đáp ứng cung cấp các dịch vụ, thúc đẩy CĐS để tiết kiệm chi phí bảo trì các công trình. Để quy hoạch logisitcs, ngành GTVT có thể chia sẻ dữ liệu vận chuyển hàng hoá, thúc đẩy hợp tác công tư, thanh toán không dùng tiền mặt.

Còn theo chia sẻ của ông Nghiêm Xuân Trọng, Giám đốc đại diện Văn phòng miền bắc công ty CP Vexere, startup này đã giúp khách hàng có thể đặt vé xe điện tử một cách nhanh nhất, tiếp cận các nhà xe bằng giải pháp số hoá. Vé xe rẻ hiện đã tiếp cận hơn 700 khách hàng, chiếm khoảng 80% nhà xe ở Việt Nam.

DN số đề xuất các giải pháp thúc đẩy CĐS cho ngành GTVT - Ảnh 4.

Ông Nghiêm Xuân Trọng kiến nghị Bộ GTVT xem xét có chính sách ưu đãi cho DN vận tải CĐS

Ông Trọng cho biết Vexere cố gắng giải quyết vấn đề của hành khách là khó tìm, mua và thanh toán vé, thiếu thông tin (giá vé, chất lượng, phương tiện, thời gian), mất thời gian (đặc biệt vào những kỳ nghỉ lễ) bằng hệ thống đặt vé trực tuyến là cổng thông tin vé xe khách lớn nhất Việt Nam với thông tin các tuyến xe, giá rẻ, đánh giá, hình ảnh.

Về phía nhà xe, vấn đề nằm ở hệ thống quản lý tốn kém và không hiệu quả, gian lận và hẹn chế các kênh bán vé, theo đó, Vexere giải quyết bằng phần mềm quản lý hãng xe, mạng lưới bán vé trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline).

Vexere kiến nghị Bộ GTVT xem xét có chính sách ưu đãi cho DN vận tải CĐS, giúp tiếp cận với dữ liệu thống kê chính xác và mới nhất về ngành, có chính sách khuyến khích 100% DN ở bến xe dùng phần mềm.

Ông Phạm Nam Long, CEO công ty TNHH Abivin lại đề xuất giải pháp nền tảng quản lý và tối ưu chuỗi cung ứng để giảm chi phí logistics. Theo đó, 4 vấn đề để lập kế hoạch chuỗi cung ứng gồm: định tuyến theo phương tiện; chất hàng từ các nhà máy lên xe; lập lịch để xe vào kho, vào cảng lấy hàng và giao tác vụ.

DN số đề xuất các giải pháp thúc đẩy CĐS cho ngành GTVT - Ảnh 5.

CEO Abivin Phạm Nam Long: đề xuất giải pháp nền tảng quản lý và tối ưu chuỗi cung ứng để giảm chi phí logistics

Với giải pháp này, CEO Abivin cho rằng sẽ lập được kế hoạch lộ trình của phương tiện chỉ trong vài giây, vài phút và đáp ứng được 40 ràng buộc khác nhau. Để phân phối các đơn hàng cần hơn 50 phương tiện, nhưng với việc tối ưu hóa trong lập lộ trình, có thể chỉ cần đến 40 phương tiện, tiết kiệm được 10 phương tiện. Mỗi phương tiện sẽ biết được chính xác thứ tự đi giao hàng cho mỗi điểm giao, như có cửa hàng phải giao trước 6h00, cửa hàng tạp hóa không nhận hàng buổi trưa.

Abavin cũng kiến nghị được tiếp cận dữ liệu thống kê chính xác và mới nhất về ngành GTVT, loại phương tiện vận tải, thông tin liên hệ, loại hình kinh doanh của các nhà vận tải nhằm tiếp cận đưa giải pháp CĐS tới các nhà vận tải được nhanh chóng.

Hoàn thiện 4 bộ CSDL nền tảng dùng chung của ngành GTVT

Theo Trung tâm CNTT, Bộ GTVT, thời gian qua, ngành GTVT đã tập trung xây dựng và hoàn thiện 4 bộ CSDL nền tảng dùng chung, gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện và CSDL hoạt động trong lĩnh vực GTVT; từ đó, phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.

DN số đề xuất các giải pháp thúc đẩy CĐS cho ngành GTVT - Ảnh 6.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (gồm 7.354 cầu đường bộ; tình trạng mặt đường của 24.598 km đường; 32 loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ).

Bộ đang triển khai xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng: hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt; hoàn thành dữ liệu quản lý 1.570 phương tiện hàng hải; 235.000 phương tiện thủy nội địa; 4.416.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô); 5.823 phương tiện đường sắt; 264 phương tiện hàng không và đang tiếp tục chuẩn hóa dữ liệu và kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực để dùng chung.

Bộ GTVT cũng đã hoàn thành dữ liệu quản lý 48.876.253 người điều khiển mô tô; 10.268.842 người điều khiển ô tô; 2.973 người điều khiển phương tiện hàng không; 81.302 người điều khiển phương tiện hàng hải. Bộ đang triển khai xây dựng CSDL người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa và chuẩn hoá, kết nối dữ liệu dùng chung; hoàn thành dữ liệu quản lý 91.832 DN, hợp tác xã vận tải đường bộ; đang triển khai xây dựng CSDL DN hoạt động trong các lĩnh vực: hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt.

Song song với đó, ngành GTVT cũng triển khai nhiều ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành chuyên ngành của các đơn vị thuộc Bộ, trong đó phải kể đến việc ban hành 07 tiêu chuẩn và triển khai hệ thống giao thông thông minh trên 6/21 tuyến đường cao tốc để hỗ trợ điều hành và quản lý giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại 112 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc, đã dán thẻ cho hơn 1,9 triệu phương tiện đăng ký sử dụng dịch vụ. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 60%. Lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí đạt được khoảng 30-70% lưu lượng xe qua trạm thu phí; triển khai hệ thống quản lý giám sát hành trình xe ô tô; hệ thống quản lý cầu đường bộ; hệ thống giám sát thu phí; hệ thống kiểm tra tải trọng xe; hệ thống quản lý đào tạo, sát hạch xe ô tô.

Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT đã triển khai hệ thống thông tin cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS); hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa tàu biển (LRIT); Hệ thống nhận dạng tự động tàu biển (AIS); hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS).

Lĩnh vực hàng không đã triển khai hệ thống quản lý các chuyến bay chuyên cơ; hệ thống thiết kế phương thức bay của PANADES; hệ thống đọc, giải mã, phân tích thiết bị ghi tham số bay và thiết bị ghi âm buồng lái; hệ thống quản lý thông tin về máy bay.

Bên cạnh đó, Bộ đã triển khai thành hệ thống nhận dạng tự động phương tiện thủy nội địa (AIS); hệ thống quản lý phao báo hiệu; hệ thống bán vé điện tử; hệ thống vận tải, điều hành đường sắt; hệ thống quản lý đăng kiểm tàu biển; hệ thống quản lý đăng kiểm tàu sông; hệ thống quản lý phương tiện đường sắt; hệ thống quản lý kiểm định xe cơ giới; hệ thống quản lý kiểm tra xe máy chuyên dùng; hệ thống quản lý xe cơ giới nhập khẩu…/.

Bài liên quan
  • Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế
    Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác cơ hội kinh doanh sản phẩm, giải pháp ra nước ngoài, sáng 26/3/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị lần hai về hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành GTVT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO