Đọc văn bản không phải là “báo nói”

PHAN VĂN TÚ| 11/10/2021 17:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Vài năm gần đây, một số cơ quan báo chí đưa vào trang thông tin điện tử của mình ứng dụng đọc bài báo “thông minh”. Ứng dụng này dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo để đọc bài báo dạng văn bản theo các tùy chọn của công chúng như: chọn người đọc là nam hoặc nữ, chọn giọng đọc miền Nam hay miền Bắc... và đọc rất tự nhiên chứ không như... máy.

Đọc văn bản không phải là “báo nói” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bản chất của việc đổi mới theo xu hướng công nghệ 4.0 này vẫn là “đọc báo” chứ không phải là tạo ra một sản phẩm “báo nói” như sự nhầm lẫn về tên gọi đôi nơi đôi chỗ.

Câu chuyện bài “chay” trong phát thanh

Những người làm báo phát thanh (hay “báo nói”) lâu năm, ai cũng biết đến một từ rất dân dã của anh em trong nghề: “bài chay” để chỉ một trong rất nhiều dạng sản phẩm trên sóng phát thanh. Bài chay được hiểu là bài chỉ sử dụng “lời bình” của chính phóng viên – biên tập viên để chuyển tải thông tin. Trên sóng, “bài chay” được thể hiện qua giọng đọc của phát thanh viên, và chỉ có giọng đọc của phát thanh viên (trộn với âm nhạc hoặc tiếng động hiện trường) mà hoàn toàn không sử dụng trích băng phỏng vấn – phát biểu của các nhân vật hay tiếng động hiện trường.

Vì sản xuất “bài chay” cho phát thanh dễ thế, nên nhiều phóng viên - BTV sử dụng bài viết của đồng nghiệp trên các ấn phẩm báo in hoặc trực tuyến, mang đọc lại trên sóng phát thanh. Tệ hơn, việc sử dụng này có thể không dẫn cả nguồn, thậm chí cố ý bỏ tên tác giả, đề tên mình để lãnh nhuận bút.

“Bài chay” cũng được áp dụng trong trường hợp phóng viên - BTV “lười biếng”, lấy toàn bộ văn bản của truyền hình sang sử dụng cho phát thanh mà không thèm “xin” cả file phỏng vấn. Các đài PTTH cấp tỉnh là nơi diễn ra thực trạng này, khi 2 bộ phận, 2 loại hình báo chí phát thanh và truyền hình tồn tại chung trong một cơ quan báo chí và họ phải tối ưu hóa hiệu quả kinh tế trong sản xuất tin bài. Thực tế này cũng diễn ra trong một thời gian dài, tính bằng vài chục năm. Các BTV quen “chế biến” bài chay đến mức, họ có thể dùng một phỏng vấn trên báo in để đọc chay trên sóng, bất chấp các quy tắc tối thiểu của phát thanh. Có một số đài PTTH cấp tỉnh, các phóng viên - BTV đã dính kỷ luật nặng vì gian lận nhuận bút từ “kỹ nghệ” chế “bài chay” này.

Việc các báo trực tuyến tích hợp thêm công cụ đọc văn bản để tạo ra tác phẩm báo chí bằng âm thanh rất đáng quý. Nó rất tiện dụng cho nhiều người bận rộn, mắt kém, khiếm thị hoặc người đang lái xe. Nhưng đó thực chất là sản xuất ra các bài phát thanh “chay”, một dạng sản phẩm không được khuyến khích trong phát thanh hiện đại.

“Báo nói” – một loại hình báo chí

“Báo nói”, là cách gọi được sử dụng lâu nay trong thực tế tác nghiệp và cả trong các giáo trình báo chí - truyền thông. Đó là cách gọi khác của “báo phát thanh” hay “phát thanh” - một loại hình báo chí truyền thống (tương tự như “báo hình” dùng cho truyền hình; “báo mạng” dùng cho báo trực tuyến).

Hiểu nôm na, đúng là “báo nói” chuyển tải thông tin bằng tín hiệu âm thanh, nghĩa là bằng lời nói (có thêm tiếng động và âm nhạc). Nhưng, chỉ văn bản được đọc lên thành lời nói, thì không thể xem là “báo nói”.

“Báo nói” về bản chất, còn là tương tác, là sống động, là thân mật, là riêng tư... Để đạt được những tiêu chí đó, thì một sản phẩm báo nói chỉ riêng phần nói thôi, cũng đã phải có sự xuất hiện của cá tính phóng viên, BTV thông qua lời bình cộng với những trích dẫn phỏng vấn, phát biểu của các nhân vật liên quan. Phần trích dẫn “lời nói” của các nhân vật (phỏng vấn, phát biểu) này rất quan trọng, bởi nó chứa đựng thông tin về các nhân vật, trong đó có các thông tin rất giá trị như: thái độ, cảm xúc, quan điểm, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, vùng miền, độ tuổi, giới tính... Những thông tin này chỉ có thể được thể hiện chân thật thông qua giọng điệu sự nhấn nhá của chính nhân vật.

Robot đọc văn bản – cho dù có giống người tới đâu – thì cũng không chuyển tải được những thông tin tinh tế ấy.

Cách đây hơn 20 năm, khi các chuyên gia Thụy Điển đến Việt Nam chuyển giao công nghệ làm phát thanh, một trong những yêu cầu của họ là sóng phát thanh phải thể hiện được đa dạng nguyện vọng, ý kiến của các tầng lớp nhân dân thông qua việc đưa lời ăn tiếng nói của người dân lên sóng. Vì thế phóng viên phát thanh được yêu cầu đi nhiều, tiếp xúc với nhiều đối tượng, ở nhiều vùng miền và thu âm chân thật những chia sẻ của các nhân vật để xử lý đưa vào sản phẩm phát thanh của mình.

Những sản phẩm phát thanh có được nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân như vậy, luôn được đánh giá cao và có mức nhuận bút đặc biệt hơn hẳn so với “bài chay”. Và chính những sản phẩm phát thanh đảm bảo được yêu cầu này, mới là những sản phẩm phản ánh “chân thật khách quan” đời sống xã hội. Vì vậy khi nói đến báo phát thanh thì không chỉ đơn giản là phản ánh hiện thực bằng âm thanh, mà còn phải là sự tôn trọng tất cả những âm thanh thật của cuộc sống.

Một sản phẩm phát thanh chuẩn mực phải là sự phối trộn của 4 loại âm thanh:

Âm thanh lời bình: qua giọng đọc của phát thanh viên – biên tập viên, thể hiện quan điểm, thái độ cảm xúc của người sản xuất ra sản phẩm phát thanh.

Âm thanh nhân vật: phần trích dẫn phát biểu, trả lời phỏng vấn của các nhân vật liên quan, thể hiện quan điểm, thái độ cảm xúc, độ tuổi, trình độ,... của các nhân vật. Âm nhạc: tác động điều chỉnh cảm xúc của người nghe.

Tiếng động hiện trường: phóng viên thu âm những âm thanh đặc trưng của hiện trường diễn ra sự việc được đề cập trong sản phẩm phát thanh, cho thấy phóng viên đã thực sự dấn thân vào thực tế và cung cấp lượng thông tin đáng kể về bối cảnh của câu chuyện.

Trong những loại âm thanh trên, âm thanh của nhân vật và âm thanh hiện trường là đặc biệt quan trọng vì có ảnh hưởng trực tiếp đến tính chính xác, khách quan của sản phẩm báo phát thanh.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đọc văn bản không phải là “báo nói”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO